Ngày ông Táo, tản mạn về cá chép

Ngày ông Táo ông Công, tản mạn về cá chép
“Vì cớ gì người Á Đông lại trọng vọng cá chép đến vậy?” Cá chép xuất thiện từ những câu chuyện thần thoại, trong những nghi lễ hình thức tín ngưỡng” (Ảnh: Shutterstock)

Kể chuyện con cá chép lắm lúc thực chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bởi vì cá chép đâu chỉ đơn thuần là “Thần thú” mà ông Táo dùng để bay về trời. Trong dòng chảy mấy nghìn năm lịch sử Á Đông, cá chép có một thân thế không hề tầm thường vậy…

Trước khi đặt bút viết, một câu hỏi cứ quanh quẩn mãi trong đầu tôi: “Vì cớ gì người Á Đông lại trọng vọng cá chép đến vậy?”. Cá chép bước ra từ những huyền thoại “vượt Vũ Môn hoá rồng”, “ông Táo cưỡi cá về trời”… Cá chép đường hoàng xuất hiện trong lễ phóng sinh của nhà Phật.

Cá chép treo mình ẩn hiện trên những văn vật nghệ thuật từ đồ gốm sứ đến tranh phong thuỷ. Cá chép, cuối cùng, nằm yên vị trên bàn ăn như một món khoái khẩu của người Việt. (Tất nhiên tôi không có ý định bàn tới món… cá chép om dưa đang ngày càng xuất hiện dày đặc hơn trên bàn nhậu của những “hảo hán” uống rượu trừ bữa).

Cá chép, rốt cuộc thì ngươi có tài gì?

Trong truyền thuyết, khi vua Thuỷ tề hội họp các giống loài lại và loan báo cuộc thi “vượt Vũ Môn hoá rồng” do nhà Trời tổ chức, có một con cá chép lạ xin ứng thí. Con cá thật đẹp:

Mắt ngời như ngọc, vảy như vàng
Đuôi dài quẫy sóng nước mênh mang
Nghìn năm giấu hạt Thần trong miệng
Giống quý Trời sinh cũng lạ lùng

Con cá lạ vừa ngoi lên mặt nước thì đã được Thần gió giúp một tay, nổi cuồng phong, vỗ sóng lớn, nâng thân cá một lèo vượt hết ba đợt sóng, bay qua Vũ Long Môn, hoá rồng. Ồ, một sự an bài kỳ diệu của đấng hoá sinh! Con cá chép tầm thường sống ở đáy sông, chẳng có danh phận gì, bỗng phong vân gặp hội, thoắt cái đã trở thành rồng nơi thượng giới, phun mây nhả mù, bay lượn trên vòm trời cao.

ngay ong tao ong cong tan man ve ca chep 1
Con cá chép tầm thường sống ở đáy sông, chẳng có danh phận gì, bỗng phong vân gặp hội, thoắt cái đã trở thành rồng nơi thượng giới, phun mây nhả mù, bay lượn trên vòm trời cao. (Ảnh: Shutterstock)

Tới đây, có một câu hỏi hóc búa hơn nảy sinh: Vì sao trong bao loài thuỷ tộc, Thần gió lại chọn giúp cá chép vượt Vũ Môn? Phải chăng là Thần gió có chút thiên vị cho vẻ ngoài lộng lẫy của con cá quý?

Cũng có thể. Nhưng cá chép vượt Vũ Môn không phải là câu chuyện của kẻ tiểu nhân đắc chí gặp thời. Để có phút giây tung mình toả sáng, con cá đã phải âm thầm, nhẫn nhục hàng nghìn năm. Miệng nó ngậm một viên ngọc quý, cứ lặng lẽ dưới đáy vực mà tu luyện như vậy. Nó còn khác với tất cả loài thuỷ tộc ở một điểm này: dám có ước mơ hoá rồng! Nhẫn nại là thế, kiên gan bền chí là thế, khi thời vận đến, chỉ cần một cơn gió nhẹ là cá ta đã cất mình lên chín tầng không. Chuyện rất dễ hiểu.

Nhà thơ thời Đường, Chương Hiếu Tiêu từng làm hẳn một bài vịnh cá chép có tên là “Lý Ngư”. Thơ rằng:

Nhãn tự chân châu lân tự kim
Thì thì động lãng xuất hoàn trầm
Hà trung đắc thướng long môn khứ
Bất thán giang hồ tuế nguyệt thâm

Dịch nghĩa: Mắt như viên ngọc thật, vảy như vàng. Lâu lâu lại quẫy sóng phóng mình khỏi mặt nước rồi lại lặn xuống. Muốn từ con sông này biến thành rồng bay đi. Thì đừng có than ở lâu năm trong nước.

Dưới Thuỷ phủ có trăm nghìn loài vật, riêng họ cá chép cũng đếm không xuể giống loài nhưng đâu phải con nào cũng dám hoá rồng, được hoá rồng? Thành rồng ắt phải là con cá miệng ngậm ngọc quý, lòng ôm chí lớn. Nói cách khác, ngay từ ban đầu con cá ấy đã phải mang chí của một con rồng.

ngay ong tao ong cong tan man ve ca chep 2
Để có phút giây tung mình toả sáng, con cá đã phải âm thầm, nhẫn nhục hàng nghìn năm. Miệng nó ngậm một viên ngọc quý, cứ lặng lẽ dưới đáy vực mà tu luyện như vậy. (Ảnh: Shutterstock)

Tạm không kể đến chuyện cá hoá rồng, trong truyền thống Á Đông vẫn còn một hình ảnh rất tinh mỹ, hàm súc về con cá chép rất đáng phải bàn: Lý ngư vọng nguyệt (cá chép trông trăng).

Khác với con cá chép ở trên, con “Lý ngư vọng nguyệt” này không hoá thành rồng, cũng chẳng có chí hoá rồng, được miêu tả ở tư thế dũi đầu xuống đáy nước mà ngắm trăng, thực lạ. Trăng trên bầu trời, muốn ngắm trăng mà lại lộn ngược đầu đuôi như thế sao? Mà nữa, trăng thật chẳng ngắm, lại lúi húi nhìn bóng trăng trong nước! Hàng nghìn năm qua, những người mua tranh phong thuỷ, tranh chơi Tết… có lẽ ít để ý đến chi tiết này. Thực ra ý vị của nó vượt xa tầm mức của một bức tranh trang trí.

Trong tranh, ta thấy chú cá chép nọ toàn tâm toàn ý mà nhìn ánh trăng đáy nước. Dường như chú quên mất mình đã bỏ lỡ ánh trăng thực sự ở sau lưng. Chú bị thôi miên cái vẻ lóng lánh tuyệt mỹ, đung đưa yểu điệu của ánh trăng gieo trên làn nước. Bị thôi miên đến mức chú chẳng thể nào tin nổi trên đời lại còn có ánh trăng nào khác đẹp hơn! Và đó là bi kịch của chú.

ông táo,
Chú cá chép nọ toàn tâm toàn ý mà nhìn ánh trăng đáy nước. Chú bị thôi miên đến mức chú chẳng thể nào tin nổi trên đời lại còn có ánh trăng nào khác đẹp hơn! Và đó là bi kịch của chú. (Ảnh: Shutterstock)

Để chỉ những thứ huyễn hoặc, không có thực, người xưa nói là: “Hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước”. Trăng trên bầu trời, bóng trong làn nước, tuy đẹp đấy nhưng chạm tay vào là vỡ tan thành muôn mảnh, vẫn là bọt nước ảo mộng mà thôi. Nhân sinh như mộng, lắm khi người ta bị chính cái mộng tưởng ấy khoá chặt đường về. Chốn hồng trần cuồn cuộn tựa như một phiên chợ phù hoa, danh lợi tình bày bán như món hàng thượng phẩm, ấy thế mà sau trăm năm tất cả bỗng xoà một cái, tan như bóng trăng dưới mặt hồ.

“Lý ngư vọng nguyệt” kia phải chăng là lời nhắc nhở cho một kiếp người chớ vì tham luyến những ảo mộng mà quên mất giá trị đích thực của sinh mệnh mình? Giá như con cá chép ngắm trăng nọ có thể nuôi chí bền, ngậm trong miệng viên minh châu quý, lặng lẽ dưới đáy nước mà tu luyện nghìn năm, chưa biết chừng một ngày kia nó lại được vút bay chín tầng mây, thoả thích ngắm “ánh trăng thực” trong hình hài của một con rồng thiên rồi.

Bạn thấy đấy, nãy giờ vài “lời quê góp nhặt dông dài”, bàn mãi mà chưa đi hết đuôi của một con cá chép?! Càng thắc mắc, càng cố gắng truy tầm sự hiểu biết, tôi càng thấy hồ đồ hơn. Nội hàm văn hoá truyền thống Á Đông quả thực thâm sâu khó lường, mấy nghìn năm truyền thừa như vậy một lời sao nói hết?

Có lẽ hãy lẳng lặng mà nói với nhau lời của Socrates: “Tôi chỉ biết duy nhất một điều là tôi chẳng biết gì cả!”. Tôi cứ tưởng đang nuôi chí của một con cá vượt Vũ Môn hoá rồng nhưng thực ra lắm khi tôi thấy mình chỉ là một con “lý ngư vọng nguyệt” ngốc nghếch mà thôi…

Học Cứu

Nguồn: NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x