Nguồn gốc và ý nghĩa các vật phẩm trang trí ngày Tết

Nguồn gốc và ý nghĩa các vật phẩm trang trí ngày Tết
Tranh vẽ những đứa trẻ mũm mĩm như búp bê trong năm mới là thể hiện mong muốn cho một gia đình hạnh phúc, bình an. (Ảnh: Epoch Times)

Theo truyền thuyết Trung Quốc, mỗi năm, con quái vật khủng khiếp tên Niên (年 – Nian, dịch ra tiếng Việt nghĩa là Năm) đều sẽ tấn công các ngôi làng. Nó ăn tất cả mọi thứ, từ gia súc đến con người. Cứ đều đặn vào đoạn thời gian ấy nó lại đi ra tàn phá và rồi lại biến mất vào rừng.

Một vị thần đã dùng tiếng pháo tre, câu đối đỏ và thắp đèn sáng vào buổi tối đuổi con quái vật này đi, khiến nó tránh xa dân làng mãi mãi.

Đó là truyền thuyết về nguồn gốc năm mới của Trung Quốc, còn được gọi là Tết Nguyên Đán. Với mục đích dọa con quái vật Niên và ngăn nó quay trở lại, các vật phẩm trang trí ngày Tết thường có màu đỏ tươi và sặc sỡ.

Màu đỏ được đa số người Trung Quốc yêu thích vì nó đại diện cho hạnh phúc và may mắn. Dưới đây là một số kiểu trang trí phổ biến được sử dụng để mang đến không khí ngày Tết.

Tranh cắt giấy nghệ thuật

Cắt giấy (剪纸) là một nghề thủ công dân gian, và tranh cắt giấy có thể được sử dụng quanh năm, nhưng đặc biệt được dùng trong Tết Nguyên Đán. Tranh cắt giấy nghệ thuật thường được dán trên các cửa sổ, theo đúng tên gọi của nó là “hoa cửa sổ” (窗花). Các nghệ nhân sẽ tỉ mỉ tạo ra những tác phẩm tuyệt đẹp này và dán chúng lên cửa sổ bằng keo dính từ cơm.

Những đồ trang trí này thường tượng trưng cho sự thịnh vượng và lời chúc tốt lành, chúng được làm bằng giấy đỏ. Các hình ảnh bao gồm cá, đào, lúa, rồng, phượng,… Những hình ảnh ấy là biểu tượng cho những điều tốt lành, chẳng hạn như hình con cá, từ cá theo tiếng Trung Quốc có phát âm giống từ mang ý nghĩa phước lành. Những hình ảnh khác như rồng và đào, là biểu tượng từ truyện dân gian và truyền thuyết. Xiên đâm cá và những hình ảnh liên quan khác đại diện cho hy vọng về một vụ thu hoạch tốt…

Môn Thần

Tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần khác nhau cũng như các nhân vật lịch sử được tôn kính. Trong số đó có một loại thần mang tên Môn Thần (Thần Cửa). Đúng như tên gọi, tranh của những vị thần này được dán lên cửa chính của một ngôi nhà, vì lối vào chính theo truyền thống có hai cửa, nên các vị Môn Thần luôn xuất hiện theo cặp.

Một cặp Môn Thần được vẽ trên cánh cửa
Một cặp Môn Thần được vẽ trên cánh cửa. (Ảnh: Taiwankengo/CC BY-SA 3.0)

Theo truyền thuyết, thợ săn quỷ nổi tiếng nhất của Trung Quốc tên là Chung Quỳ (钟馗) có khuôn mặt rất đáng sợ. Đây là lý do tại sao tất cả các vị Môn Thần đều có đôi mắt giận dữ, gương mặt nhiều nếp nhăn, và cầm vũ khí truyền thống. Thần sẵn sàng bảo vệ cho gia đình trước bất kỳ con quỷ hay linh hồn nào.

Trong một câu chuyện khác, Hoàng đế nhà Đường là Đường Thái Tông (唐太宗) đã nghe thấy tiếng quỷ khóc vào ban đêm. Ông đã ra lệnh cho hai vị tướng đứng canh ngoài cửa để bảo vệ ông. Từ đó ông không bao giờ nghe thấy tiếng khóc nữa và Hoàng đế đã quyết định dán chân dung của các vị tướng lên cửa.

Mặc dù những đồ trang trí này không còn phổ biến trong thời hiện đại, nhưng một số khu vực của Trung Quốc vẫn làm điều này để mang lại bình an và tài lộc cho gia đình.

Chữ ‘Phúc’

Tương tự, người Trung Quốc cũng trang trí ngày Tết bằng một chữ Hán nhất định. Chữ phổ biến nhất là chữ “Phúc” – nghĩa là hạnh phúc và may mắn. Nó được viết bằng thư pháp trên một mảnh giấy đỏ vuông. Những mảnh giấy này sau đó có thể được dán lên tường, cửa ra vào hoặc cửa sổ.

“Phúc” – nghĩa là hạnh phúc và may mắn.
“Phúc” – nghĩa là hạnh phúc và may mắn. (Ảnh: truthseeker08/Pixabay)

Chữ “Phúc” thường được kết hợp vào các đồ trang trí khác, chẳng hạn như giấy cắt và tranh. Như một cách chơi chữ, nhiều người thích treo hoặc dán chữ “Phúc” đảo ngược. Bởi chữ “Phúc” dán ngược có nghĩa là “Phúc Đảo”, chữ “Đảo” (倒 – Dào) trong tiếng Hán đồng âm với chữ “Đáo” (到 – Dào), có nghĩa là “ở đây” hoặc “đến đây”. Trò chơi chữ này thể hiện rằng vận may đang đến, hoặc đã ở đây.

chữ “Phúc” dán ngược nghĩa là “Phúc Đảo”, chữ “Đảo” (倒 – Dào) trong tiếng Hán đồng âm với chữ “Đáo” (到 – Dào), có nghĩa là “ở đây” hoặc “đến đây”
Bởi chữ “Phúc” dán ngược nghĩa là “Phúc Đảo”, chữ “Đảo” (倒 – Dào) trong tiếng Hán đồng âm với chữ “Đáo” (到 – Dào), có nghĩa là “ở đây” hoặc “đến đây”. (Ảnh: Helanhuaren/CC BY-SA 3.0)

Trò chơi chữ thông minh này bắt đầu từ một sự cố. Câu chuyện kể rằng những người hầu của một vị hoàng tử đã trang trí trang viên cho ngày lễ bằng cách dán chữ “Phúc” lên tất cả các cánh cửa. Tuy nhiên, vì người đó không biết chữ, một trong những chữ “Phúc” đó đã bị đảo ngược.

Hoàng tử tức giận vì điều này, yêu cầu trả lời tại sao lại bất cẩn như vậy. Rất may, một người hầu đã nhanh trí đưa ra lời giải thích bằng trò chơi chữ này. “Thần luôn nghe mọi người nói rằng Hoàng tử đầy may mắn. Và bây giờ, vận may thực sự đang ở đây.”– người hầu ấy nói.

Câu đối cho Tết Nguyên Đán

Bắt nguồn từ thời nhà Thục (hơn một nghìn năm trước), các câu đối cho Tết Nguyên Đán có một lịch sử lâu dài và phong phú. Vào thời cổ đại, những cặp câu đối này đã được chạm khắc trên những tấm thẻ làm từ thân cây đào.

Theo truyền thuyết, có một cây đào khổng lồ trong thế giới linh hồn. Mỗi buổi sáng, những linh hồn đến thăm thế giới loài người trong đêm đều phải trở về đó. Lối vào được bảo vệ bởi hai vị thần. Những linh hồn gây hại trong đêm sẽ bị bắt và cho hổ ăn. Vì thế, mọi người bắt đầu khắc tên của hai vị thần này vào gỗ đào để chống lại những linh hồn hung ác. Sau này tên các vị thần được chuyển thành những lời phước lành bằng văn bản, sau đó chuyển thành thành những câu thơ trên giấy đỏ.

Ngày nay, bạn có thể thấy các câu đối dọc theo hai bên cánh cửa của hầu hết mọi gia đình trong mùa năm mới. Một dòng câu đối thứ ba ngắn hơn tùy theo sở thích được đặt phía trên khung cửa. Nhiều mong muốn được gửi gắm trong những câu thơ này. 

Các định dạng và âm điệu của câu đối nên là đồng nhất hoặc có sự bổ trợ cho nhau. Một số người viết thậm chí còn muốn sử dụng việc lặp âm đầu hoặc sử dụng các từ giống nhau cho câu đối dán hai bên. Có vô số phiên bản và phong cách khác nhau, nhưng mỗi cặp câu đối đều truyền đạt mong muốn của người viết cho năm mới.

Câu đối được dán dọc theo cánh cửa của hầu hết mọi gia đình trong mùa năm mới.
Câu đối được dán dọc theo cánh cửa của hầu hết mọi gia đình trong mùa năm mới. (Ảnh: Epoch Times)

Tranh năm mới

Trong tiếng Trung Quốc, loại tranh cụ thể này được gọi là niên họa (年画), dịch ra nghĩa đen là “bức họa năm mới”. Chúng còn được gọi là “bản in năm mới”. Đây là một nghề thủ công có lịch sử ít nhất một nghìn năm. Tranh năm mới phù hợp để phối trí với tất cả các đồ trang trí năm mới, và vì vậy được người dân sử dụng để bày tỏ mong muốn cho năm tới. 

Phong cách nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc là kỹ thuật quen thuộc được sử dụng, nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ in, phong cách và hình ảnh được mô tả đã đa dạng hơn. Một số người gọi những bức tranh này là bách khoa toàn thư về đời sống dân gian. Các đề tài vẽ tranh có thể xuất phát từ các sinh vật trên trời cho đến truyện dân gian hay các hoạt động thường ngày.

Phần lớn các bản in mô tả một đứa trẻ mũm mĩm như búp bê hoặc một người phụ nữ xinh đẹp. Những hình ảnh này thể hiện mong muốn về những đứa trẻ khỏe mạnh và một gia đình hạnh phúc. Có ba trường phái đặc biệt của tranh dân gian Trung Quốc: Đào Hoa Ổ (桃花坞) từ Tô Châu (苏州), Dương Liễu Thanh (杨柳青) từ Thiên Tân (天津) và Duy Phường (潍坊) từ Sơn Đông (山东).

Tranh năm mới
Tranh năm mới thường mô tả một đứa trẻ như búp bê mũm mĩm hoặc một người phụ nữ xinh đẹp. (Ảnh: Epoch Times)

Quả quất vàng

Tên tiếng Anh của loại quả vàng này xuất phát từ cách phát âm tiếng Quảng Đông của quả quất – Kumquats (kim quất), dịch theo nghĩa đen là quất vàng. Như bạn có thể đoán, loại quả này phổ biến ở miền Nam Trung Quốc, Hồng Kông, và Việt Nam.

Theo Trung Quốc, quất (桔 – jú) có nghĩa là may mắn (吉 – jí), đồng thời màu vàng cũng là màu lễ hội và đại diện cho sự giàu có và tài lộc. Thêm vào đó đây là loại trái cây có hương vị thơm ngon đặc trưng và có thể làm các món tráng miệng khác nhau, thực sự không có gì là lạ khi nhiều người mua một cây quất để trồng trong nhà nhân dịp Tết Nguyên Đán!

vật phẩm trang trí ngày Tết
Kumquats, dịch theo nghĩa đen là quất vàng. (Ảnh: Hans/Pixabay)

Các loại cây tốt lành khác bao gồm quýt, cam; chúng phổ biến vì những lý do tương tự như cây quất. Ngoài ra còn có hoa cúc, hoa đào, và hoa mai.

Hoa mai vàng.
Hoa mai vàng. (Ảnh: Rondano/CC BY-SA 4.0)

Đèn lồng

Tết Nguyên Đán kéo dài từ mùng 8 tháng Chạp đến ngày 15 tháng Giêng, với các hoạt động khác nhau cho mỗi ngày, đặc biệt là Lễ hội đèn lồng vào ngày 15 tháng Giêng (rằm tháng Giêng). Có rất nhiều kiểu đèn lồng, từ dạng cơ bản như đèn hình cầu, đến đèn hình hoa sen và thậm chí là cả đèn hình rồng! Một số người viết chữ “Phúc”, thơ hoặc thư pháp lên đèn lồng trước khi thả chúng.

Đèn lồng Khổng Minh, được đặt theo tên của ông vì ông là người đã sáng tạo ra nó, có vai trò đặc biệt quan trọng trong Lễ hội đèn lồng. Mọi người sẽ viết ra những điều ước lên đèn lồng và thả chúng bay lên trời, với hy vọng điều ước của họ sẽ thành hiện thực trong năm mới.

Đèn lồng được thả bay lên trời, với hy vọng điều ước sẽ thành hiện thực trong năm mới.
Đèn lồng được thả bay lên trời, với hy vọng điều ước sẽ thành hiện thực trong năm mới. (Ảnh: Vuong Viet/Pixabay)

Biểu tượng

Như được đề cập trong suốt bài viết này, có nhiều biểu tượng khác nhau được nhìn thấy trong trang trí Tết Nguyên Đán. Tất cả đều có ý nghĩa tốt lành, nhưng chúng được chia thành hai nhóm chung: chơi chữ và đồ vật từ truyền thuyết. Do bản chất của tiếng Trung Quốc là có vô số từ đồng âm, nên đây là một kho vàng cho những ai yêu thích chơi chữ thông minh. Ví dụ như từ con cá được đề cập trong phần tranh cắt giấy, những bức tranh năm mới đôi khi cũng thường là hình ảnh của một đứa trẻ ôm một con cá lớn.

Chữ Ngư (鱼 – Yu) có cách phát âm giống như chữ Dư (余 – Yu), có nghĩa là “dư, thừa, dôi ra, hơn, thêm”. Cụm từ thông thường trong tiếng Trung Quốc là “Niên niên hữu dư” (年年有余 – Nian Nian yǒu Yu), có nghĩa là phải có “dư” mỗi năm. Ở đây, Dư đồng âm với Ngư (cá).

Vì vậy, nếu bạn có “cá” hàng năm, bạn cũng sẽ có thêm tiền, thu hoạch được nhiều hơn, và gặp nhiều may mắn hơn! Tranh vẽ rồng và các vị thần khác nhau cũng là những vật phẩm luôn được săn đón cho ngày Tết. Đặc biệt các con vật hoàng đạo của mỗi năm đều rất tốt.

Văn hóa truyền thống có một lịch sử kéo dài 5000 năm. Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất, nó thể hiện tinh hoa văn hóa dân tộc. Truyền thống cổ xưa đã được ông cha ta truyền lại và vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Mỗi món đồ trang trí năm mới đều mang trong mình một câu chuyện và giá trị đằng sau. Bài viết này mong muốn đem lại cái nhìn khái quát để mọi người hiểu hơn về nguồn gốc ngày Tết Nguyên Đán và ý nghĩa những điều tốt lành đến từ những món đồ trang trí năm mới.

Nam An (tổng hợp)

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x