Tam Tự Kinh: Đọc sách luận bút (35)

Tam Tự Kinh - tập 35: Như nang huỳnh, Như ánh tuyết
Tam Tự Kinh – tập 35: Như nang huỳnh, Như ánh tuyết

Bài 35

Nguyên văn

如(1)囊(2)螢(3),如映雪(4),
家雖貧,學不輟(5)。
如負(6)薪(7),如掛角(8),
身雖勞,猶(9)苦卓(10)。

Bính âm

如(rú)                  囊(náng)           螢(yíng),             如(rú)                映(yìng)            雪(xuě),
家(jiā)                 雖(suī)               貧(pín),               學(xué)             不(bú)               輟(chuò)。
如(rú)                 負(fù)                 薪(xīn),               如(rú)                掛(guà)             角(jiǎo),
身(shēn)            雖(suī)               勞(láo),               猶(yóu)             苦(kǔ)                卓(zhuó)。

Chú âm

如(ㄖㄨˊ)               囊(ㄋㄤˊ)                螢 (一ㄥˊ),
如(ㄖㄨˊ)               映(一ㄥˋ)                雪(ㄒㄩㄝˇ),
家(ㄐ一ㄚ)            雖(ㄙㄨㄟ)              貧(ㄆ一ㄣˊ),
學(ㄒㄩㄝˊ)           不(ㄅㄨˊ)                輟(ㄔㄨㄛˋ)。
如(ㄖㄨˊ)               負(ㄈㄨˋ)                薪(ㄒ一ㄣ),
如(ㄖㄨˊ)               掛(ㄍㄨㄚˋ)            角(ㄐ一ㄠˇ) ,
身(ㄕㄣ)                雖(ㄙㄨㄟ)              勞(ㄌㄠˊ),
猶(一ㄡˊ)               苦(ㄎㄨˇ)                卓(ㄓㄨㄛˊ)。

Âm Hán Việt

Như nang huỳnh, Như ánh tuyết,
Gia tuy bần, Học bất chuyết.
Như phụ tân, Như quải giác,
Thân tuy lao, Do khổ trác.

Tạm dịch

Như túi đom đóm, như mượn ánh tuyết,
Gia cảnh tuy nghèo, không ngừng học tập.
Như nghề gánh củi, như sách treo sừng,
Thân tuy cực khổ, vẫn đạt thành tựu.

Từ vựng

(1) như (如): giống, giống như.
(2) nang (囊): đem đồ vật chứa vào trong túi.
(3) huỳnh (螢): chỉ đom đóm phát ra ánh sáng. Xa Dận triều Tấn trong nhà rất nghèo khó, không có tiền mua dầu thắp đèn, thế là đem đom đóm bỏ vào trong túi, nhờ vào đom đóm phát ra ánh sáng để đọc sách.
(4) ánh tuyết (映雪): ánh sáng do tuyết phản xạ. Tôn Khang triều Tấn bởi vì trong nhà rất nghèo khó, ban đêm lợi dụng ánh sáng do tuyết phản xạ để đọc sách.
(5) xuyết (輟): đứt đoạn.
(6) phụ (負): vác, cõng, gánh.
(7) tân (薪): củi lửa. Chu Mãi Thần triều Hán, nhà nghèo ham đọc sách, đốn củi mà sống. Khi đốn củi xong về nhà, vừa đi vừa học thuộc lòng sách. Sau đó ông được Hán Vũ Đế khen ngợi, đảm nhiệm chức Hội Kê Thái thú.
(8) quải giác (掛角): treo sừng, đem sách treo lên sừng trâu. Trong “Tân Đường Thư. Lý Mật Truyện” ghi chép, Lý Mật triều Tùy, “Ngồi trên lưng trâu, yên lót lá bồ, vẫn đem một bọc vải “Hán Thư” treo lên sừng trâu, một tay nắm dây trâu, một tay lật sách mà đọc.”
(9) do (猶): như cũ, còn, vẫn còn.
(10) khổ trác (苦卓): trong khổ cực mà đạt được thành tựu vượt trội.

Dịch nghĩa tham khảo

Giống như Xa Dận thời triều Tấn, bởi vì gia cảnh rất nghèo khó, không có tiền mua dầu đốt đèn đọc sách, thế là ông liền bắt đom đóm chứa trong túi mỏng, lợi dụng đom đóm phát ra ánh sáng yếu ớt để đọc sách. Giống như Tôn Khang, thường vào ban đêm, lợi dụng ánh sáng phản xạ của tuyết mà đọc sách, hai người họ tuy nghèo khổ, nhưng không ngừng nghiên cứu học tập.

Chu Mãi Thần của triều Hán, gia cảnh bần hàn, lấy đốn củi mà sống, thường thường nhân lúc đốn củi xong thì đọc sách, trên đường gánh củi về nhà đều đọc thuộc lòng văn chương. Giống như Lý Mật triều Tùy, dốc lòng cầu học, đem “Hán thư” treo lên sừng trâu chịu khó mà đọc. Bọn họ tuy hoàn cảnh cơ cực, vẫn chịu đựng gian khổ tuyệt vời để nghiên cứu học tập.

Đọc sách luận bút

Túi huỳnh, ánh tuyết, gánh củi, treo sừng, là miêu tả một người trong hoàn cảnh gian nan khốn khổ, còn có thể chăm chỉ đọc sách. Một khảo nghiệm sự chịu đựng của con người, sẽ không vì hoàn cảnh gian nan liền thay đổi chí hướng của mình. Càng sẽ không vì vậy mà oán trời trách đất. Ở đây đề cập đến những người mà thời cổ đại mọi nhà đều biết, người người đều biết, họ đã trở thành những tấm gương cho những người đọc sách.

Bọn họ không chỉ có chăm học, còn hiểu được mục đích học tập rất rõ ràng, minh bạch nghĩa lý làm người và làm quan, tuyệt đối không phải như ngày nay người ta vì phú quý và lợi ích, cho nên Xa Dận trong chuyện túi huỳnh (túi đom đóm) mặc dù cuối cùng làm quan lớn nhưng có thể xả thân thủ nghĩa (xem câu chuyện bên dưới), Tôn Khang trong chuyện ánh tuyết cũng làm quan đến chức Ngự sử đại phu, do tích đức mà thế hệ sau ông xuất ra danh y tế thế Tôn Tư Mạc.

Chu Mãi Thần nhìn trên bề mặt giống như vì cầu lấy công danh, kỳ thật là một người có trí biết thiên mệnh, ngay cả khi nào ông sẽ phú quý đều rất rõ ràng, cũng thuyết phục vợ nên nhẫn chịu bần hàn, tương lai tất có ngày nổi danh. Những việc trải qua của Khương Thái công (Khương Tử Nha) cũng như vậy, mục đích làm người là để lưu lại một đoạn văn hóa này, khuyến khích con người cần học khổ đọc (nghiên cứu học tập chịu khó đọc sách), cũng cảnh tỉnh phụ nữ phải giữ được đức hạnh lúc nghèo khổ, bằng lòng với số mệnh.

Bài này và bài trước đều lấy câu chuyện người đọc sách có gia cảnh nghèo khổ làm ví dụ để khích lệ mọi người cần học khổ đọc (chăm chỉ chịu khó đọc sách), tương lai tất có thành tựu, không thể vì thân nơi nghịch cảnh, do những điều kiện khách quan mà bị hạn chế, lấy đó làm lý do mà từ bỏ chí hướng đọc sách.

Câu chuyện “Xa Dận chịu khó đọc sách bằng túi đom đóm”

Thời Đông Tấn có vị thiếu niên tên là Xa Dận, tự là Vũ Tử, ra đời trong gia đình làm quan. Ông chăm chỉ ra sức học hành, đọc nhiều sách vở kiến thức uyên bác, chăm chỉ không ngừng.

Bởi vì trong nhà không có tiền mua dầu để đốt đèn chiếu sáng, Xa Dận rất buồn, bởi vì khi trời tối thì cái gì cũng không làm được, chỉ có thể đi ngủ sớm. Xa Dận muốn lợi dụng buổi tối đọc sách thêm một chút, vắt óc suy nghĩ nhiều ngày, vẫn không có cách nào.

Một tối mùa hè nọ, ông ngồi ở ngoài cửa đọc thuộc lòng nội dung sách, bỗng nhiên trước mắt có mấy con đom đóm đang bay lượn, điểm điểm huỳnh quang trong đêm tối rất lóng lánh. Thế là ông nảy ra một kế, bắt rất nhiều đom đóm cho vào một túi lụa trắng, lấy huỳnh quang để chiếu sáng.

Từ đó, ông dựa vào cái túi đom đóm này mà chịu khó đọc sách mỗi ngày, cuối cùng trở thành một vị học thức uyên bác, làm người công chính, có lòng can đảm trượng nghĩa nói thẳng, là người có thể xả thân thủ nghĩa (hy sinh thân mình để giữ đạo nghĩa).

Ông làm quan rất được lòng người, vang danh triều chính, từng nhậm chức Ngô Hưng Thái thú, Hộ quốc tướng quân, cuối cùng làm quan Lại bộ thượng thư. Do ông báo cáo cho triều đình về Cối Kê Vương thế tử Tư Mã Nguyên Hiển kiêu căng phóng đãng mà gặp nạn, bị ép tự vận, ông trước khi chết giận dữ nói: “Ta há sợ chết quá sao? Ta nguyện chết một lần để vạch trần quyền lực gian trá mà thôi!” Cuối cùng lấy cái chết làm rõ ý chí, nhận được sự kính ngưỡng của hậu thế, là một vị Nho giả chân chính.

Câu chuyện “Chu Mãi Thần gánh củi chịu khó đọc sách”

Chu Mãi Thần, tự Ông Tử, là người đất Ngô. Gia cảnh nghèo khó, lại thích đọc sách, ông không có tài sản, dựa vào nghề đốn củi mà sống qua ngày. Lúc gánh củi xuống núi, vừa đi vừa đọc sách, vợ ông cũng gánh củi đi theo phía sau. Người vợ nhiều lần khuyên ông đừng ngâm tụng, ca hát trên đường nữa, Chu Mãi Thần lại không nghe khuyên, càng hát càng hăng say.

Vợ ông vì chuyện này mà cảm thấy xấu hổ, liền muốn rời đi. Chu Mãi Thần lại cười nói: “Khi tôi năm mươi tuổi nhất định sẽ phú quý, bây giờ tôi đã hơn bốn mươi tuổi rồi. Bà theo tôi nhiều năm ăn ở cực khổ như vậy, chờ lúc tôi phú quý, nhất định tôi sẽ báo đáp ân đức của bà.” Vợ ông tức giận nói: “Người như ông cuối cùng sẽ chết đói trong cống rãnh mà thôi, có thể nào phú quý đây!” Chu Mãi Thần không cách nào giữ vợ ở lại, cũng đành mặc cho vợ ra đi.

Có một lần, Chu Mãi Thần một mình gánh củi trên đường vừa đi vừa ngâm nga, đi đến chỗ nghĩa địa, đúng lúc gặp được người vợ cũ cùng chồng cúng viếng mồ mả. Bà thấy Mãi Thần cơ hàn khốn khó, đã cho ông một phần cơm nước đỡ đói.

Mấy năm sau, được Nghiêm Trợ là người chung huyện tiến cử, Mãi Thần được vua Hán Vũ Đế triệu kiến, được Hoàng đế khen ngợi, sau nhậm chức Cối Kê Thái thú.

Khi ông đi tới quận Cối Kê trình diện, dân chúng dọn dẹp đường nghênh đón ông. Mãi Thần tiến vào đất Ngô, trông thấy vợ cũ cùng chồng đang sửa đường với dân chúng, liền dừng xe, đem hai người họ về dinh Thái thú, sắp xếp cho nơi ăn chốn ở. Hễ là người từng có ơn với ông, ông đều nhất định báo đáp.

Tác giả: Lưu Như

Nguồn ChanhKien.Org

Xem Tam Tự Kinh – Tập 36: Tô Tuân nỗ lực đọc sách

Video tham khảo: Chu Mãi Thần gánh củi khổ nhọc

Tam Tự Kinh - Tập 36 - Chu Mãi thần gánh củi khổ học
Video Tam Tự Kinh – Chu Mãi Thần gánh củi khổ nhọc (Nguồn Chánh Kiến)

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x