Tam Tự Kinh: Đọc sách luận bút (24)

Tam Tự Kinh - tập 24: Thang phạt Hạ, Quốc hiệu Thương
Tam Tự Kinh – tập 24: Thang phạt Hạ, Quốc hiệu Thương

Bài 24

Nguyên văn

湯(1)伐(2)夏(3),國號(4)商(5),
六百載(6),至(7)紂(8)亡(9)。
周武王(10),始(11)誅(12)紂,
八百載,最長久。

Bính âm

湯(tāng)             伐(fá)              夏(xià),             國(guó)             號(hào)              商(shāng),
六(liù)                百(bǎi)             載(zài),             至(zhì)               紂(zhòu)           亡(wáng)。
周(zhōu)            武(wǔ)             王(wáng),        始(shǐ)               誅(zhū)              紂(zhòu),
八(bā)                百(bǎi)             載(zài),             最(zuì)              長(cháng)          久(jiǔ)。

Chú âm

湯(ㄊㄤ)                伐 (ㄈㄚ/)             夏(ㄒㄧㄚ\),
國(ㄍㄨㄛ/)        號(ㄏㄠ\)           商(ㄕㄤ),
六(ㄌㄧㄡ\)        百(ㄅㄞˇ)              載(ㄗㄞˇ),
至(ㄓ\)                紂(ㄓㄡ\)           亡(ㄨㄤ/)。
周(ㄓㄡ)                武(ㄨˇ)                  王(ㄨㄤ/),
始(ㄕˇ)                   誅(ㄓㄨ)               紂(ㄓㄡ\),
八(ㄅㄚ)                百(ㄅㄞˇ)              載(ㄗㄞˇ),
最(ㄗㄨㄟ\)        長(ㄔㄤ/)           久(ㄐㄧㄡˇ)。

Âm Hán Việt

Thang phạt Hạ, Quốc hiệu Thương,
Lục bách tải, Chí Trụ vong.
Chu Vũ Vương, Thủy tru Trụ,
Bát bách tải, Tối trường cửu.

Tạm dịch

Thương Thang dẹp Hạ Kiệt, đặt quốc hiệu là Thương,
Trải qua sáu trăm năm, tới Trụ Vương thì hết.
Chu Vũ Vương khởi binh, bắt đầu diệt Trụ Vương,
Trải qua tám trăm năm, triều trị vì lâu nhất.

Từ vựng

(1) Thang (湯): tên người, là vua Thương Thang, vị quân vương đầu tiên của nhà Thương.
(2) phạt (伐): tiến đánh, xuất chinh thảo phạt (ra trận đánh dẹp).
(3) Hạ (夏): là vua Hạ Kiệt, vị quân vương cuối cùng của nhà Hạ, là một bạo chúa trong lịch sử.
(4) quốc hiệu (國號): tên đại diện một nước trong thời cổ đại Trung Quốc.
(5) Thương (商): tên triều đại. Thương Thang diệt nhà Hạ sau đó kiến lập nhà Thương.
(6) tải (載): năm.
(7) chí (至): đến, tới.
(8) Trụ (紂): tên người. Trụ Vương là vị quân vương cuối cùng của nhà Thương, là một bạo chúa trong lịch sử.
(9) vong (亡): mất, tiêu diệt.
(10) Chu Vũ Vương (周武王): tên vua Vũ Vương nhà Chu.
(11) thủy (始): bắt đầu, mới.
(12) tru (誅): giết, tiêu diệt.

Dịch nghĩa tham khảo

Thương Thang đánh dẹp Hạ Kiệt, tiêu diệt nhà Hạ, kiến lập quốc gia mới, đặt tên nước là Thương, truyền thừa hơn 600 năm, đến Trụ Vương thì diệt vong.

Chu Vũ Vương cất binh tiêu diệt Trụ Vương nhà Thương kiến lập ra nhà Chu, lập quốc được 800 năm, là triều đại lâu đời nhất trong các vương triều thời cổ đại.

Đọc sách luận bút

Trung Quốc đã lưu lại một bộ lịch sử và văn hóa chuyển đổi các vương triều hoàn chỉnh nhất, Hạ-Thương-Chu là ba vương triều nổi tiếng mở đầu lịch sử, trong đó triều đại nhà Thương và nhà Chu có lịch sử lâu đời nhất, triều đại nhà Chu đã đặt nền móng cho thế hệ tương lai về mọi mặt, đặt định ra cơ sở văn hóa của toàn bộ tầng con người này. Về cơ bản, lấy cách quân thần trị quốc, lý niệm làm người, lễ nghi cơ bản, thậm chí tất cả các vấn đề và mâu thuẫn lớn nhỏ có thể xảy ra trong xã hội loài người, cũng như các đối sách trí tuệ và các bài học kinh nghiệm, đã thông qua 800 năm ròng rã vì hậu nhân mà bày diễn ra rõ như ban ngày.

Trong lịch sử nhà Chu lâu đời nhất Trung Quốc thuật lại rằng Chu Văn Vương chiêu hiền đãi sĩ, tiềm kiếm thăm hỏi khắp nơi về Khương Thái Công, sau khi tự mình tìm đến diện kiến, tự mình cưỡi xe cung kính mời ông về nhà Chu làm Tể tướng, mới có được thiên hạ. Chỉ vì ông trọng đãi Khương Thái Công, nhường Khương Thái Công ngồi lên trên xe, bản thân là vua một nước chư hầu lại hạ mình đi bộ, đi 800 bước để mời người về đất Chu, vì thế mà Thiên thượng cảm động nhân đức của ông, cấp cho ông thiên hạ 800 năm. Tạo nên một kiểu mẫu cho các thế hệ quân vương sau này về cách trọng đãi hiền năng (người có đức hạnh và tài năng), khai sáng và trị lý thiên hạ. Cũng giống như điển cố Lưu Bị ba lần đến lều tranh, đã trở thành hình mẫu và tấm gương chiêu hiền đãi sĩ cho các bậc quân vương.

Có Văn Vương nhà Chu đã đặt định vương triều làm vị vua gương mẫu, đồng thời nhà Chu cũng sản sinh ra bề tôi hiền năng như Chu Công, vì hậu nhân mà đặt định ra văn hóa nghi lễ của người Trung Quốc; chế định ra Chu Lễ, đồng thời lập ra một tấm gương bề tôi cúc cung tận tụy với vua. Cho nên đời sau đều có tham chiếu, quan hệ quân thần của Lưu Bị với Gia Cát Lượng chính là một điển hình mà người đời sau đã kế thừa từ mối quan hệ quân thần của nhà Chu. Gia Cát Lượng trung nghĩa đã phụ tá Lưu Bị và Lưu Thiện, rất giống Chu Công.

Vào nửa sau của nhà Chu, nhà Đông Chu, tức là thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, thiên hạ phân tranh, chiến tranh liên tiếp, chẳng khác nào các loại nhân tâm và thiện ác, các loại vấn đề xã hội, được diễn ra một cách sinh động trên thế gian. Nhằm cầu an định, tránh họa, thống nhất thiên hạ hoặc bảo vệ quốc gia khỏi diệt vong, các nước xuất hiện ra nhiều loại quan niệm học thuyết, khiến cho Nho gia và Bách gia chư tử xuất hiện trên thế gian. Trí tuệ, mưu kế ứng biến, đạo nghĩa nhân ái thiện lương và âm hiểm tàn bạo đều đồng thời triển hiện ra. Bởi vì chiến loạn, đã lưu lại “Tôn Tử Binh Pháp”, cũng thúc đẩy xuất hiện hình phạt nghiêm khắc của Pháp gia. Hơn nữa bởi vì khuyến thiện, phổ biến Vương đạo mà xuất hiện Nho gia, được Khổng Tử kế thừa từ tấm gương quân thần những năm đầu thời nhà Chu và văn hóa lễ nghi trị quốc, khiến cho sự tuyên dương Vương đạo của Nho gia trở thành chính thống (truyền thống chân chính), được hậu thế kế thừa.

Nhà Thương lật đổ nhà Hạ và nhà Chu lật đổ nhà Thương đều thể hiện chung một bài học và đạo lý. Đó là làm người nhân nghĩa được thiên hạ, mất người nhân nghĩa mất thiên hạ, Nhà Chu đã bày diễn ra quan hệ quân thần, quan niệm văn hóa, các vấn đề mâu thuẫn, đối sách chiến tranh và quan niệm làm người, trở thành trí tuệ quý báu nhất để người Trung Quốc tham chiếu qua nhiều thế hệ. Đây chính là mục đích đọc lịch sử: Lấy sử làm gương, kiên thủ đạo nghĩa.

Câu chuyện “Chu Công thịnh đức”

Chu Công Đán là con trai thứ của Chu Văn Vương và là em trai của Chu Vũ Vương. Khi Văn Vương còn sống, Chu Công Đán rất hiếu thuận, thuần hậu nhân ái hơn những người con khác. Khi Vũ Vương lên ngôi, Chu Công tận tâm tận lực phò tá Vũ Vương đánh dẹp Trụ Vương nhà Thương, phụ trách chính sự.

Vào năm thứ hai Vũ Vương diệt nhà n, thiên hạ chưa ổn định. Vũ Vương bị bệnh, các quan rất sợ hãi, Thái Công và Triệu Công đã cung kính bói quẻ. Chu Công nói: “Việc này còn chưa đủ để động đến tiên vương của chúng ta.” Vì vậy, ông đã tự nhận mình làm người thế chấp, lập bàn thờ để cầu nguyện với tiên vương, bày tỏ nguyện vọng được chết thay cho Vũ Vương. Sau đó trước Thần chủ tiên vương xủ quẻ, quẻ đều là “Cát”, Chu Công rất vui mừng. Ông giấu tập sách cầu đảo vào trong một chiếc tủ kim loại niêm phong kín, căn dặn người bảo quản không được nói ra. Ngày hôm sau, Vũ Vương khỏi bệnh.

Sau đó, Vũ Vương mất, Chu Thành Vương còn nhỏ nằm trong nôi. Chu Công lo lắng có người làm loạn nên lên ngôi thiên tử, thay Thành Vương tạm quản lý chính vụ, nắm quyền lực quốc gia. Nghe có người đồn rằng “Chu Công muốn gây bất lợi cho Thành Vương”, Chu Công nói: “Ta sở dĩ không trốn tránh mà ra mặt giúp vua đảm đương chính sự quốc gia, là lo thiên hạ phản bội nhà Chu, như thế sẽ không cách nào đền đáp với tiên vương. Vì để hoàn thành đại nghiệp nhà Chu, cho nên ta mới làm vậy!”. Sau đó ông tiếp tục giúp đỡ và sai con trai của mình là Bá Cầm thay thế mình đến nước Lỗ thụ phong.

Trước khi Bá Cầm đi, Chu Công khuyên bảo rằng: “Ta là con trai của Văn Vương, em trai của Vũ Vương, và là chú của Thành Vương, địa vị của ta trong thiên hạ cũng không tính là thấp. Song vì ta gấp gáp cho việc lên đường tiếp đãi nhân sĩ, có khi gội đầu một lần mà nâng tóc lên ba lần; ăn một bữa cơm mà phun thức ăn ra ba lần, hãy còn sợ mất đi hiền tài thiên hạ. Con đến nước Lỗ, tuyệt đối không nên là chủ một nước mà đối đãi kiêu mạn với người khác.”

Khi Thành Vương trưởng thành có thể xử lý chính sự, Chu Công liền đem chính quyền trả lại cho Thành Vương. Khi Chu Công thay thế Thành Vương trị quốc, quay mặt về phương nam tiếp nhận chư hầu đến triều kiến. Sau khi Thành Vương tự mình chấp chính, Chu Công liền quay mặt về hướng bắc để diện triều như bậc bề tôi, cung kính cẩn thận ra dáng nễ sợ.

Trước đây, Thành Vương tuổi nhỏ bị bệnh, Chu Công liền cắt móng tay mình ném xuống sông Hoàng Hà, cầu Thần sông rằng: “Thành Vương còn nhỏ không hiểu chuyện, chính là do tôi đã mạo phạm Thần mệnh a!” Cũng đem sách cầu đảo giấu vào minh phủ. Không lâu sau, bệnh tình Thành Vương liền được cải thiện.

Đến khi Thành Vương chấp chính, có người vu cáo Chu Công. Chu Công bất đắc dĩ bỏ đi đến nước Sở. Thành Vương mở phủ ra thấy được sách Chu Công cầu đảo, cảm động khóc ồ lên, lập tức mời Chu Công trở về kinh thành.

Sau khi Chu Công trở về kinh thành, sợ Thành Vương còn trẻ nóng tính, trị vì quốc gia lại kiêu xa dâm dật, thế là ông viết ra “Vô Dật”, “Đa Sĩ”. Trong “Đa Sĩ” khuyên bảo Thành Vương rằng: “Từ Thành Thang đến Đế Ất, tất cả các vua đều tuân theo kỷ cương nghi lễ cúng tế có ích cho dân, đức hợp với Trời. Cho đến ngày nay Trụ Vương kế vị, hoang đường dâm dật, không để ý thuận theo thiên đạo và lòng dân. Bách tính đều cho rằng ông ta đáng chết.”

Chu Thành Vương ở Phong Kinh, thiên hạ đã yên ổn, nhưng việc xếp đặt quan chức nhà Chu, chức năng hành chính còn chưa có trật tự. Chu Công lại soạn ra “Lập Chính” để lợi ích cho dân. Bách tính rất vui mừng.

Xem xong câu chuyện này, ai cũng không khỏi cảm phục, Chu Công đã vì nước vì dân mà cống hiến quên mình, chính là cái tâm trung nghĩa mà mọi người hay nói là “Cúc cung tận tụy”, “Đàn tinh kiệt lự” (lo lắng hết lòng). Đối với bất công hiểu lầm và phỉ báng hãm hại, ông đều vô oán vô hận, thân ở nơi cao nhưng lại không cao ngạo, thương cảm với dân, yêu quý nhân tài, làm người khiêm cung, trước mặt quân vương tiến thoái có lễ, nho nhã lễ độ, đây hết thảy đều do trong lòng vô tư (không vu lợi cá nhân), trong tâm có đại nghĩa và nhân đức (nhân ái, nhân từ), chính là phong phạm quân tử lý tưởng nhất trong mắt Khổng Tử.

Tác giả: Lưu Như

Nguồn ChanhKien.Org

Xem Tam Tự Kinh – Tập 25: Một tiếng kinh người

Video tham khảo: Chu Công thịnh đức

Tam Tự Kinh - tập 25 - Đức hạnh của Chu Công

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x