Nhắc đến Đường Tăng, rất nhiều người liên tưởng đến vị Thánh tăng trong “Tây Du Ký” – bộ tiểu thuyết trường thiên viết theo thể chương hồi do Ngô Thừa Ân sáng tác vào thời nhà Minh. Trong truyện kể rằng, Đường Tăng là đệ tử thứ hai của Phật Tổ, là La Hán Kim Thiền Tử chuyển sinh tại thế gian.
Đường Tăng là một nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng Kim Thiền Tử lại là tên gọi hư cấu, hơn nữa trong các đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng không có ai mang danh này. Vậy vì sao trong truyện lại viết rằng kiếp trước của Đường Tăng là Kim Thiền Tử?
Nguyên mẫu của Đường Tăng là Pháp sư Huyền Trang thời nhà Đường. Mặc dù Ngô Thừa Ân lấy cảm hứng từ hành trình thỉnh kinh có thật trong lịch sử, nhưng những miêu tả về Đường Tăng trong tiểu thuyết lại là sáng tác riêng của tác giả. Vì vậy, hậu nhân không nên lầm tưởng “Tây Du Ký” là tác phẩm lịch sử, phản ánh chân thật về sự thực lịch sử. Dưới đây là đôi lời thảo luận: Vì sao Đường Tăng trong tiểu thuyết lại được gọi là Kim Thiền Tử?
Kim Thiền Tử trong “Tây Du Ký”
Trong “Tây Du Ký”, không ít lần Ngô Thừa Ân kể rằng Đường Tam Tạng là do La Hán Kim Thiền Tử chuyển sinh.
Ví dụ như trong hồi thứ 12, khi sang Đông Thổ tìm người đi lấy kinh, Bồ Tát đã nói với đệ tử Mộc Soa: “Hôm nay là ngày hội chính của “Đại hội Thủy lục”, lấy một số 7 nối tiếp bảy số 7, đúng đấy. Ta và con hãy đi lẫn vào trong đám dân chúng đến dự lễ, một là xem hội ấy như thế nào, hai là xem Kim Thiền Tử có phúc đáng được mặc bảo bối của ta không, ba là xem họ giảng kinh gì”.
Hồi thứ 24 kể về cố sự nhân sâm quả. Lúc ấy, bốn thầy trò đi qua núi Vạn Thọ, nơi có Ngũ Trang quán của Trấn Nguyên Đại Tiên. Trấn Nguyên Tử biết rằng thầy trò Đường Tăng sẽ vào trong quán xin nghỉ nhờ, nhưng ngặt nỗi lại nhận được tờ thiếp của Nguyên Thủy Thiên Tôn, mời đến cung Di La trên Thượng Thanh Thiên để giảng về “Hỗn nguyên đạo quả”. Trấn Nguyên Tử dẫn theo 46 vị đệ tử, chỉ để lại hai đệ tử là Thanh Phong và Minh Nguyệt ở nhà.
Trấn Nguyên Đại Tiên căn dặn hai đồ đệ rằng: “Sắp tới, có một cố nhân của ta đi qua đây, hai con phải tiếp đón nồng hậu, mang hai quả nhân sâm ra mời ngài ăn, để tỏ chút tình cố cựu”.
Thanh Phong và Minh Nguyệt nghe nói cố nhân của sư phụ là hòa thượng đến Tây Thiên cầu kinh, bèn hỏi lại: “Khổng Tử có nói: “Đạo bất đồng, bất tương vi mưu” (Đạo khác nhau, không quan hệ với nhau). Chúng ta thuộc Thái Ất Huyền Môn, sao sư phụ lại quen biết vị hòa thượng đó?”.
Trấn Nguyên Tử trả lời: “Các con không biết đó thôi, vị hòa thượng đó vốn là Kim Thiền Tử thác sinh, đồ đệ thứ hai của Tây phương Thánh lão là đức Phật Như Lai. 500 năm trước, ta với ngài ấy có quen biết nhau ở “Hội Lan Bồn”. Ngài đã từng tự tay mời trà ta, kính trọng ta, từ đấy ta coi như bạn cũ”.
Đến hồi thứ 27, bốn thầy trò tạm biệt Trấn Nguyên Đại Tiên và rời khỏi Ngũ Trang quán, tiếp tục hành trình sang phương Tây. Chẳng mấy chốc, trước mặt hiện ra một ngọn núi cao. Trong truyện viết:
“Lại nói chuyện người ta thường có câu: ‘Non cao lắm quái, núi hiểm nhiều ma’, đúng như vậy. Núi này có một con yêu tinh. Khi Hành Giả ra đi, làm kinh động con yêu quái. Trên tầng mây, đạp luồng gió âm, hắn nhìn thấy Đường Tăng đang ngồi dưới đất, xiết bao mừng rỡ nói: ‘May quá! May quá! Mấy năm nay mọi người thường nói về lão hòa thượng nhà Đường bên phương Đông đi lấy kinh “Đại Thừa”. Lão vốn là Kim Thiền Tử hóa thân, tu hành mười đời, ăn được một miếng thịt của lão sẽ sống lâu mãi mãi. Hôm nay lão đến đây rồi!’”.
Sau khi đã vượt qua trùng trùng ma nạn, cuối cùng thầy trò Đường Tăng cũng đến Tây Thiên đất Phật. Như Lai nói với Tam Tạng rằng: “Này Thánh tăng, kiếp trước nhà ngươi là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi Kim Thiền Tử. Chính vì nhà ngươi không chịu nghe thuyết Pháp, coi thường đạo giáo của ta, nên ta đày linh hồn nhà ngươi xuống cõi phương Đông. Nay mừng nhà ngươi đã quy y, giữ đạo Sa Môn, tuân theo giáo lý của ta, đi thỉnh chân kinh có nhiều công quả, vậy ta gia phong cho chính quả chức to là Chiên Đàn Công Đức Phật”.
Câu nói trên đã nói rõ: Đường Tăng vốn là Kim Thiền Tử, là đệ tử thứ hai của Đức Phật Thích Ca, vì khinh mạn Phật Pháp mà bị giáng xuống trần thế, phải trải qua quá trình tu luyện nơi nhân thế mới có thể chứng đắc Phật quả.
Nhưng trong lịch sử, đệ tử thứ hai của Đức Phật Thích Ca lại là Mục Kiền Liên, hơn nữa trong số các đệ tử còn lại cũng không có ai tên là Kim Thiền Tử. Vậy Kim Thiền Tử là ai, và vì sao lại gọi Đường Tăng là Kim Thiền Tử?
Vì sao Đường Tăng là Kim Thiền Tử?
Nhìn nhận từ chữ Hán, Kim Thiền Tử là “金蟬子”. Chữ “Thiền” (蟬) nghĩa là con ve sầu, đồng âm với chữ “Thiền” (禪) trong thiền định, tọa thiền. Chữ “Kim” (金) trong ngũ hành thuộc về Tây. Do đó, “Kim Thiền” rất có thể ngụ ý Thiền tông truyền dạy từ phương Tây. “Kim” cũng là Kim Cang, giống như kim cương trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, cho thấy xuất thân cao quý, có thể phá hết thảy chướng ngại và phiền não.
Còn chữ “Tử” (子) là tôn xưng của các bậc Thánh nhân có thành tựu nổi bật, như Khổng Tử, Lão Tử, Quảng Thành Tử, v.v…Kim Thiền Tử là “金蟬子”.
Từ đó có thể thấy, tên gọi “Kim Thiền Tử” đã tiết lộ Đường Tăng là hóa thân và truyền nhân của Thiền môn. Thiền tông bắt đầu từ sơ tổ Đạt Ma truyền nhập vào Trung Quốc từ thời Nam Bắc triều. Năm xưa trong Pháp hội Linh Sơn, Đức Phật Thích Ca cầm hoa, đệ tử Ca Diếp vừa nhìn thấy liền mỉm cười, tiếp thụ tâm pháp của Thiền.
Từ đó trải qua lịch sử hai mươi mấy đời nối tiếp nhau truyền lại, sau đó được Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền nhập vào Trung Thổ, sáng lập Thiền tông tại Tung Sơn. Cuối cùng đến thời Lục tổ Huệ Năng thì Thiền tông phát triển rực rỡ, trở thành tông phái Phật giáo lớn nhất tại Trung Quốc.
Nhìn nhận từ một góc độ khác, hai chữ “Kim Thiền” (金蟬) nghĩa là con ve sầu, tên gọi Kim Thiền Tử là mượn ý trong câu “Kim thiền thoát xác” (ve sầu lột xác). Hành trình sang Tây Thiên thỉnh kinh của Đường Tăng cũng giống như quá trình tu tâm của một người tu luyện.
Là người tu luyện thì cần phải tẩy tịnh thân tâm, đề cao tầng thứ, khi đạt đến cảnh giới viên mãn đắc Đạo thì cũng là lúc trút khỏi xác phàm, đắc được Phật thân. Đó chính là ý nghĩa của cái tên “Kim Thiền Tử”, cũng là chính là đích đến của hành trình sang Tây Thiên của Đường Tăng.
Đánh giá nhân vật
Trong lịch sử, Pháp sư Huyền Trang đã phải trải qua vô vàn khổ nạn mới đến được đất Phật, thỉnh được Tam Tạng chân kinh. Sau khi thỉnh kinh, ông lại dành nhiều năm dày công nghiên cứu và phiên dịch, mở ra bước ngoặt mới cho quá trình Hán hóa các kinh điển Phật giáo, giúp Phật giáo trở thành quốc giáo của Trung Quốc sau này.
Pháp sư Huyền Trang có công lao vô cùng to lớn giúp Phật giáo phát triển rực rỡ và hồng truyền ở phương Đông. Huyền thoại về ông không chỉ được dân gian truyền tụng, mà ngay cả Hoàng đế Đường Thái Tông cũng đích thân viết bài văn “Đại Đường Tam Tạng thánh giáo tự” để ngợi ca ông. Trong bài văn này, Đường Thái Tông ca ngợi Huyền Trang là “Tùng phong thủy nguyệt, vị túc bỉ kỳ thanh hoa; Tiên lộ minh châu, cự năng phương kỳ lãng nhuận” (Gió tùng trăng nước, chưa đủ ví thanh hoa; Tiên lộ minh châu, khó so bằng tư chất). Trong bài có đoạn:
“Nay pháp sư Huyền Trang là lãnh tụ thiền môn. Nhỏ đà linh mẫn, tâm tam không sớm tỉnh ngộ từ xưa; lớn lại thần tình, tánh tứ nhẫn trước bao hàm đủ cả. (…) Vậy nên, lòng trông Tịnh độ, thân đến cõi Tây, mạo hiểm nghìn trùng, xông pha chiếc bóng. Ban mai tuyết phủ, đất mất đuờng đi; chiều xế, cát bay, trời mờ lối tới. Muôn dặm non sông, vén mây mù mà tiến bước; trăm tầng nắng rét, đạp sương tuyết để lên đuờng. Nặng lòng thành coi nhẹ gian lao, mạnh chí quyết sở cầu nguyện đạt.
Chu du Tây vực muời lẻ bảy năm, trải khắp đạo trường tham cầu chánh giáo. Song lâm với bát thủy, suy nếm mùi thiền; Lộc Uyển và Thứu Phong, thánh cảnh qua hết. Vâng chí ngôn của đấng thiên thánh, lĩnh chân giáo với bậc thượng hiền. Tìm thấu diệu môn, tin cùng áo nghĩa. Đạo nhất thừa cùng năm luật bộ, đầy khắp tâm điền; văn bát tạng với ba hòm kinh, dập dồn khẩu hải”.
Một ngày, Đường Cao Tông nhận được tin Pháp sư Huyền Trang bệnh nặng, hoàng đế lập tức phái các danh y tài giỏi nhất trong cung đến chữa trị. Sau khi Huyền Trang viên tịch, Cao Tông vô cùng tiếc thương, đã nhiều lần than thở rằng: “Trẫm đã mất đi quốc bảo rồi…”
Minh Hạnh
Theo Ngung Tâm – Secretchina
Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt
- Xem thêm:
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần 2): Du ngoạn bốn cổng thành, bi nguyện ly thế tục [Radio]
- Tư liệu lịch sử về Từ Thứ – cao nhân Tam Quốc tu luyện đắc Đạo
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!