“Giải mã Tây Du” – (Phần mở đầu): Tâm đại nhẫn của Tôn Ngộ Không và Trương Lương

Giải mã Tây Du
Tranh vẽ “Tây Du Ký” thời nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)

Trong chuyện Tây Du Ký, nói rằng Ngộ Không vì đại náo Thiên cung, phạm phải đại tội khinh nhờn Thiên Thượng, đã bị Phật Tổ Như Lai đè xuống dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Núi này là 5 ngọn Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ liên kết lại, là từ 5 ngón tay của Phật Tổ Như Lai biến hóa thành. Vì muốn đánh tan cuồng vọng của Ngộ Không, Như Lai chỉ cho phép Ngộ Không khát thì uống nước đồng, đói thì ăn viên sắt.

Trải qua 500 năm, đông qua hạ đến, Ngộ Không đã thấy hết được tang thương phù hoa ở chốn nhân gian, cho nên đã phát tâm sám hối về những cuồng vọng của mình, nếu như còn có cơ hội, sẽ quyết ý trừ tà, lập chí tu hành.

Trong hồi thứ 7 của ”Tây Du Ký” có câu thơ rằng: “Ác quán mãn doanh thân thụ khốn, Thiện căn bất tuyệt khí hoàn thăng” (Tạm dịch: Thói ác đầy mình thân chịu khốn, Thiện căn chưa mất còn cơ duyên). Ngộ Không đã từng đại náo thiên cung, tội ác chồng chất, trở thành yêu hầu mà chúng Thần đều biết. Nhưng thiện căn của Ngô Không không bị tuyệt mất là vì sao?

Ở hồi thứ 8 “Tây Du Ký”, Quan Âm Bồ Tát phụng chỉ Phật Như Lai, đến Đông Thổ tìm người thỉnh kinh. Quan Âm Bồ Tát đi qua Ngũ Hành Sơn, Ngộ Không nhìn thấy bà, liền nói: “Con đã biết hối hận, chỉ mong Ngài đại từ bi chỉ cho một con đường, xin tình nguyện tu hành“. Ngay sau câu nói này, là một bài thơ, nói: “Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên địa tận giai tri. Thiện ác nhược vô báo, Càn khôn tất hữu tư“. Ý rằng: “Khi nhân tâm sinh ra một niệm thì cả đất trời đều biết. Thiện ác nếu không có báo ứng, Càn khôn tất có vị tư”.

Bồ Tát vừa nghe Ngộ Không nói, trong lòng mừng thay cho Ngộ Không. Trước kia Ngộ Không là yêu hầu không biết trên dưới, làm loạn luật trời, còn nói “Luân phiên làm Hoàng đế, sang năm đến lượt ta”, chẳng phải là muốn Ngọc Đế chuyển ra khỏi Thiên Cung hay sao. Nay gặp Bồ Tát, lại một hơi nói hết danh hiệu của Bồ Tát, một chữ cũng không rơi. Ngộ Không biết trước kia làm sai, nay quyết chí quy y cửa Phật, không dám tiếp tục làm càn. Đại Thánh trong lòng sáng suốt, tâm vượn đã quy chính rồi, việc giải thoát đã ở trong tầm tay. Bồ Tát nói cho Ngộ Không biết ngày sau sẽ có tăng nhân Đại Đường cứu hắn ra ngoài. Ngộ Không vừa nghe có hy vọng giải thoát, vui mừng quá đỗi, sớm chiều mong đợi, ngày đêm ngóng trông.

Mãi đến khi Đường Tăng khởi hành, đi đến Ngũ Hành Sơn, Ngộ Không mừng rỡ vẫy tay gọi lớn: “Sư phụ, sao bây giờ người mới đến? May quá, may quá. Cứu con ra, con bảo vệ người đi Tây Thiên“.

Con khỉ này mặc dù hung dữ bướng bỉnh, nhưng thiên tính vẫn chưa mất hết. Ngộ Không ân cần thăm hỏi Đường Tăng, đều là trực tiếp đi vào chủ đề tu luyện, không để lẫn chút nhân tình thế thái nào khác.

Cặp mắt của Ngộ Không, ban ngày có thể nhìn rõ cát hung ngàn dặm. Phàm là nội trong ngàn dặm, những chuyện nhỏ như là con chuồn chuồn sải cánh, Ngộ Không đều có thể nhìn rất rõ ràng. Tâm vượn quy chính rồi, bắt đầu thực hiện lời hứa bảo vệ Đường Tăng. Vì để bảo vệ Đường Tăng không bị hại, Ngộ Không đã đánh chết một con hổ, và sáu tên đạo tặc. Đường Tăng từ nhỏ lớn lên trong cửa Phật, chưa từng chứng kiến cảnh như vậy, cho nên ông sợ đến mức ngã từ trên lưng ngựa xuống.

Ngộ Không đã giết sáu tên cướp, đã khiến một người hiếu sinh như Đường Tăng tức giận. Ông trên đường luôn miệng nói Ngộ Không không đúng. Con khỉ này cả đời không đắc được nhân khí, càng không chịu được câu nói của Đường Tăng: “Không đến được Tây Thiên, không làm được hòa thượng. Quá ác! Quá ác!”

Ngộ Không là thật lòng muốn tu luyện, lại bị người trần mắt thịt Đường Tăng quả quyết nói “Không làm được hòa thượng, không đến được Tây Thiên”, cho nên trong lòng chán nản! Ngộ Không không nén được cơn giận trong lòng, mặc kệ Đường Tăng tự ý bỏ đi. Con khỉ này hơn 500 năm không trở lại Hoa Quả Sơn, nay mới được giải thoát từ Ngũ Hành Sơn, theo lý thì có lẽ nó sẽ nhào một cái để về thăm nhà. Thế nhưng đi được nửa đường, Ngộ Không liền đi đến Đông Hải Long cung, tìm Long Vương kể khổ.

Long Vương nghe nói Ngộ Không cải tà quy chính, lập chí tu hành, thì mừng thay cho nó, nhiệt tình đem trà nước đón tiếp. Đúng lúc này, Ngộ Không vừa ngẩng đầu, nhìn thấy một bức họa “Ba lần nhặt giày trên cầu Di”, nhưng không hiểu ý nghĩa của bức tranh. Long Vương liền giải thích tỉ mỉ cho Ngộ Không. Thì ra, Đời Hán có vị cao nhân Hoàng Thạch Công trông thấy Trương Lương tư chất rất tốt, bèn có ý thu làm đồ đệ. Thế là Hoàng thạch Công cố ý khảo nghiệm Trương Lương, cố ý ném giày xuống dưới cầu, rồi bảo Trương Lương đi nhặt.

Sau khi Trương Lương nhặt được giày lên, Hoàng Thạch Công lại sai Trương Lương xỏ giày vào chân cho mình. Cứ như vậy, Hoàng Thạch Công liên tiếp thử Trương Lương ba lần. Nhìn thấy mỗi lần Trương Lương đều rất cung kính, không có chút kiêu căng sơ sót nào, thế là Hoàng Thạch Công bèn truyền binh pháp cho Trương Lương. Trương Lương thuộc lòng binh pháp, hiệp trợ Lưu Bang bày mưu nghĩ kế, phàm là mưu kế mà ông đưa ra, đều có thể quyết thắng ngoài ngàn dặm. Sau khi phò Hán thành công, Trương Lương từ chức quay về núi ở ẩn, cuối cùng đắc Đạo thành Tiên.

zhangliang and huangshigong 957x400 2
Tranh vẽ ở hành lang Di Hòa Viên: Trương Lương nhặt giày. (Ảnh: etviet.com)

Long Vương khuyên Ngộ Không: “Đại Thánh, nếu ngài không bảo vệ Đường Tăng, không gắng hết sức, không nghe lời giáo huấn, cuối cùng cũng chỉ là yêu tiên, đừng mơ đắc thành chính quả.” Ngộ Không nghe Long Vương nói vậy, im lặng một hồi lâu. Sau đó, Ngộ Không lập tức đứng dậy, bay ra khỏi Long cung để đi bảo hộ Đường Tăng. Từ câu chuyện Trương Lương, Ngộ Không đã minh bạch được thái độ mà một người tu Đạo nên có. Từ câu chuyện “Ba lần nhặt giày trên cầu Di”, Trương Lương có thể nhẫn được sự việc khó nhẫn, đã gợi mở cho Ngộ Không, cũng như đặt định cơ sở cho thành tựu sau này của Ngộ Không.

Câu chuyện “Ba lần nhặt giày trên cầu Di” trong “Tây Du Ký”, là phát triển từ ghi chép “Sử ký – Lưu Hầu thế gia”. “Lưu hầu” chính là tước hiệu Trương Lương được phong sau khi phò tá Hán Vương thành công. Trong chính sử ghi chép, Trương Lương vốn là quý tộc nước Hàn, cha và ông của ông là vương công trọng thần nước Hàn. Bản thân ông là con trai Tể tướng, mà ngày nay người ta thường gọi là “phú nhị đại”. Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, trong đó bao gồm nước Hàn. Trương Lương nghĩ đến gia tộc đời đời nhận quốc ân, ông không thể thờ ơ, thế là bán hết gia tài, chiêu mộ tử sĩ, muốn báo thù cho nước Hàn. Ông bí mật chế tạo một cái chùy sắt lớn, nặng đến hơn 120 cân (* 1 cân tương đương 0,5 kg), chuẩn bị hành thích Tần Thủy Hoàng tại Bác Lãng Sa.

Tuy nhiên, việc hành thích thất bại, Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho vệ quân “truy lùng khắp thiên hạ”, truy quét theo kiểu cuốn chiếu. Nhưng bởi vì Trương Lương dung mạo anh tú, “dung mạo như mỹ nữ”, không ai nghĩ rằng ông là thích khách. Vậy nên, Trương Lương đã thuận lợi thoát khỏi sự truy bắt của thị vệ Tần Vương. Người bình thường vừa làm xong việc đại sự kinh thiên động địa này, đặc biệt là việc hành thích ám sát Thủy Hoàng, thông thường sẽ lo sợ, cả cỏ cây cũng nghi là binh lính. Thế nhưng Trương Lương không vậy, ông ung dung đi dạo trên cầu ở Hạ Bì, nhàn nhã, nhìn ngắm cảnh vật. Có thể thấy được con người này quả thực rất điềm tĩnh tự tại, dũng khí tràn trề. Vào đúng tình huống này, Trương Lương đã gặp Hoàng Thạch Công.

Theo ghi chép trong “Sử ký”, Hoàng Thạch Công cố ý ném giày xuống dưới cầu, rồi gọi Trương Lương xuống cầu nhặt lên. Trương Lương vốn chẳng phải nghèo túng, dù sao cũng là quý tộc, hơn nữa tuổi trẻ mạnh mẽ, nhiệt huyết bừng bừng, cho nên có lẽ rất muốn đánh cho ông lão một trận để giải mối hận trong lòng. Nhưng Trương Lương lại nghĩ lại, ông lão này tuổi đã cao, thực sự không đành lòng ra tay, bèn cố nén lửa giận trong lòng rồi xuống cầu nhặt giày.

Sau khi mang giày lên, ông lão lại ra lệnh ông: “Ngươi xỏ giày vào cho ta”. Thế là Trương Lương lại cố nén giận, quỳ gối xuống cung kính xỏ giày vào cho ông lão. Hoàng Thạch Công nói một câu: “Tiểu tử này có thể dạy”, chính là nói, tiểu tử này đức hạnh không tệ, có thể truyền Binh pháp Thái Công. Trương Lương được Hoàng Thạch Công dạy bảo, sau này bày mưu tính kế, phò giúp Lưu Bang gây dựng đế quốc Đại Hán.

Đại nhẫn của Trương Lương đã trợ giúp Lưu Bang thành tựu đế nghiệp; Đại nhẫn của Ngộ Không, không chỉ bảo hộ Đường Tăng thỉnh kinh thành công, mà bản thân Ngộ Không cũng thành tựu được quả vị Đấu Chiến Thắng Phật. Trương Lương và Ngộ Không vốn không gặp nhau, ở hai thế giới thực hư khác nhau, nhưng bởi vì có thể nhẫn nhịn những việc khó nhẫn, khiến cho họ đã có thể vượt qua thời không mà kết nên mối kỳ duyên này.

Tác giả: Hoàng Phủ Dung
Vương Du Duyệt biên tập
Sương Sương biên dịc
h

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Inline Feedbacks
View all comments
Nguyễn thị Minh
Nguyễn thị Minh
2 years ago

Chân Thiện Nhẫn đồng hành
Tất cả mọi sự đều thành hảo sự
Chúc mình chân tướng thành công đem lại được nhiều điều bổ ích cho nhân loại .

1
0
Bình luậnx
()
x