Trong “Tây Du Ký” miêu tả cảnh nhân gian và thiên thượng, triển hiện thời không đa chiều và thế giới Thần Phật Đạo khác nhau, vô luận khoảng cách xa xôi như thế nào, một niệm của Tiên nhân cũng có thể xuyên thấu đến đó. Nhưng ở nhân gian Đại Đường hư cấu trong tiểu thuyết, có một điểm nghi vấn: Từ hồi thứ 9 đến hồi thứ 13 của tiểu thuyết, Đường Tăng sau khi ra đời trưởng thành đến năm 18 tuổi, vì báo mối thù cho cha mà lên đường đi Tây Thiên lấy Kinh, cớ sao đều phát sinh trong một năm là năm Trinh Quán thứ 13?
Chúng ta trước hết cần xem lại tình tiết của câu chuyện. Trong “Tây Du Ký” viết rằng, thân phụ của Đường Tăng là Trạng nguyên Đại Đường tên Trần Quang Nhị, mẫu thân là con gái của Ân Thừa tướng tên là Ân Ôn Kiều, cũng gọi là Mãn Đường Kiều.
Năm Trinh Quán thứ 13, Trần Quang Nhị đậu Trạng nguyên, năm ấy đã thành hôn với Ân tiểu thư. Đường Thái Tông phái Trần Quang Nhị đến Giang Châu nhậm chức, làm chủ ở Giang Châu. Đáng tiếc, nửa đường Trần Quang Nhị bị tên lái đò Lưu Hồng giết hại lúc sang sông. Ân tiểu thư lúc này đang có thai, vì đứa con trong bụng, tạm thời chỉ có thể miễn cưỡng thuận theo Lưu Hồng.
Sau khi đủ ngày đủ tháng, Ân tiểu thư sinh hạ một bé trai. Trong lúc mê man, bà nghe được có người nói bên tai: “Mãn Đường Kiều, hãy nghe ta dặn dò: Ta là Nam Cực Tinh Quân, hiện phụng chỉ Quan Âm Bồ Tát, đặc biệt mang đứa trẻ này đến cho ngươi. Đứa bé này tương lai danh tiếng sẽ vang xa, không phải là người bình thường. Tên giặc họ Lưu nếu trở về, nhất định sẽ hại đến nó. Ngươi cần phải hết lòng bảo vệ. Phu quân người đã được Long Vương cứu, ngày sau hai vợ chồng ngươi còn có cơ hội gặp lại, mẹ con cuối cùng sẽ đoàn viên, cũng định sẵn có thể báo thù rửa sạch oan khuất. Nhớ kỹ lời ta. Mau tỉnh lại, mau tỉnh lại đi.” Nói xong, người kia liền rời đi.
Sau khi Ân tiểu thư tỉnh lại, bà ôm đứa con không biết giấu ở đâu. Mà lúc này, tên cướp Lưu Hồng đã trở về, muốn giết chết đứa nhỏ. Ân tiểu thư trong lúc nguy khốn nghĩ được kế hay, tạm thời thoát được. Sáng sớm ngày nọ, Ân Ôn Kiều bức bách phải tự mình viết thư máu, mang con nhỏ đặt trên bè gỗ, dùng dây buộc chặt, rồi thả xuống sông.
Trưởng lão của chùa Kim Sơn là hòa thượng Pháp Minh, là người tu hành rất cẩn mật. Ngày nọ lúc ông đang đả tọa, bỗng nhiên nghe thấy tiếng khóc của một đứa bé. Ông bèn đến bờ sông, phát hiện thấy đứa trẻ đáng thương này. Hòa thượng Pháp Minh gấp gáp ôm đứa bé lên, mang về tự viện, từ đó một lòng nuôi dạy, đặt pháp danh cho đứa trẻ là Huyền Trang.
Vốn là Trần Quang Nhị lúc còn sống đã phóng sinh một con cá chép vàng, con cá chép này kỳ thực là Hồng Giang Long Vương. Trần Quang Nhị sau khi bị kẻ cướp đánh rớt xuống sông, đã được Long Vương cứu. Mười tám năm sau, Huyền Trang trưởng thành, cuối cùng báo thù được cho phụ thân, đoàn viên với mẫu thân. Trần Quang Nhị cũng được cứu sống trở lại. Vua Đường sau khi biết được chuyện này, đã phong Huyền Trang làm học sĩ, phụ tá việc triều chính. Huyền Trang lập chí tu Phật, vua Đường tiễn ông đến chùa Hồng Phúc kế tục tu hành.
Trong sự việc này có sự sai biệt về thời gian không hề nhỏ. Bởi vì hồi thứ 9 trong “Tây Du Ký”, là năm Trinh Quán thứ 13, Trần Quang Nhị đỗ Trạng nguyên. Hồi 13 cũng rõ ràng nói đến tháng 9 năm Trinh Quán thứ 13, vua Đường tiễn Đường Tăng ra khỏi thành đi lấy Kinh. Nói cách khác, vào năm Trinh Quán thứ 13 ấy, Đường Tăng đã trải qua cùng lúc hai sự việc – cha mẹ thành hôn và ra khỏi thành thỉnh Kinh, dùng phương thức không tầm thường để trải qua 18 năm ở nhân gian. Đây rốt cuộc là sao?
Chúng ta hãy nói đến một trường hợp khác. Rất nhiều người đã nghe nói về câu chuyện “Giấc mộng Hoàng Lương”. Trong “Chẩm trung ký” có nhắc đến, vào năm Khai Nguyên thứ 7 (năm 719) thời Đường, đạo sĩ Lữ Ông có pháp thuật, đã gặp thư sinh họ Lư trong một lữ điếm trên đường đến Hàm Đan. Hai người nói chuyện rất vui vẻ, tâm đầu ý hợp.
Trong lúc trò chuyện, Lư sinh thấy y phục của mình hơi cũ nát, nên than thở rằng: “Đại trượng phu sinh không gặp thời, cho nên mới khốn cùng như thế này.” Anh ta cảm thấy con người sống trên đời, nên kiến công lập nghiệp, phong hầu bái tướng, quang diệu tổ tông. Anh ta nói một lúc thì mắt đã hơi nhắm. Lúc ấy chủ khách điếm đang làm cơm, nấu một ít gạo nếp.
Lữ Ông lấy một cái gối men ngọc từ trong hành lý đưa cho Lư sinh và nói: “Cậu gối lên cái gối tôi đưa này, có thể giúp mộng tưởng thành thật, thực hiện được tâm nguyện của cậu”. Lư sinh nghiêng người nằm kê lên gối ngọc, dần chìm đắm vào giấc ngủ, “thấy được” lỗ hổng trên gối càng lúc càng lớn, lại nhìn ra trong đó là một thế giới tươi sáng. Cuối cùng anh ta nhảy người tiến nhập vào trong gối ngọc. Trong mộng, anh ta lấy được người vợ rất xinh đẹp, còn trải qua một phen vinh diệu được phong hầu bái tướng.
Lư sinh thông qua thi cử và tiến vào con đường sĩ đồ. Chừng mấy năm, quan lộ của anh ta hanh thông không ngừng, hơn nữa còn suất lĩnh quân đội đại phá quân Thổ Phiên, mở rộng cương giới đến 900 dặm. Bách tính ở biên giới lập bia ca tụng công đức của Lư sinh, còn triều đình thì phong tước trao thưởng cho anh ta, lễ nghĩa rất long trọng. Về sau, Thiên tử còn phong Lư sinh làm tướng. Lư sinh cùng các Tể tướng khác chấp chính đại quyền hơn mười năm, giúp Đế vương bày mưu tính kế hoạch định sách lược, trù liệu cẩn mật.
Sau này, Lư sinh bị đồng liêu hãm hại, Hoàng đế nổi cơn thịnh nộ, tống anh ta vào ngục, phàm là người có liên quan đến anh ta đều bị xử chết. May được hoạn quan cầu tình, Lư sinh mới bảo toàn được tính mạng. Sau vài năm thì được rửa sạch oan khuất, Lư sinh cũng khôi phục được chức quan Tể tướng, đứng đầu quần thần. Mấy người con của Lư sinh cũng đều công thành danh toại, mỗi người đều có công danh.
Cuối cùng, Lư sinh tuổi già sức yếu, lâm trọng bệnh, Thiên tử phái cận thần đến thăm, phái ngự y tốt nhất, dùng dược liệu quý nhất, nhưng ông cuối cùng vẫn buông tay nhắm mắt. Lúc ấy, Lư sinh duỗi thẳng chân, bỗng từ trong mộng tỉnh lại, anh ta thấy nồi gạo nếp mà chủ nhà trọ đang nấu vẫn còn chưa chín. Thế là trong thời gian nấu gạo nếp ngắn ngủi như vậy, Lư sinh ở trong mộng đã trải qua một đời phú quý vinh hoa, sự nghiệp vinh diệu.
Quay trở lại chuyện Đường Tăng. Như Lai đã thỉnh Quan Âm Bồ Tát đến Đông Thổ trước, để tìm kiếm một người đi lấy Kinh. Bồ Tát sau khi đến Trường An đã hóa thành hòa thượng Giới Lại, dẫn đồ đệ Mộc Xoa đến bảo điện hiến tặng áo cà sa Cẩm lan và Tích trượng cửu hoàn cho vua Đường, lúc ấy là tháng 9 năm Trinh Quán thứ 13. Đường Thái Tông sau khi du ngoạn đến địa phủ đã hoàn dương, ông giữ lời hứa, cử hành đại hội thủy lục, siêu độ cho các oan hồn vô chủ. Cùng năm ấy, Vua Đường tiễn Đường Tăng ra khỏi thành, bắt đầu hành trình đi Tây Thiên thỉnh Kinh.
Đường Tăng chỉ trong một năm đã trải qua 18 năm. Tác giả cho rằng khả năng duy nhất là khi ông đang lúc thiền định hoặc đang trong mộng cảnh, nguyên thần đã rời khỏi thân thể, và trong một cảnh như trong giấc mộng thì đã trải qua 18 năm.
(Còn tiếp)
Xem thêm Loạt bài “Cảm ngộ Tây Du Ký”
Vương Du Duyệt biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn
- Xem thêm:
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần 2): Du ngoạn bốn cổng thành, bi nguyện ly thế tục [Radio]
- Tư liệu lịch sử về Từ Thứ – cao nhân Tam Quốc tu luyện đắc Đạo
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!