Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp
Đệ Tử Quy (15) – Trưởng Tôn Kiệm trọng mình trọng người lưu truyền đạo đức thanh liêm
Nguyên văn:
步(1)從容(2),立(3)端正(4);揖(5)深圓(6),拜(7)恭敬。
勿踐閾(8),勿跛倚(9);勿箕踞(10),勿搖髀(11)。
Bính âm:
步(bù) 從(cōng) 容(róng), 立(lì) 端(duān) 正(zhèng);
揖(yī) 深(shēn) 圓(yuán), 拜(bài) 恭(gōng) 敬(jìng)。
勿(wù) 踐(jiàn) 閾(yù), 勿(wù) 跛(bǒ) 倚(yǐ);
勿(wù) 箕(jī) 踞(jù), 勿(wù) 搖(yáo) 髀(bì)。
Chú âm:
步(ㄅㄨˋ) 從(ㄘㄨㄥ) 容(ㄖㄨㄥˊ), 立(ㄌㄧˋ) 端(ㄉㄨㄢ) 正(ㄓㄥˋ);
揖(ㄧ) 深(ㄕㄣ) 圓(ㄩㄢˊ), 拜(ㄅㄞˋ) 恭(ㄍㄨㄥ) 敬(ㄐㄧㄥˋ)。
勿(ㄨˋ) 踐(ㄐㄧㄢˋ) 閾(ㄩˋ), 勿(ㄨˋ) 跛(ㄅㄛˇ) 倚(ㄧˇ);
勿(ㄨˋ) 箕(ㄐㄧ) 踞(ㄐㄩˋ), 勿(ㄨˋ) 搖(ㄧㄠˊ) 髀(ㄅㄧˋ)。
Âm Hán Việt:
Bộ thung dung, lập đoan chính; ấp thâm viên, bái cung kính.
Vật tiễn quắc, vật bả ỷ; vật ki cứ, vật dao bễ.
Lời dịch:
Đi ung dung, đứng ngay thẳng; chào hợp cách, lạy cung kính.
Chớ đạp thềm, chớ đứng nghiêng; chớ ngồi duỗi, chớ rung đùi.
Từ vựng:
(1) bộ (步): đi đường.
(2) tòng dung (從容): thong dong, ung dung, tâm tình thư giãn, dáng điệu từ tốn.
(3) lập (立): đứng thẳng.
(4) đoan chính (端正): cân đối, ngay ngắn, nghiêm chỉnh, ngẩng đầu ưỡn ngực.
(5) ấp (揖): vái chào, chắp tay hành lễ. Hai tay ôm quyền, khom lưng hành lễ.
(6) thâm viên (深圓): chỉ tư thế khom lưng cúi đầu đúng cách và thích hợp.
(7) bái (拜): cúi đầu chắp tay hành lễ, hoặc quỳ xuống dập đầu làm lễ quỳ lạy.
(8) tiễn quắc (踐閾): giẫm lên bậc cửa, thềm cửa. Tiễn: giẫm, đứng, đạp. Quắc: thanh ngang cửa.
(9) bả ỷ (跛倚): thân thể nghiêng lệch, đứng không ngay thẳng. Bả: chân có tàn tật mà tư thế đi nghiêng ngã. Ỷ: lệch, nghiêng, chênh chếch.
(10) ki cứ (箕踞): ngồi duỗi chân, ngồi mở hai chân, hình dạng như cái ki hốt rác, là một hình thức không tuân thủ lễ tiết hoặc lối ngồi có thái độ ngạo mạn. Ki: dụng cụ hình giống chữ U đan bằng tre dùng để hốt cám hay thường chứa rác, bụi bặm, cặn bã. Cứ: ngồi duỗi chân, hai chân như hình chữ bát (八).
(11) dao bễ (搖髀): rung đùi, lắc đùi. Bễ: đùi.
Lời giải thích:
Lúc đi đường thong thả, ung dung, không vội vã; lúc đứng tư thế đoan chính, ngay thẳng, ngẩng đầu ưỡn ngực; vái chào phải chắp tay khom lưng, hành lễ quỳ lạy thái độ phải cung kính.
Chân không thể giẫm đạp lên thềm cửa, thân thể không được nghiêng lệch, xiêu vẹo; ngồi xuống không được mở rộng hai chân, không được rung lắc đùi.
Câu chuyện tham khảo:
Trưởng Tôn Kiệm trọng mình trọng người lưu truyền đạo đức thanh liêm
Trưởng Tôn Kiệm, người Bắc Chu Hà Nam, tên thường gọi là Khánh Minh. Từ nhỏ ông đã là người đoan chính, phẩm đức cao thượng, thần thái nghiêm túc, mặc dù trong nhà mình, nhưng suốt ngày vẫn thận trọng bảo trì đoan trang, Chu Văn Đế rất kính trọng ông, ban thưởng cho ông đổi tên là Kiệm, để biểu dương phẩm hạnh thanh cao của ông.
Sau này Trưởng Tôn Kiệm làm tới chức Thượng thư (chưởng quản tấu chương của quần thần quan viên), từng ngồi cùng với quần thần hầu hạ một bên Hoàng đế, Chu Văn Đế nói với mọi người rằng: “Vị này tôn công cử chỉ trầm tĩnh văn nhã, ta mỗi lần nói chuyện với ông ta, thế nào cũng nổi lòng tôn kính, rất sợ bản thân có điều thất thố.”
Khi đất Kinh Châu (*) vừa quy thuận, Chu Văn Đế ra lệnh cho Trưởng Tôn Kiệm thống lĩnh 3 kinh 12 châu. Bởi vì Kinh Châu là đất hoang dã, man hoang chi địa, nếp sống dân chúng chưa mở mang, người trẻ tuổi không biết tôn kính người lớn. Trưởng Tôn Kiệm chăm chỉ khuyên bảo nên phong tục thay đổi rất nhiều. Quan lại và nhân dân dâng thư thỉnh cầu, vì Trưởng Tôn Kiệm mà xây lầu Thanh Đức, lập bia ca ngợi ông. (Trích từ “Bắc Sử” và “Chu Thư”)
(*) Chú thích: Kinh Châu, nước Sở thời cổ đại, hiện nay là vùng Hồ Nam, Hồ Bắc, trình độ văn hóa thời cổ so với đất Trung Nguyên thì thấp hơn, còn gọi là Kinh man, Nam Man, ý là dân tộc không văn minh phương nam. Thời Tam Quốc đến Nam Bắc triều là vùng đất quan trọng về chính trị và quân sự, là đất mà binh gia (nhà quân sự) tranh giành.
Nguồn: ChanhKien Epoch Times
Xem tiếp: Đệ Tử Quy (16) – Liễu thiếu gia trầm mê thanh sắc làm lụn bại gia sản
Không nên đạp thềm cửa
Cái ki hốt rác
- Xem thêm:
- Đệ Tử Quy (32) – Cuộc đối thoại giữa chim ngói và cú mèo
- Đệ Tử Quy (31) – Phạm Trọng Yêm ăn cháo khắc khổ chăm học
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!