Cùng là một câu hỏi về chữ Hiếu, với 5 học trò khác nhau Khổng Tử có 5 câu trả lời khác nhau, nhắm vào vấn đề của mỗi cá nhân. Thế mới biết, Khổng Tử không những có tư tưởng học thức rộng lớn, thâm sâu, mà còn có con mắt nhìn nhận đánh giá con người hết sức tinh tế…
Tại sao cùng một chữ Hiếu lại có những lý giải khác nhau? Phải chăng Khổng Tử đã nhìn ra bối cảnh, cảnh giới tư tưởng, phẩm hạnh của những người khác nhau mà đã diễn giải nội hàm chữ Hiếu khác nhau để qua đó giúp họ nâng cao cảnh giới của mình?
Một chữ Hiếu, năm lời giải
Mạnh Ý Tử hỏi thế nào là Hiếu, Khổng Tử trả lời rằng: “Không làm trái với lễ tiết“.
Phàn Trì đánh xe cho Khổng Tử, Khổng Tử nói với Phàn Trì rằng: “Mạnh Tôn thị hỏi ta thế nào là Hiếu, ta trả lời ông ấy rằng: ‘không làm trái với lễ tiết’ “.
Phàn Trì hỏi: “Nghĩa là gì ạ?“
Khổng Tử nói: “Khi cha mẹ còn thì phải phụng sự cha mẹ theo lễ. Khi cha mẹ mất thì phải an táng theo lễ, thờ cúng theo lễ“.
Con trai của Mạnh Ý Tử là Mạnh Vũ Bá hỏi thế nào là Hiếu, Khổng Tử trả lời rằng: “Người làm cha mẹ thì lo lắng phẩm hạnh con cái không tốt, do đó hiếu thuận cha mẹ chính là tu dưỡng đức hạnh của mình, không được để cha mẹ lo lắng“.
Tử Du hỏi thế nào là Hiếu, Khổng Tử nói: “Hiếu thuận mà người hiện nay nói đến chỉ là nuôi dưỡng cha mẹ là được rồi. Nhưng như thế là chưa đủ, bởi vì đối với chó, đối với ngựa, con người cũng có thể nuôi dưỡng được. Nếu chỉ nuôi dưỡng cha mẹ mà không thành tâm hiếu kính, như thế thì có gì khác với nuôi chó nuôi ngựa?“
Do đó trọng đạo hiếu, thờ cha mẹ là phải xuất phát từ lòng thành kính chứ không phải chỉ phụng dưỡng về vật chất.
Khổng Tử nói với các đệ tử rằng: “Tuổi tác của cha mẹ thì không thể không biết. Một mặt là vui mừng vì cha mẹ tuổi cao, trường thọ, một mặt là lo lắng vì cha mẹ ngày một già yếu“.
Khổng Tử còn nói: “Phụng dưỡng cha mẹ, nếu thấy cha mẹ có chỗ nào không đúng, thì chúng ta phải khéo léo nhẹ nhàng khuyên can. Nếu cha mẹ không nghe thì chúng ta vẫn phải tôn kính cha mẹ. Mặc dù trong lòng lo nghĩ nhưng đối với cha mẹ vẫn không oán hận“.
Tử Hạ hỏi thế nào là Hiếu, Khổng Tử nói: “Con cái phụng dưỡng cha mẹ cần luôn luôn giữ được nét mặt vui vẻ hòa ái, đó là điều khó nhất. Nếu chỉ làm được là khi có việc gì đó thì con cái làm cho cha mẹ, có đồ ăn ngon thì để cha mẹ hưởng, nhưng nếu nét mặt con cái khó coi thì lẽ nào có thể coi là hiếu được?“.
Người khác nhau có yêu cầu khác nhau về chữ Hiếu
Tại sao cùng một câu hỏi: “Thế nào là Hiếu?”, với 5 học trò khác nhau thì Khổng Tử đều có câu trả lời khác nhau?
Trả lời Mạnh Ý Tử, tại sao Khổng Tử nói hiếu là “không làm trái lễ tiết“?
Mạnh Ý Tử là đại phu nước Lỗ, mỗi hành vi việc làm của ông là hàng trăm người nhìn vào, vì thế, chữ Hiếu đối với ông không chỉ là hiếu kính cha mẹ, mà còn phải chú ý từng hành vi lời nói của mình, sao cho không được trái với lễ tiết. Nếu làm được như vậy thì không những ông đã nâng cao được đức hạnh bản thân, mà còn ảnh hưởng lớn đến các quan lại trong triều và dân chúng noi theo, đạo đức xã hội, phong thái xã hội cũng nhờ đó mà khởi sắc, hưng thịnh.
Đối với Phàn Trì, tại sao Khổng Tử nói hiếu là: “Khi cha mẹ còn thì phải phụng sự cha mẹ theo lễ. Khi cha mẹ mất thì phải an táng theo lễ, thờ cúng theo lễ”?
Phàn Trì sống trong gia đình nghèo khổ, thường nhà nghèo khó thì lo cái ăn cái mặc là việc lớn nhất, nên dễ bỏ qua lễ tiết. Nhất là việc phụng sự, ma chay, thờ cúng theo lễ tiết cần bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, mà những thứ này lại là việc quá lớn đối với người còn phải lo cái ăn cái mặc hàng ngày. Do đó với học trò nghèo khổ thì chỉ khi đặt cha mẹ lên trên, tôn kính cha mẹ thì mới làm được việc này.
Khi trả lời Mạnh Vũ Bá, tại sao Khổng Tử nói hiếu là “không được để cha mẹ lo lắng“?
Mạnh Vũ Bá là con trai của quan đại phu Mạnh Ý Tử. Trẻ em gia đình quyền quý, sinh ra đã được bọc trong nhung lụa, có người hầu kẻ hạ thì thường hưởng thụ, ham chơi. Gia đình quyền quý luôn lo sợ con cái không lập chí học tập, dễ sa ngã hư hỏng. Thế nên việc quan trọng nhất với trẻ em gia đình quyền quý là không được để cha mẹ lo lắng, chăm chỉ học tập, đặt chí hướng vào học tập tu dưỡng đạo đức, coi nhẹ hưởng thụ vật chất, khắc phục tâm an dật hưởng lạc, thì đó là việc quan trọng nhất, là thực hiện chữ hiếu.
Tử Du hỏi về hiếu, tại sao Khổng Tử nói là “thành tâm hiếu kính“?
Tử Du là học trò giỏi, biết nghe lời thầy và áp dụng những điều học được vào cuộc sống. Khổng Tử muốn khôi phục chế độ lễ nhạc nhà Chu, dùng nhân nghĩa và lễ nhạc để giáo hóa vua quan, cảm hóa bách tính. Thế nên Tử Du đều nắm được. Nhưng để thực sự đạt được lễ nhạc giáo hóa thì cái tâm phải hòa đồng với lễ nhạc, nếu không sẽ trở thành hình thức. Vì vậy cần có cái tâm thành kính thì lễ tiết mới chứa nội hàm giáo hóa, mới có sức mạnh cảm hóa lòng người.
Sau này Tử Du làm quan Thành tể cai quản thành Vũ Thành, ông dùng lễ nhạc giáo hóa quan lại và bách tính lê dân. Trong khắp địa phận cai quản của ông, nơi nào cũng có tiếng đàn tiếng hát, người dân sống trong cảnh thái bình vui vẻ, đối xử với nhau nhân ái, theo lễ nghĩa. Khổng Tử cũng phải khen ngợi rằng: “Môn hạ của ta có Ngôn Yển (tức Tử Du) thì học thuyết của ta mới truyền được về phương Nam“.
Còn Tử Hạ hỏi về hiếu, tại sao Khổng Tử lại nói “cần luôn luôn giữ được nét mặt vui vẻ hòa ái“?
Tử Hạ xuất thân gia đình nghèo khó nhưng hiếu học, ông cũng là người nổi tiếng cương trực. Ông là một trong những đệ tử có thành tựu lớn của Khổng Tử, được Khổng Tử nói là “văn học đệ nhất“. Có người hỏi ông “Tại sao không làm quan?”
Tử Hạ trả lời rằng: “Những chư hầu mà kiêu ngạo với ta thì ta không làm bề tôi cho họ. Quan đại phu kiêu ngạo với ta thì ta không gặp lại họ“.
Thế nên, vấn đề mấu chốt của Tử Hạ không phải là học vấn, kiến thức, mà là cần thái độ ôn hòa: “Dĩ hòa vi quý“; “Trung chính bình hòa” của một người quân tử có lòng bao dung rộng lượng. Thế nên, để hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện chữ Hiếu thì Tử Hạ cần dụng công tu dưỡng nhiều hơn ở phương diện thái độ ôn hòa, hòa ái.
Cùng là một câu hỏi, với 5 học trò khác nhau Khổng Tử có 5 câu trả lời khác nhau, đều nhằm đúng vào mấu chốt vấn đề của mỗi cá nhân. Qua đó có thể thấy Khổng Tử không những có tư tưởng học thức rộng lớn, thâm sâu, mà còn có con mắt nhìn nhận đánh giá con người tinh tế và khả năng khéo léo áp dụng giáo dục thích hợp đối với từng người; không giáo dục theo kiểu thuyết giáo, đánh đồng ai cũng như ai; không áp dụng một khuôn mẫu máy móc cho tất cả mọi người.
Tham khảo từ Zhengjian.org
Trung Hòa biên dịch
Link bài dịch: NTD Việt Nam
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!