Tưởng Giới Thạch (Chương 3): Vì đại nghĩa diệt phản loạn

Tưởng Giới Thạch (Epoch Times)
Tưởng Giới Thạch (Epoch Times)

ANH HÙNG THIÊN CỔ

TƯỞNG GIỚI THẠCH (3)

Vì đại nghĩa diệt phản loạn

Sáng sớm ngày 14/01/1912, các bệnh nhân trong bệnh viện Quảng Từ của Tô Giới Pháp ở Thượng Hải nghe thấy tiếng súng vang lên. Một người đàn ông 34 tuổi bị bắn nhiều phát và tử vong. Đó là Đào Thành Chương, vốn là phó chủ tịch của Quang Phục Hội và là một “lão làng cách mạng” nổi tiếng.

Vậy ai đã ám sát Đào Thành Chương? Vì cớ gì? Thời gian trôi qua, sự thật dần dần hé mở…

Ngược thời gian trở lại năm Quang Tự thứ 20 của triều đại nhà Thanh, tức là vào năm 1894, hải quân Bắc Dương bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (chiến tranh Trung Nhật 1894 – 1895) và hoàn toàn thất bại, nhà Thanh mất mặt trước những thách thức của quân Nhật. Cuối tháng 11, Tôn Trung Sơn thành lập đoàn thể phản Thanh đầu tiên, tức Hưng Trung hội ở Honolulu. Năm 1903, Hoàng Hưng, Tống Giáo Nhân và những người khác thành lập Hoa Hưng hội ở Trường Sa. Năm sau, Đào Thành Chương, Thái Nguyên Bồi và những người khác thành lập Quang Phục hội ở Thượng Hải, với Thái Nguyên Bồi đảm nhận chức vị hội trưởng và Đào Thành Chương là người lãnh đạo trên thực tế. 

Năm 1905 tại Nhật Bản, Tôn Trung Sơn đã liên hiệp Hưng Trung hội, Hoa Hưng hội và Quang Phục hội cùng các tổ chức phản Thanh khác để thành lập Trung Quốc Đồng Minh hội. Tôn Trung Sơn giữ chức vụ thủ tướng và Hoàng Hưng làm tổng vụ. Tôn và Hoàng trở thành những nhà lãnh tụ phản Thanh được công nhận. Sau khi hợp nhất, lực lượng của các tổ chức phản Thanh dần dần lớn mạnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tôn Trung Sơn, các Hoa kiều đã hào phóng quyên góp tiền của, thành lập lực lượng vũ trang và ra sức góp tiền góp sức nhằm chấn hưng Trung Hoa. Nhưng cũng cùng lúc đó, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện giữa các phe phái trong những tổ chức phản Thanh.

Năm 1907, Đào Thành Chương của Quang Phục hội gặp trở ngại trong việc gây quỹ ở nước ngoài, ông đã đến Nam Dương để xin Tôn Trung Sơn kinh phí nhưng không đạt được mục đích. Ông ta bắt đầu ra tay đả đảo Tôn Trung Sơn và đưa ra bản “Tôn Văn tội trạng”, liệt kê mười hai “tội trạng”, yêu cầu “khai trừ danh nghĩa Thủ tướng của Tôn Văn và bố cáo khắp trong và ngoài nước”. Đào Thành Chương, Chương Thái Viêm (Bỉnh Lân) và những người khác rút khỏi Đồng Minh hội và tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa Quang Phục hội, khiến nội bộ đoàn thể phản Thanh chia rẽ. Trong bức thư gửi Ngô Trĩ Huy vào năm 1909, Tôn Trung Sơn viết: “Đào Thành Chương nghe theo vợ, tị nạnh kể công, tranh đoạt danh lợi và xúi giục người khác giết tôi”. Các hoạt động của Đào Thành Chương đã đe dọa sự an toàn cá nhân của Tôn Trung Sơn.

Năm 1909, Đào Thành Chương cùng đồng đảng một lần nữa phát động làn sóng lật đổ Tôn Trung Sơn, đăng bài văn “Hãy xem bản tội trạng của Tôn Văn do Chương Bính Lân viết” trên Nhật báo Nam Dương. Đồng thời, Đào Thành Chương cũng tuyên truyền rằng “Quang Phục hội là khởi nguyên của Đồng Minh hội” và muốn lập Quang Phục làm tổ chức chính thống, hạ thấp địa vị lịch sử của Trung Hưng hội và Hoa Hưng hội và tranh giành quyền lãnh đạo với Đồng Minh hội – (theo Bành Kiếm, “Một cuộc thăm dò mới về phong trào đả đảo Tôn Trung Sơn lần thứ hai”, 2006). 

Trong bức thư gửi Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng đã tố cáo Đào Thành Chương là: “Ông ta lòng đầy hiểm ác, rất đáng hận”, “Nói ông ta là chó của Hạ Kiệt cắn vua Nghiêu cũng không oan”, “Ông ta là một kẻ thần kinh. Một kẻ điên nói trong lúc mê ngủ tự đã không thể tin, hơn nữa những người có hiểu biết cũng đã quở trách ông ta đến nỗi không còn chừa đường lui nữa”. Bậc nguyên lão của cách mạng Tân Hợi là Mã Quân Vũ tỏ ra khá phẫn nộ trước hành động của Đào, nói rằng: “Hắn ta chắc hẳn có bộ não dị dạng, nên vào bệnh viện tâm thần thì đúng hơn”. Trần Kỳ Mỹ (Anh Sỹ) từng khuyên Tưởng Giới Thạch phải cẩn thận với Đào Thành Chương: “Anh Sỹ nói với tôi: Đào Thành Chương chỉ vì chút kinh phí nhỏ nhoi mà không màng đến đại cục, khuấy đảo nội bộ trong đảng, quả là đáng tiếc, khuyên tôi không nên quan tâm hắn làm gì, cũng không nên dao động vì hắn, để tránh gây ra tranh chấp” — (Trích “Trung Chính tự thuật sự lược”). 

Sau cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, Trần Kỳ Mỹ lãnh đạo Đồng Minh hội và liên lạc với Lý Tiếp Hòa của Quang Phục hội để phát động cuộc khởi nghĩa ở Thượng Hải vào ngày 03/11/1909 và đã giành chiến thắng vào ngày hôm sau. Ngày 08/11/1909, Trần Kỳ Mỹ được bầu làm thống đốc của quân Thượng Hải. Quang Phục hội không phục, một số thậm chí còn đưa ra ý kiến bắt giữ Trần Kỳ Mỹ vì tội “vi phạm quân lệnh và soán đoạt danh nghĩa”, nhưng Lý Tiếp Hòa đã phủ quyết. Quang Phục hội đã thành lập một chi nhánh quân sự và chính trị ở Ngô Tùng, ngoại ô Thượng Hải. Lý Tiếp Hòa tự phong mình làm đô đốc, rõ ràng đang chia phe để đối kháng lại Trần Kỳ Mỹ, điều này khiến người ta phải kinh ngạc. Hơn nữa, Đào Thành Chương còn thành lập “phòng gây quỹ hỗ trợ huấn luyện binh lính nghĩa quân Quang Phục Chiết Giang – Thượng Hải” ở Ngô Tùng và công khai chiêu binh mãi mã, thành lập một tổ chức riêng biệt. Hành động phạm vào việc đại kỵ như vậy thì ngay cả Chương Thái Viêm cũng cảm thấy thật quá đáng và cảnh cáo Đào: “Quân Giang Nam thế thì hỏng rồi, những binh lính được tuyển mộ đều là vô danh. Đại trượng phu nên có tầm nhìn xa, không nên tranh giành những quyền lực nhỏ nhoi”. Nhưng Đào không chịu nghe và nhất quyết tấn công Trần Kỳ Mỹ, gây ra một cuộc chiến đẫm máu.

tuong gioi thach 6
Tưởng Giới Thạch năm 1912. (Ảnh wikipedia)

Biết tin, Tưởng Giới Thạch rất nóng lòng tìm gặp Lã Công Vọng, tham mưu của quân đội Chiết Giang, hy vọng rằng người bạn học cũ ở Học viện Quân sự Bảo Định này sẽ ra tay giúp ngăn chặn Đào Thành Chương. Lã Công Vọng viết trong hồi ký của mình: “Sáng sớm ngày 19 (tháng 09 âm lịch tức ngày 09/11/1909 dương lịch), Tưởng Giới Thạch vội đến và nói: Đào Hoán Khanh (Thành Chương), Lý Chấp Trung (Tiếp Hòa) và những người khác tổ chức đội tiên phong Trương Bá Kỳ và đưa họ đến Thượng Hải để đánh Trần Anh Sỹ. Nhờ tôi (Lã) khuyên giải, nếu không, ở hậu phương có các phần tử làm loạn thì ở tiền phương làm sao tiến đánh Nam Kinh được đây?’’. Lã Công Vọng phát hoảng, vội vàng đến Thượng Hải để chất vấn Đào: “Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh không thành công là do tàn sát lẫn nhau, chúng ta chỉ mới bắt đầu, Nam Kinh vẫn chưa chiếm được, các người đã muốn tàn sát lẫn nhau rồi. Chúng ta rốt cuộc làm cách mạng gì đây? Tôi khuyên các ông nên nhìn xa hơn. Bây giờ các ông phải thật lòng trả lời cho tôi, để tôi có thể quyết định, nếu không, tôi sẽ không cùng tiến đánh Nam Kinh nữa”. Đào Thành Chương đành nói: “Được, tôi sẽ không đánh Trần Kỳ Mỹ nữa. Chúng ta hãy đến Ngô Tùng chiếm một địa bàn nhỏ, tổ chức đội ngũ” — (theo “Bút ký của Lã Công Vọng”). Lã Công Vọng và Trương Bá Kỳ đều là thành viên của Quang Phục hội. Trong chiến dịch Quang Phục Hàng Châu vừa kết thúc, Trương là đội trưởng đội cảm tử dưới quyền Tưởng Giới Thạch.

Vào ngày 02/12, sau khi khôi phục được Nam Kinh, Đồng Minh hội cùng đồng ý bầu Hoàng Hưng đảm nhiệm chức vị đại nguyên soái và chủ trì chính phủ cách mạng trước khi Tôn Trung Sơn trở về Trung Quốc. Còn Quang Phục hội thì không có được người giống như thế, vậy mà lại đề cử Lê Nguyên Hồng làm đại nguyên soái. Đào Thành Chương và đồng bọn gọi Hoàng Hưng là ‘‘bại tướng Hán Dương” và ca ngợi Lê Nguyên Hồng là “cha đẻ của cuộc khởi nghĩa”. Cho đến thời điểm đó, sự chia rẽ giữa Đồng Minh hội và Quang Phục hội là rất rõ ràng.

ton trung son minh chan tuong
Tôn Trung Sơn – tổng thống lâm thời đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc. (Ảnh wikipedia)

Vài ngày sau khi Tôn Trung Sơn nhậm chức đại tổng thống lâm thời, Đào Thành Chương đã viết thư cho Tôn Trung Sơn, nhắc lại câu chuyện cũ “gây quỹ ở Nam Dương”, chỉ trích Tôn Trung Sơn được bầu làm đại tổng thống là nhờ “lừa dối”. Tôn Trung Sơn hồi đáp, chất vấn Đào về lý do ban bố “Bản tội trạng của Tôn Văn” và nói: “Tôi không lấy tư cách và địa vị đại tổng thống để giao thiệp với ông mà là đứng trên tư cách cá nhân để giao thiệp với ông”. Đó hoàn toàn là phong độ của một bậc quân tử, không tầm thường như Đào.

Đào Thành Chương thậm chí còn ra mặt cổ động Tưởng Giới Thạch. Theo hồi ức của Tưởng Giới Thạch: “Đào đích thân đến vận động tôi chống lại Đồng Minh hội và tiến cử Chương Bính Lân làm lãnh đạo, đồng thời muốn dồn Anh Sỹ đến chỗ chết. Nghe xong tôi vô cùng kinh hãi và phẫn nộ trước sự điên rồ của Đào, rằng Đào đã vô phương cứu chữa, nếu không diệt trừ y thì khó bảo toàn được tinh thần của cách mạng và bảo toàn đại cục lúc đó. Có lẽ Đào đã chỉ định sát thủ để mưu sát Anh Sỹ, nếu kế hoạch của ông ta thành công, quân Thượng Hải sẽ vô chủ và hạ lưu sông Trường Giang sẽ bị nhiễu loạn không biết ra sao” — (Trích “Trung Chính tự thuật sự lược”). Nếu ngày nay chúng ta tự đặt mình vào hoàn cảnh đó, thì không khó để nhận ra tình hình hiểm ác lúc bấy giờ, nội bộ đảng cách mạng đã đấu đá đến mức một mất một còn. Trong khi Dân Quốc những năm đầu nằm trong tình trạng bốn bề nguy khốn thì kẻ có khuynh hướng bạo lực như Đào Thành Chương giống như quả bom hẹn giờ, sớm muộn cũng dẫn đến địa chấn chính trị.

Vào tháng 12/1911, Trần Kỳ Mỹ ủy thác cho Lã Công Vọng chuyển lời đến Đào Thành Chương rằng: “Đừng thêm nhiều chuyện, hãy lấy Đào Tuấn Bảo làm gương”. Đào Tuấn Bảo vốn là một sỹ quan của quân đội thị trấn, bị Trần Kỳ Mỹ bắn vào ngày 13/12/1911 vì tình nghi phá hoại nguồn cung cấp đạn dược của liên quân dẫn đến thất bại của quân đội. Đào Thành Chương lo lắng, sợ trách tội nên đã trốn trong vùng tô giới của Pháp.

Ngày 14/01/1912, Tưởng Giới Thạch hợp tác với cựu thành viên của Quang Phục hội là Vương Trúc Khanh để thanh trừ Đào Thành Chương tại bệnh viện Quảng Từ ở khu Tô giới Thượng Hải của Pháp.

Về vụ việc này, Tưởng Giới Thạch nói: “Vì vậy tôi tự nhận hết tội về mình và không muốn liên lụy gì đến Anh Sỹ, nên đã từ chức rồi Đông du để giảm bớt các cuộc công kích vào đảng cách mạng và Anh Sỹ” — (theo “Trung Chính tự thuật sự lược”). Điều này xác thực rõ việc tiêu diệt Đào là kế hoạch hành động của riêng Ông và không liên quan đến người khác. Trước khi sự việc diễn ra, Trần Kỳ Mỹ và Tôn Trung Sơn đều không hay biết. Tưởng Giới Thạch biết rằng việc Trần Kỳ Mỹ bắn Đào Tuấn Bảo đã gây ra sự bất mãn mạnh mẽ của Quang Phục hội. Nếu sử dụng cùng một phương pháp để đối phó Đào Thành Chương thì có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến giữa hai đảng. Ông quyết định hành động mạo hiểm để trừ hại cho quốc gia, sau đó Ông từ chức và đến Nhật Bản. Người đời sau suy đoán rằng Trần Kỳ Mỹ đã cử Tưởng Giới Thạch đi ám sát, thậm chí nói đó là chỉ ý của Tôn Trung Sơn, tất cả đều là võ đoán và không có bằng chứng xác thực.

tuong gioi thach 3
Nhật ký Tưởng Giới Thạch. (Ảnh Tào Cảnh Triết / Epoch Times)

Trong Nhật ký Tưởng Giới Thạch, ngày 26/07/1943 viết: “Đọc lá thư của Thủ tướng gửi cho tiên sinh Ngô Trĩ Huy, tôi càng thêm phẫn nộ và cho rằng tội của Đào Thành Chương là không thể dung thứ. Việc tôi diệt trừ Đào là vì đại nghĩa đối với đảng chúng ta và với cách mạng. Do một mình cá nhân tôi nhận trách nhiệm, một chút cũng không kể công, cũng không cần ai hiểu cho. Tuy nhiên, thủ tướng cuối cùng đã tin tưởng vào tôi và những người ủng hộ tôi, cũng không phải bắt đầu tin tôi từ sự việc này, nhưng tôi chưa bao giờ đề cập đến việc này với thủ tướng”.

Nhà Thanh vẫn chưa kết thúc, quân đội Nam Bắc đối đầu, Thượng Hải, Chiết Giang sau thời Quang Phục vẫn trong tình trạng chiến tranh. Đào Thành Chương và đồng bọn đã khiêu chiến Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng và Trần Kỳ Mỹ khiến cho lãnh tụ của Đồng Minh hội đối mặt với cuộc đấu tranh một mất một còn… Lúc này, Tưởng Giới Thạch đã hành động quyết đoán và loại bỏ được nguy cơ tiềm ẩn cho đảng cách mạng. Cái chết của Đào Thành Chương giúp Đồng Minh hội và thậm chí cả Quang Phục hội tránh được trận đổ máu trong nội bộ quân cách mạng. Sau khi Đào Thành Chương chết, Quang Phục hội cũng nhanh chóng giải thể. Đồng Minh hội và Quốc Dân đảng sau này dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn dần dần đóng vai trò chủ đạo trong Cách mạng Quốc Dân, cũng từ đó một vở kịch lớn của lịch sử sắp khai màn.


NguồnEpoch Times

Mạnh Hải biên dịch

Bài dịch từ: Epoch Times Tiếng Việt

Xem tiếp Chương 4: Tiếp bước theo con đường Quốc phụ

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x