Tưởng Giới Thạch (P.5): Trường quân sự Hoàng Phố

Tưởng Giới Thạch (Epoch Times)
Tưởng Giới Thạch (Epoch Times)

Thành lập trường quân sự

Tôn Trung Sơn xuất thân từ ngành y, nhưng các hoạt động chính trong suốt cuộc đời của Ông lại tập trung vào đấu tranh vũ trang. Từ khởi nghĩa Quảng Châu năm 1895 đến khởi nghĩa Hoàng Hoa Cương năm 1911, cả mười lần bạo động vũ trang đều do Ông lãnh đạo phát khởi từ Đồng Minh hội và Trung Hưng hội. Ảnh hưởng to lớn từ tư tưởng Tôn Văn và tổ chức bí mật Đồng Minh hội trong quân Thanh đã dẫn đến cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, cuối cùng khiến triều đình Mãn Thanh bị lật đổ. Sau khi Tôn Trung Sơn được bầu làm đại tổng thống lâm thời, không chỉ Viên Thế Khải và các thủ hạ quân đội Bắc Dương mới của Viên luôn chực chờ như hổ đói, mà các đội quân khác cũng đang hùng cứ các nơi. Khi đó, Trung Hoa Dân Quốc vừa mới thành lập, Đại Tổng thống Tôn Trung Sơn nắm đảng cầm quyền nhưng trong tay lại không có quân đội, vậy nên Ông khó có thể thi triển được hùng tâm tráng chí của mình.

Tháng 9/1917, Tôn Trung Sơn đi về phía nam đến Quảng Châu, đảm nhiệm chức vị đại nguyên soái của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và tổ chức quân đội bảo vệ Hiến Pháp. Ông dùng “Kế hoạch tác chiến đối kháng lại quân đội phương Bắc” của Tưởng Giới Thạch để phát động cuộc chiến bảo vệ Hiến Pháp và thảo phạt Đoàn Kỳ Thụy, mấy tháng liền thường xuyên có tin vui. Không ngoài dự liệu của quân chủ lực bảo vệ Hiến Pháp, các sứ quân của Đường Kế Nghiêu và Lục Vinh Đình vì lợi ích cá nhân đã tự ý cầu hòa với phương Bắc và âm mưu với các tướng lĩnh nhằm lũng đoạn quyền lực của đại nguyên soái. Bởi vậy nên vào tháng 5 năm sau, Tôn Trung Sơn tức giận từ chức đại nguyên soái, khi rời Quảng Đông đi Thượng Hải, Ông đã gọi điện chỉ rõ rằng: “Xem mối đại họa của nước ta, không gì lớn bằng những kẻ vũ trang tranh hùng. Miền Nam và miền Bắc như hai con cầy hùng cứ cái gò riêng”. 

Tháng 1/1921, hội nghị đại hội Quốc hội bất ngờ diễn ra tại Quảng Châu. Vào tháng 4, Tôn Trung Sơn được bầu làm tổng thống và Trần Quýnh Minh được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh quân đội Quảng Đông, một lần nữa chuẩn bị cho cuộc Bắc phạt để thống nhất Trung Quốc. Vào ngày 16/6/1922, Trần Quýnh Minh trở mặt phản bội và ra lệnh bắn phá Phủ Đại Tổng thống, buộc Tôn Trung Sơn phải rời Quảng Châu. Sự kiện Trần Quýnh Minh một lần nữa nêu bật sự cần thiết phải thành lập quân đội quốc gia.

Đại hội đại biểu toàn quốc đầu tiên của Quốc Dân đảng được tổ chức vào tháng 1/1924 trùng hợp với cao trào liên minh với Nga. Cố vấn Liên Xô là Borodin cùng một số lãnh đạo ĐCSTQ đã tham gia vào hoạt động cấp cao của đại hội. Thấy Tưởng Giới Thạch vừa trở về sau chuyến thăm Liên Xô và không tán đồng với Liên Xô, Tôn Trung Sơn có ý không để Tưởng tham gia đại hội trù bị, thay vào đó cử Tưởng làm chủ tịch ủy ban trù bị của Học viện Quân sự Hoàng Phố để thành lập trường quân sự và lực lượng quân sự của riêng mình. Tưởng Giới Thạch từ chức và trở về quê vì không hài lòng với việc các đảng viên ĐCSTQ “dựa vào Nga và tự trọng”, nhưng Tôn Trung Sơn vẫn cực lực giữ Ông lại. Tưởng Giới Thạch sau này nhớ lại:

“Quốc phụ gửi điện không ngừng thúc giục, rằng anh là đảng viên gánh vác trọng trách của cách mạng chúng ta, rằng phải phục tùng mệnh lệnh, kiên quyết không cho phép từ chức; đồng thời lại phái đồng chí Đới Quý Đào trở lại Phụng Hóa và chuyển lời hẹn ước của Ông cho phép tôi không nghe việc Đảng và chính phủ mà chỉ chuyên mở trường quân sự. Tôi trở về Quảng Châu tiếp nhận mệnh lệnh làm hiệu trưởng Học viện Quân sự” — (Tưởng Giới Thạch, “Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”).

Sau sự cố tàu Vĩnh Phong hai năm trước đó, Tôn Trung Sơn đã tuyên bố rõ ràng rằng Ông không còn nhiều thời gian nữa và yêu cầu Tưởng Giới Thạch hãy chuẩn bị chiến đấu trong 50 năm. Trong bài văn kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Quốc phụ, Tưởng Giới Thạch viết: 

“Quốc Phụ đột nhiên nói: ‘Con tàu sẽ sớm được thay đổi và tôi biết rằng thời gian mình sống không quá 10 năm, nhưng anh còn ít nhất hơn 50 năm nữa, mong anh hãy phấn đấu vì Chủ nghĩa Tam Dân, vì tự tôn của cách mạng!’. Nghe xong lời dạy bảo, thành kính và không biết làm như thế nào để an ủi lòng cảm khái của người thầy, người cha, trong lòng tôi lo lắng rằng Trung Chính năm nay cũng ba mươi sáu tuổi. Quốc phụ nhắc lại: ‘Cuộc cách mạng của đảng ta đã gặp phải sự thay đổi lớn lao, tôi vẫn chưa bị bọn phản nghịch ám hại, sự việc về sau này nếu xảy ra bất trắc thì anh hãy vì chủ nghĩa (Tam Dân), tiếp tục phấn đấu 50 năm nữa, cũng không lâu lắm’”. Trời cao đã an bài để Tưởng Giới Thạch lèo lái vận mệnh quốc gia sau Tôn Trung Sơn và chiến đấu thực hiện chủ nghĩa Tam Dân trong suốt 50 năm. 

Tưởng Giới Thạch và lãnh tụ đã vào sinh ra tử suốt 42 ngày trên tàu Vĩnh Phong, kể từ sự cố tàu Vĩnh Phong năm 1922 cho đến khi Tưởng Công mất vào năm 1975 là 53 năm. Với Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch là một ứng cử viên tuyệt đối đáng tin cậy, vậy nên Ông đã cử Tưởng đến Liên Xô và sau đó là thành lập học viện quân sự, thực sự đã phó thác tương lai của Trung Quốc cho Ông.

Tưởng giới thạch,
Tưởng Giới Thạch (Ảnh Epoch Times)

Trước khi chính thức khai giảng Học viện Quân sự Hoàng Phố vào tháng 6/1924, Tưởng Giới Thạch đã gặp gỡ lứa học viên đầu tiên với tư cách là hiệu trưởng vào ngày 8/5, ông phát biểu: 

“Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh dân tộc suy bại, dân quyền bị tước đoạt, dân sinh điêu tàn, dục vọng tràn lan, đất nước rối ren, chính phủ bấp bênh, từ thủ tướng của đảng chúng ta cho đến các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương, đều gian nan vất vả và điều hành một ngôi trường quy mô lớn này. Đó là việc không dễ dàng gì”. Ông yêu cầu học sinh bắt đầu bằng cách cải cách chính mình: “Bởi vì nếu muốn cải cách cuộc sống của người khác, trước tiên bạn phải cải cách cuộc sống của chính mình. Nếu bạn không thể thay đổi gia đình của chính mình, bạn sao có thể thay đổi được người khác? Vậy có phương pháp nào để cải cách? Đó là tuân theo các nguyên tắc chân chính và đi đúng quỹ đạo”, “Nếu khi gặp tình hình trời đất đảo lộn, thì chúng ta phải đỉnh thiên lập địa mà duy trì chính khí trong trời đất này và cứu lấy bất hạnh của nhân loại” — (Tưởng Giới Thạch, “Cuộc đời sứ mệnh và cách mạng của trường Học viện Quân sự”, 1924).

Ông yêu cầu các học viên phải có tinh thần hy sinh bản thân mình: “Bổn phận của quân nhân chúng ta chỉ có một chữ ‘tử’ trong chữ sinh tử mà thôi, mục đích của quân nhân chúng ta cũng chỉ có một chữ “tử”. Ngoài chữ “tử” ra, ngược lại thì chính là tham sống sợ chết, nếu như tham sống mà sợ chết thì chẳng những không làm được một quân nhân mà còn là kẻ không có nhân cách, chẳng được coi là chân chính làm người”, “Vì vậy, người xưa nói: Có khi chết nặng tựa Thái Sơn, có khi chết nhẹ tựa lông hồng. Nếu chúng ta có chết thì hãy chết có giá trị như núi Thái Sơn, cái chết xứng đáng có giá trị của nó, chẳng hạn như chết vì chủ nghĩa Tam Dân để cứu nước cứu đảng, vậy thì tiếc gì cái chết đó đâu?” — (Tưởng Giới Thạch, “Cuộc đời sứ mệnh và cách mạng của trường Học viện Quân sự”, 1924).

Học viện quân sự đã dán nhiều khẩu hiệu, trong đó vế trên của một câu đối liễn viết: “Thăng quan phát tài thỉnh vãng tha xứ” (thăng quan phát tài, vui lòng đi nơi khác” và câu dưới đối lại là: “Tham sinh phạ tử vật nhập tư môn” (tham sống sợ chết thì đừng vào trường học), qua đó đã khái quát tinh thần của Học viện Quân sự Hoàng Phố.

Thành đồng vách thép 

Sau khi Học viện Quân sự Hoàng Phố được thành lập, hiệu trưởng Tưởng đích thân quản lý mọi thứ, từ thiết kế quân phục, chiêu mộ giảng viên, biên tập giáo trình giảng dạy, huấn luyện bắn súng, thậm chí cả vệ sinh trường học và rèn luyện tác phong cho học viên. Trường quân sự kỳ đầu tiên có khoảng 500 sinh viên, hầu hết đều do chính Tưởng Giới Thạch chiêu sinh. Ông đã chế định “Danh mục sách đọc chọn lọc” cho sinh viên, bao gồm các tác phẩm kinh điển, như lịch sử các cuộc chiến tranh trong và ngoài Trung Quốc, văn tập về các anh hùng qua các triều đại và khoa học thời cận đại… Tổng cộng có bốn mươi hai thể loại, hàng trăm cuốn sách, bao gồm nhiều chủ đề.

Học viện Quân sự Hoàng Phố ban đầu dự kiến chương trình ​​đào tạo 3 năm 1 khóa, bồi dưỡng nhân tài quân sự cấp cao. Tuy nhiên do tình hình cấp bách, lứa học viên đầu tiên nhập học vào ngày 5/5/1924 và tốt nghiệp vào ngày 8/11 cùng năm, thời gian chỉ có nửa năm. Có thể thấy sự đặc thù của điều kiện vào thời điểm đó. Theo hồi ức của Vương Bá Linh, những ngày đầu vào quân trường ai cũng nghĩ rằng một khóa học kéo dài ít nhất là một năm, nhưng Tưởng Giới Thạch khẳng định chỉ cần ba tháng và nói rằng nếu kéo dài thì Trung Quốc có thể bị diệt vong trong khoảng thời gian này. Nhưng sau khi tính toán bàn luận và quyết định, một khóa học có thời hạn sáu tháng – (Vương Bá Linh, “Hồi ức về việc thành lập Học viện Quân sự Hoàng Phố”).

Vào tháng 10, để dập tắt cuộc bạo loạn của thương đoàn Quảng Châu, Tôn Trung Sơn đã thành lập Ủy ban Cách mạng và cử sáu người trong đó có Tưởng Giới Thạch làm ủy viên đặc mệnh toàn quyền. Ngày 9/10, Tôn Trung Sơn viết thư cho Tưởng Giới Thạch: “Tình hình hiện nay do người Hán và Cảnh Vệ duy trì bảo vệ, nếu không duy trì bảo vệ được nữa, một khi bên bờ sụp đổ thì hãy lấy dao sắc chặt tơ rối, thành công hay thất bại cũng không tính toán. Ngày nay ủy ban cách mạng dùng phương pháp này để chuẩn bị, nó không phù hợp với người Hán và Cảnh Vệ. Vì vậy, cần phải chia nhỏ cách làm, không nên làm qua loa cho có lệ” — (“Thư gửi Tưởng Giới Thạch”). Ngày 15, tổng chỉ huy quân sự Tưởng Giới Thạch đã dẫn quân đội sinh viên Hoàng Phố và quân đội chính phủ nhanh chóng bình định thế lực bạo loạn.

Vào ngày 13/11, Tôn Trung Sơn được Trương Tác Lâm, Đoàn Kỳ Thụy và Phùng Ngọc Tường mời đi lên phương Bắc để thảo luận về các vấn đề đất nước. Trước khi rời đi, Ông đi thị sát một vòng học viện quân sự và nói với Tưởng Giới Thạch: “Nhìn các học viên của Học viện Quân sự Hoàng Phố… như vậy là có thể kế tục sinh mệnh của tôi và thực hành được chủ nghĩa Tam Dân của tôi rồi. Có đội quân sinh viên như các vị đây để có thể hoàn thành những chí nguyện còn dang dở của tôi, thì tôi có chết cũng được rồi”. Sau đó, Quốc phụ đã ra đi không trở lại nữa, đó là lời di ngôn Tôn Trung Sơn lưu lại cho trường quân sự Hoàng Phố.

Vào ngày 1/2/1925, Tưởng Giới Thạch đích thân soái lĩnh quân đội gồm giảng viên và sinh viên của Học viện Quân sự Hoàng Phố cùng Lữ đoàn 2 và 7 của quân đội Quảng Đông đi thảo phạt Trần Quýnh Minh. Sau hai tháng giao tranh đẫm máu đã đánh đuổi quân phản loạn về Giang Tây. Tổng tư lệnh quân bắc phạt của cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 là Diêu Vũ Bình từng nhớ lại rằng: Ông Tưởng có lòng can đảm hơn người, trong cuộc viễn chinh miền Đông, Ông ấy đã đeo lựu đạn đầy người, khi chỉ huy trên tiền tuyến thậm chí còn dẫn đầu quân xung phong.

tuong gioi thach 8
Tưởng Giới Thạch năm 1933. (Ảnh Wikipedia)

Tưởng Giới Thạch yêu cầu sinh viên trường quân sự Hoàng Phố luôn sẵn sàng chiến đấu và hy sinh bất cứ lúc nào. Hơn một nửa trong số các sinh viên khóa thứ nhất của trường quân sự Hoàng Phố đã hy sinh trên chiến trường chỉ sau một năm. Tưởng Giới Thạch viết trong “Lời nói đầu cho các sinh viên khóa thứ nhất” vào năm 1925: “Quân đội ta đã lấy 500 sinh viên trong khóa thứ nhất của trường cùng với đoàn giáo viên là 3000 đồng chí cùng ta chinh chiến, ⅓ trong số đó đã bị thương vong, nghĩ lại chuyện này cũng không khỏi buồn!”

Vào ngày 10/2, Tưởng Giới Thạch đã viết một bài thơ tứ tuyệt trên đường đông chinh, cảm giác bi phẫn tràn đầy trang giấy:

Thân suất tam thiên đệ tử binh
Si hiêu vị tĩnh thử đông chinh
Gian nan cách mạng thành cô phẫn
Huy kiếm trường không thế lệ hoành.

Dịch nghĩa:

Đích thân ta soái lĩnh ba nghìn quân sinh viên,
Bọn phản loạn chưa bình định xong nên phải đông chinh
Cuộc cách mạng này gian nan khó khăn khiến thành cô phẫn (sự phẫn nộ của con người cô độc),
Vung cao kiếm lên không trung gạt đôi hàng giọt lệ.
 

Từ tháng 4 đến tháng 6, Tưởng Giới Thạch dẫn binh đánh bại phiến quân phản loạn quân Điền và quân Quế của Dương Hy Mẫn và Lưu Chấn Hoàn. Từ tháng 10 đến tháng 11, Tưởng Giới Thạch tiến hành cuộc Đông Chinh lần thứ hai và quét sạch hoàn toàn quân phản loạn của Trần Quýnh Minh, đạt được mục tiêu chiến lược của Quốc phụ là “chế định Quảng Đông”. Đội quân do Tưởng Giới Thạch chỉ huy được chính quyền và nhân dân “dựa vào như Vạn Lý Trường Thành”.

Bài xã luận “Dân Quốc Nhật báo” ở Quảng Châu nhận định: “Ông Tưởng Giới Thạch là vị thần áo giáp vàng của đảng cánh mạng”, “Với kẻ thù mạnh thì (mọi người) nhờ cậy vào Ông mà tiêu diệt địch, khi kỷ luật quân đội suy thoái thì nhờ có Ông mà chấn chỉnh lại, còn với những phần tử bất lương phản cách mạng thì (mọi người) nhờ cậy vào Ông mà thanh trừ, trước những biến cố khôn lường thì (mọi người) đều dựa vào ông để trấn áp. Ông thực sự là một học trò đáng tin cậy và trung thực của Tôn Trung Sơn”...

Tổng Bí thư ĐCSTQ là Trần Độc Tú đã viết một bài báo trên tập san số ra hằng tuần “Hưởng Đạo”:

“Bây giờ ông Tưởng đã tạo ra một đội quân đảng hùng mạnh. Với lực lượng này mà tiến đánh quân phiệt thì tuyệt đối không bao giờ cần phiền hà đến người dân nữa. Bất kể thành công hay thất bại, chúng ta đã phế bỏ các phái quân phiệt nhỏ của Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông, những kẻ đã quấy rối người dân Quảng Đông bằng cách khiến cho dân chúng mê vào đánh bạc, thuế má cắt cổ để thống nhất quân đội chính phủ và tài chính của Quảng Đông. Điều này không chỉ là công lao hiển hách khiến mọi người thán phục để thành lập Quốc Dân Đảng mà còn vì sự buồn tiếc lực bất tòng tâm khi còn tại thế của anh Trung Sơn”.

Tôn Trung Sơn chỉ ra rằng việc thực hiện chủ nghĩa Tam Dân phải trải qua ba bước: chính phủ quân chính, huấn luyện chính trị và chính phủ hợp hiến. Năm 1914, Ông ban hành hiến pháp chung của Đảng Cách mạng Trung Hoa, trong đó quy định: 

“Đảng cách mạng tiến hành thực hiện trật tự và chia thành ba thời kỳ: (1) Thời kỳ quân chính: Thời kỳ này tích cực dùng vũ lực để quét sạch mọi trở ngại và đặt nền móng cho Trung Hoa Dân Quốc; (2) Thời kỳ huấn luyện chính trị: Thời kỳ này sử dụng các nguyên tắc pháp lý văn minh để nhân dân giám sát và xây dựng quyền tự chủ của địa phương; (3) Thời kỳ lập hiến: Sau khi hoàn thành quyền tự quản địa phương, công dân bầu ra đại diện, tổ chức ủy ban hiến pháp, lập hiến pháp và ngày hiến pháp được ban hành là lúc cách mạng thành công”.

Chưa đầy hai năm sau khi thành lập Học viện Quân sự Hoàng Phố, Tưởng Giới Thạch đã tạo ra một tổ chức quân đội quốc gia chân chính và thực hiện bước quan trọng để hiện thực hóa “nền quân chính”. Trong các cuộc chiến tranh bên trong và bên ngoài sau này, binh lính của trường quân sự Hoàng Phố là con át chủ bài của quân đội quốc gia và tinh thần của quân đội Hoàng Phố chính là linh hồn của quân đội quốc gia. Tưởng Công đã thống lĩnh quân đội quốc gia, thảo phạt phương Bắc, dẹp loạn thổ phỉ, kháng chiến chống Nhật bảo vệ sự tôn nghiêm của quốc gia, bảo vệ dòng máu dân tộc. Ông xứng đáng là “Người cha của quân đội quốc gia”.

Năm 1939, tổng soái Nhật Bản Okamura Ningji đã nhận xét: “Có vẻ như trung tâm của lực lượng chống Nhật của kẻ thù không phải là 400 triệu người Trung Quốc, cũng không phải là sự kết hợp của nhiều đội quân khác nhau thành 2 triệu quân mà trung tâm vẫn là do Tưởng Giới Thạch làm nòng cốt và các sĩ quan trẻ tuổi của Học viện Quân sự Hoàng Phố làm chủ lực, đồng thời trong các trận chiến trước đây không chỉ là động lực chính của các trận chiến mà còn giám sát đốc thúc việc quân lính mất ý chí chiến đấu và đang do dự không quyết đoán, khiến họ ổn định trên dưới một lòng. Vì vậy không được xem nhẹ uy lực của đội quân này, đây là sự giáo dục rất triệt để của quân đội của trường quân sự Hoàng Phố”, “Nếu đội quân này tồn tại, chúng ta muốn dùng phương pháp hòa bình để giải quyết các biến cố thì chẳng khác nào trèo cây bắt cá”.

Tổ nghiên cứu về các nhân vật thiên cổ anh hùng của văn hóa Thần truyền 5000 năm
Mạnh Hải biên dịch

Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

3 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
1 Comment
Inline Feedbacks
View all comments
Trung Chính
Trung Chính
1 year ago

Rất hay, xin cảm ơn nhiều !

1
0
Bình luậnx
()
x