Trương Tam Phong – Chương 1: Đi tìm chân đạo (phần 2)

Trương Tam Phong (ảnh Epoch Times)
Trương Tam Phong (ảnh Epoch Times)

NHÂN VẬT ANH HÙNG THIÊN CỔ

CHÂN NHÂN CÁI THẾ TRƯƠNG TAM PHONG

TRƯƠNG TAM PHONG (2) – Tầm chân phóng đạo

Chương 1: (tiếp theo) – phần 2

4. Đi tìm Chân Đạo

Tác phẩm “Thượng Thiên Thê” của Trương Tam Phong đã nêu bật tâm chí xuất thế tu Đạo vững chắc như bàn thạch của ông:

“Hồi tưởng tìm Đạo thuở đương sơ
Tâm vững chí kiên như bàn thạch.
Từ quan du núi cao biển rộng
Khổ công tìm bí quyết luyện đan.
Giã từ mộ cỏ của người thân
Làng quê núi non không vương vấn.
Cáo biệt con dại tuổi còn thơ
Quay đầu để lại nhà đỏ lửa
Những việc người thường cho là khó
Người tu hành đều đã làm xong
Những thứ người thường khó buông bỏ
Người tu hành buông bỏ nhẹ tênh
Muốn chứng ngộ được trường sinh quả
Đắc Đạo phi thăng cưỡi hạc Tiên”.

Trương Tam Phong rời khỏi quê nhà ở Liêu Dương, hướng tới Thái Hành Sơn mà tiến đến, trên đường đi qua Hà Bắc nơi ông đã từng nhậm chức làm quan, xúc động cảm khái trào dâng mà thốt lên:

“Ký Châu trở lại cảm khái sao
Cởi mũ ô sa khoác Đạo bào
Sớm mai khoác kiếm đeo đàn bước
Lên Tây Sơn ngóng Thái Hành cao”.

(Trương Tam Phong – “Tam Thập Nhị Tuế Bắc Du”)

Hằng Sơn ứng Tất Mão (Địa thế núi Hằng Sơn ứng với hai vì sao Tất, Mão)

Trương Tam Phong múa kiếm gảy đàn, đặt chân đến mảnh đất Thái Hành Sơn, trước tiên ông đến Động Thiên Phúc Địa bậc nhất của Đạo gia – núi Hằng Sơn. Tương truyền, một trong bát Tiên là Trương Quả Lão cũng ẩn cư tu hành tại núi này, có lưu lại nhiều dấu tích của Tiên nhân. Huyền Không Tự trứ danh tọa lạc trên phía Tây eo sông Kim Long, sông len lỏi giữa hai vách núi của dãy Thuý Bình Phong. Huyền Không Tự được xây dựng vào thời Bắc Ngụy Thái Hòa năm thứ 15 (năm 491), phía trên vách đá hiểm trở, phía dưới thâm sâu cùng cốc, chùa tọa nơi huyền bí, kết cấu diệu kỳ, xứng danh tuyệt tác đứng đầu thế giới.

Trước tiên Trương Tam Phong đến Động Thiên Phúc Địa bậc nhất của Đạo gia - núi Hằng Sơn. (Ảnh qua Epochtimes.com)
Trước tiên ông đến Động Thiên Phúc Địa bậc nhất của Đạo gia – núi Hằng Sơn. (Ảnh qua Epochtimes.com)

Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có sự liên kết đối ứng với nhau, vị trí của Hằng Sơn đối ứng với các vì sao trên trời, các vì tinh tú đó cũng như biểu hiện hình tượng của Thiên Thần, vì vậy nếu có thể “Quan Thiên chi Đạo, chấp Thiên chi hành, tận hĩ” (Học xem Đạo của Trời, hành sự theo ý Trời thì đã đạt đến hoàn mỹ tột bậc rồi) (Trích “Hoàng Đế Âm Phù Kinh”). Các vị Hoàng đế trong lịch sử đều rất xem trọng việc quan sát việc thiên tượng biến hoá. Hai vì tinh tú Tất, Mão là hai trong 28 ngôi sao thời cổ đại. Trương Tam Phong nói rằng Hằng Sơn đối ứng với hai vì Tất, Mão sáng rọi trên bầu trời, quả là Động Thiên Phúc Địa bậc nhất của Đạo gia.

“Trên là sao Tất Mão
Dưới là Hằng Sơn cao
Dây leo chằng vách đá
Tùng bách nổi ba đào
Núi rừng mênh mông quá
Gió thiêng nổi thét gào
Núi Tiên dựng am Đạo
Vui ngắm hứng dâng trào”

(Trương Tam Phong – “Hằng Nhạc”)

Trương Tam Phong ngước nhìn nhà xây trên núi, trong lòng thầm mong mỏi tầm Chân học Đạo. Mười sáu năm ròng trôi qua vẫn chưa tìm được Đại Đạo chân chính. Ông lưu lại bài thơ “Du Du Ca”, biểu đạt nỗi lòng xúc cảm sâu sắc về đời người ngắn ngủi, cảm thán chân Đạo quả thực khó tìm:

“Du du ca, du du ca,
Bốn mươi tám tuổi vẫn chưa tìm ra,
Thọ mệnh kiếp người được bao xa!
Kiên trì mười sáu năm ròng nơi Hằng Sơn ấy,
Chim én cứ đến rồi vụt đi như làn sóng nhỏ.
Chi bằng mang theo đàn cùng kiếm,
Đội nón lá mặc áo tơi,
Tiếp bước phía Đông về núi Bồng Lai hát bài ca Đạo”.

Núi Tiên Bồng Lai

Trương Tam Phong chuyển hướng đi về phía đông tới Tề Lỗ (Tỉnh Sơn Đông ngày nay), mong tìm được thế giới Tiên cảnh.

“Thân này thường trong nước trong mây
Tề Lỗ ngao du thỏa hứng nhàn
Muốn thăm Phương Khổn với Viên Kiều,
Ba núi muôn thuở trú Thần Tiên”
(Trương Tam Phong – “Đông Du”)
“Hạc Tiên hát cổng biển mở toang,
Mặt trời mọc sóng biển dâng trào
Nhìn muôn dặm sắc hồng rực sáng
Đỉnh ba núi phủ một màu xanh
Nghe tiếng sênh hạc Tiên sà xuống
Chỉ thấy mây rồng rước mưa về
Có phi Tiên tay vẫy hươu nai
Người ngẩng mặt trông ngóng Bồng Lai”

(Trương Tam Phong – “Nhật Quan Tảo Khởi Quan Nhật”)

Phương Khổn và Viên Kiều được nói đến trong hai câu thơ trên, chính là núi Thần ở Bột Hải trong truyền thuyết . Trong cuốn “Liệt Tử – Thang Vấn” có viết: “Phía đông biển Bột Hải có năm núi lớn, một là Đại Dư, hai là Viên Kiều, ba là Phương Khổn, bốn là Doanh Châu, năm là Bồng Lai”. Sau đó “Đại Dư” và “Viên Kiều” trầm xuống đáy biển, chỉ còn lại Phương Khổn (cũng gọi là Phương Trượng), Bồng Lai, Doanh Châu ba ngọn Thần núi. Ba Thần núi này là nơi Thần Tiên ở, cung điện đều dựng từ vàng ngọc, trên núi hoa quả ngọt lành, đồ ăn cũng không bao giờ hết. Tần Thuỷ Hoàng và Hán Vũ Đế đều phái người đi tìm các loại Tiên dược nơi đây.

Trong cuốn “Sử Ký – Tần Thuỷ Hoàng Bản Kỷ” có ghi rằng Tần Thuỷ Hoàng đã cử Từ Thị xuống biển cầu Tiên nhân: “Từ Thị người đất Tề dâng thư nói: Nơi biển cả có ba ngọn núi Tiên, tên gọi là Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, nơi đó đều có Tiên nhân cư ngụ. Vậy nên cần trai giới, đưa đồng nam đồng nữ đi cầu. Thế là Tần Thủy Hoàng phái Từ Thị dẫn theo mấy nghìn đồng nam đồng nữ ra biển cầu Tiên nhân”.

Trong cuốn “Sử Ký – Phong Thiền Thư” có chép rằng Vũ Hán Đế cử phương sĩ Dịch Đại đến biển tìm thuốc Tiên để trường sinh bất lão: “Thiếu quân nói với Hoàng thượng rằng: “… Thần thường du ngoạn trên biển, gặp được An Kỳ Sinh, An Kỳ Sinh ăn táo lớn, to như quả dưa. Vị Tiên giả An Kỳ Sinh này đi đến đảo Bồng Lai, người nào hợp sẽ gặp, không hợp sẽ ẩn. Thế là Thiên tử bắt đầu chăm lo cúng bái tổ tiên, và sai phương sĩ đến biển cầu gặp An Kỳ Sinh nơi chốn Bồng Lai”.

Đảo Bồng Lai (Ảnh: Wikipedia)
Đảo Bồng Lai (Ảnh: Wikipedia)

Núi tiên Lao Sơn trên biển đã giữ được bước chân đi tìm Đạo của Trương Tam Phong, để lại câu chuyện tu Đạo trong những năm đó của ông. Trương Tam Phong tiến đến núi Bồng Lai, mắt hướng về nơi Tiên cảnh, trong lòng mờ mịt, rầu rĩ.

“Đỉnh núi Đan Nham gác Bồng Lai
Chỉ ngắm Bồng Lai chẳng thể tới
Gió thổi biển dâng tâm khẽ đưa
Sóng biển xanh biếc ào tới lui.
Ta đến Đông Mâu chân trời rộng
Tình thơ hào phóng như anh hùng
Hướng về nơi xa đất Phù Tang
Lầu cao bích ngọc cung bạc vàng.
Vỗ tay hát ca hạc mây bay
Tiên nhân nhẹ bước đến bên này
Nâng cốc ra biển chúc Hải Thần
Triển hiện quang minh nghìn vạn dặm
Lặng nhìn xa xa nơi thiên không
Biển rộng trời cao không bờ bến.
Muốn được cưỡi gió cuốn bay đi
Vì chưa vũ hóa lòng rầu rĩ”

(Trương Tam Phong – “Đan Nham Sơn”)

Trương Tam Phong trong ba năm chu du về phía đông sông Hoàng Hà, đứng trên dãy Đại Tông (hay núi Thái Sơn) mà thốt lên rằng: “Nhân sinh tới đây như được mở rộng tầm mắt”, sau đó ông lại du ngoạn tiếp tới núi Tồ Lai tự vấn: “Sáu Tiên trong núi giờ nơi nao?”, mắt ngước nhìn cảnh núi Bồng Lai phía xa xăm, lại không thể hoá lông vũ bay tới, không đắc được Đại Đạo, Tiên sơn thắng cảnh thật vô vọng khó tìm.

“Ba năm cất bước khắp Hà Đông
Đầu đội trăng sao áo thanh phong
Leo núi cười vui cây sáo trúc
Gặp suối nhàn gẩy chiếc cổ cầm
Biển núi khi nào gặp bạn Đạo?
Trần gian nơi nào gặp Tiên ông?”

(Trương Tam Phong “Hà Đông”).

Du hành tới Trung Châu

Trương Tam Phong đổi hướng đi về phía nam, dấu chân ông có khắp vùng nam bắc Trung Châu (nay là Hà Nam, Trung Quốc). Trương Tam Phong đến núi Tung Sơn ở Trung Nhạc (nay là Trung Nguyên, phía bắc trông ra sông Hoàng Hà, Lạc Thuỷ, phía nam nhìn ra Dĩnh Thuỷ, Cơ Sơn), nơi này là tịnh thổ cửa Phật, Thiếu Lâm Tự tọa lạc tại Thiếu Thất Sơn bao quanh bởi cây cối xum xuê. Tung Sơn cũng là ngọn núi Tiên của Đạo gia, tương truyền Hán Võ Đế đã đến Tung Nhạc làm lễ khấn Thần sơn, nghe thấy tiếng núi vọng “Vạn tuế”, nên đã xây Vạn Tuế Quán. Theo như lời của Trương Tam Phong, Tung Sơn nằm ở vị trí quẻ Ly trong Bát quái, Ly tính hỏa, đỉnh chính dãy Tung Sơn vút cao lên trời, phía trên ứng với ba vì tinh tú, phía dưới có ngọn Thái Thất Sơn và Thiếu Thất Sơn, tựa như lò luyện đan của Tiên nhân mà ông Trời đã sắp đặt.

Núi Tung Sơn. (Ảnh: Wikipedia)
Núi Tung Sơn. (Ảnh: Wikipedia)

Trương Tam Phong tự ví bản thân là “Thanh Liên” – Thi tiên Lý Bạch, đi tìm suốt 36 đỉnh núi ở Tung Sơn mà không gặp được chân Sư. Hậu nhân truyền rằng Trương Tam Phong tinh thông Thiếu Lâm quyền, về sau sáng lập ra Thái cực quyền.

“Chính Ly đại hỏa lò luyện đan
Chính tại Trung Sơn đỉnh núi cao
Tiên linh thấp thoáng ba đài dựng
Thái Thiếu sừng sững đứng hai bên
Ta nay tìm đạo như Thanh Liên
Ba sáu kỳ phong thành đỉnh cao
Gảy đàn trên đá lòng vời vợi
Trong mây hạc múa dáng thướt tha
Bỗng nhiên miệng khát nhớ rượu huyền
Tay vốc nước suối súc miệng thay
Đêm trăng sáng treo ngọn thông suối
Rào rào mấy chập như sét gầm
Trong tĩnh có động động lại nhàn
Gáo dừa cành cọ ngồi vách đá
Không gặp chân Sư cũng sống vui
Lưu lại dấu chân núi Tung này”

(Trương Tam Phong – “Tung Nhạc”).

Rời khỏi Tung Sơn, Trương Tam Phong đi tiếp tới Vương Ốc Sơn, một trong thập đại động thiên của Đạo gia. Sở dĩ gọi động thiên, vì “Trong núi có động, nói thông các núi, thông thẳng lên trời”. Trên đỉnh núi chính có một đàn tế bằng đá, truyền thuyết kể rằng là nơi Hiên Viên Hoàng Đế cúng bái trời đất. Khi đó Hoàng Đế và Xi Vưu đại chiến, “Hoàng Đế không cách nào chiến thắng, vì vậy ông cầu xin thượng Thiên chỉ dẫn, sau đó có Tây Vương Mẫu cử Cửu Thiên Huyền Nữ trao “Cửu Đỉnh Thần Đan Kinh” và “Âm Phù Sách”, hai cuốn binh thư yếu lược có thể khắc phục được quân của Xi Vưu cho Hoàng Đế.” (Theo “Chính Thống Đạo Tạng” của Đỗ Quang Đình thời Đường, và “Thiên Đàn Vương Ốc Sơn Thánh Tích Ký”).

Trương Tam Phong dựng nhà tranh định cư ở Vương Ốc Sơn.

“Trong biển động thiên lớn, Vương Ốc đứng hàng đầu
Cổ xưa mây trắng bay, đến nay hộ nguyên thất.
Trong động vọng tiếng sáo, đỉnh núi nhật nguyệt treo.
Ta muốn dựng nhà tranh, luyện lấy chất Thần Tiên”.

(Trương Tam Phong – “Vương Ốc Sơn”)

Trương Tam Phong đi tìm khắp nam bắc Trung Sơn mà không được gì, trong ngoài chỉ thấy “Mang mang mặt trời rọi chiếu đàn tế của Đế Vương”.

“Trung Sơn nam bắc đi tìm Chân, đường dài ngân vang hát cổ văn. Cuồn cuộn ánh nắng khô căn nhà, mang mang mặt trời chiếu đàn tế. Thân như cánh bèo trôi dòng nước, vai gánh đàn ngọc đem ánh trăng. Sau này lại đi từ Hà Nội, tay chỉ về hướng Thái Hành Sơn”.
(Trương Tam Phong – “Trung Châu Ký Hành”).


Nguồn: Epoch Times

Link bài dịch: NTD Việt Nam

Xem tiếp: Trương Tam Phong – Chương 1: Gặp chân Sư nơi Chung Nam Sơn (phần 3)

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x