Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.21): Lấy đức báo oán

Tưởng Giới Thạch
Nhân vật anh hùng thiên cổ Tưởng Giới Thạch (Epoch Times)

Việc may mắn trong đời

Tháng 04/1942, Tưởng Giới Thạch gợi ý cho phu nhân Tống Mỹ Linh đăng bài “Như tôi quan sát” trên tờ “Thời báo New York”, yêu cầu Anh-Mỹ huỷ bỏ hiệp ước bất bình đẳng với Trung Hoa: “Ba tháng vừa qua, nhân dân Trung Quốc chúng tôi ngạc nhiên không tin vào mắt mình, khi nhìn thấy quân đội Tây Dương ở khắp mọi nơi đều khuất phục đầu hàng quân địch … Nhưng chúng tôi lại cầm vũ khí lên chống lại quân địch. Đến hôm nay, đã sắp tròn 5 năm rồi.” “Sức mạnh tinh thần của Trung Quốc sẽ giúp cho chúng tôi vượt qua được cửa ải khó khăn nhất, gian khổ nhất, hy vọng người Tây Dương có thể hiểu được giá trị của sức mạnh tinh thần này.” Tưởng phu nhân nói rõ ràng cho thế giới phương Tây: Chớ xem thường người Trung Quốc.

Lời lẽ của Tưởng phu nhân đã tạo được sự đồng cảm của dân chúng Mỹ quốc. Tổng thống Roosevelt nhận thức được rằng, Trung Quốc và Anh, Hoa Kỳ giống nhau, đều là trụ cột của lực lượng đồng minh. Ông đã thuyết phục được Thủ tướng Churchill, ngày 09/10/1942, Hoa Kỳ và Anh tuyên bố từ bỏ đặc quyền và lợi ích của họ tại Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch xúc động không thôi, trong nhật ký hôm đó ông viết: “Đây là mục tiêu phấn đấu lớn nhất cả đời từ khi lãnh đạo cách mạng đến nay, mà đến nay cuối cùng tôi đã tự mình thực hiện được, trong lòng cũng khuây khỏa, thật là điều may mắn nhất trong cuộc đời.”

Dưới sự dẫn đầu của Hoa Kỳ và Anh, các quốc gia khác như Pháp, Canada, Bỉ, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan cũng rất nhanh chóng hủy bỏ hiệp ước bất bình đẳng với Trung Hoa.

Nhân cách của Tưởng Giới Thạch nhận được sự tôn trọng của các nước đồng minh quốc tế. Vào tháng 03/1943, Tổng thống Roosevelt đã viết thư cho tướng George Marshall, nói rằng: “Chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, Chủ tịch (Tưởng) phải trải qua hành trình gian khó mới trở thành người lãnh đạo không thể bàn cãi của 400 triệu người dân.” (Hoàng Nhân Vũ, “Đọc nhật ký của Tưởng Giới Thạch từ góc độ của lịch sử”).

tuong gioi thach rooseselt churchill minh chan tuong
Nguyên thủ của ba nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh quốc: Tưởng Giới Thạch, Roosevelt và  Churchill gặp nhau tại Cairo năm 1943. (Ảnh: Tài sản công)

Tháng 11/1943, nguyên thủ ba nước Trung Quốc, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã gặp mặt tại Cairo, thương thảo chiến lược kháng Nhật và bố cục thế giới sau chiến tranh. Tưởng Công đề xuất: “Tất cả đất đai mà Nhật Bản chiếm đoạt của Trung Quốc, như Mãn Châu, Đài Loan, Bành Hồ, đều nên để Trung Hoa dân quốc khôi phục.” Tưởng Công còn đưa ra hai chủ trương: “Chính quyền Nhật Bản sau chiến tranh sẽ do người Nhật tự quyết định” và “Trợ giúp Triều Tiên và An Nam độc lập”. Tưởng Giới Thạch biểu thị rõ ràng: “Đối với các quốc gia Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Trung Quốc không có dã tâm về lãnh thổ.” Ông bày tỏ: “Sau chiến tranh, Trung Quốc không đưa quân chiếm đóng lãnh thổ Nhật Bản, mà do Hoa Kỳ một mình chiếm đóng”; Không cho Liên Xô có cơ hội xuất binh tới Nhật Bản, tránh cho Nhật Bản bị chia cắt. Tổng thống Roosevelt và Thủ tướng Churchill đều ủng hộ lập trường của Tưởng Công, đồng thời chính thức ghi vào “Tuyên bố Cairo”.

Tướng Albert Coady Wedemeyer là tham mưu trưởng quân đồng minh tại chiến khu Trung Quốc, từ đáy lòng rất khâm phục cuộc kháng chiến của Trung Quốc, ông đã viết trong hồi ký rằng: “Tôi bắt đầu lĩnh hội được những biểu hiện đáng kinh ngạc về sự kiên nhẫn cùng sức chịu đựng của chính phủ Quốc dân trong chiến tranh kháng Nhật, tuyệt không phải như Joseph Stilwell và những ký giả bằng hữu của ông ta miêu tả là không muốn tác chiến. Nước Pháp đã lập tức khuất phục sau khi nước Đức phát động công kích 6 tuần lễ, tuy nhiên sau 7 năm từ khi Nhật Bản phát động chiến tranh xâm lược, vào năm 1944 Trung Quốc vẫn còn đang gian khổ chống đỡ.” (“Báo cáo của Wedemeyer”, 1958)

flying tigers world war 2 minh chan tuong
Flying Tigers P-40 (Đội Phi Hổ), với hình vẽ hàm cá mập trên đầu phi cơ, là một trong những chiến đấu cơ dễ nhận biết nhất của lực lượng không quân trong Đệ nhị Thế chiến. (Rennett Stowe from USA / Wikipedia)

Năm 1944, “Flying Tigers” của lực lượng không quân Hoa Kỳ viện trợ Trung Quốc đã hợp tác với không quân Trung Quốc triển khai tấn công mạnh mẽ quân Nhật tại không phận Trung Quốc. Đầu năm 1945, máy bay ném bom của Mỹ bắt đầu công kích quy mô lớn vào các thành phố chủ yếu của Nhật Bản. Tokyo cũng bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích. Việc lục quân Trung Quốc vây quét quân Nhật ở Trung Quốc cũng dần leo thang.

Năm 1945 là một năm xoay chuyển tình thế. Ngày 28/04/1945, Benito Mussolini bị bắn chết, ngày 30/04/1945, Hitler tự sát. Đầu tháng 5/1945, Ý, Đức lần lượt đầu hàng, mấy nước trục tâm tan rã, chiến tranh ở Âu Châu kết thúc. Tuy nhiên, Nhật Bản không chịu đầu hàng và đang tích cực chuẩn bị cho một trận chiến quyết định cuối cùng mang mật danh “100 triệu viên ngọc nát” (ngọc nát ý chỉ sự hy sinh). Vào ngày 26/07/1945, ba nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc đã đưa ra “Tuyên bố Potsdam”, trong đó “Thông báo cho chính phủ Nhật Bản ngay lập tức tuyên bố tất cả các lực lượng vũ trang Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện.” “Ngoài con đường này, Nhật Bản sẽ nhanh chóng hủy diệt hoàn toàn.” Nhật Bản đâu có biết, mười ngày trước Hoa Kỳ vừa thí nghiệm ra một loại vũ khí đáng sợ: Bom nguyên tử. Nhật Hoàng cùng các tướng lĩnh của ông không thể hiểu được ý tứ “nhanh chóng hủy diệt hoàn toàn”, cho nên muốn chọn cách dựa vào địa thế hiểm yếu để chống lại.

Để tránh đổ máu nhiều hơn, Tổng thống Truman quyết định sử dụng bom nguyên tử làm đòn sát thủ, giáng cho Nhật Bản một đòn cuối cùng. Ngày 06 và 09/08/1945, máy bay Mỹ lần lượt thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Sau ánh chớp chói lòa, sóng xung kích quét ngang mặt đất, mây hình nấm bao phủ bầu trời, hai thành phố lập tức trở thành đống đổ nát, 140,000 người Nhật Bản thiệt mạng. Ngày 15/08/1945, Thiên hoàng Nhật Bản Hirohito đã phát đi “Chiếu thư kết thúc chiến tranh”, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Tin tức truyền ra, ở mảnh đất Thần Châu khắp chốn reo hò, người trong nước vui mừng đến phát khóc. Một cửa hiệu buôn bán ở Trường Sa treo câu đối: “Trung Hoa Trung Sơn Trung Chính, Dân tộc Dân quyền Dân sinh.” Đến lúc này, thanh danh của Tưởng Giới Thạch tựa như mặt trời ban trưa.

Lấy đức báo oán

Vào ngày Nhật Hoàng Hirohito đầu hàng, Tưởng Giới Thạch đã có bài phát biểu: “Cuộc kháng chiến của chúng ta, hôm nay đã thắng lợi rồi. Và chân lý ‘Chính nghĩa tất sẽ thắng cường quyền’ cuối cùng đã được chứng minh.” 

“Các đồng bào Trung Quốc chúng ta phải biết rằng ‘tha thứ’ và ‘thiện chí giúp người’ là đức tính vô cùng cao quý trong truyền thống của dân tộc ta. Chúng ta trước sau như một tuyên bố rằng chỉ coi các quân phiệt hiếu chiến Nhật Bản là địch, không coi  nhân dân Nhật Bản là địch. Hôm nay, quân địch đã bị đồng minh của chúng ta đánh bại.” “Nhưng chúng ta hoàn toàn không muốn trả thù, càng không thể vũ nhục đối với những người dân vô tội của địch quốc.” “Phải biết rằng, nếu như dùng bạo lực để đáp lại những hành động bạo lực trước đây của quân địch, lấy hành động vũ nhục đáp trả lại sai lầm của họ trước đây, như thế thì sẽ oan oan tương báo, vĩnh viễn không có điểm kết thúc, đây quyết không phải là mục đích của tấm lòng nhân nghĩa mà những người thế hệ trước đã dạy chúng ta”. (“Văn kiện công bố đến quân dân cả nước cũng như nhân sĩ toàn thế giới khi kháng chiến thắng lợi”, 1945)

Việc phế bỏ hay để tồn tại chế độ Thiên Hoàng Nhật Bản, là một một vấn đề khó giải quyết. Các đồng minh phương Tây vẫn chưa ngã ngũ đối với vấn đề này. Trong Hội nghị Cairo, Tưởng Công nêu ra: “Người  phát động chiến tranh, chỉ là một nhúm quân phiệt Nhật Bản, tôi cho rằng điều kiện thiết yếu là căn bản giải trừ quân phiệt, không thể để cho bọn họ tái khởi tham gia vào chính sự ; còn hệ thống quốc gia của Nhật Bản nên như thế nào, tốt nhất đợi sau khi chiến tranh kết thúc sẽ do người dân Nhật Bản tự mình quyết định. Bởi vì chiến tranh nhất thời mà can thiệp quốc thể của nước khác, sẽ tạo thành sai lầm vĩnh viễn giữa các dân tộc.” (“Hồ sơ bí mật của tổng thống Tưởng Giới Thạch”).

Tưởng Giới Thạch thuyết phục Roosevelt, Churchill… giữ lại danh nghĩa Thiên Hoàng, duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản. Nhật Bản thời hậu chiến, được khai sáng về chính trị và phát triển về kinh tế, là một lực lượng hùng mạnh đã kìm hãm sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

Với tấm lòng vĩ đại lấy Đức báo oán của Tưởng Giới Thạch, có học giả Đài Loan bày tỏ rằng: “Tưởng Giới Thạch sở dĩ khoan dung đối với Nhật Bản, bởi vì ông ngay từ đầu đã không coi người dân nước Nhật là địch, ngược lại cho rằng mối bang giao giữa hai nước Nhật Bản-Trung Quốc là huynh đệ, chỉ cần những kẻ quân phiệt hiếu chiến Nhật Bản bị tiêu diệt, thì hai nước Trung-Nhật tuyệt đối có thể hóa thù thành bạn. Còn nữa, Trung Quốc sau chiến tranh có thể vào vị trí lãnh đạo Á Châu, Nhật Bản tất sẽ chủ động quy thuận.” (Hoàng Từ Tiến, “Thái độ Tưởng Giới Thạch đối với Nhật Bản trước và sau kháng chiến kết thúc: Nghiên cứu thảo luận sự thật “Lấy đức báo oán”)

Trong chiến tranh, Tưởng Công là khắc tinh của quân phiệt Nhật Bản, sau chiến tranh, ông lại trở thành Thần hộ mệnh của dân tộc Nhật Bản. Sau khi Tưởng Công mất, tỉnh Aichi tại Nhật Bản đã xây dựng “Đền thờ Trung Chính” để thể hiện tấm lòng tri ân.

Xoay chuyển Càn Khôn

Ngày 24/10/1945, Trung Hoa Dân Quốc cùng với Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và Pháp khởi xướng việc thành lập Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc là một trong năm thành viên thường trực. Tưởng Công với tư cách là nhà lãnh tụ tối cao của Trung Quốc, đã trở thành một trong những người sáng lập Liên Hiệp Quốc.

tuong gioi thach quoc dan dang minh chan tuong
Bức ảnh Tưởng Giới Thạch trong bộ quân phục, được chụp vào năm 1944 sau khi ông được bầu làm chủ tịch Chính phủ Quốc Dân Đảng. (Ảnh: Tài sản công)

Công lao sự nghiệp của Tưởng Công trong việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật thì ngay cả các đối thủ của ông cũng không thể phủ nhận. Trong một buổi nói chuyện nội bộ vào tháng 12/1971, Mao Trạch Đông đã nói: “Tưởng Giới Thạch có một số ưu điểm là sự thật lịch sử khách quan, chúng ta khi nói về lịch sử cần phải lưu tâm: Một là Bắc phạt thống nhất Trung Quốc, Hai là Chiến tranh kháng Nhật, Ba là Thu phục Bành Hồ, Bốn là mở mang lãnh hải. Năm 1946 Tưởng thu về  các đảo ở Nam Hải từ Pháp quốc, vùng lãnh hải rộng 3.7 triệu km vuông này tương đương với ba tỉnh Ngoại Mông.” (Trương Lương Thiện, “Truyện ký có bình luận về Mao Trạch Đông”).

Tưởng Vĩ Quốc nói: “Trong Đệ Nhị Thế Chiến, nếu cha tôi không đưa ra một số đề xuất chỉ đạo chiến lược đúng đắn tại Hội nghị Cairo, tôi e rằng sự phát triển tiếp theo sẽ thậm chí còn tồi tệ hơn. Nói cách khác, mặc dù cục diện Thế giới đã rất tồi tệ, thế nhưng nếu không có sự nỗ lực của cha tôi ở Hội nghị Cairo, e rằng thế giới bây giờ càng tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những nỗ lực của cha tôi đã bị phá hủy bởi Hội nghị Yalta sau đó, vì vậy Hội nghị Yalta là nguồn gốc của sự phân loạn của thế giới.”

Tưởng Vĩ Quốc nói: “Vào thời điểm đó, có một cuộc chiến tranh thế giới không thể tránh khỏi sắp xảy ra, đó là cuộc chiến giữa Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa chống cộng, nhưng rất tiếc nhiều người không chú ý đến vấn đề này.”

“Mãi cho đến đại chiến thế giới lần thứ hai, chiến khu Trung Quốc đã giành được thắng lợi một cách khó khăn. Để bù đắp cho sự ích kỷ mà người phương Tây thể hiện tại Hội nghị Yalta, ông (Tưởng Giới Thạch) đã đề xuất một phương pháp lấy đức báo oán. Quan điểm của cha vốn là có tính thế giới, không chỉ là Trung Quốc lấy đức báo oán với Nhật Bản, mà đồng thời cũng yêu cầu các đồng minh châu Âu và Hoa Kỳ cũng lấy đức báo oán với Đức và Ý. Mục đích của ông chính là muốn ngăn cản thế lực cộng sản ở giữa Á Châu và bắc Đại Lục, không để thế lực cộng sản lan ra Thái Bình Dương. Ông cũng kêu gọi các lục địa Á Châu và Âu Châu chú ý đến sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Các nước Âu Châu đã thực hiện một số biện pháp, còn Á Châu thì dưới sự ích kỷ của người Âu Châu đã gây ra sự hỗn loạn lớn.Tướng Douglas MacArthur sau khi tiếp nhận thông tri đã tương đối chú ý đến việc ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, chẳng hạn như giữ nguyên chế độ Thiên Hoàng Nhật Bản, làm cho học thuyết cộng sản không tràn ngập ở Nhật Bản ngay sau chiến tranh; mặt khác, các lực lượng chiếm đóng do Hoa Kỳ độc quyền điều động, còn các nước tham gia khác cử lực lượng hành chính tượng trưng, khiến cho quân đội Liên Xô không thể tiến vào lãnh thổ Nhật Bản.” (Tự truyện truyền khẩu của Tưởng Vĩ Quốc).

Sau khi Tưởng Công mất, chính phủ Nhật Bản đã gửi một bức điện chia buồn, nói rằng: “Tổng thống Tưởng là đại ân nhân tái tạo Nhật Bản, Tưởng Trung Chính dùng chính sách lấy đức báo oán đối với Nhật Bản, gia tăng sự tái thiết và phục hưng của Nhật Bản sau chiến tranh. Tổng thống Tưởng mất đi, đối với người dân nước Nhật giống như sấm sét giữa trời quang, người dân Nhật Bản có lương tri không ai là không đau buồn vô hạn.” (“Sổ tưởng niệm Tổng thống Tưởng Giới Thạch”).

Cùng ngày, trong một bài phát biểu, cựu Thủ tướng Satō Eisaku cho biết: “Nhật Bản sẽ không bao giờ quên đại ân đại đức mà Tổng thống Tưởng đã dành cho Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến. Sự việc khó quên nhất đối với người dân Nhật bản, đó là ân huệ lấy đức báo oán của Tổng thống Tưởng đối với Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến.”

Bài xã luận của tờ “Asahi Shimbun” cho biết: “Vinh quang của Tưởng Trung Chính đạt đến đỉnh cao khi cuộc chiến tranh chống Nhật kéo dài 8 năm do ông lãnh đạo giành được thắng lợi, khiến Trung Quốc, từ khi có chiến tranh nha phiến luôn bị các cường quốc ức hiếp và rơi vào chế độ bán thực dân, đã nhảy lên đứng ngang hàng là một trong năm cường quốc cùng với Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Nga. Ông phản đối việc bãi bỏ chế độ Thiên Hoàng Nhật Bản, phản đối chia cắt và chiếm đóng Nhật Bản, đồng thời lấy đức báo oán, ông độ lượng khoan dung khiến chúng ta luôn khắc ghi trong lòng.” Lúc này, Nhật Bản và ĐCSTQ đã thiết lập mối bang giao được gần ba năm, chính phủ và nhân dân trên dưới vẫn vô cùng xúc động trước tấm lòng của Tưởng Công, quả thật không thể biểu đạt bằng lời.

Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Park Chung-Hee đã đặc biệt phát biểu: “Tổng thống Tưởng không những có cống hiến vĩ đại đối với thắng lợi của các nước đồng minh trong Đệ Nhị Thế Chiến, mà đối với phong trào độc lập của Nam Hàn cũng từng có những ủng hộ tích cực. Tổng thống Tưởng đã cống hiến rất nhiều để đặt định nền tảng cho hòa bình và trật tự của thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến. Những công lao và sự nghiệp này của ông là không cách nào đong đếm, người dân Nam Hàn sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên…”

Ông cũng có bài phát biểu chia buồn: “…Tôi cùng đồng bào Nam Hàn và tất cả những người dân trên toàn thế giới sùng kính công lao và sự nghiệp của ông, xin nghiêng mình bày tỏ sự ngưỡng mộ cao nhất tới tinh thần kiên định không đổi và niềm tin vững chắc dù trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ của Tổng thống Tưởng.” (“Sổ tưởng niệm Tổng thống Tưởng Giới Thạch”)

 (Còn tiếp)

Tổ nghiên cứu nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm.

Xem thêm Loạt bài “Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch”.

Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x