Thiên cổ anh hùng Lý Bạch (P.3): Kết duyên tại Hoàng Cung

Lý Bạch (ảnh Epoch Times)
Lý Bạch (ảnh Epoch Times)

Đường Mạnh Khải trong “Bản sự thi – Cao dật” khen rằng: “Lý Thái Bạch khi mới rời Tây Thục đến kinh thành, ở quán trọ. Hạ Tri Chương nghe danh tiếng ông đến thăm, rất kinh ngạc về dung mạo bất phàm của Lý Bạch, sau đó hỏi về văn chương của ông. Lý Bạch đem “Thục đạo nan” (Đi đường đất Thục khó khăn) cho xem. Đọc chưa xong, Hạ Tri Chương bật lời khen mấy lần, gọi ông là Trích tiên (ông tiên bị lưu đày xuống trần), tháo Kim quy (đồ trang sức của quan lại đời Đường) đổi lấy rượu, cùng ông uống say”.

Hạ Tri Chương yêu thích “Thục đạo nan” như thế, nhưng ngặt vì không đem theo tiền, bèn tháo Kim quy đeo ở đai áo ra đổi lấy rượu cùng Lý Bạch đối ẩm. Thơ ca đẹp lạ lùng và thần thái phóng khoáng phi phàm của Lý Bạch làm cho Hạ Tri Chương vô cùng kinh ngạc, bèn nói: “Ông là Thái Bạch Kim Tinh hạ phàm xuống chốn nhân gian phải không?”. 

Nhân đó bèn gọi Lý Bạch là “Thái Bạch Tinh Tinh” (Thần tiên sao Thái Bạch) và “Trích tiên nhân” (Ông tiên bị lưu đày). Hạ Tri Chương tự gọi mình là “Tứ minh cuồng khách” (cuồng khách có 4 điều sáng chói thông tuệ) vang danh khắp trong và ngoài triều đình. Vậy mà đối với Lý Bạch, một kẻ hậu bối trong giới thơ ca lại dùng liền hai từ “tinh tinh” (tức là sao sáng), “tiên nhân” (tức là ông tiên) để xưng hô. Thiên chất và tài năng thiên bẩm của Lý Bạch quả thực không người thường nào có thể sánh nổi. Thế là hai người trở thành đôi bạn vong niên, cùng là bạn thơ, lại là bạn đạo. (xem ở chương sau)

Mùa hè năm Khai Nguyên thứ 20 (tức năm 732), Lý Bạch theo sông Hoàng Hà xuôi về phía Đông, lần lượt ngao du Giang Hạ, Lạc Dương, Thái Nguyên. Năm Khai Nguyên thứ 24, “Học kiếm đến Sơn Đông” (trong bài “Trả lời ông già trên sông Vấn trong chuyến đi Đông Lỗ tháng 5”). Khi ngụ cư ở Nhiệm Thành, ông hội ngộ với nhóm người Khổng Sào Phụ ở núi Tồ Lai, thỏa sức uống rượu say sưa. Mọi người gọi là “Trúc Khê lục dật” (6 ẩn sỹ suối Trúc Khê). Sau đó lại du ngoạn Hà Nam, Hoài Nam và vùng Hồ Nam, Hồ Bắc, về phía bắc leo núi Thái Sơn, về phía nam đến Hàng Châu, Cối Kê… Lý Bạch đi đến đâu là làm thơ ngâm vịnh đến đó, tiếng tăm bay xa, chấn động khắp trong và ngoài triều đình.

Khoảng năm Khai Nguyên thứ 23 (năm 735), Lý Bạch du ngoạn Thái Nguyên. Chính thời gian này, Lý Bạch “huệ nhãn thức anh hùng” (đôi mắt trí tuệ nhìn ra được anh hùng), kết giao với Quách Tử Nghi khi đó vẫn là anh lính. Vốn Quách Tử Nghi mang trên mình tội nhà binh, Lý Bạch trượng nghĩa đã nói giúp với quan trên, xin gỡ tội cho. Vì vậy, Quách Tử Nghi rất cảm kích. Sau này chính Quách Tử Nghi đền đáp Lý Bạch khi ông từ quan thoát tội. Hai người thực tâm thành ý lo cho nhau, đã viết nên giai thoại thiên cổ. Sau khi xảy ra loạn An Sử, Quách Tử Nghi làm Tiết độ sứ Sóc Phương, dẫn quân thu phục lại hai kinh đô Lạc Dương và Tràng An, công dẹp loạn đứng đầu, được tấn phong làm Trung thư lệnh, Phần Dương Quận vương. Thời con của Đường Túc Tông là Đường Đại Tông, Quách Tử Nghi lại bình định được Bộc Cố Hoài Ân phản loạn, đồng thời thuyết phục được tù trưởng Hồi Hột, phá được Thổ Phiên, giang sơn Đại Đường nhờ vậy mà được giữ yên. Quách Tử Nghi cả đời binh nghiệp, nhiều lần lập chiến công kỳ tích, Đại Đường nhờ ông mà được yên bình hơn 20 năm.

Sử sách có ca ngợi ông “Quyền khuynh thiên hạ mà triều đình không e ngại, công trùm một đời mà vua không nghi”. Tất cả nhờ Lý Bạch trượng nghĩa mà Đại Đường có thêm một đại tướng rường cột.

quach tu nghi ly bach minh chan tuong
Tranh vẽ Quách Tử Nghi, do Nam Huân Điện cung cấp, đời Thanh.

Năm Thiên Bảo thứ nhất (năm 742), do đạo sỹ tên tuổi Ngô Quân, công chúa Ngọc Chân, em gái Huyền Tông và Hạ Tri Chương cùng ca ngợi, Huyền Tông đã xem thơ phú Lý Bạch, vô cùng ngưỡng mộ, bèn hạ chiếu triệu ông vào cung.

Lý Bạch vào cung, vua mừng lắm, xuống xe đi bộ nghênh đón. Vua ngồi Thất bảo tọa, ban Lý Bạch ăn cùng, tự tay vua múc canh. Vua nói: “Khanh là người áo vải mà Trẫm biết danh tiếng, không chứa đầy đạo nghĩa, thì sao lại được như vậy?”.

Huyền Tông lại hỏi một số sự việc đương thời, Lý Bạch đối đáp trôi chảy. Huyền Tông hết sức tán thưởng, lập tức lệnh Lý Bạch làm Cống phụng hàn lâm, soạn thảo văn cáo, hầu bên hoàng đế.

Huyền Tông mỗi lần yến tiệc hay du ngoạn đồng nội, đều phải có Lý Bạch tùy tùng. Lý Bạch được Huyền Tông sủng ái, tín nhiệm như thế này, các quan lại đồng liêu không ngớt ngưỡng mộ, nhưng cũng có người vì thế mà sinh lòng đố kỵ. Trong đó có giai thoại ngàn năm Cao Lực Sỹ cởi giày, Dương Quốc Trung mài mực, Thái Bạch say viết thư chữ Man mà lịch sử lưu truyền. Huyền Tông tuy ba lần muốn phong quan cho Lý Bạch, nhưng vì nịnh thần phỉ báng, đố kỵ nên cuối cùng đành thôi. Thực ra, sứ mệnh của Lý Bạch không phải là ở hoàng cung. Ông chỉ ở hoàng cung chưa đầy 3 năm, sau dâng tấu và được ân chuẩn ban vàng về núi.

luc sy coi giay quy phi mai muc ly bach minh chan tuong
Lực Sỹ cởi giày, Quý Phi mài mực. Tranh đời Thanh, bảo tàng nước Anh. (Ảnh: Tài sản công)

Lý Bạch ở hoàng cung kết mối nhân duyên đã xong, tiếp tục tiên du các nơi danh sơn đại xuyên, ngao du sơn thuỷ, tìm tiên tu đạo, đồng thời đem văn thơ, văn phong của ông truyền ra nhân gian, làm cho văn hóa thi phú đời Thịnh Đường bước lên đỉnh cao.

Mùa hè năm Thiên Bảo thứ 3 (năm 744), Lý Bạch đến miền đông Lạc Dương . Ở đây, ông gặp Đỗ Phủ. Lúc này Lý Bạch đã nổi danh khắp nước, mà Đỗ Phủ xuất đạo chưa lâu, khốn khổ ở thành Lạc Dương. Lý Bạch hơn Đỗ Phủ 11 tuổi, hai người vừa gặp mà đã như cố tri, trở thành đôi bạn thân. Khi ở Lạc Dương, họ đã hẹn lần sau gặp nhau ở Lương Tống (vùng Thương Khâu, Khai Phong hiện nay), để thăm đạo tìm tiên.

Vào dịp thu đông năm đó, Lý, Đỗ gặp nhau rồi chia tay, mỗi người đi tìm thầy Đạo giáo tạo Chân Lục (sách bí truyền của Đạo Giáo), truyền thụ đạo lục. Lý Bạch đến Tử Cực Cung, Tế Châu (vùng Tễ Nam, Sơn Đông ngày nay) thỉnh đạo sỹ Cao Thiên Sư Như Quý truyền thụ đạo lục, chính thức làm nghi lễ tu đạo, trở thành đạo sỹ, tiếp tục tu luyện.

Trước khi vào hoàng cung, Lý Bạch đã tu luyện, và cũng có các Thần, Phật, đạo sỹ mời ông tu luyện. Sau khi ông rời hoàng cung, trải qua khổ luyện, Lý Bạch đã đạt được đến cảnh giới cao thâm, có thể nhìn thấy nhiều cảnh tượng kỳ diệu ở các không gian khác, đồng thời có thể câu thông được với các Thần, tùy ý du ngoạn các tiên giới khác nhau. Những điều này có thể thấy được phần nào qua thơ văn ông viết trước khi vào hoàng cung. (xem ở chương sau).

Lý Bạch từ nhỏ đã học hết các kinh sách Nho, Thích, Đạo, tam giáo cửu lưu đều chứa hết trong lòng. Người đời sau đã thử làm rõ xem Lý Bạch rốt cuộc là tin Phật, hay Đạo, hay là tu Nho, mà đâu có biết còn có pháp môn cao hơn, là cái nguồn của vạn Pháp. Lý Bạch tu luyện chốn nhân gian, nhưng không bị giới hạn bởi Nho, Thích, Đạo. Do đó không thể nào nói rõ được nguồn gốc sâu xa của pháp môn mà Lý Bạch tu luyện đắc đạo. Những gì Lý Bạch thấy và gặp trong quá trình tu luyện, và sau khi tu thành được miêu tả trong thơ, phú của ông, chỉ là rất nhiều người đời và người không tu luyện, đặc biệt là người vô Thần thời cận đại không thể lý giải nổi. Họ chỉ có thể cho rằng đó là mộng tưởng, là ảo tưởng, là những lời của chủ nghĩa lãng mạn hay lời của người say rượu.

Lý Bạch đã để lại nhân phẩm cao quý cho hậu thế, lòng can đảm nghĩa hiệp được ca ngợi ngàn năm. “Mấy mươi năm làm khách (cõi trần gian), chưa từng có ngày nào hổ thẹn” (“Tạp Ngôn ký – Lý Bạch”). Trước quyền quý không hề khuất phục, trượng nghĩa với bằng hữu thâm giao, bản sắc anh hùng trọng nghĩa khinh tài đã để lại tiếng thơm muôn đời.

doi nguyet do ly bach minh chan tuong
Bức tranh “Đối nguyệt đồ” do người đời Minh vẽ lại theo Mã Viễn đời Nam Tống, đã diễn giải ý thơ “ Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ẩm thành tam nhân” (Mời trăng cùng nâng chén, với bóng nữa thành ba) trong bài thơ “Nguyệt hạ độc chước” (Một mình uống rượu dưới trăng) của Lý Bạch. Hiện cất giữ ở bảo tàng Cố Cung Đài Bắc. (Ảnh: Tài sản công)

Người đời sau đa phần khi phân tích, thưởng thức thơ Lý Bạch, thường đặt tinh lực vào nơi người bình thường có thể nhìn thấy và hiểu được, mà hầu hết không đề cập đến những đạo lý Phật, Đạo, Thần và cảnh Tiên giới mà ông viết, cũng như bản ý mà ông đem tu luyện chính đạo vào trong thi, từ, ca, phú. Điều ông đem đến cho Đại Đường, cho nhân gian là lấy chính lý tu luyện làm chủ đạo sáng tác thi, từ, ca, phú, để ngợi ca Thần, đồng thời để lại nhân cách vĩ đại của mình, để lại thi phong, văn phong Thần truyền chính thống, tức là văn hóa Thần truyền chân chính.

Năm Thiên bảo thư 14 (năm 755), loạn An Sử nổ ra, Lý Bạch lánh nạn ẩn cư núi Lư Sơn. Lúc đó, Vĩnh vương Lý Lân Kháp đang xuất sư tuần thú miền Đông, ôm chí bình định loạn An Sử, Lý Bạch nhận lời mời đến trướng. Vĩnh vương và Túc Tông tranh ngôi vị, không lâu thì thất bại, bị giam vì mưu phản thất thế. Lý Bạch cũng vì vậy mà bị giam ở ngục Tầm Dương.

Lúc này Quách Tử Nghi xin được từ quan để chuộc tội, đứng ra cứu Lý Bạch. Lý Bạch được miễn tội chết, chuyển thành lưu đày Dạ Lang (vùng Đồng Tử, Quý Châu ngày nay). Do Lý Bạch nhân phẩm cao quý, vốn danh tiếng lẫy lừng, nên dọc đường đi đày đều được các quan địa phương mở tiệc thết đãi, mọi người đều rất tôn trọng ông, và không coi ông là tội nhân bị lưu đày.

Năm Càn Nguyên thứ 2 (năm 759), Lý Bạch đến núi Vu Sơn, triều đình đại xá. Ông liền thuận theo dòng Trường Giang vun vút xuôi dòng. Bài thơ nổi tiếng “Tảo phát Bạch Đế thành” (Buổi sáng rời thành Bạch Đế) phản ánh rõ nhất tâm trạng ông lúc đó:

Triêu từ Bạch Đế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú
Thinh chu dĩ quá vạn trùng san

Tạm dịch thơ:

Bạch Đế ra đi sớm đẹp trời
Giang Lăng ngàn dặm một ngày thôi
Đôi bờ tiếng vượn kêu không dứt
Non nước muôn trùng thuyền nhẹ trôi

Năm Thượng Nguyên thứ 2, Lý Bạch đã ngoài 60, trở lại Kim Lăng. Ở Kim Lăng, ông làm khách ở nhà chú họ Lý Dương Băng, làm Huyện lệnh. Năm Thượng Nguyên thứ 3 (năm 762), ông làm bài phú Lâm chung ca xong rồi quy tiên, năm đó ông 62 tuổi. Đường Đại Tông sau khi kế vị triệu Lý Bạch ra làm quan Tả thập di, nhưng Lý Bạch đã quy tiên rồi. trích trong Tân Đường thư.

Bài phú Lâm chung ca như sau:

Đại Bằng phi hề chấn bát duệ, trung thiên tồi hề lực bất tế.
Dư phong khích hề vạn thế, du phù tang hề quải tả duệ.
Hậu nhân đắc chi truyền thử, Trọng Ni vong hề thùy vị xuất thế?

Dịch nghĩa:

Chim Đại Bằng bay kìa, chấn động cả tám cõi.
Giữa trời cánh gãy kìa, lực chẳng còn đủ bay nữa.
Tàn phong vẫn tung lên kìa, đến vạn thế.
Bay tới cây Phù tang kìa, treo cánh trái.
Người đời sau có được và lưu truyền.
Trọng Ni mất rồi kìa, ai sẽ khóc ông đây?

Tạm dịch thơ:

Đại Bằng tám cõi lẫy lừng
Than ơi cánh gãy giữa lưng chừng trời
Hùng phong còn lại vạn đời
Phù tang treo cánh tìm nơi quy hồi
Đắc nó truyền nhé ai ơi
Trọng Ni đã mất ai rơi lệ sầu?

Thi Tiên nổi danh từ tác phẩm Đại Bằng phú, trước lúc quy tiên lại lấy bài ca Đại Bằng vân du Phù tang giữa trời gãy cánh, đã kết thúc một đời kỳ vĩ, dư phong còn lại muôn đời, anh hùng danh tiếng truyền lưu thiên cổ.

Tổ nghiên cứu nhân vật thiên cổ anh hùng của văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm
Học Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ  

Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x