Đậu Kiến Đức là thủ lĩnh nông dân nổi dậy chống lại sự cai trị của Tùy Dạng Đế, từng tham gia vào đội quân khởi nghĩa của Cao Sỹ Đạt ở quận Thanh Hà. Ông không chỉ đánh bại Quách Tuân và Tiết Thế Hùng ở quận Trác mà còn xóa sổ các lực lượng tàn dư của nhà Tùy mà đứng đầu là Vũ Văn Hóa Cập. Đậu Kiến Đức sau đó đã thành lập chính quyền, định đô tại Lạc Thọ, tự xưng là Trường Lạc Vương, sau đổi thành Hạ Vương.
Khi Thái Tông tấn công kinh đô Lạc Dương của nước Trịnh, Vương Thế Sung biết không thể kháng cự nổi nên đã cầu cứu Đậu Kiến Đức. Đậu Kiến Đức vì muốn duy trì thế chân vạc giữa ba nước, sợ nếu Vương Thế Sung thất thủ thì lực lượng của nhà Đường càng lớn mạnh, đến lúc đó thì vận mệnh của mình khó tránh gặp hiểm nguy, vậy nên đã vội vã dấy binh, dẫn 30 vạn quân ngày đêm đi cứu viện Lạc Dương.
Các tướng lĩnh của Thái Tông e thế địch mạnh, sợ không chống nổi nên có ý muốn rút quân vây Lạc Dương. Tiêu Vũ, Khuất Đột Thông và Phong Đức Di đều xin rút lui về để quan sát. Thái Tông nói: Đậu Kiến Đức đang ở thế mạnh, nếu ta sợ hãi rút lui để cho Đậu – Vương hợp sức với nhau thì càng nguy. Vương Thế Sung đã hết lương thực, bên trong bên ngoài người người mất lòng tin, quân ta không cần tấn công, chỉ việc ngồi chờ quân địch tự bại. Nhưng Đậu Kiến Đức gần đây mới chiến thắng Mạnh Hải Công, các tướng thì tự kiêu còn binh lính thì lười biếng. Khi ta tiến công đánh chiếm Võ Lao Quan, trấn giữ nơi hiểm yếu, nếu quân địch mạo hiểm thắng thua với quân ta thì việc công phá quân địch là điều tất yếu. Còn nếu như quân địch không đánh, trong vòng mười ngày chúng sẽ tự sụp đổ. Nhưng nếu không tấn công nhanh thì mất đi cơ hội tốt, đợi khi quân Đậu Kiến Đức vượt qua Võ Lao, thu phục được những khu vực gần thành Lạc Dương thì quân Đường sẽ rơi vào nguy hiểm.
Với nhận định như vậy, Thái Tông ra lệnh cho Lý Nguyên Cát, Khuất Đột Thông tiếp tục vây Lạc Dương, chỉ vây mà không đánh. Còn bản thân ông thì lãnh đạo Lý Thế Tích, Trình Tri Tiết, Tần Thúc Bảo, Uất Trì Kính Đức, chỉ rút một phần nhỏ là 3500 quân và dùng 3500 quân đó với 1 vạn quân trong đồn Tị Thủy ở gần Lạc Dương để chống với quân của Đậu Kiến Đức, dùng chiến thuật tập kích, đánh phá những đoàn tiếp tế lương thực của Đậu.
Sau khi đến Võ Lao, Thái Tông dẫn năm trăm quân để do thám doanh trại của Đậu Kiến Đức. Hai doanh trại cách nhau 20 dặm. Thái Tông chia quân của mình phục kích trên đường đi, các cuộc phục kích được dẫn dắt bởi Lý Thế Tích, Tần Thúc Bảo và Trình Tri Tiết, còn Thái Tông thì dẫn Uất Trì Kính Đức và bốn người khác cưỡi ngựa đi thẳng đến doanh trại của Đậu Kiến Đức. Thái Tông nói với Uất Trì Kính Đức: “Ta nắm giữ cung tên còn ngươi thì tùy tùng bên ta, dù thiên binh vạn mã cũng không thể làm gì ta được”. Đến nơi cách doanh trại Đậu Kiến Đức 3 dặm thì gặp phải quân tuần tra của đối phương. Thái Tông hét lên: “Tần Vương ta!” rồi bắn một mũi tên. Quân địch kinh ngạc, bèn tức tốc phái tới năm, sáu ngàn kỵ binh đuổi theo. Thái Tông và Uất Trì Kính Đức “thong dong cầm dây cương cưỡi trên ngựa mà đi”. Quân địch đuổi theo đều bị dẫn vào ổ phục kích đã được bố trí từ trước, cuối cùng bị đánh tan tác, tàn quân vội vàng bỏ chạy.
Đậu Kiến Đức đi về phía tây từ Huỳnh Dương, xây dựng một thành lũy ở Bản Chử, còn Thái Tông đóng quân tại Võ Lao Quan. Mật thám của quân Đường báo tin: “Đậu Kiến Đức nghe tin quân Đường lương thảo đã hết, đang bố trí ngựa đến phía bắc sông Hoàng Hà, chuẩn bị tấn công Võ Lao”. Thái Tông biết được kế sách của địch nên giả vờ chăn ngựa ở Hà Bắc để dụ Đậu Kiến Đức. Sáng hôm sau, quả nhiên Đậu Kiến Đức dẫn quân đến. Thái Tông dẫn theo một số tướng lĩnh lên đồi cao quan sát, nói rằng: Giặc xuất phát từ Sơn Đông chưa từng thấy đối thủ mạnh, nay lâm nguy nhưng rất huyên náo và có ý coi thường chúng ta. Chúng ta án binh bất động thì khí thế của chúng tự nhiên suy tàn, dàn trận lâu thì binh lính đói bụng, tất yếu sẽ tự rút lui, ta truy đuổi theo và tấn công chúng, tất sẽ thắng. Ta hẹn với các vị, qua chính ngọ (giờ trưa) sẽ đả bại được chúng!
Đậu Kiến Đức bày trận từ tờ mờ sáng đến trưa, quân lính đói bụng, tất cả ngồi xếp hàng, tranh nhau uống nước, tuần tra rồi rút lui. Thái Tông nói: “Có thể tiến đánh địch rồi!”. Ông bèn dẫn kỵ binh đuổi theo và dụ quân địch, tất cả các quân đều theo sau. Đậu Kiến Đức quay trở lại sư đoàn bày binh bố trận, chưa bày xếp chỉnh tề xong thì bị Thái Tông tiến đánh. Chẳng bao lâu, rất nhanh chóng hai bên giao chiến, tứ bề ầm ĩ. Thái Tông dẫn Sử Đại Nại, Trình Giảo Kim, Tần Thúc Bảo, Vũ Văn Hâm cùng toàn quân vẫy cờ đến, nhô ra từ phía sau và giơ cao biểu ngữ. Quân giặc thấy vậy gục ngã. Thái Tông truy đuổi theo ba mươi dặm, trảm đầu hơn ba ngàn tên và thu được năm mươi vạn quân, đồng thời bắt sống Đậu Kiến Đức. Thái Tông khiển trách rằng: “Ta lấy việc chiến tranh để hỏi tội, vốn dĩ là do tội của Vương Thế Sung, được hay mất, tồn hay vong thì ông không dự liệu được, sao lại còn xâm phạm quân của ta?”. Đậu Kiến Đức vừa run sợ vừa nói: “Hôm nay nếu tôi không bị bắt ở đây, e rằng ông sẽ phải viễn chinh xa xôi mới bắt được tôi”.
Cao Tổ nghe tin Thái Tông thắng lớn, bắt sống được Đậu Kiến Đức, mừng rỡ vô cùng, liền khen ngợi Thái Tông và viết chiếu thư rằng : “Nhà Tùy đang tan rã, Hào Hàn bị cô lập, quần hùng hợp nhất, một ngày sạch sẽ, binh sỹ chiến thắng mà không thương vong một ai, thật không hổ là một bề tôi xứng đáng, đó đều là công lao của Tần Vương vậy”.
Đường Thái Tông trói Đậu Kiến Đức giải đến Đông đô dưới thành Lạc Dương, Vương Thế Sung nhìn thấy Đậu Kiến Đức bị bắt thì rất sợ hãi, bèn dẫn tướng lĩnh hơn 2000 người đến trước cổng thành xin đầu hàng, thế chân vạc từ đó đã bị phá vỡ. Quân nhà Đường vào chiếm thành, quân lệnh nghiêm ngặt, không cướp bóc giết hại dân lành. Vậy là chỉ trong một trận mà Thái Tông thắng được hai nước Trịnh và Hạ, làm chủ được Hoa Bắc. Thái Tông bất khả chiến bại trong trận chiến, tấn công liên tục, nhờ đó đã thu phục được một nửa giang sơn cho Đại Đường.
Khi Thái Tông tiến vào cung thì ra lệnh cho Tiêu Vũ, Đậu Qủy và những người khác đóng cửa ngân khố, không lấy dù chỉ một đồng, để cho Ký Thất Phòng thu nhận sách vở cùng những bức tranh của triều đại nhà Tùy. Vì vậy, thuộc hạ của Vương Thế Sung là Đoàn Đạt và hơn năm mươi người đã thả tất cả những người bị giam cầm oan và truy điệu cho những người đã chết. Khi biết có sự thưởng phạt không thỏa đáng trong các tướng sỹ, Cao Tổ đã lệnh cho thượng thư Tả Phác xử trảm Bùi Tịch để làm yên lòng quân.
Tháng Sáu năm thứ 4 niên hiệu Nguyên Đức (năm 621), lúc khải hoàn trở về, Thái Tông mặc áo giáp vàng, bày xếp trận với 1 vạn con ngựa sắt, 3 vạn binh sỹ mang áo giáp, phía trước phía sau đoàn quân đều gõ trống thổi kèn, bắt sống Vương Thế Sung và Đậu Kiến Đức cùng các khí tài của nhà Tùy dâng lên Thái Miếu.
Trong chiến dịch quan trọng nhất của nhà Đường để thống nhất thiên hạ, đội quân áo giáp đen của Thái Tông chỉ dùng lực lượng 1000 kỵ binh mà đánh phá được quân địch hùng mạnh gấp nhiều lần. Trước Võ Lao Quan, Thái Tông lại sử dụng đội quân áo giáp đen làm tiên phong, thể hiện sức mạnh to lớn, 3000 thiết kỵ binh tiến thẳng vào trại địch, đánh bại hơn 10 vạn quân của Đậu Kiến Đức, bắt sống Đậu Kiến Đức và bức hàng Vương Thế Sung. Sự nghiệp thống nhất thiên hạ của Đại Đường vì đó mà được kiến lập. Vì những chiến công như thế nên Thái Tông được Đường Cao Tổ phong làm Thiên sách Thượng tướng quân, vị trí xếp trên các bậc vương được tấn phong. Tại thời điểm này, Thiên sách Thượng tướng quân là vị trí dưới Cao Tổ và gần như là chức vị Thái tử, điều này cho thấy Cao Tổ rất coi trọng Thái Tông.
Xem tiếp: Thiên cổ Anh hùng Đường Thái Tông (P6): Mười tám vị học sỹ
Tổ nghiên cứu nhân vật thiên cổ anh hùng của văn hóa thần truyền huy hoàng 5000 năm
Mạnh Hải biên dịch
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.33): Hội nghị Trùng Khánh
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.32): Bảo toàn Nhật Bản
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!