NHÂN VẬT ANH HÙNG THIÊN CỔ
THÀNH CÁT TƯ HÃN (3) – Khoan dung nhân từ, thu phục lòng người – chiêu mộ nhân tài
Thiết Mộc Chân dần dần lớn mạnh trên thảo nguyên và phát hiện rằng: Trát Mộc Hợp, người đã từng ba lần kết an đáp với mình, càng ngày càng coi mình như kẻ thù. Một năm sau khi Thiết Mộc Chân được đề cử là Khả Hãn, tức vào năm 1190, Trát Mộc Hợp muốn cho Thiết Mộc Chân một bài học, lấy cớ là có một thanh niên trong bộ tộc của mình trong lúc tranh giành gia súc bị thuộc hạ của Thiết Mộc Chân giết chết, liền liên hợp với 13 bộ lạc, tổng cộng có ba vạn kỵ binh, tấn công Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân cũng đưa hơn một vạn thuộc hạ của mình phân thành 13 cánh quân, lịch sử gọi là “Trận chiến 13 cánh quân”.
Trát Mộc Hợp thống lĩnh quân liên minh đánh bại bộ lạc với quân số ít hơn của Thiết Mộc Chân, đồng thời ép bọn họ rút lui về hẻm núi Triết Liệt Niết gần sông Oát Nan. Đây cũng là trận thua duy nhất của Thiết Mộc Chân trong 60 năm chinh chiến. Vì để đề phòng sự phản kích của Thiết Mộc Chân đồng thời tiêu diệt tinh thần của ông, Trát Mộc Hợp đã dùng thủ đoạn tàn nhẫn vô cùng hiếm thấy trên thảo nguyên để giết chết và làm nhục tù binh, bằng cách dùng 70 cái nồi to luộc những tù binh trẻ tuổi, đồng thời đem đầu của một thủ lĩnh buộc vào đuôi ngựa của mình.
Thủ đoạn của Trát Mộc Hợp tàn nhẫn như vậy, tuy khiến những người non gan khiếp sợ, nhưng cũng khiến các dũng sĩ căm hận, cho rằng ông ta tàn bạo, vô hình chung làm tổn hại hình tượng của ông ta. Sau trận chiến này, rất nhiều người đang nương nhờ Trát Mộc Hợp vội vã bỏ trốn, chuyển sang đầu quân cho thủ lĩnh nhân nghĩa là Thiết Mộc Chân. Đối với Thiết Mộc Chân mà nói đây là một bước ngoặt lớn. Tuy ông chưa giành được thắng lợi, nhưng lại tăng thêm được rất nhiều thuộc hạ. Thiết Mộc Chân vui mừng quá đỗi, liền tổ chức tiệc rượu trong khu rừng bên bờ sông Oát Nan (nay là sông Onen).
Nhân quân độ lượng, khoan nhân phục chúng
Người Thái Diệc Xích Ô là kẻ thù của Thiết Mộc Chân, bộ lạc Chiếu Liệt là một bộ lạc trực thuộc của họ, cũng cư ngụ gần chỗ ở của Thiết Mộc Chân. Trong một lần đi săn, Thiết Mộc Chân tình cờ gặp người Chiếu Liệt. Do trời sắp tối, ông mời những người Chiếu Liệt ngủ lại, để ngày mai tiếp tục đi săn. Nhưng người Chiếu Liệt nói, bọn họ có 400 người, vì không đem đủ nồi và lương thực, nên chỉ có thể để lại một nửa số người, nửa còn lại phải quay về. Sau khi Thiết Mộc Chân biết, kiên quyết giữ tất cả ở lại, đồng thời cung cấp đầy đủ nồi và lương thực mà người Chiếu Liệt cần.
Trong cuộc đi săn ngày hôm sau, Thiết Mộc Chân còn cố tình để dã thú chạy sang vòng vây của người Chiếu Liệt, khiến bọn họ bắt được dã thú nhiều hơn trước kia nhiều. Người Chiếu Liệt vô cùng cảm kích Thiết Mộc Chân, họ nói riêng với nhau: “Thái Diệc Xích Ô mặc dù là bằng hữu với chúng ta, nhưng lại thường hay tranh giành xe ngựa và lương thực của chúng ta, họ không có lòng độ lượng, xem ra người nhân nghĩa độ lượng, duy chỉ có Thiết Mộc Chân thôi!”
Sau đó Vương Luật, thủ lĩnh của bộ lạc Chiếu Liệt vì không chịu nổi sự sỉ nhục của người Thái Diệc Xích Ô, đã cùng với Tháp Hải Đáp Lỗ thống lĩnh toàn bộ bộ tộc trực thuộc, biểu thị muốn giết người Thái Diệc Xích Ô để tỏ lòng trung thành. Không may, bọn họ chưa thực hiện được lời hứa đã bị phản bội, không lâu sau bị người bộ tộc Thái Diệc Xích Ô giết chết, bộ tộc Chiếu Liệt diệt vong.
Nhưng nghĩa cử khoáng đạt, nhân từ độ lượng, khảng khái của Thiết Mộc Chân đã lan truyền trong các bộ lạc phụ thuộc vào Thái Diệc Xích Ô và trên khắp thảo nguyên. Rất nhiều người bất mãn với thủ lĩnh Thái Diệc Xích Ô và vì mộ nghĩa mà liên tục đến hàng Thiết Mộc Chân, trong đó bao gồm cả những người như Xích Lão Ôn, Triết Biệt, Thất Lịch Ca Dã Bất Can… Bọn họ trong những năm tháng tương lai trở thành những công thần phò tá Thành Cát Tư Hãn chinh chiến tứ phương. Đây chẳng phải là an bài của ông trời hay sao?
Nhiều chuyện khác cũng chứng minh ông là một vị Vương độ lượng, ví dụ chuyện Thiết Mộc Chân đối đãi với Triết Biệt. Triết Biệt, tiếng Mông Cổ có nghĩa là “Giỏi bắn cung”. Ông từng là thủ lĩnh giỏi của Thái Diệc Xích Ô. Trong trận chiến do Trát Mộc Hợp phát động, ông đã bắn chết chiến mã của Thiết Mộc Chân. Sau khi đến đầu quân, Thiết Mộc Chân đã hỏi người bắn chết con ngựa quý của ta là ai, Triết Biệt lập tức thừa nhận là mình làm, và nói: “Nếu như ngài tha thứ và ban cho tôi một mạng, tôi sẽ vì ngài mà nhảy vào nước sôi lửa bỏng cũng không từ”. Thiết Mộc Chân lập tức nói: “Triết Biệt thành thật như vậy, chúng ta có thể kết giao bằng hữu”. Ông còn muốn Triết Biệt bảo vệ ông giống như những ‘Triết Biệt’ khác đã theo ông trước kia. Thiết Mộc Chân không để bụng chuyện cũ, chân thành đối đãi, khiến cho Triết Biệt rất cảm động, từ đó trung thành tuyệt đối với Thiết Mộc Chân.
Tiến đánh bộ lạc TaTar, tiếp xúc văn hóa Trung Nguyên
Năm 1196, Thiết Mộc Chân, khi đó 30 tuổi, đã có một cơ hội lớn. Hoàng đế nước Kim vì Miệt Cổ Chân Tiết Ngột Lặc người TaTar mưu đồ vi phạm hiệp ước, liền phái quân và đồng thời liên hợp với Vương Hãn của Khắc Liệt Diệc Dịch đi trước tấn công bọn họ. Thành Cát Tư Hãn khi biết được tin này, ông liền chủ động thỉnh cầu Vương Hãn cho tham chiến, bởi vì người Tatar là kẻ thù giết cha của ông. Ông cũng yêu cầu những người Chủ Nhi Cần như Tiết Triệt Biệt Cát Soái, Thái Xuất là một nhánh của bộ lạc Khất Nhan đến trước trợ giúp. Người Chủ Nhi Cần đồng ý rồi nhưng đợi đã sáu ngày mà không thấy họ đến, Thiết Mộc Chân bèn cùng Vương Hãn xuất binh, men theo sông Ngô Lặc Trát đi xuống, cùng với thừa tướng Vương Kinh của nước Kim đồng loạt tiến công người Tatar.
Khi bộ tộc TaTar bị quân Kim đánh cho đại bại phải chạy tán loạn đến sông Ngô Lặc Trát, thì gặp liên quân của Thiết Mộc Chân và Vương Hãn. Miệt Cổ Chân Tiết Ngột Lặc dẫn một số người TaTar trốn trong một doanh trại chưa xây xong, một bộ phận chạy về hướng đông. Thiết Mộc Chân tấn công người Tatar ở trong trại, Vương Hãn thì đuổi theo những người chạy trốn.
Trong trận tấn công đó, người TaTar ra sức cố thủ, Thiết Mộc Chân và thuộc hạ phải đánh nửa tháng mới hạ được. Tường hào vừa hạ, Miệt Cổ Chân Tiết Ngột Lặc và rất nhiều thuộc hạ đều bị giết chết, một số người đầu hàng bị bắt làm tù binh. Thiết Mộc Chân thu được rất nhiều gia súc, quân nhu cùng phẩm vật, trong đó có rất nhiều chế phẩm thủ công tinh xảo đến từ Trung nguyên, bao gồm một cái nôi có trạm trổ hoa văn bằng bạc và cái chăn có đính hạt châu lớn. Trong nôi có một hài nhi tuấn tú, Thiết Mộc Chân đưa đứa bé tới chỗ mẹ để bà nuôi dưỡng và coi như một người em trai nữa của mình.
Sở dĩ có sản phẩm thủ công đến từ Trung Nguyên, là vì người TaTar có quan hệ mật thiết với nước Kim bị Hán hóa. Những hàng hóa đến từ đất Hán đều nhiều hơn bất kỳ bộ tộc nào trên thảo nguyên. Cũng không chắc chắn, đây có phải là lần đầu tiên Thiết Mộc Chân tiếp xúc gần gũi với văn hóa Trung nguyên như thế hay không, nhưng có thể tưởng tượng, người Mông Cổ nhìn thấy sản phẩm tinh xảo, sẽ không thể không hướng về nơi nguồn gốc của văn hóa Hán rực rỡ, không thể không khiến Thiết Mộc Chân chấn động từ đáy lòng. Trong tương lai Thiết Mộc Chân phát triển hướng ra bên ngoài, thì người Hán và người Khiết Đan chịu ảnh hưởng của người Hán cũng đóng một vai diễn không thể thiếu được, ngược lại văn hóa Hán cũng ảnh hưởng đến người Mông Cổ.
Sau khi đánh bại bộ tộc TaTar, nước Kim phong cho Thiết Mộc Chân là “Trát Ngột Dịch Hốt Lý”, tức là Chiêu Thảo Sử, phong Thoát Oát Lân Lặc Hãn của Khắc Liệt Diệc Dịch là Vương. Việc này không chỉ khiến Thiết Mộc Chân nâng cao quyền lực khống chế các bộ lạc Mông Cổ khác, mà còn thu hút được càng nhiều thuộc hạ hơn.
Giúp Vương Hãn khôi phục bộ lạc Khắc Liệt Diệc Dịch
Vương Hãn Khắc Liệt Diệc Dịch trong lúc truy đuổi người TaTar, do ham lấy của cải của bọn họ, đã quay về chậm trễ. Hậu phương để trống khiến Bộ tộc Nãi Man thừa cơ giúp đỡ người em cùng cha khác mẹ với Vương Hãn là Ngạch Nhi Khách Hợp Lạt tiến đánh người em cùng cha mẹ với Vương Hãn là Trát Hợp Cảm Bất tại đại bản doanh. Trát Hợp Cảm Bất thua trận, rút lui về phía bắc. Người Nãi Man cùng Ngạch Nhi Khách Hợp Lạt bố trí mai phục trên đường Vương Hãn trở về.
Vương Hãn chiến thắng trở về mà không biết trong bộ tộc có biến, cho nên trên đường về bị mai phục mà đại bại. Vương Hãn biết kẻ địch nhất định sẽ cản trở mình chạy về tìm Thiết Mộc Chân nương tựa, bèn dẫn thuộc hạ chạy về phía tây, vòng qua đồng cỏ chăn nuôi của người Nãi Man đến nhờ hậu duệ của vua Liêu, người đã kiến lập nước Tây Liêu. Ngạch Nhi Khách Hợp Lạt kế thừa tất cả các bãi chăn nuôi của Vương Hãn, trở thành Khắc Liệt Diệc Dịch Khả Hãn mới.
Trát Hợp Cảm Bất và một nhóm bộ tộc cũ của Vương Hãn vì không địch được người Nãi Man, liên tiếp đến nhờ Thiết Mộc Chân. Mà Vương Hãn cầu xin trợ giúp của nước Tây Liêu cũng không được, thất vọng trở về. Trong lúc cùng đường, phái người tìm Thiết Mộc Chân cầu viện. Con người tín nghĩa Thiết Mộc Chân lập tức đưa quân đi trợ giúp Vương Hãn và khai chiến với Ngạch Nhi Khách Hợp Lạt, Ngạch Nhi Khách Hợp Lạt do nội bộ chưa ổn định nên một trận là thua, phải bỏ chạy về bộ tộc Nãi Man.
Vương Hãn sau khi được Thiết Mộc Chân trợ giúp, dựa vào sức hút của bản thân và công lao đánh thắng người TaTar, ông trả được mối thù truyền kiếp, khiến cho bách tính các bộ tộc đến quy thuận rất nhiều. Ông chấn hưng thanh thế và khôi phục lại bộ tộc Khắc Liệt Diệc Dịch, chỉ là so sánh với lúc cực thịnh thì thuộc hạ thiếu mất non nửa.
Để tỏ lòng cảm tạ, Vương Hãn trong lúc gặp Thiết Mộc Chân, nhắc lại liên kết cha con, thậm chí ngầm hứa bản thân sau này khi trăm tuổi sẽ không đem bách tính trong bộ tộc giao cho con trai, mà sẽ giao cho Thiết Mộc Chân tiếp quản. Từ đó về sau, mỗi khi có chinh phạt, Vương Hãn đều mong muốn cùng Thiết Mộc Chân chinh chiến. Thuộc hạ của Vương Hãn hoàn toàn không muốn Thiết Mộc Chân là người kế thừa, nhưng vì còn dựa vào Thiết Mộc Chân, nên tạm thời chung sống.
Sửa đổi phương thức phân phối, thu được càng nhiều nhân tâm
Khác biệt với các thủ lĩnh bộ tộc khác, Thiết Mộc Chân không chỉ sơ bộ sắp đặt cơ cấu hành chính của bộ lạc Mông Cổ, mà còn tiến hành cải cách căn bản những thói quen cũ đang chi phối lâu dài cuộc sống trên thảo nguyên.
Như năm 1202 sau chiến tranh nhắm vào người TaTar, Thiết Mộc Chân yêu cầu thuộc hạ sau khi giành được thắng lợi trọn vẹn rồi mới phân chia chiến lợi phẩm, không thể vì tranh nhau chiến lợi phẩm mà để kẻ bại trận chạy tứ tán, để cho họ cơ hội phản kích sau khi tụ tập lại. Ông khi đó đã đưa ra quân lệnh: “Khi chiến thắng kẻ địch, không được tham lam của cải. Toàn bộ của cải đó đều là của chúng ta, chúng ta sẽ cùng nhau phân phối. Nếu như bị kẻ địch đánh cho phải rút lui, lui đến chỗ trận địa ban đầu xuất phát thì phải phản công; người lui đến chỗ trận địa ban đầu xuất phát mà không phản công, sẽ bị xử trảm!”
Ngoài ra, ông cũng hạ lệnh không được tự tiến hành cướp bóc, đồng thời thay đổi phương thức phân chia chiến lợi phẩm, tức là tất cả các chiến lợi phẩm do ông quản lý, sau đó tiến hành phân phối thích đáng lại cho các thuộc hạ, đối tượng phân phối bao gồm các cô nhi quả phụ của binh sĩ đã mất. Chính sách như vậy khiến cho Thiết Mộc Chân được các thuộc hạ tầng thấp ủng hộ và hết lòng trung thành. Họ ý thức được, cho dù họ có chết trận, thì người nhà của họ cũng sẽ được quan tâm thích đáng.
Những cải cách mặc dù khiến quý tộc và một bộ phận tùy tùng bất mãn, nhưng lại đắc được nhiều nhân tâm và sự trung thành hơn. Hiệu quả của nó cũng hết sức rõ ràng, đó chính là bộ tộc của Thiết Mộc Chân thu được nhiều tài vật và gia súc hơn, còn gần như thu được trọn vẹn quân đội cùng toàn bộ dân chúng. Làm thế nào để các bộ tộc có sự khác biệt về huyết thống tập hợp lại cùng nhau, hiển nhiên là Thiết Mộc Chân phải đối mặt với vấn đề mới. Lúc này, việc dựa vào liên kết hôn nhân giữa các bộ tộc và thu nhận nuôi dưỡng cô nhi là không đủ.
Cải cách biên chế quân đội và xây dựng chế độ
Năm thứ Hai sau khi chinh phục người TaTar, Thiết Mộc Chân hạ lệnh tiến hành một cuộc cải cách có tính căn bản đối với quân đội và bộ lạc. Ông biên chế quân đội dựa theo thập tiến vị chế, mười người thuộc một đội, có đội trưởng hoặc gọi là “đầu bảng hiệu”, họ thường là người nhiều tuổi. Mười người này bất kể quần thể huyết tộc hay nguồn gốc bộ tộc của mình, đều được yêu cầu phải đối đãi với nhau như huynh đệ. Có điều, cha-con và anh-em có thể ở chung một đội.
Mười đội tổ hợp thành “trăm hộ”, do 100 người tổ hợp thành, bọn họ có thể tự chọn ra người lãnh đạo là trưởng 100 hộ này. Mười nhóm 100 hộ tổ hợp lại thành “nghìn hộ”, do 1,000 người tổ thành, người lãnh đạo gọi là Trưởng thiên hộ. Mười nhóm 1,000 hộ tổ thành một nhóm “vạn hộ”, do một vạn người hợp thành, người lãnh đạo gọi là Trưởng vạn hộ. Trưởng vạn hộ do Thiết Mộc Chân lựa chọn, bởi vì ông biết rõ người như thế nào mới có thể đảm đương trách nhiệm.
Người ta nói rằng, Thiết Mộc Chân khi đó đã có 95 ngàn hộ, tính toán trên thực tế có hộ không đủ quân số 1000, cho nên quân số đại khái thấp hơn tám vạn người. Rất rõ ràng, thể chế mới toàn diện này đã phá vỡ giới hạn về thế hệ, dòng tộc, bộ lạc và dân tộc trước kia, nâng cao được hiệu quả chiến đấu, tính cơ động và lòng trung thành của quân đội, đặt nền móng cho thiết kỵ Mông Cổ quét ngang Châu Âu sau này.
Không chỉ có thế, Thiết Mộc Chân còn tuyển chọn từ trong số đó ra 550 người Trưởng thiên hộ, Trưởng bách hộ, Đầu bảng hiệu và con em những người đã không còn chức vụ, nhưng kỹ năng và thể chất đều thuộc hạng ưu tú, tổ chức thành ‘Khiếp Tiết’, tức quân hộ vệ. Trong đó 80 người là bảo vệ ban đêm, 70 người là thị vệ, 400 người là cung thủ, số người sau này dần dần tăng lên. Các bộ này do bốn người Thiết Mộc Chân rất tin tưởng là Bác Nhĩ Hốt, Bác Nhĩ Thuật, Mộc Hoa Lê, Xích Lão Ôn và con cháu của họ lãnh đạo bốn đội luân phiên trực ban và vào đúng giờ giấc quy định thay đổi ca.
‘Khiếp Tiết’ trong xã hội Mông Cổ là phát triển “người hầu” xuất phát từ việc đã thoát ly bản thân khỏi bộ tộc của mình để phục vụ chỉ một người. Họ thuộc về quân chủ, không thuộc về toàn bộ bộ tộc. Quân chủ cung cấp mọi thứ cho cuộc sống và bảo hộ cho họ. Địa vị của Khiếp Tiết rất cao, quyền lực rất lớn, thứ nhất là bảo vệ cho Khả Hãn, phương diện khác là lực lượng trung tâm của quân đội Mông Cổ. Ngoài ra, bọn họ còn phụ trách chuyện nhà của hoàng thất như ăn uống, nuôi ngựa, thuốc men, huấn luyện chim ưng v.v.
Kiến lập thánh địa của người Mông Cổ
Cùng với việc xây dựng một đại bản doanh “Khúc Điêu A Lan” ở chỗ hợp lưu của sông Tang Cô Nhi và sông Khách Lỗ Liên, Thiết Mộc Chân còn thành lập một vùng thánh địa bí mật tại đầu thượng nguồn của sông Oát Nan, sông Khách Lỗ Liên và Thổ La Hòa có khởi nguồn từ thánh sơn Bất Nhi Hãn-Hợp Lặc Đôn, để làm quê hương của bộ lạc Mông Cổ. Ông hạ lệnh bất kỳ ai cũng không được lập bản doanh ở trên thượng nguồn của ba con sông, và tuyên bố lãnh địa này là bất khả xâm phạm đối với người ngoài, chỉ hoàng thất Mông Cổ mới được vào. Nơi này, họ có thể tiến hành cúng tế, mở các hội nghị bí mật của gia tộc, cử hành những nghi lễ bí mật lớn, thậm chí sau khi họ chết sẽ được an táng ở đây. Có thể nói, lãnh địa này đối với người Mông Cổ có rất nhiều ý nghĩa không giống như bình thường.
Chiêu mộ nhân tài
Để gia tăng nhân khẩu, tăng trưởng tài vật, cải tiến kỹ thuật để bảo đảm được lượng sản xuất lớn, lưu trữ và cung ứng, Thiết Mộc Chân hạ lệnh cho những người thông hiểu ngôn ngữ các địa phương, người giỏi giao tiếp, người giỏi quản lý nhân khẩu các bộ lạc, tiếp đãi và chiêu mộ nhân tài, tham gia những việc như đối ngoại xã giao và buôn bán v.v. Trong đó có cả những người thợ khéo tay người Hán.
Thiết Mộc Chân sau này khi bàn về đạo dùng người có nói: “Người trí dũng song toàn, giao cho họ quản lý việc binh, người hoạt bát nhanh nhẹn, giao họ việc quản lý quân nhu, người đần độn thì giao cho họ cái roi, cho họ chăn gia súc”. Đây có lẽ là những kinh nghiệm mà ông đã rút ra từ thực tiễn.
Không nghi ngờ gì, những cải cách của Thiết Mộc Chân đã đặt định nền móng quan trọng cho việc ông thống nhất Mông Cổ và chinh phục thế giới sau này, phong thái vương giả của ông quả thật rất sống động.
Nguồn: Epoch Times
Link bài dịch từ: Epoch Times Tiếng Việt
Xem tiếp: Thành Cát Tư Hãn – Chương 4: Chinh phục thảo nguyên
- Xem thêm:
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.33): Hội nghị Trùng Khánh
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.32): Bảo toàn Nhật Bản
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!