Nghiêu Thuấn Vũ – Chương 5: Vũ bình thủy thổ sáng Thần Châu (phần 1)

Chân dung Nghiêu Thuấn Vũ
Chân dung Nghiêu Thuấn Vũ

Nhân vật anh hùng thiên cổ – Nghiêu Thuấn Vũ

Chương 5: Vũ bình thủy thổ sáng Thần Châu (phần 1)

Cộng Công Khổng Nhâm sử dụng sách lược trị thủy “Ngăn sông, hạ thấp chỗ cao lấp vào chỗ thấp”, kéo dài nhiều năm, chỉ hao tổn nhiều tiền của mà không có hiệu quả. Lại nữa, Khổng Nhâm “Chỉ biết ham vui, ham sắc hại thân”, cuối cùng trị thủy thất bại, bị cách chức.

Vua Nghiêu trưng cầu ý kiến Tứ Nhạc, hỏi ai có thể khống chế lũ lụt, Tứ Nhạc tiến cử Cổn. Vua Nghiêu nói: “Cổn là người rất tùy tiện, cứng đầu, thường không tuân theo mệnh lệnh, lại còn hủy hoại lợi ích gia tộc, không thể đảm nhận công việc này được”.

Tứ Nhạc nói: “Hiện tại không tìm được người trị thủy nào thích hợp hơn Cổn, nên để ông ấy thử sức xem.” Thế rồi vua Nghiêu theo ý kiến của Tứ Nhạc, giao phó cho Cổn.

Cổn rất giỏi về kiến trúc, xây thành. Cổn dùng biện pháp xây bờ chắn nước, để kìm hãm sức nước, lúc đầu có chút hiệu quả, nhưng khi mực nước thủy triều dâng cao, đê không những không ngăn trở được hồng thủy mà còn liên tiếp đổ vỡ. Cuối cùng đê đập sụp đổ, tử thương rất nhiều.

Cổn trị thủy chín năm, không có hiệu quả. Thuấn đề nghị đưa Cổn lưu đày tới Vũ Sơn.

Thuấn biết rằng con trai của Cổn là Văn Mệnh (Vũ) khoan dung, nhân từ, có đức, giỏi về trị thủy, thế là tiến cử ông lên vua Nghiêu để Vũ trị thủy.

1. Thần Vũ giáng thế

Vũ, họ là Tư, tên Văn Mệnh. Cha là Cổn, là hậu duệ của thị tộc Hoàng Đế

Theo “Trúc Thư Kỷ Niên”, Đế Vũ hay Hạ Hậu thị, mẫu thân gọi là Tu Kỷ, xuất hành, thấy sao Băng bay qua sao Mão, mộng thấy trong lòng cảm ứng, sau đó nuốt thần châu. Tu Kỷ mổ lưng ra, mà sinh Vũ ở Thạch Nữu. Vũ mũi hổ miệng lớn, hai tai có 3 lỗ, đầu mang chuông móc, ngực có ngọc đấu, chân đi giày hoa văn, nên đặt tên là Văn Mệnh. Khi trưởng thành có Thánh đức, cao chín thước chín tấc.

Cổn kết hôn với con gái của Đế thị, tên là Nữ Hy, còn gọi là Tu Kỷ. Đế Chí sau khi chết, Cổn không còn làm quan, mà cùng thê tử sống ở thôn Thạch Nữu của khu Quảng Nhu, Vấn Sơn, nay ở biên giới huyện Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên.

Nữ Hy hơn ba mươi tuổi, nhưng vẫn chưa sinh con. Một hôm khi trời sắp tối, bà đi lấy nước ở dưới núi, ở mép nước trông thấy một viên minh châu, to như trứng chim, tiện tay nhặt lên, càng ngắm càng thích thú. Vừa định lên núi, thì chợt nghe một thanh âm vang lên giữa không trung, ngẩng đầu lên nhìn, thì nhìn thấy một ngôi sao băng to từ ngọn núi đối diện bay thẳng đến, lướt qua bên người, rồi vụt thẳng lên trời, rồi nhập vào cung sao Mão. Nữ Hy rất kinh hãi, vội đem viên thần châu kia ngậm vào trong miệng, không ngờ viên thần châu kia vừa đưa vào miệng liền một mạch từ cổ chạy xuống bụng. Nữ Hy đột nhiên cảm thấy một dòng khí nóng xông vào đan điền.

Đến đêm, bà mộng thấy một nam tử to lớn, mũi hổ miệng to, mắt lớn trong như sông, tiếng nói như chim hót, tới nói với Nữ Hy: “Ta là thần Kim Tinh Bạch Đế trên trời, đã từng giáng sinh xuống thế gian làm cháu đời thứ 19 của Nữ Oa, tên gọi là Thần Vũ, sống thọ đến 360 tuổi. Sau đó đến núi Cửu Nghi học đạo, thành tiên bay đi, vẫn làm Thần Kim Tinh. Hiện nay hồng thủy tràn lan khắp thiên hạ, ta thụ mệnh trị thủy, nên hóa thành một hòn đá, chờ đợi người có duyên với ta. Hôm qua bị bà nuốt vào, tức là ta với bà có duyên, ta tới làm con trai của bà.”

Nữ Hy sau khi tỉnh lại đem câu chuyện dưới núi ngày hôm qua và giấc mộng kể lại cho Cổn. Cổn nói, xem ra, con chúng ta sinh ra sau này là người rất có lai lịch, nhất định là một người rất xuất chúng.

Nữ Hy mang thai được 10 tháng sau mà vẫn chưa sinh. 13 tháng trôi qua, vẫn chưa sinh, nhưng lưng của Nữ Hy dáng vẻ như muốn tách mở ra, đau đớn đến tê liệt cả người, cảm thấy sau lưng có một thứ tròn, liên tục đẩy lên.

Cổn dùng dao nhẹ nhàng vạch một cái ở sau lưng của bà, thì một thai nhi sinh ra, đó là một bé trai.

Tai Vũ có ba cái lỗ, cổ dài, miệng như mỏ chim, mũi hổ, mắt lớn trong như sông, miệng lớn, so với người Nữ Hy gặp trong mộng không khác, hai tai có ba lỗ, đầu mang chuông móc, ngực có ngọc đấu, chân đi giày hoa văn, nên đặt tên là Văn Mệnh, tự là Cao Mật. Khi trưởng thành có Thánh đức, cao chín thước chín tấc.

Chân dung Đại Vũ
Họa gia Mã Lân thời Nam Tống vẽ chân dung Đại Vũ (Phạm vi công cộng)

Hồi nhỏ, Văn Mệnh thông minh cơ trí, cung kính hữu lễ. Vợ chồng Cổn rất yêu thương, đích thân dạy bảo. Cổn vốn là người học rộng tài cao, đem hết sở học của mình dạy cho Văn Mệnh. Dù tuổi nhỏ nhưng Văn Mệnh có thể lĩnh ngộ được, đặc biệt thích nghe giảng về thủy lợi, địa lý.

Khi Văn Mệnh chưa được 10 tuổi, vì Khổng Nhâm trị thủy không được, nên Cổn nhận lệnh trị thủy.

Sau khi Cổn rời khỏi nhà, một hôm Văn Mệnh đi ra ngoài gặp một ông lão tóc trắng, tự xưng là Úc Hoa Tử. Úc Hoa Tử là một người tu Đạo, thiên văn địa lý không gì không biết, có thể biết được tương lai và quá khứ. Văn Mệnh bái Úc Hoa Tử làm thầy, Úc Hoa Tử ở lại nhà của Văn Mệnh, dạy Văn Mệnh các loại tri thức. Úc Hoa Tử bảo với Văn Mệnh, lần lũ lụt này là lũ lụt khắp thiên hạ, nếu không có bản lĩnh thông thiên triệt địa, tài năng sai khiến quỷ Thần, thì khó mà trị thủy được.

Úc Hoa Tử dần dần đem các danh sơn đại xuyên trong thiên hạ, lộ trình xa gần, địa thế cao thấp rộng hẹp hiểm lành cùng các loại phương pháp trị thủy, hết thảy đều truyền thụ lại cho Văn Mệnh. Điểm chính yếu trong việc trị thủy của ông là: “Chỉ có thể thuận theo đặc tính của nước, không thể đối kháng lại thế nước”. Văn Mệnh khắc ghi trong tâm.

Ba năm sau, Úc Hoa Tử từ biệt mẹ con Văn Mệnh. Trước khi đi, Úc Hoa Tử tiến cử cho Văn Mệnh bốn người làm trợ thủ sau này.

Không lâu sau Úc Hoa Tử phái hai người Chân Khuy, Hoành Quách tìm đến Văn Mệnh, làm trợ thủ cho Văn Mệnh. Hai người đưa cho Văn Mệnh một phong thư, trong thư Úc Hoa Tử tiến cử cho ông hai người là Tây Vương Quốc tiên sinh và Đại Thành Chí, kiến nghị Văn Mệnh bái hai người này làm thầy, “Hai người này đều là thầy của bậc đế vương, là bậc kỳ tài không xuất thế (ở ẩn, không ra làm quan)”.

Chân dung Hạ Vũ
Chân dung Hạ Vũ (Phạm vi công cộng)

2. Khảo sát lũ lụt, dọc đường hiển Thần tích

Sau khi mẫu thân qua đời, Văn Mệnh quyết định tìm phụ thân của mình là Cổn. Trên đường đi ông bái kiến Tây Vương Quốc tiên sinh, cách dạy của Tây Vương Quốc tiên sinh không giống như Úc Hoa Tử, đó là Đạo chính tâm- tu thân- an bang trị quốc, Văn Mệnh thụ ích rất nhiều.

Trên đường đi, có lần Văn Mệnh nhìn thấy đập trị thủy lớn dài mấy trăm dặm, ông thấy rằng phương pháp này không giống với điều mà sư phụ Úc Hoa Tử giảng.

Văn Mệnh sau khi gặp được phụ thân Cổn thì ở bên cạnh ông. Ông coi xét kỹ lưỡng khắp nơi, dần dần tích lũy được một chút kinh nghiệm, ông nghĩ, nhiều nước thế ở bên trong dãy núi bao quanh, mở ra một đường cho nước thoát, chính là thuận theo đặc tính của nước, dẫn ra biển lớn. Nhưng muốn tháo nước ở trong núi, thì tất phải đục phá núi, còn nước trên mặt đất thì nhất định phải đào đất nạo vét kênh. Hai việc này đều là công trình vô cùng to lớn.

Ông đề xuất ý kiến của mình với phụ thân. Ông nói: “Chỗ cao đục mà thông, chỗ thấp đào mà thoát.” Cổn cảm thấy hai việc tạc (xẻ núi) và sơ (đào đất) đều cần rất nhiều nhân lực và vật lực, sức người không thể làm được. Văn Mệnh dẫn theo hai tùy tùng đến các nơi khảo sát địa thế, thế nước cũng như đầu nguồn của nước lũ. Ông nhận thấy rằng hồng thủy như thế này thì chỉ có sự giúp đỡ và bảo hộ của Thần mới có thể hoàn toàn bình ổn.

Tại lưu vực sông Hoài, ông gặp được Đại Thành Chí và bái làm thầy. Đại Chí Thành nói với Văn Mệnh: “Trận đại hồng thủy này là đại biến của thiên địa”, sức người không thể kháng lại, rồi đề xuất với Văn Mệnh một vài kiến nghị rất hay.

Tại núi Hoàn, Văn Mệnh gặp Thần núi Hoàn, Thần núi Hà Phùng cùng Thần núi Bão Độc, họ chỉ dẫn ông tới phương nam tìm phương pháp, khí cụ và nhân tài để trị thủy.

“Ngô Việt Xuân Thu” ghi chép rằng: “Ở cột Thiên Trụ phía Đông Nam núi Cửu Nghi, hiệu là Uyển ủy, được đỡ bởi ngọc hoa văn, được che bởi tảng đá lớn, viết trên thẻ vàng, ngọc xanh làm chữ, kết bằng bạc trắng, đều viết bằng chữ triện. Vũ đi tuần phía đông, leo lên núi Hành Sơn tìm kiếm. Một người mặc áo hoa văn thêu màu đỏ, tự xưng là sứ giả của Huyền Di Thương Thủy đến chờ Vũ, lệnh cho Vũ trai giới 3 ngày rồi lại đến tìm. Vũ trai giới 3 ngày rồi lại leo lên núi Uyển Ủy, lấy được sách, đắc được đạo lý khơi thông nước, bèn đi khắp thiên hạ”.

Họ đi về phía nam, đến lưu vực sông Hán, gặp được người đưa thư sư phụ Úc Hoa Tử phái đến giao cho, theo chỉ điểm trong thư đến núi Uyển Ủy (tức núi Ngọc Tứ ở phía đông nam thành phố Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang), sau khi thành kính trai giới, tìm được hai miếng ngọc khuê màu xanh và đỏ, và 12 cuốn tàng thư, địa lý mạch nước – đường đi sông núi được đề cập đến trong sách hết sức tường tận. Ngọc khuê đỏ và xanh có thể soi thấy những nơi ở rất sâu, là bảo bối rất hữu dụng trong trị thủy.

Khi đi ngang qua vùng gần Vu Sơn, con gái của Tây Vương Mẫu là phu nhân Vân Hoa triệu kiến Văn Mệnh, bà dạy Văn Mệnh hai bộ Thượng Thanh Bảo Văn, một bộ Triệu Thiên Thần, một bộ Triệu Địa Kỳ. Có thể xua đuổi hổ báo trên đất, hàng phục giao long dưới nước. Còn có thể xuất nhập thủy hỏa, phép trường sinh, sống lâu cùng trời đất. Bà còn phái bảy vị Thiên tướng dưới trướng của mình hạ phàm, trợ giúp Văn Mệnh trị thủy. Ngoài ra phu nhân Vân Hoa còn dạy ông ba sách lược trị thủy. Cuối cùng phu nhân Vân Hoa nói với Văn Mệnh, lúc cần thiết bà và Tây Vương Mẫu đều có thể trợ giúp trị thủy.

“Hải Sơn Kinh-Hải Nội Kinh” ghi chép rằng: “Hồng thủy ngập trời, Cổn đã trộm bảo bối ‘Tức nhưỡng’ của Thiên Đế để ngăn hồng thủy mà không có lệnh của Thiên Đế”. ‘Tức nhưỡng’ là một loại đất mà không ngừng sinh sôi, chỉ cần lấy một chút quăng xuống vùng đất lớn thì lập tức sẽ sinh sôi rất nhiều, chất thành núi, đắp thành đê. Cổn trộm ‘tức nhưỡng’ của Thiên Đế để xây đê, làm trái ý chí của Thiên Đế, dẫn đến hậu quả khôn lường, cuối cùng đập bị vỡ, hồng thủy bộc phát không thể kiểm soát, bách tính tử thương rất nhiều. Xét thấy Cổn trị thủy chín năm “chẳng nên tích sự gì”, Thuấn kiến nghị để Cổn lưu đày đến Vũ Sơn. Có ghi chép nói rằng, Chúc Dung phụng mệnh chém đầu Cổn tại Vũ Sơn, Cổn trầm mình xuống dòng nước. “Sơn Hải Kinh- Hải Nội Kinh” Quách chú dẫn “Quy Tàng-Khải Thệ”:Cổn chết 3 năm vẫn không mục rữa, dùng dao sắc là Ngô đao mổ ông ta thì hóa thành rồng vàng.”

Đại Vũ cầm cái bừa trị thủy
Đại Vũ cầm cái bừa trị thủy ở Vũ Thị – Gia Tường – Sơn Đông thời nhà Hán. (Phạm vi công cộng)

3. Vũ thụ mệnh trị thủy

Sau khi Cổn trị thủy thất bại, Thuấn tiến cử lên vua Nghiêu để Vũ trị thủy.

Một hôm, Văn Mệnh mộng thấy mình tắm rửa giữa dòng hồng thủy mênh mông, chợt thấy mặt trời đỏ trên cao chiếu xuống, giữa làn sóng nước còn có một mặt trời đỏ chìm nổi, sau khi tỉnh mộng, Văn Mệnh kiến giải giấc mộng rằng: “Mặt trời là biểu tượng của thiên tử, mặt trời đỏ từ trong nước nổi lên, rọi chiếu vào thân mình, chẳng phải là thiên tử muốn giao phó ta đi trị thủy sao?”

Văn Mệnh quyết định tuân theo lời dạy của mẫu thân và di mệnh của phụ thân, đến đế đô đảm nhiệm chức trách trị thủy.

Từ đó, Đại Vũ gắn liền với việc trị sửa thủy thổ và bình định Cửu Châu, đó cũng là công tích lớn nhất trong cuộc đời của Đại Vũ. Hàng trăm hàng nghìn năm sau, câu chuyện Đại Vũ trị thủy vẫn in sâu trong lòng người, được người đời ca tụng, tinh thần xả bỏ hạnh phúc cá nhân vì đại cục càng hiển thị rõ tấm lòng rộng lớn chí công vô tư vì lê dân khắp thiên hạ của Đại Vũ. 

Vua Nghiêu triệu kiến Văn Mệnh. Văn Mệnh nói với vua Nghiêu rằng: “Thần cho rằng trị thủy ắt phải thuận theo đặc tính của nước, nước chảy đến chỗ thấp, rồi theo dòng chảy ra biển lớn, nên xẻ nơi cao mà thông, đào nơi thấp mà thoát”. Vua Nghiêu rất tán thưởng với ý kiến này.

Nói về vấn đề nhân lực và thời gian, Văn Mệnh đem chuyện gặp được kỳ tích và phu nhân Vân Hoa hứa hẹn giúp đỡ trị thủy kể lại. Vua Nghiêu biết rằng lời của Tây Vương Mẫu đã ứng nghiệm, đại công khả thành, vô cùng cao hứng. Vua Nghiêu ban cho Văn Mệnh tên gọi là “Vũ”, bổ nhiệm Vũ chức Sùng Bá, trị sửa hồng thủy.

Từ đó, nền văn minh Trung Hoa đã bước sang một trang sử mới đầy huy hoàng.

Sau khi Vũ thụ mệnh, Thuấn ra lệnh cho Hậu Tắc và Ích làm trợ thủ cho Vũ, hiệp trợ Đại Vũ trị thủy.

Vì để đảm bảo tiến hành thuận lợi cho công trình trị thủy, Cao Đào “Lệnh dân chúng thảy đều phải tuân theo Vũ, nói không được thì dùng hình phạt”. Về mặt hành chính cũng toàn lực đảm bảo việc thực thi kế hoạch trị thủy, rồi dần dần triệu tập được mấy chục vạn nhân công, và hiệu triệu chư hầu bá quan ra sức hiệp trợ.

Vũ tùy theo việc nặng hay nhẹ, cấp bách hay không mà chia công trình trị thủy thành sáu khu vực:

Khu vực thứ nhất, toàn bộ Ký Châu và một phần của Ung Châu, Dự Châu, Duyện Châu, cũng chính là địa khu hạ du phần giữa sông Hoàng Hà. Ký Châu không những là vùng đế đô mà người chịu tai họa cũng nhiều, cần được ưu tiên trị thủy.

Khu vực thứ hai, Duyện Châu và toàn bộ Thanh Châu. Thanh Châu giáp với biển, địa thế thấp, lũ lụt cũng nghiêm trọng. Khu vực này thuộc hạ du sông Hoàng Hà.

Khu vực thứ ba, toàn bộ Từ Châu và một phần Dự Châu. Nước từ sông Trường Giang và sông Hoài ngập lụt đã nhiều năm, việc trị thủy cũng cần thực thi nhanh chóng.

Khu vực thứ tư là toàn bộ Dương Châu, Kinh Châu và Lương Châu. Sông Trường Giang dài ngàn dặm, chảy ra Đông Hải, đất cũng thấp, phía tây là Lương Châu, về địa thế mà xét, có vẻ là một vùng riêng biệt, nhưng theo khảo sát địa hình gần đây thì đã biến đổi nhiều, cho nên cũng cần trị thủy với các vùng kia.

Khu vực thứ năm là vùng biên giới Cửu Châu.

Vùng thứ sáu là hải ngoại. Vương giả không phân biệt bên ngoài, đều đối xử như nhau với người trong thiên hạ, vậy nên Trung Quốc sau khi bình ổn, vẫn cần tuần tra thị sát các nước ở hải ngoại, tùy thời điểm thích hợp trị thủy.

Khoảng chừng mười năm, có thể khiến cho thủy thổ tất cả bình ổn; nếu như kiểm soát thành mạng lưới để dẫn nước, chấn hưng thủy lợi, thì cần hai, ba năm nữa.

Đến đây, phần mở màn Vũ sáng tạo Thần Châu đã được mở ra. Đại Vũ trị thủy, có được Hà Đồ, Lạc Thư để trợ giúp trị thủy.

Theo “Trúc Thư Kỷ Niên” ghi chép: “Vũ nhìn xuống sông, có một kẻ mặt người màu trắng và thân cá nói: ‘Ta là Thần ở sông này.’ Sau đó hô lên rằng: ‘Văn Mệnh trị thủy.’ Nói xong, trao cho Vũ “Hà Đồ”, nói về các việc trị thủy, rồi lui vào vực sâu”.

Đại Vũ mở Hà Đồ ra, chỉ thấy bên trong Cửu Châu là hình thế sông núi mạch lạc phân minh, ghi chép tường tận. Hóa là tấm địa đồ trị thủy.

Vũ trên đường đi qua sông Lạc, một con rùa lớn trên lưng chở một bộ sách, dâng cho Đại Vũ. Chỉ thấy ở trên viết hình thế núi sông của các châu; danh tự, sở thích, hình dạng của dã thú mãnh cầm, yêu ma quỷ quái. Đại Vũ hướng đến Lạc Thần lạy mấy cái, rồi đem Lạc Thư và Hà Đồ đặt cùng một chỗ. Đến gần Hồ Khẩu, Hà Bá lại mang Hà Đồ tặng Đại Vũ.

Nguồn Epoch Times

Link bài dịch: NTD Việt Nam

Xem tiếp Chương 5: Đại Vũ trị Hoàng Hà (tiếp theo)

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x