NHÂN VẬT ANH HÙNG THIÊN CỔ
HỐT TẤT LIỆT
Tài năng xuất chúng và lời tiên tri từ Thành Cát Tư Hãn
Tháng 8 năm 1227, Thành Cát Tư Hãn, người kiến lập đế quốc thảo nguyên “Đại Mông Cổ quốc” từng khiến cả Âu Á chấn động, đã về với Trường Sinh Thiên (tạ thế). Người kế nhiệm của ông là Oa Khoát Đài Đại Hãn, người được truy phong là Nguyên Thái Tông, tuân theo di mệnh của phụ thân, một mặt liên hợp với nước Tống tấn công nước Kim, tiếp tục mở rộng lãnh thổ, đã hoàn toàn xâm chiếm được nước Kim, hoàn toàn chinh phục được vùng Hoa Bắc và khu vực trung Á; mặt khác trọng dụng Gia Luật Sở Tài để quản lý vùng Hoa Bắc và Trung Nguyên, chỉnh đốn đối nội, củng cố nền tảng thống trị của Đại Mông Cổ quốc. Cùng lúc đó, người Mông Cổ tiến hành cuộc tây chinh lần thứ hai và lần thứ ba, tiến thêm một bước tăng cường mối quan hệ kết giao giữa hai đại lục Âu-Á. Đến cuối cùng, Hốt Tất Liệt, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, đã lãnh đạo người Mông Cổ “Tiếp tục đại nghiệp thống nhất Trung Hoa”, lấy ý chí hải nạp bách xuyên thành lập một vương triều mới, và làm cho nó phát triển rực rỡ, đúng như Dự ngôn của Thành Cát Tư Hãn.
Trưởng thành trên lưng ngựa
Ngày 23/09/1215 (ngày 28/8 Hoàng lịch), trong một lều bạt ở thảo nguyên Mông Cổ đã cất lên tiếng khóc của đứa trẻ mới sinh, đứa bé ấy chính là Hốt Tất Liệt, về sau đạt được uy danh hiển hách giống như ông nội của cậu vậy. Cha của cậu là con trai út của Thành Cát Tư Hãn, Đà Lôi, mẹ của cậu là Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni, chính thê của Đà Lôi, cậu là con trai thứ dòng chính của họ.
Theo sách sử ghi lại, trước khi Hốt Tất Liệt giáng sinh, có chim hùng ưng rơi xuống trên chuồng ngựa của nhà ông. Sau khi ông cất tiếng khóc chào đời, chim hùng ưng nhanh chóng đem tin vui truyền khắp thảo nguyên. Chuyện thần kỳ như vậy có thật hay không, chúng ta không biết được, nhưng Thành Cát Tư Hãn nghe tin vội chạy tới ôm lấy đứa trẻ mới sinh và vui mừng nói rằng: “Con cháu của chúng ta đều mang màu da đỏ ửng, nhưng thằng bé này lại sinh ra có màu đen bóng. Thực giống với những người cậu của nó!”
Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni là con gái của Trát Hợp Cảm Bất, huynh đệ của Vương Hãn thuộc bộ lạc Khắc Liệt Diệc Dịch. Bộ lạc Khắc Liệt Diệc Dịch là hậu duệ của người Đột Quyết, nổi danh với làn da ngăm đen và sự dũng mãnh, Vương Hãn của bộ lạc Khắc Liệt cũng từng xưng bá trên thảo nguyên, nhưng cuối cùng bị Thành Cát Tư Hãn chinh phục. Có lẽ lời nói này của Thành Cát Tư Hãn là hy vọng cháu trai của mình tương lai cũng sẽ dũng cảm thiện chiến.
Về phần Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni, bà là người phụ nữ xinh đẹp xuất chúng, chẳng những khiêm tốn, mà còn cơ trí hơn người, vốn có tài năng quản lý, lại còn là một hiền thê lương mẫu có tiếng khắp gần xa trong ngoài hoàng tộc. Bốn người con trai là Mông Kha, Hốt Tất Liệt, Húc Liệt Ngột, A Lý Bất Ca do bà nuôi dưỡng và dạy dỗ đều cực kỳ xuất chúng, sau này đều trở thành Đại Hãn hoặc Đế vương, vì thế trong lịch sử Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni có danh xưng là “Tứ Đế chi mẫu”.
Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni đã tìm cho Hốt Tất Liệt một nhũ mẫu là Táp Lỗ Hắc, là người của Man tộc và là cung phi của Đà Lôi, tính cách dịu dàng, thiện lương, sinh một con trai tên là Mạt Ca. Táp Lỗ Hắc đem con trai của mình giao cho người khác nuôi dưỡng, xem Hốt Tất Liệt như con do mình sinh ra, hết mình chăm sóc. Về sau khi Hốt Tất Liệt trưởng thành, cảm kích từ nội tâm đối với công ơn nuôi dưỡng của Táp Lỗ Hắc, ông duy trì mối quan hệ tốt đẹp và hòa thuận với Mạt Ca, đây là minh chứng rõ ràng nhất.
Phần lớn thời gian trong đời, Đà Lôi đi theo Thành Cát Tư Hãn đánh Đông dẹp Bắc, Hốt Tất Liệt dưới sự nuôi dưỡng của mẫu thân là Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni và những người khác đã dần dần lớn lên.
Trẻ nhỏ sống trên thảo nguyên, từ nhỏ đã thích ứng với cuộc sống trên lưng ngựa. Trong cuốn “Hắc Thát sự lược” ghi lại rằng: “Hoạt động cưỡi ngựa bắn cung của họ bắt đầu từ lúc còn là đứa bé, họ dùng dây thừng cột con của mình trên một tấm ván gỗ, lại đem tấm ván gỗ cột vào lưng ngựa, cứ như vậy cưỡi ngựa đi theo mẹ khắp nơi. Đến lúc ba tuổi thì dùng dây thừng cột trực tiếp các bé lên trên lưng ngựa, tay cầm dây cương, cùng đi theo mọi người rong ruổi trên thảo nguyên. Khi 4, 5 tuổi bắt đầu sử dụng cung tên loại nhỏ và mũi tên ngắn để luyện bắn cung. Đến khi thành niên, những đứa trẻ này có thể tham gia vào hoạt động đi săn của bốn mùa”.
Phương pháp giáo dục trên lưng ngựa hẳn đã làm cho người Mông Cổ từ nhỏ đã sử dụng cung tên và cưỡi ngựa thành thạo, tự nhiên. Con em quý tộc Mông Cổ, gồm cả các huynh đệ của Hốt Tất Liệt cũng không ngoại lệ, và việc Thành Cát Tư Hãn giành được thiên hạ trên lưng ngựa chính là tấm gương sáng cho Hốt Tất Liệt học tập.
Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni đặc biệt chú trọng giáo dục văn hóa cho các con. Bà yêu cầu họ ngoài việc hiểu rõ văn hóa truyền thống thảo nguyên, còn cần phải học nói, đọc, và viết được ngôn ngữ Mông Cổ. Bà còn chú trọng việc để cho các con của mình tiếp thu các văn hóa xung quanh, như văn hóa người Úy Ngột Nhi, văn hóa người Hán. Bà yêu cầu các con học nói khẩu ngữ của tiếng Hán, đồng thời mời người Hán đến làm thầy dạy cho các con. Bà cũng dạy các con phải hiểu lễ phép, làm người phải chú trọng đức hạnh, không cho phép giữa các con xảy ra cãi vã.
Dưới sự giáo dục và ảnh hưởng của mẫu thân, Hốt Tất Liệt tuy tuổi còn nhỏ nhưng không chỉ tinh thông bắn tên cưỡi ngựa, mà còn hiểu chuyện, hiếu thuận, lễ độ, rất được những người lớn yêu quý.
Thành Cát Tư Hãn tiên đoán vận mệnh bất phàm của Hốt Tất Liệt
Hốt Tất Liệt dần lớn lên thường nghe được những sự tích anh hùng liên quan đến ông nội mình là Thành Cát Tư Hãn, tự nhiên trong lòng nảy sinh tình cảm ngưỡng mộ. Chẳng qua, từ khi cậu hiểu được các việc đến giờ, còn chưa được gặp ông nội, chỉ là thông qua những lời kể của mọi người, mà ở trong đầu tưởng tượng ra hình ảnh ông nội cao lớn uy nghiêm.
Mùa xuân năm 1224, Thành Cát Tư Hãn dẫn đại quân Mông Cổ tây chinh chiến thắng trở về. Hốt Tất Liệt lúc ấy 10 tuổi, nghe tin xong đã phấn chấn đến khó ngủ được. Sau khi bám lấy mẹ để thuyết phục và được mẹ đồng ý, cậu mang theo em trai là Húc Liệt Ngột đi nghênh đón ông nội trước. Đi đến nửa đường, Hốt Tất Liệt nghĩ ra một biện pháp thi săn thú, đem con thú săn được làm lễ vật dâng lên ông nội. Dựa theo tập tục của người Mông Cổ, bé trai lần đầu tiên săn bắn cầm thú, phải đem máu huyết của thú săn được bôi lên ngón tay cái của bậc trưởng giả, nghi thức này được gọi là “Nha cáp lạp mê thất”, để chứng tỏ bản thân mình xứng đáng làm con cháu của người Mông Cổ.
Trong khi săn bắn, Hốt Tất Liệt bắn trúng một con thỏ, Húc Liệt Ngột bắn trúng một con dê rừng. Hốt Tất Liệt nhẹ nhàng nâng tay của Thành Cát Tư Hãn lên, rất lễ phép lấy máu thỏ nhẹ nhàng bôi lên ngón tay cái của ông nội, Thành Cát Tư Hãn đã rất vui mừng.
Sau đó, Thành Cát Tư Hãn mang theo các cháu trai của mình đến Kim trướng chọn lựa quà tặng, những đứa trẻ khác lựa chọn kim đao, châu báu ngọc ngà, duy chỉ có Hốt Tất Liệt chọn một chuỗi Phật châu (tràng hạt) bằng gỗ tử đàn. Thành Cát Tư Hãn bèn hỏi cậu: “Chinh phục thiên hạ, phải dựa vào kim qua thiết mã.” (Muốn chinh phục thiên hạ phải nhờ vào vũ khí sắc bén và ngựa tốt). Nhưng Hốt Tất Liệt lại trả lời rằng: “Có thể giành lấy thiên hạ trên lưng ngựa, nhưng không thể trị thiên hạ trên lưng ngựa.”
Thành Cát Tư Hãn nghe xong trong lòng giật mình, tâm nguyện tiến vào Trung Thổ, thành lập một vương triều tựa như trăm sông đổ về một mối kia của ông dường như đã có người thừa kế rồi. Ông vui mừng nâng Hốt Tất Liệt lên rồi ngửa mặt lên trời cảm thán: “Người thống nhất thiên hạ trong tương lai, nhất định là cháu của ta.”
Từ đó, Hốt Tất Liệt đã có cơ hội đi theo bên cạnh Thành Cát Tư Hãn. Khí khái cương nghị, quả cảm và vương giả của Thành Cát Tư Hãn, có lẽ đã lưu lại cho thiếu niên Hốt Tất Liệt những ấn tượng sâu sắc.
Tháng 8 năm 1227, trong cuộc chiến chinh phục Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn lâm bệnh và qua đời. Năm đó Hốt Tất Liệt 13 tuổi. Theo cuốn “Mông Cổ nguyên lưu” của nhà lịch sử học Tát Nang Triệt Thần tộc Mông Cổ thế kỷ 17 ghi lại, lúc Thành Cát Tư Hãn hấp hối từng nói rằng: “Lời nói của Hốt Tất Liệt khi còn nhỏ, đủ khiến cho chúng ta chú ý. Lời nói đó rất thận trọng, các ngươi nên nhớ lấy. Có một ngày nó sẽ ngồi lên ngôi bảo tọa của ta, sẽ làm cho các ngươi thấy được một vận mệnh tương lai rực rỡ giống như thời đại của ta vậy.”
Về sau, quả như lời tiên đoán của Thành Cát Tư Hãn.
Đà Lôi kính cẩn giữ lời thề, Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni thâm minh đại nghĩa
Trước khi dự định xuất chinh đánh Hoa Lạt Tử Mô (Đế quốc Khwarezm hay còn gọi là nhà Khwarezm-Shah ở Ba Tư), Thành Cát Tư Hãn đã tổ chức đại hội Hốt Lý Lặc Đài để xác định người kế thừa cho mình. Ông hỏi ý kiến của bốn người con trai, con trai trưởng Truật Xích và con trai thứ hai là Sát Hợp Đài đều cùng đề cử người con trai thứ ba là Oa Khoát Đài kế thừa Hãn vị. Thành Cát Tư Hãn lại hỏi ý kiến của Oa Khoát Đài, Oa Khoát Đài bày tỏ sẵn lòng dùng hết khả năng của mình để làm một Khả Hãn. Thành Cát Tư Hãn lại quay qua hỏi người con trai thứ tư là Đà Lôi. Đà Lôi thưa: “Con nguyện ở bên cạnh người anh mà cha chỉ định kế vị, nhắc nhở anh ấy những việc mà anh ấy quên, khi anh ấy ngủ quên thì sẽ gọi anh ấy tỉnh giấc. Làm người đi theo hưởng ứng lời của anh ấy, làm cây roi ngựa để anh ấy thúc ngựa. Đáp lời không chậm trễ, tiến lên phía trước không bỏ rơi đội ngũ. Con nguyện vì anh ấy mà chiến đấu nơi xa, nguyện vì việc binh đao của anh ấy mà luôn đứng ở phía trước”.
Thành Cát Tư Hãn vốn có ý định để Đà Lôi kế thừa ngôi vị Đại Hãn, nhưng sau khi cân nhắc chu đáo cẩn thận, ông đã ra quyết định người kế thừa là Oa Khoát Đài, người có tính cách tương đối cẩn thận, năng lực quản lý vượt trội mà tính tình lại ôn hòa, đối xử với mọi người khoan dung và hào phóng, chọn Oa Khoát Đài làm người kế tục ngôi vị Đại Hãn.
Đà Lôi là con trai nhỏ nhất của Thành Cát Tư Hãn, từ nhỏ đã không giống với người bình thường. Lúc còn nhỏ, khi ông vừa mới biết nói chuyện, thì cha bị Thái Diệc Xích Ô bắt làm tù binh, tất cả người nhà kể cả Thái hậu Kha Ngạch Luân đều cho rằng cha sẽ khó mà trở về, chỉ có Đà Lôi nói “Cha ta sẽ cưỡi con ngựa màu nâu trở về”. Mọi người đều cho là lời nói bâng quơ của đứa trẻ, nhưng ngày hôm sau, Thành Cát Tư Hãn quả nhiên cưỡi con ngựa màu nâu trở về, lúc này mọi người mới cảm thấy Đà Lôi rất kỳ lạ.
Khi Đà Lôi lớn lên, cũng là một người “anh tuấn uy vũ có tài năng và mưu lược”, dưới sự bồi dưỡng và hun đúc của chính Thành Cát Tư Hãn, ông đã trở thành một vị Thống soái quân sự anh dũng thiện chiến. Ông giỏi dùng binh, mỗi lần theo cha chinh chiến, luôn lập được chiến công. Năm 1213, Đà Lôi theo Thành Cát Tư Hãn đánh phạt nước Kim, tự mình dẫn một cánh quân ở giữa đánh vào các vùng Sơn Đông, Hà Bắc. Năm 1219 theo Thành Cát Tư Hãn tây chinh, đánh chiếm các vùng Bất Hoa Thứ (Bukhara), Tát Ma Nhĩ Can (Samarkand). Năm 1221 một mình dẫn một đội quân tiến vào bên trong Hô La San (Khorasan), đánh chiếm các nơi như Mã Lỗ (ngày nay là Turkmenistan nước cộng hòa Mali), Nhĩ Sa Bất Nhĩ (thuộc Iran ngày nay), Dã Lý (thành phố Herat của Afghanistan ngày nay). Ông là một vị anh hùng trong lòng người dân Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn cũng coi ông là “na khả nhi”, có nghĩa là “người đồng hành”.
Sau khi Thành Cát Tư Hãn băng hà, Đà Lôi làm giám quốc. Theo tập tục “Ấu nhân Thủ táo” của người Mông Cổ, con trai út được kế thừa sự nghiệp của cha, còn các con trai lớn tuổi hơn sẽ phải ra ngoài lập nghiệp. Thành Cát Tư Hãn khi còn sống đã đem những vùng đất đai chinh phục được phân phong cho ba người con trai lớn, còn Đà Lôi sau khi phụ thân qua đời đã được kế thừa trực tiếp lãnh địa của cha, là vùng đất quê hương Mông Cổ từ lưu vực sông Oát Nan đến lưu vực sông Khách Lỗ Liên, sau này trở thành lãnh thổ của triều Nguyên. Trong 12,9 vạn quân đội mà Thành Cát Tư Hãn lưu lại, thì Đà Lôi kế thừa hơn 10 vạn quân Khiếp Tiết tinh nhuệ. Như vậy trong gia tộc ngoài Đại Hãn ra thì Đà Lôi là người có quyền thế và uy vọng nhất.
Hai năm sau, vào tháng 9 năm 1229, trong đại hội Hốt Lý Lặc Đài, Đà Lôi kính cẩn tuân thủ lời hứa của mình với phụ thân khi xưa, ủng hộ Oa Khoát Đài lên ngôi vị Đại Hãn, cũng từ đây tận tâm tận lực giúp đỡ Oa Khoát Đài. Có điều, để phân biệt với các danh hiệu “Hãn” của những người anh em khác hiện nay, Oa Khoát Đài được mang danh hiệu của người Đột Quyết cổ xưa chính là “Hợp Hãn”, hoặc là Hoàng Đế, các Đại Hãn sau này cũng tuân theo danh hiệu này.
Oa Khoát Đài vẫn đóng đô ở Cáp Lạp Hòa Lâm (Karakorum, thuộc tỉnh Övörkhangai, Mông Cổ ngày nay). Mặc dù trước đây trong thời kỳ Thành Cát Tư Hãn thống trị, ít nhất từ năm 1220 trở đi, vùng đất Cáp Lạp Hòa Lâm hoặc là vùng đất gần đó có thể đã được tuyển chọn làm đô thành, nhưng vào năm 1235 chính Oa Khoát Đài xây lên tường thành phòng hộ xung quanh Cáp Lạp Hòa Lâm, mới làm cho vùng đất nơi đây trở thành đô thành chính thức của tân đế quốc.
Thời kỳ Oa Khoát Đài thống trị, một trong những cống hiến của ông chính là vâng theo lời căn dặn của phụ thân, trọng dụng và tiếp thu rất nhiều kiến nghị của Gia Luật Sở Tài, một người Khiết Đan đã được Hán hóa. Ví như mở trường học ở Bắc Kinh và Bình Dương, tiến hành giáo dục Nho gia đối với những lãnh chúa Mông Cổ trẻ tuổi, đồng thời chiêu nhận số lượng lớn người Trung Quốc vào các cơ quan dân chính Mông Cổ. Gia Luật Sở Tài tâu với Oa Khoát Đài rằng: “Tuy rằng có được thiên hạ trên lưng ngựa, nhưng không thể trị thiên hạ trên lưng ngựa”. Có thể nói, chính sách Hán hóa do Gia Luật Sở Tài phổ biến đã có những ảnh hưởng nhất định đối với một số quý tộc Mông Cổ, trong đó có Hốt Tất Liệt.
Năm 1230, Oa Khoát Đài xuất binh chinh phạt nước Kim. Sau khi Đà Lôi suất lĩnh một lộ quân đánh bại quân Kim, thì hội hợp với đội quân do Oa Khoát Đài dẫn đầu. Năm 1232, trên đường trở về từ phương bắc, Oa Khoát Đài đột nhiên mắc bệnh nặng, dùng mọi cách chữa trị đều không thấy chuyển biến tốt hơn, bất đắc dĩ đành phải mời thầy mo Tát Mãn, thầy mo nói “Thần sông núi của nước Kim, cho rằng đã giết chóc quá nhiều, để chấm dứt việc này, phải có vật tế hy sinh mới được, chỉ có con em dòng tộc mới có thể thay thế”. Đà Lôi lúc đó đang chăm sóc anh trai, lập tức hướng đến Trường Sinh Thiên cầu khấn, “Xin được lấy thân này thay cho anh”, nguyện ý chính mình chết thay cho anh trai. Sau đó, bệnh của Oa Khoát Đài quả thực đã tốt lên một cách thần kỳ, mà mấy ngày sau Đà Lôi lại chết vì bệnh, hưởng thọ được 40 tuổi. Oa Khoát Đài hết sức cảm động, cả một đời đau lòng đối với cái chết của em trai.
Trong “Tân Nguyên sử” đánh giá cái chết của Đà Lôi rằng: “Thái Tông khỏi bệnh, Đà Lôi lại chết, có lẽ đó là hành động tất yếu, nhưng vô cùng chí hiếu chí đễ, tất có thể làm cảm động đến quỷ thần”. Đại ý là lòng hiếu đễ của Đà Lôi cảm động đến trời cao, lấy thân chết thay anh, có thể kinh động đến trời đất, khiến quỷ thần phải khóc.
Kỳ thực, hơn ba ngàn năm trước cũng đã xảy ra những việc tương tự như thế. Năm đó, Chu Vũ Vương diệt Thương rồi trở về, bởi vì ngày đêm vất vả mệt nhọc, Vũ Vương đã mắc bệnh nặng, đệ đệ của ông là Chu Công thành kính hướng tổ tiên Thái Vương, Vương Quý, Văn Vương mà cầu nguyện. Chu Công cầu khấn rằng: “Người cháu trai kia của các vị đang mắc bệnh nặng rất nguy hiểm, nếu như các vị mắc nợ trời cao một đứa bé, vậy hãy để cho con đi thay thế cậu ấy. Con có nhân đức, lại nhiều tài nghệ. Cháu trai đầu đó của các vị tài nghệ không nhiều như con, không thể hầu hạ quỷ thần”. Sau khi cầu nguyện, bệnh của Vũ Vương có chuyển biến tốt, nhưng cuối cùng vẫn bị bệnh mà chết. Sau đó, Chu Công đã cúc cung tận tụy phò tá con trai của Vũ Vương là Thành Vương, cũng được lưu danh sử xanh.
Khi Đà Lôi qua đời, Hốt Tất Liệt chỉ mới mười mấy tuổi. Việc lấy đại cục làm trọng của phụ thân đã có những ảnh hưởng nhất định hình thành nên tính cách “khoan dung rộng lượng” của Hốt Tất Liệt. Toàn bộ quân đội của Đà Lôi trước đây nay thuộc về bốn người con trai thừa kế, nhưng vì các con trai của ông đều chưa trưởng thành, mọi việc tạm thời đều do Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni quyết định, bà phải gánh vác trọng trách đối với gia tộc của Đà Lôi.
Khi đó Oa Khoát Đài dựa theo tập tục của người Mông Cổ trước đây, khuyên bà tái hôn làm phu nhân của Quý Do, con trai trưởng của Hợp Hãn. Để lễ phép từ chối đề nghị của Oa Khoát Đài, Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni đã kiên trì lấy lý do muốn một mình nuôi dưỡng bốn người con trai của mình, trấn an những thuộc hạ của phu quân đã mất, không muốn cho họ cuốn vào những cuộc tranh chấp thêm nữa. Điều này đã đưa tới sự chấn động rất lớn ở nước Mông Cổ lúc ấy. Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni trung trinh đã làm cho các thuộc hạ của Đà Lôi càng thêm tôn kính bà, bà được người dân Mông Cổ xem là người phụ nữ tài hoa chỉ đứng sau Hạ Ngạch Luân, mẫu thân của Thành Cát Tư Hãn, còn Hốt Tất Liệt và các anh em của ông cũng càng thêm tôn kính, hiếu thuận mẫu thân. Sách sử nói rằng Hốt Tất Liệt “nổi tiếng có hiếu”.
Cũng giống phu quân của mình, Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni rất có phương pháp trị gia, bà khuyên bảo các con tuân thủ Trát Tát Mông Cổ (bộ luật thành văn đầu tiên của Mông Cổ). Bà cư xử khéo léo trong mối quan hệ với Oa Khoát Đài, có rất nhiều vấn đề trọng đại Oa Khoát Đài đều thương lượng với bà. Bà còn biết xem xét thời thế, luôn lấy việc chu toàn đại cục làm trọng.
Có một lần, trong tình huống Oa Khoát Đài không thương lượng với Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni, đã hạ chiếu đem ba ngàn hộ gia đình vốn thuộc về Đà Lôi ban thưởng cho con trai thứ hai của mình là Khoát Đoan, có rất nhiều thủ lĩnh là thuộc hạ của Đà Lôi không phục, đều đến phàn nàn oán giận với Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni. Vì đại cục, Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni đã dùng sự thông minh tài trí của mình khuyên giải các thủ lĩnh tuân theo chỉ ý của Hợp Hãn, bảo vệ quyền uy của Oa Khoát Đài và sự đoàn kết trong giới quý tộc Mông Cổ. Sau khi Oa Khoát Đài nghe được việc này, đã thừa nhận Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni là một phu nhân có đức hạnh.
Là một tín đồ Cơ Đốc ngoan đạo, Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni đối đãi với các giáo sĩ và các học giả của các tôn giáo khác, đối đãi với Nho học và Nho sĩ cũng rất tốt, đặc biệt là rất coi trọng những người có học vấn, có tài năng. Thời ấy nhiều học giả có tài học vấn thuộc các tộc người khác nhau đều được Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni, Đà Lôi và dòng tộc chiêu mộ đến Mông Cổ, như Thái Nhất đạo trưởng Tiêu Phụ Đạo, người rất có ảnh hưởng ở vùng đất người Hán tại Trung Nguyên, được Hốt Tất Liệt mời đến Mông Cổ học hỏi đạo trị vì. Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni trao ý chỉ, phong cho ông làm Trung Hòa Nhân Tĩnh Chân Nhân. Bà còn chiêu mộ Chân định danh sĩ Lý Bàn, làm người dạy học cho con trai nhỏ là A Lý Bất Ca. Giáo đồ Cơ Đốc, Nhà thiên văn – y dược nổi danh, Phất Lâm Nhân Ái Tiết cũng do Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni cử sứ giả đi Tây Vực mời về. Những người này về sau trở thành mưu sĩ và lương thần trị quốc trên con đường đi lên vị trí Đế Vương của bốn người con trai của bà.
Mặc dù Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni thường nói với các con về đức tin của mình với tín ngưỡng Cơ Đốc giáo, để cho các con cùng theo mình đón ngày Thánh, nhưng cũng không có ép buộc các con thờ phụng, mà cho phép các con lựa chọn tín ngưỡng cho riêng mình, tỷ như Mông Kha, Hốt Tất Liệt thiên về Phật giáo hơn, A Lý Bất Ca có khuynh hướng thiên về Cơ Đốc giáo hơn. Những đức tính kiên trì, rộng lượng, cơ trí của bà đã âm thầm ảnh hưởng đến Hốt Tất Liệt, làm cho ông hình thành nên tính cách ngoan cường, bền gan vững chí và tấm lòng khoan dung rộng lượng, chu toàn đại cục.
Đánh giá về Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni, các sử gia đã nói rằng: “Thông tuệ sáng suốt, thánh thiện tốt đẹp”, “đã gieo vào lòng mỗi người tình cảm và ân nghĩa”, “đã nhận được sự ủng hộ về mọi phương diện”. Nhà sử học Ba Tư Lạp Thi Đô Đinh cho rằng bà là “người phụ nữ cực kỳ thông minh, năng lực phi phàm, tài năng xuất chúng hiếm có trên thế giới”; một vị truyền giáo người Châu Âu khác lại quan sát được rằng: “Ngoại trừ mẫu thân của Hoàng Đế (mẫu thân của Thành Cát Tư Hãn), thì đây là người phụ nữ Thát Đát nổi tiếng nhất.”
Tài liệu tham khảo:
“Tân Nguyên sử”
“Hốt Tất Liệt truyện”
“Hốt Tất Liệt và thế giới đế quốc của ông”
“Sử tập”
“Thế giới thông sử”
“Hốt Tất Liệt bí sử”
Nguồn: Epoch Times
Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt
- Xem thêm:
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.33): Hội nghị Trùng Khánh
- Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.32): Bảo toàn Nhật Bản
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!