Hán Vũ Đế (Chương 7): Bảo vệ con đường tơ lụa

han vu de minh chan tuong
Hán Vũ Đế ( Epoch Times)

NHÂN VẬT ANH HÙNG THIÊN CỔ

HÁN VŨ ĐẾ LƯU TRIỆT

Hán Vũ Đế (Chương 7): Bảo vệ con đường tơ lụa

Hơn hai nghìn năm trước, phía tây bắc vương triều Đại Hán, men theo phía nam sa mạc Taklamakan có một vùng đất thần bí mỹ lệ. Nơi đó có vài chục địa khu cổ kính khác biệt, do một vị sứ giả nhà Hán tên là Trương Khiên trải qua nghìn trùng gian khó mà phát hiện ra.

Kể từ đó, những quốc gia nhỏ bé cổ dị này được gọi là “Tây Vực”, đồng thời họ cũng biết được phía đông có một thượng quốc rộng lớn hùng mạnh gọi là Đại Hán, được trị vì bởi một vị Hoàng Đế anh minh thần vũ: Hán Vũ Đế.

Con đường quanh co gập ghềnh nối với Tây Vực được người sau gọi là “con đường tơ lụa”. Đây là con đường mậu dịch nối Trung Quốc với Trung Á, Tây Á thậm chí cả Châu Âu, Châu Phi. Nó rất dài và xa xôi, đi qua vài chục quốc gia, chiếu rọi nghìn năm lịch sử, nơi đó đông đúc phồn hoa, các đoàn thương lữ nối nhau bất tận, đưa tơ lụa, đồ sứ, văn hóa Trung Hoa đến những nơi xa xôi, triển hiện ở Tây phương nền văn minh phương Đông trác việt huy hoàng, các đặc sản phương Tây cũng theo đó về Đông làm phong phú thêm cho văn minh Trung Nguyên.

Người tạo lập ra tất cả sự phồn thịnh đó chính là Hán Vũ Đế. Để thực hiện lý tưởng đại thống nhất vương triều, bắc chinh Hung Nô, uy chấn tứ Di mà làm ra con đường phía tây.

Hán Vũ Đế
Bích họa Đôn Hoàng: Đoàn thương lữ trên con đường tơ lụa (Miền công cộng)

Lần đầu đến Tây Vực

Tây Vực thời nhà Hán là chỉ khu vực Tân Cương ngày nay. “Hán thư – Tây Vực truyện” có ghi: “Tây Vực bắt đầu thông từ thời Hán Vũ Đế, gồm 36 nước, sau này phân thành hơn 50 nước, đều ở phía Tây Hung Nô, nam Ô Tôn. Nam bắc có núi cao, ở giữa có sông, đông tây hơn 6 nghìn dặm, nam bắc hơn nghìn dặm. Đông giáp Hán, chỗ hẹp là Ngọc Môn, Dương Quan, phía tây chắn bởi dãy núi Thông Lĩnh.” Từ Ngọc Môn, Dương Quan đến Thông Lĩnh là một dải từ cao nguyên Pamir đến dãy núi Côn Luân.

Phần trước chúng ta đã nói đến, Hán Vũ Đế khi lên ngôi, ngay thời kỳ đầu đã cử Trương Khiên đi sứ Tây Vực lần đầu, để liên lạc với Đại Nguyệt Thị quốc, nước cũng bị Hung Nô xâm phạm bắt nạt, cùng tấn công Hung Nô. Lần đầu đi sứ này vô cùng nguy hiểm, năm Kiến Nguyên thứ 2 (năm 139 TCN), Trương Khiên cùng Đường Ấp Phụ cùng hơn trăm tùy tùng được chọn lựa, xuất phát từ Lũng Tây, rất nhanh tới hành lang Hà Tây. Không ngờ trên đường lại gặp kỵ binh Hung Nô nên bị bắt làm tù binh, đưa về triều đình Thiền Vu. Trương Khiên bị câu lưu 10 năm, lấy vợ sinh con ở đó.

Trong 10 năm này, Trương Khiên không quên sứ mệnh được giao. Vào một ngày, nhân lúc Hung Nô canh phòng lơi lỏng, đội Trương Khiên tranh thủ trốn thoát, tiếp tục đi về phía tây. Họ theo đường xe đi ở phía nam chân núi Thiên Sơn, đi qua Yên Kỳ, Cưu Tư, vượt qua Thông Lĩnh, đến được Đại Uyên (nay là lưu vực Fergana Trung Á ), Khang Cư (nay là khu vực giữa hồ Balkhash và biển Aral, Kazakhstan), Đại Hạ (nay là miền bắc Afghanistan), cuối cùng đến được nước Đại Nguyệt Thị. Lúc này dân Đại Nguyệt đang sống an bình, không còn muốn phục thù Hung Nô nữa.

Trương Khiên lưu lại đây hơn một năm, do không có kết quả, nên năm Nguyên Sóc thứ nhất (năm 128 TCN), ông lên đường quay về. Trên đường về, ông chuyển hướng nam, nhằm tránh Hung Nô, nhưng vẫn bị Hung Nô bắt được, lại bị câu lưu hơn một năm. Nhân lúc Hung Nô nội loạn, Trương Khiên mang theo vợ con cùng Đường Ấp Phụ trốn về Hán. Toàn bộ hành trình đó mất 13 năm, khi ấy cả sứ đoàn trăm người chỉ còn lại hai người là Trương Khiên và Đường Ấp Phụ. Hán Vũ Đế ghi nhận công lao, phong ông làm Thái Trung Đại Phu, sau này phong làm “Bác Vọng Hầu”.

Tuy Trương Khiên không đạt được mục đích của chuyến đi sứ, như do đi qua các nước Đại Uyên, Khang Cư, Đại Nguyệt Thị, Đại Hạ, nên hiểu biết tương đối tường tận về địa lý, sản vật, phong tục tập quán của Tây Vực, ví dụ các quốc gia này xuất khẩu Nho, cỏ Mục Túc, Thạch Lựu, Vừng, Tỏi, Đậu Tằm, Dưa chuột, Sư Tử, Tê Giác, Hãn Huyết Bảo Mã (Giống ngựa quý chạy ngàn dặm có mồ hôi màu đỏ như máu), là những tư liệu quý giá để nhà Hán khai thông mậu dịch với Trung Á, cũng là căn cứ để Hán Vũ Đế chế định sách lược với Tây Vực sau này.

Khi Hán Vũ Đế hỏi về tình hình các nước Tây Vực, Trương Khiên trả lời rằng, thế lực Hung Nô rất mạnh, nên Tây Vực có nhiều quốc gia bất đắc dĩ phải phục tùng Hung Nô. Ông nêu ra mâu thuẫn của Ô Tôn quốc và Hung Nô, đồng thời đề nghị chiêu nạp Ô Tôn vương hướng về Đông, một dải Đôn Hoàng cùng chống lại Hung Nô. Chiến lược này gọi là “Chặt tay phải của Hung Nô”.

Đồng thời, Trương Khiên còn kiến nghị tăng cường ngoại giao qua lại với các nước Tây Vực, dùng cách tặng lễ vật, cho phương tiện làm họ đến Hán triều bái kiến Thiên tử. Nếu có được sự trợ giúp của họ, thì có thể mở rộng vạn lý quốc thổ, chiêu nạp nhiều dân tộc có phong tục khác nhau, làm uy danh và ân đức Hán triều truyền xa bốn biển. Hán Vũ Đế chấp thuận sách lược này.

Năm Nguyên Thú thứ 4 (năm 119 TCN), Hán Vũ Đế đánh bại Hung Nô lần nữa, không chế hành lang Hà Tây, Hán Vũ Đế lần nữa phái Trương Khiên đi sứ Tây Vực.

Hán Vũ Đế
Tranh Trương Khiên đi sứ Tây Vực trên bích họa hang số 323 Mạc Cao Đôn Hoàng. (Phạm vi công cộng)

Trương Khiên mở đường

Lần thứ hai đi sứ Tây Vực, quy mô sứ đoàn to lớn gồm 3 trăm người, mỗi người trang bị hai ngựa, mang cả vạn bò dê cùng vật phẩm trị giá nghìn vạn tiền. Trạm đầu tiên của sứ đoàn tới Ô Tôn quốc, được Ô Tôn vương là Côn Mạc cung kính tiếp đãi. Trương Khiên nói rõ mục đích của chuyến đi sứ, mong muốn Ô Tôn cùng Hán triều hợp tác, cùng kháng Hung Nô. Nhưng nội bộ Ô Tôn chia rẽ làm ba phe, Côn Mạc không thể khống chế hoàn toàn, nên cũng không có cam kết gì với Trương Khiên. Tuy cuộc du thuyết này không thành công, nhưng Côn Mạc đối đãi Trương Khiên vô cùng hữu hảo.

Trương Khiên phái phó sứ đi tiếp đến các nước Đại Uyên, Khang Cư, Đại Nguyệt Thị, Đại Hạ, An Tức, Thân Độc (nay là Ấn Độ), Yêm Sái, Điều Chi (thuộc quốc của An Tức), Lê Hiên, còn mình thì lưu lại Ô Tôn để đợi tin tức. Đi sứ An Tức quốc rất thành công, sứ đoàn Hán triều được hai vạn người long trọng nghênh tiếp.

Đến năm Nguyên Đỉnh thứ 2 (năm 115 TCN), Trương Khiên về Hán, quốc vương Ô Tôn cũng phái người dẫn đường, phiên dịch, hộ tống sứ đoàn về nước, còn phái sứ giả theo Trương Khiên về đến Trường An, đáp tạ Hán Vũ Đế, cũng là để nhân tiện quan sát tình hình nhà Hán, tìm hiểu phong cách Hán triều. Trong Sử Ký ghi lại, đây là lần đầu tiên người Tây Vực tới Trung Nguyên. Hán Vũ Đế thấy Ô Tôn phái sứ giả đến thì rất vui mừng, không chỉ tiếp đãi nồng hậu, mà còn đưa đi thăm danh lam thắng cảnh. Sứ giả Ô Tôn thấy Hán triều đất rộng vật nhiều, dân đông lại giàu, về nước báo lại cho quốc vương, Ô Tôn lại càng kính trọng Hán triều.

Trương Khiên có công đi sứ, được phong làm quan Đại Hành, nhưng không lâu sau thì qua đời. Các sứ giả mà năm ấy ông phái đi giao lưu với các quốc gia Đại Hạ cũng lần lượt về tới Trường An. Kể từ đây, các quốc gia Tây Vực bắt đầu có quan hệ ngoại giao với Hán triều. Con đường ngoại giao này do Trương Khiên khai thông, nên về sau các sứ giả Hán triều đi sứ Tây Vực đều được gọi là “Bác vọng hầu” để thủ tín với ngoại quốc, các nước ngoại quốc cũng do vậy mà tín nhiệm sứ giả Hán triều.

Trong “Sử ký – Đại Uyên liệt truyện” gọi đoàn lữ hành đi sứ Tây Vực của Trương Khiên là “Tạc không”, có nghĩa là người mở đường. Sau thời Trương Khiên, mỗi năm Hán triều đều cử sứ giả đi tới Tây Vực, khi nhiều có tới mười mấy đoàn, lúc ít cũng có 5, 6 đoàn. Mỗi sứ đoàn đông tới vài trăm người, ít cũng phải hơn trăm người, những thứ mang theo đại thể là ngang với Bác Vọng Hầu. Khi đi xa, sứ đoàn cần 8, 9 năm mới về, gần thì cũng mất vài năm mới về.

Các sứ giả nước ngoài, trừ các nước như An Tức, Ô Tôn, còn có cả các nước nhỏ phía tây Đại Uyên như Quán Tiềm, Đại Ích, rồi phía đông Đại Uyên như Xa Sư, Hu Thâm, Tô Giới, cũng theo sứ giả nhà Hán mà đến hiến cống phẩm vật và bái kiến Hán Vũ Đế. Thành Trường An xuất hiện nhiều người Tây Vực, nghiễm nhiên trở thành một đô thị quốc tế.

Do Trương Khiên cùng sứ đoàn Hán triều đi sứ, từ đây giao thông của Hán triều và Tây Vực với Trung Á, Tây Á đã khai thông, văn hóa ngoại lai cũng bắt đầu từ đây, “Con đường tơ lụa” trứ danh trong lịch sử cũng bắt đầu từ đây. Khi các quốc gia Tây Vực trầm trồ về sự giàu có và khí độ của Thiên tử Hán triều, thì những kỳ trân dị bảo cũng nườm nượp theo về vương triều nhà Hán, ví dụ như Voi lớn, Khổng tước của Thân Độc quốc, rồi Đà điểu, Sư tử từ An Tức quốc, cùng các loại hoa quả Tây Vực, cho đến nhạc cụ như đàn Tỳ Bà…mở rộng tầm mắt cho người Hán.

Thế nhưng, Hung Nô vẫn có sức ảnh hưởng ở Tây Vực, vẫn can nhiễu sứ giả nhà Hán cùng thương lữ vãng lai, chư quốc Tây Vực cũng khiếp sợ vũ lực của Hung Nô mà trở thành trợ thủ của Hung Nô. Để tiêu trừ lực lượng của Hung Nô ở Tây Vực và liên hiệp các nước Tây Vực đối phó Hung Nô, đảm bảo thông suốt con đường tơ lụa, Hán Vũ Đế cho thi hành sách lược đối với các quốc gia Tây Vực: Hòa-Chiến đều dùng, Ân- Uy rõ ràng.

Hán Vũ Đế
Ô Tôn quốc và các quốc gia xung quanh thời nhà Hán (Miền công cộng)

Thi ân và thị uy

Sách lược của Hán Vũ Đế với các quốc gia Tây Vực, cụ thể là thi hành “Hòa thân” với các quốc gia thân Hán, còn với các quốc gia dựa vào Hung Nô uy hiếp Hán triều thì tiến hành thảo phạt quân sự.

Ô Tôn quốc có ý thân cận Hán triều, làm Hung Nô bất mãn, chuẩn bị đánh Ô Tôn. Năm Nguyên Phong thứ 6 (năm 105 TCN ), Ô Tôn quốc vương là Côn Mạc mang nghìn con ngựa tốt làm sính lễ thỉnh cầu hòa thân với Hán triều, hy vọng được lấy công chúa chư hầu cùng nhà Hán kết làm huynh đệ. Hán Vũ Đế cho con gái của Giang Đô vương Lưu Kiến là Tế Quân công chúa đưa tới Ô Tôn kết hòa thân, cùng rất nhiều trang sức. Hung Nô nghe tin, cũng đưa tới một công chúa, Tế Quân công chúa được phong làm Hữu Phu Nhân, công chúa thường dùng tài vật, tơ lụa biếu tặng các quý tộc quanh quốc vương, nhằm duy trì quan hệ bền chặt của Hán triều và Ô Tôn.

Sau khi Tế Quân công chúa qua đời, Hán Vũ Đế lại cho cháu gái của Sở Vương Mậu là công chúa Giải Ưu kết hôn với tân Ô Tôn vương. Công chúa Giải Ưu đã làm tốt sứ mệnh hòa thân mà Hán Vũ Đế giao phó, bà còn có một nữ hầu tên là Phùng Liêu, là cung nữ giỏi thơ văn rành sự lý, làm sứ giả của công chúa mà ban thưởng tài vật nhà Hán cho các chư quốc, được kính trọng và tín nhiệm tôn xưng là “Phùng phu nhân”. Việc làm của hai vị đã củng cố thêm cho quan hệ của Hán triều và Ô Tôn.

Ô Tôn quốc sau này đã trở thành một địa bàn trọng yếu giúp Hán triều thảo phạt Hung Nô. Thời Hán Tuyên Đế, Ô Tôn từng xuất 5 vạn binh hiệp trợ quân Hán đánh Hung Nô. Công lao này là do tầm nhìn xa rộng của Hán Vũ Đế mà có được.

Khi ấy trong các nước Tây Vực thì có nước thân Hán, có nước phản Hán. Khi sứ đoàn nhà Hán đi sứ Tây Vực, xuất phát từ Dương Quan và Ngọc Môn Quan có hai đường, một đường đi qua Lâu Lan quốc và Xa Sư quốc. Lâu Lan ngày nay là khu vực La Bố Bạc Tân Cương, Xa Sư nay là Thổ Lỗ Phiên Tân Cương. Do sứ giả Hán triều và Tây Vực qua lại thường xuyên, hai quốc gia này phải đón tiếp không ngừng nên bắt đầu quay sang dựa Hung Nô, cố ý làm khó Hán sứ, ví dụ như không cung cấp lương thực, phái binh chặn đường sang Tây Vực, thậm chí cướp của giết người. Họ còn tiết lộ hành tung của Hán sứ cho Hung Nô, dẫn đến rất nhiều Hán sứ bị quân binh Hung Nô cướp giết.

Để bảo vệ an toàn tính mạng cho sứ giả, duy trì thông thương con đường tơ lụa, Hán Vũ Đế quyết định viễn dương quân uy. Năm Nguyên Phong thứ 3 (năm 108 TCN ), ông phái tướng quân Triệu Phá Nô dẫn mấy vạn quân xuất kích Tây Vực. Hung Nô nghe tin xong vội vàng rút quân. Triệu Phá Nô đầu tiên cho 700 kỵ binh đột kích Lâu Lan, bắt sống Lâu Lan vương; tiếp sau dẫn đại quân tấn tốc vây hãm Xa Sư vương thành. Hán quân thắng lợi, làm các nước xung quanh như Ô Tôn, Đại Uyên chấn động.

Người Xa Sư bại trận chạy đến Thổ Lỗ Phiên, dựa vào Hung Nô, sống phân bố ở phía nam và bắc Bác Cách Đa Sơn. Lâu Lan thì gửi hai vị vương tử đến Hán triều và Hung Nô, biểu thị giữ vị trí trung lập. Sau khi diệt Xa Sư, bại Lâu Lan, Hán Vũ Đế cho xây dựng các đồn biên phòng dọc dải Tửu Tuyền đến Ngọc Môn quan, bảo vệ an toàn cho các tuyến đường phía tây.

Hán Vũ Đế
Tranh “Chăn ngựa” của Hàn Cán thời Đường . (Miền công cộng)

Chinh phạt Đại Uyên

Lần đầu dương uy Tây Vực của Hán Vũ Đế đã thành công lớn, Triệu Phá Nô có công nên được phong Trác Dã Hầu. Bốn năm sau khi diệt Lâu Lan, Xa Sư, vào năm Thái Sơ thứ nhất (năm 104 TCN ), Hán Vũ Đế lần nữa xuất binh Tây Vực, mục tiêu là Đại Uyên quốc. Theo Sử Ký ghi chép, Đại Uyên quốc là do Trương Khiên khi đi tìm Đại Nguyệt Thị mà phát hiện ra, cách Hán triều khoảng vạn lý, nay là Trung Á Uzbekistan và Kyrgyzstan. Đại Uyên quốc vương vốn nghe Hán triều giàu mạnh, muốn kết thân mà chưa thành, cho nên khi gặp Trương Khiên thì cả mừng, giúp ông đi tìm Đại Nguyệt Thị quốc.

Trương Khiên về nước bẩm cáo Hán Vũ Đế, phong tục Đại Uyên quốc là sống định cư, bách tính canh trồng điền địa, canh trồng lúa mạch, có cả rượu nho, lại còn có giống ngựa quý mồ hôi màu đỏ (Hãn huyết mã), tương truyền tổ tiên là ngựa Trời. Hán Vũ Đế chú trọng kỵ binh, nghe thấy Đại Uyên có giống ngựa quý, nên đặc biệt chú ý.

Sau này Hán sứ đi Đại Uyên ngày một nhiều, tin tức về Hãn huyết mã không ngừng truyền về, nghe nói là người Đại Uyên giấu Hãn huyết mã trong thành Nhị Sư. Thế là Hán Vũ Đế cho sứ giả mang nghìn vàng cùng ngựa vàng sang Đại Uyên đổi lấy ngựa quý. Thế nhưng quốc vương cùng đại thần đều cho là Hán triều ở xa, quân Hán không làm gì được họ, cho nên rất thô bạo cự tuyệt yêu cầu của sứ giả. Hán sứ trong cơn thịnh nộ đã hủy ngựa vàng biểu thị bất bình, các quý tộc Đại Uyên còn xúi bẩy lân bang cho quân giết sứ giả nhà Hán.

Hán Vũ Đế nghe tin vô cùng phẫn nộ, hạ lệnh điều động mấy vạn quân binh tây chinh Đại Uyên, thống lĩnh là Nhị sư Tướng quân Lý Quảng Lợi, là em trai của vị phu nhân nghiêng nước nghiêng thành Lý phu nhân. Do mục đích của trận này là nhằm lấy ngựa quý ở thành Nhị sư, nên phong Lý Quảng Lợi làm Nhị sư Tướng quân. Lần viễn chinh này do đường xa khó nhọc, Lý Quảng Lợi cũng là tướng bình thường, cho nên vừa xuất chinh đã lâm khốn cảnh. Các nước nhỏ dọc đường đóng chặt cổng thành, không cấp lương thực, quân Hán đành phải công thành lấy lương, vừa đánh trận vừa hành quân. Đến được chân thành Uất Thành quốc lân cận Đại Uyên thì mấy vạn sĩ binh nay chỉ còn vài nghìn, không còn sức chiến đấu, vừa giao chiến là bị thảm bại.

Năm thứ hai, Lý Quảng Lợi mang tàn quân lùi về Đôn Hoàng, lúc này chỉ còn lại hơn hai nghìn người. Lý Quảng Lợi chỉ còn cách dâng thư xin bãi binh, Hán Vũ Đế đại nộ, cho sứ giả cảnh cáo ông: “Vào người nào, chém người ấy”, Lý Quảng Lợi đành đóng quân bên ngoài chờ lệnh.

Đang lúc phiền muộn vì chiến trận Đại Uyên, lại thêm vị tướng quân anh dũng Triệu Phá Nô thảm bại, bị Hung Nô bắt làm tù binh. Nên các đại thần nhiều lượt khuyên can, mong Hán Vũ Đế cho dừng chinh chiến Đại Uyên, tập trung binh lực đối phó Hung Nô. Nhưng Hán Vũ Đế nhận định, nếu quân Hán không đánh hạ được một nước nhỏ như Đại Uyên, thì uy vọng của Hán triều trong Tây Vực sẽ tan biến, sẽ không có được ngựa khỏe của Tây Vực để tăng sức mạnh quân đội. Cho nên ông quyết định, mở cuộc viễn chinh quy mô lớn lần nữa.

Để đảm bảo chiến dịch thuận lợi, Hán Vũ Đế tập hợp 6 vạn kỵ binh, 10 vạn bò, 3 vạn ngựa cùng hơn vạn lừa, lạc đà, ngoài ra còn đội quân hùng hậu vận chuyển lương thảo, cùng đội công binh để phá hoại nguồn nước cấp cho thành Đại Uyên. Đồng thời sắp đặt 18 vạn đại quân dọc dải Tửu Tuyền, Trương Dịch sẵn sàng chi viện.

Năm Thái Sơ thứ 4 (năm 101 TCN), Lý Quảng Lợi lại được trọng nhiệm, suất lĩnh đại quân khí thế ầm ầm viễn chinh Đại Uyên. Các nước Tây Vực ven đường đa số khiếp sợ uy danh quân Hán nên mở to cổng thành, cung cấp lương thực, rượu thịt khao quân. Chỉ có Luân Đài quốc là không ra nghênh đón, thế là bị quân Hán tiêu diệt. Vậy là đại quân một đường thẳng tiến tới chân thành Đại Uyên. Lý Quảng Lợi đầu tiên cho công binh chặn nguồn nước cấp, lại cho phá hủy thành ngoài, bắt sống mãnh tướng Tiên Ma của Đại Uyên. Bị vây khốn dưới sức mạnh cường đại của Hán quân, Đại Uyên đầu hàng, quốc vương bị giết.

Người Đại Uyên cho thả Hãn huyết mã, để người Hán tự chọn. Lý Quảng Lợi tuyển được mấy chục con tuấn mã thượng đẳng, 3 nghìn con trung đẳng, cải lập Muội Thái thân Hán làm Đại Uyên quốc vương, sau đó về nước, đồng thời trên đường về diệt luôn Uất Thành quốc. Trận chiến này, được giới quân sự trong lịch sử ca ngợi là “Cuộc hành quân can đảm nhất chưa từng có”, có ý nghĩa trọng đại trong việc khống chế Tây Vực và thảo phạt Hung Nô. Sau này, các quốc gia Tây Vực triệt để tuân phục Hán triều, đưa con em tới Trường An làm con tin, nhằm thắt chặt quan hệ với Hán triều.

Sau khi Hán Vũ Đế có được ngựa quý Hãn huyết, ông từng viết ra “Tây cực thiên mã chi ca” (Bài ca Thiên mã Tây Vực): “Thiên mã đến từ phía tây, qua vạn dặm mà lên công đức. Mang uy linh tới ngoại quốc, vó câu tới là các nước Di thần phục.”

Thiên mã nhập Hán, tượng trưng cho tứ Di (nước man di 4 phương xung quanh) thần phục, bài thơ biểu đạt tâm tình mãn ý của Hán Vũ Đế sau khi thu phục Tây Vực. Sau đó Hán Vũ Đế phái hơn 10 đoàn sứ giả tới phía tây Đại Uyên và các nước nhỏ lân cận để tìm hiểu, răn đe, đồng thời tìm kiếm kỳ trân dị bảo.

Chiến sự thắng lợi của Hán Vũ Đế đối với Hung Nô cho đến thực thi ân uy với các quốc gia Tây Vực, một mặt làm giảm uy hiếp của Hung Nô, mặt khác đã mở rộng biên cương lãnh thổ tây bắc, khống chế con đường phía nam Thiên Sơn, cương vực kéo dài tới địa khu Thông Lĩnh. Đây không những là mở thông con đường kết nối Hán triều với Tây Vực, Trung Á, Tây Á mà con mở ra sự giao lưu văn hóa Đông Tây.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Epoch Times

Link bài dịch: NTD Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x