Hán Vũ Đế (Chương 5): Trấn định biên cương, tấn công Hung Nô

han vu de minh chan tuong
Hán Vũ Đế ( Epoch Times)

NHÂN VẬT ANH HÙNG THIÊN CỔ

HÁN VŨ ĐẾ LƯU TRIỆT

Hán Vũ Đế (Chương 5): Trấn định biên cương, tấn công Hung Nô

Hán Vũ Đế nhận định, phòng vệ đơn thuần, không trừ được gốc của họa, di hại trăm năm, trừ bỏ họa căn sẽ tạo phúc vạn đại, có dốc toàn lực quốc gia cũng phải làm

Hán Vũ Đế Lưu Triệt, Vũ Đế là thụy hiệu của ông, thụy hiệu chính thức là “Hiếu Vũ Hoàng Đế”, sau này người ta giản lược chữ “Hiếu”, gọi ông là “Hán Vũ Đế”, đây cũng là thể hiện sự sùng kính đối với công lao hiển hách của Hán Vũ Đế. Thời cổ đại, thụy pháp cho là: người có công khắc định họa loạn, mở mang bờ cõi, thì được dùng thụy hiệu là “Vũ” (Võ). Những quân vương có thụy hiệu “Vũ” trong lịch sử có: Chu Vũ Vương, Ngụy Vũ Đế, họ hầu hết là hoàng đế khai quốc, trong binh lửa mà có được thiên hạ, suất lĩnh tinh binh mãnh tướng mở rộng biên cương, kiến lập lên công tích huy hoàng trong lịch sử quân sự.

Hán Vũ Đế là vị đoàng đế thứ 7 thời Tây Hán, biên cương triều Hán luôn bị uy hiếp từ khi lập quốc, mãi chưa giải quyết được. Với lý niệm chấp chính vô vi nhi trị thời kỳ sơ Hán, vua tôi lúc đó đối với vấn đề biên cương thì dùng thái độ thỏa hiệp, buông xuôi. Đến thời Hán Vũ Đế, kế thừa tài phú cự đại tích lũy từ thời sơ Hán, ôm hùng tâm tráng chí thu phục giang sơn, thông qua hàng loạt biện pháp quân sự và ngoại giao đối với các quốc gia vùng biên, đã thực hiện được mục tiêu trấn định biên cương, mở mang cương vực, kiến lập lên một đế quốc đa dân tộc, hiển dương vinh diệu và quyền uy của đế quốc Đại Hán ra khắp thế giới.

Do vậy, một chữ “Vũ” dùng khái quát thành tựu một đời của Hán Vũ Đế là xác đáng. Trong phần trước, chúng ta đã biết về hai đại danh tướng của Hán Vũ Đế là Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh. Chính là do Hán Vũ Đế có huệ nhãn trọng dụng hai vị này mà vương triều Tây Hán đã trấn định được biên cương, giải quyết mối lo từ thời lập quốc, cũng thành tựu lên công tích to lớn của Hán Vũ Đế sáng soi lịch sử ngàn năm. Đó là đánh bại Hung Nô, kẻ thường quấy nhiễu biên cương phía Bắc, an định toàn bộ vùng biên giới phía Bắc.

Hán Vũ Đế
Để chuẩn bị đối kháng Hung Nô, Hán Vũ Đế cải cách binh chế, phát triển kỵ binh. Tranh vẽ “Xuất cảnh đồ” đời nhà Minh, bảo tàng Cố Cung Đài Bắc (Miền công cộng)

Họa Hung Nô

Bắt đầu từ tập này, chúng tôi sẽ nói về quá trình trước và sau bình định Hung Nô của Hán Vũ Đế. Hung Nô là một dân tộc thiểu số phía Bắc, trước thời Hán cũng gọi là tộc Hồ, Quỷ Phương, Sơn Nhung, Hiểm Doãn, trong “Sử ký” nói tổ tiên người Hung Nô là hậu duệ của Hạ Hậu thị, có quan hệ huyết thống với dân tộc Hoa Hạ. Thời nhà Tần, có dạo đã bị đại tướng Mông Điềm đánh bại, chạy dạt về sa mạc phía Bắc, hơn 10 năm không dám xuống phía Nam.

Sau khi nhà Tần diệt vong, Hung Nô nhân lúc Hán, Sở tương tranh, quay lại khống chế vùng rộng lớn Tây Bắc Bộ, Bắc Bộ và Đông Bắc Bộ. Sau khi nhà Hán kiến lập vương triều, Hung Nô tham lam tàn bạo liên tục uy hiếp biên cảnh Tây Hán. Trong “Ngôn binh sự sớ” của Trào Thác có nói: “Hung Nô nhiều lần xâm phạm biên cảnh, quy mô nhỏ thì cướp ít, quy mô lớn cướp nhiều, cướp thành cướp ấp, sát hại lại dân, tàn bạo vô cùng”.

Để an định phương Bắc, năm 201 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang đã từng lĩnh đại quân thân chinh Hung Nô, nhưng cuối cùng thất bại, bị vây khốn ở núi Bạch Đăng 7 ngày 7 đêm, sau cùng phải hối lộ Yên Chi, vợ của Thiền Vu – vua Hung Nô, mới thoát hiểm. Sau đó, Hán Cao Tổ đành phải dùng chính sách làm thân, tặng cho tơ lụa vật phẩm, nhằm giảm thiểu can nhiễu của Hung Nô. Những Hán Đế về sau cũng theo chính sách này mà duy trì, không giải quyết được gốc rễ vấn đề, Hung Nô thường  xuyên vi phạm hiệp ước hòa bình, xâm phạm biên cương, sát nhân cướp của.

Nhưng hiệp ước hòa bình cũng mang lại cho triều Hán cơ hội nghỉ ngơi dưỡng sức. Đến thời Hán Vũ Đế, quốc gia hưng thịnh, quốc khố chứa đầy, bách tính đủ đầy, đặt cơ sở vững chắc hùng hậu cho việc chinh phạt Hung Nô của Hán Vũ Đế.

Hán Vũ Đế trước khi tại vị, đã nghe nhiều đến việc bạo ngược của Hung Nô, nên sau khi lên ngôi là tích lũy lực lượng chờ thời, chuẩn bị đánh Hung Nô. Về quân sự, Hán Vũ Đế cải cách binh chế, phát triển đội kỵ binh. Quân đội Tây Hán gồm các binh chủng: Xa binh, Bộ binh, Cung nỏ binh, Kỵ binh, Thủy sư binh, nhưng Hung Nô uy hiếp quân Hán chủ yếu là kỵ binh. Hán Vũ Đế nhận ra, muốn đánh bại Hung Nô, phải dùng kỵ binh mà đối kháng, muốn vậy phải có ngựa khỏe, kỵ sĩ dũng mãnh, vũ khí sắc bén, huấn luyện bài bản, tướng lĩnh kiệt xuất.

Tất cả những điều đó, Hán Vũ Đế đều làm được. Đầu tiên đưa số lượng ngựa lên 45 vạn con, đồng thời tuyển bạt những dũng sĩ trung thành dũng cảm, võ nghệ cao cường, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, tổ chức thành hai đội quân thị vệ tinh nhuệ, một gọi là “Kỳ môn lang”, một là “Tập lâm kỵ”, là đội Thị vệ quân đầu tiên do Thiên tử sáng lập trong lịch sử Trung Hoa.

Hán Vũ Đế còn bổ sung mở rộng lực lượng sẵn sàng là “Bắc quân”, đặt chức “Bát hiệu úy”, gồm Đồn kỵ, Bộ binh, Việt kỵ, Trường thủy, Hồ kỵ, Xạ thanh, Hổ bôn, Trung lũy, trong đó hầu hết là Kỵ binh. Để kỵ binh được trang bị vũ khí sắc bén, ông còn lệnh cho kho binh khí hoàng cung sản xuất và cung cấp lượng lớn đao, kiếm, giáo, tên sắt, giáp sắt cùng cung nỏ, binh khí thông dụng được trang bị cho kỵ binh là nỏ nhẹ, giáo dài và đao.

Nỏ nhẹ gọi là “Nỏ bằng đồng”, giống như nỏ thời Tần, là binh khí bắn xa có uy lực lớn. Còn một loại Nỏ nữa là “Đại hoàng” rất lợi hại, vị danh tướng trong lịch sử là Lý Quảng đã từng dùng nó bắn hạ nhiều tướng lĩnh Hung Nô. Giáo dài thường trang bị cho quân sĩ.

Hán Vũ Đế nhanh chóng thiết lập xong quân đoàn kỵ binh uy mãnh hùng tráng, chỉ cần thời cơ thích hợp là vị thiên tử Đại Hán có thể phát động cuộc chinh phạt Hung Nô.

Hán Vũ Đế
Đối với Hung Nô thì hòa hay là đánh, Hán Vũ Đế thường triển khai thảo luận ở triều đình. Tranh “Phúc thọ tề thiên sách. Gia hựu tứ chân”, không rõ tác giả. (Miền công cộng).

Đêm trước đại chiến

Thời Hán Vũ Đế, quan hệ Hán, Hung có thể phân làm ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là lấy hòa mà chiến, trù hoạch sách lược. Khi mới lên ngôi, Hán Vũ Đế rất căm giận Hung Nô bội tín bất nghĩa, muốn động binh thảo phạt, nhưng suy xét: thứ nhất là thiên tử vừa mất, chính quyền chưa ổn định; thứ hai là trong triều đình còn nhiều vị muốn thủ hòa; thứ ba là động binh lại vi phạm lý niệm vô vi của tiền nhân, Hán Vũ Đế vẫn bị Đậu Thái Hậu dẫn dắt.

Ví dụ năm Kiến Nguyên thứ 6 (năm 135 TCN), Hung Nô cầu hòa, Hán Vũ Đế triệu tập đại thần thương nghị, triều đình đã bắt đầu có tiếng nói chủ chiến. Vương Khôi Nhiệm “Đại Hành Lệnh”, phụ trách ngoại giao quốc gia, ông cho rằng Hung Nô phản phúc khó lường, hung tàn thành tính, cần hưng binh thảo phạt. Nhưng Ngự sử đại phu Hàn An Quốc lại cực lực phản đối, ông nói: Hung Nô là dân du mục, nếu quân Hán bôn ba ngàn dặm tiến đánh, người ngựa mỏi mệt, quá nguy hiểm, chi bằng hòa hoãn ổn thỏa. Các đại thần khác cũng đồng ý hòa hoãn.

Trong “Sử ký Hung Nô liệt truyện” có nói, Hán Vũ Đế tiếp tục kéo dài hòa ước kết minh, hậu đãi Hung Nô, trao đổi mậu dịch, cung cấp đủ đầy; Hung Nô từ Thiền Vu trở xuống đều nguyện ý thân cận Hán triều, thường xuyên lui tới Trường Thành. Nhưng đây chỉ là bề ngoài, Hán Vũ Đế chỉ là ẩn nhẫn tạm thời, trên thực tế đang tích cực chuẩn bị chinh thảo Hung Nô. Ví dụ như phát triển quân đội như nói ở trên, còn phái Trương Khiên đi sứ Tây Vực.

Hai năm sau, năm Nguyên Quang thứ hai (năm 133 TCN), ở huyện Mã Ấp (nay là Sóc Châu, Sơn Tây), một thương gia giàu có tên là Nhiếp Ông Nhất rất lo lắng về nạn cướp bóc của Hung Nô vùng biên, thông qua Vương Khôi, ông đã kiến nghị lên Hoàng đế rằng, sau khi hòa ước, Hán triều đã thủ tín làm Hung Nô tin tưởng, nay chỉ cần lấy lợi mà dụ dỗ, là có thể đánh bại chúng. Hán Vũ Đế lại cho triển khai thương nghị trong triều, trong “Tư trị thông giám” ghi chép rằng hai phái đại thần tranh luận kịch liệt.

Hàn An Quốc chủ hòa, nói: “Hán Cao Tổ bị vây khốn, đoạn lương thực 7 ngày, sau khi giải vây, lấy thiên hạ làm trọng, cầu hòa với Hung Nô, tiếp theo 5 đời đế vương, quốc gia đều có lợi ích từ việc hòa hoãn đó”.

Vương Khôi phản bác: “Cao Tổ không phục thù, là vì sự an định của thiên hạ. Nhưng bây giờ thiên hạ đã an định, biên thùy nhiều lần cảnh báo, binh sĩ cùng bách tính bị thương vong thảm trọng”. 

Hàn An Quốc nói: “Quân Hán đường xa mỏi mệt, thâm nhập xứ địch, vật tư vận chuyển khó khăn, tác chiến rất khó, không xuất binh là hơn”. 

Vương Khôi cũng nói thẳng: “Đánh Hung Nô có thể dụ địch đến biên cương, đặt kỵ quân phục kích, nhất định thắng”.

Sau cùng bên chủ hòa không nói được gì, Hán Vũ Đế quyết định chính thức cải biến chính sách đối với Hung Nô, từ hòa sang chiến.

Cùng năm ấy, Hán Vũ Đế sắp đặt 6 vị tướng như Hộ quân Tướng quân Hàn An Quốc, Tướng đồn Tướng quân Vương Khôi, Kiêu kỵ Tướng quân Lý Quảng và những người khác, dẫn 30 vạn quân thực hiện kế hoạch dụ địch vào phục kích, Nhiếp Nhất làm nội ứng lừa Thiền Vu Quân Thần, đây là mưu kế nổi danh trong lịch sử gọi là “Mã Ấp chi mưu”. 

Nhiếp Nhất nói, ông sẽ giết Lệnh Thừa của Mã Ấp, dâng thành đầu hàng Hung Nô, tất cả tài vật trong thành đều thuộc về Hung Nô. Thiền Vu đều tin là thật, ước định thời gian hành động. Đến ngày ấy, Nhiếp Nhất cho treo vài đầu lâu lên thành, phía Bắc thành cho thả rông một đàn gia súc, đồng thời cho 30 vạn quân Hán mai phục ngoài thành.Thiền Vu dẫn 10 vạn kỵ binh lao đến Mã Ấp, nhìn thấy gia súc nên sinh nghi hoặc, nên bắt một viên quan vùng lân cận tra hỏi, biết được quân Hán đang mai phục. Quân Hung Nô kinh hoàng rút chạy, khi quân Hán biết tin truy đuổi, thì Hung Nô đã cao chạy xa bay, “Mã Ấp chi mưu” đã thất bại. Vương Khôi nguyên được giao cho tấn công đoàn xe chở đồ của Hung Nô, nhưng khi lâm trận không dám xuất kích, sau đó sợ tội mà tự sát.

Từ đây, quan hệ hòa hảo mấy chục năm đã vỡ, đoạn tuyệt bang giao. Hung Nô nhiều lần quấy nhiễu xâm phạm biên ải, nhưng Hán Vũ Đế đã có chuẩn bị kỹ càng, quân Hung Nô bị nhận đòn đau, bắt đầu cuộc chiến Hán – Hung kéo dài mười mấy năm.

Hán Vũ Đế, vệ thanh
Tranh vẽ  Vệ Thanh trong “Một trăm vị anh hùng” của Vương Song Khoan . (Vương Song Khoan đề tặng).

Bộc lộ tài năng

Khoảng 4 năm sau, tức năm Nguyên Quang thứ 6 (năm 129 TCN), Hung Nô lại cử đại quân xâm phạm quấy nhiễu Hán triều, một mạch tiến sâu vào Trương Gia Khẩu, Hà Bắc ngày nay, dọc đường chúng đốt nhà cướp của, bách tính lầm than không thốt nổi lời. Một bản tấu chương cấp báo dày đã tới tay Hán Vũ Đế. Long nhan đại nộ, Hán Vũ Đế nói với cận thần: “Trẫm đang cần thảo phạt Hung Nô, thì chúng lại tự dẫn xác đến!”

Hán Vũ Đế tiềm phục thời cơ đã lâu, nay là lúc cùng Hung Nô quyết chiến phân cao thấp. Thêm nữa, ông đã có một vị tướng quân sự kỳ tài – Vệ Thanh, người sẽ giúp ông thực hiện việc khắc định Hung Nô.

Tập trước chúng ta đã biết, Vệ Thanh là nô lệ dắt ngựa cho công chúa Bình Dương, chị của ông là Vệ Tử Phu nhập cung được sủng ái, do vậy mà ông được Hán Vũ Đế để mắt tới mà trở thành cận thần. Nhưng Hán Vũ Đế không vì vậy mà đề bạt Vệ Thanh, mà do ông có thực tài bắn cung cưỡi ngựa, là người cẩn thận khiêm tốn, hành sự quả cảm. Trước đại chiến, Vệ Thanh đã đảm nhiệm những chức vụ: Kiến Chương Giám, Thị Trung, Thái Trung Đại Phu, học tập công vụ bên cạnh Hán Vũ Đế, rất được tín nhiệm.

Để chinh thảo Hung Nô, Hán Vũ Đế lập tức triệu kiến Vệ Thanh, Công Tôn Hạ, Công Tôn Ngao, Lý Quảng, giao nhiệm vụ cho họ làm tướng quân xuất chinh Hung Nô, đồng thời nói rõ ý đồ chiến lược lần này, tức dùng sách lược chia quân đột kích, cho người Hung Nô một bài học, để họ lĩnh giáo uy lực quân đội Đại Hán. Nhưng quân Hán không cần thâm nhập sâu vào địch quốc, đợi chuẩn bị xong xuôi mới tấn công lớn. Bốn vị tướng quân mỗi vị cầm vạn quân người ngựa nhanh chóng tới biên ải, đây là lần đầu tiên quân Hán tổ chức phản công trên quy mô lớn.

Trong bốn vị tướng quân, Vệ Thanh và Công Tôn Ngao là được đặc cách đề bạt, không có kinh nghiệm thực chiến trước đây. Công Tôn Ngao lúc đầu là quan coi ngựa của Hán Vũ Đế, do cứu Vệ Thanh mà được Hán Vũ Đế trọng dụng. Đối với hai vị này, bách quan còn có những nghi ngờ. Nhưng Hán Vũ Đế vẫn kiên tín rằng Vệ Thanh trong chiến dịch này sẽ có công tích không kém gì tướng quân Lý Quảng. Quả không sai, Vệ Thanh dẫn đầu kỵ binh từ Thượng Cổ (nay là Hoài Lai, Hà Bắc) xuất phát, không câu nệ theo sách lược ban đầu, tấn công thẳng Long Thành (nay là vùng Xilingol, Nội Mông Cổ), trung tâm chính trị, văn hóa, tế tự của Hung nô, quân Hung Nô trở tay không kịp, bị bắt làm tù binh hơn 700 người.

Ba lộ đại quân còn lại, Công Tôn Hạ vô công rút lui; Công Tôn Ngao giao chiến với Hung Nô, làm 7 nghìn kỵ binh tử trận, cho nên bị phán tội chết, sau nộp vàng chuộc tội, bị biếm chức làm thường dân. Tướng quân được coi là uy dũng nhất – Lý Quảng, thì bị Hung Nô phục kích, bắt làm tù binh, sau may mắn trốn thoát quay về, bị biếm chức làm dân thường.

Kết quả này, một mặt làm Hán Vũ Đế rất đau lòng, nhưng mặt khác, thắng lợi của Vệ Thanh – người được ông đề bạt, cũng an ủi Hán Vũ Đế rất nhiều, ông lập tức phong Vệ Thanh làm Quan Nội Hầu. Vệ Thanh uy dũng trùm ba quân, một trận lên danh.

Năm sau (năm 128 TCN), người Hung Nô điên cuồng phục thù, cướp phá biên cương, sát hại Thái Thú Liêu Tây, đồng thời xâm phạm Ngư Dương (nay là Mật Vân, Tây Nam Bắc Kinh). Hán Vũ Đế quyết định phát động chiến tranh lần nữa. Lần này ông càng trọng dụng Vệ Thanh, giao cho cầm 3 vạn kỵ binh tinh nhuệ, xuất binh tiến Nhạn Môn phía Bắc, tập trung binh lực, tàn diệt Hung Nô. Đồng thời phái tướng quân Lý Tức dẫn quân tác chiến phối hợp với Vệ Thanh. Hai vị này không phụ mong đợi, diệt mấy nghìn quân Hung Nô, giành đại thắng. Trận chiến Nhạn Môn là thắng lợi chính thức đầu tiên của Hán Vũ Đế trước Hung Nô, cổ vũ sĩ khí cả triều đình.

Trong thời gian này, Lý Quảng cũng làm quân Hung Nô nghe danh mà run sợ. Ông được phục chức Thái Thú Hữu Bắc Bình (nay là Lăng Nguyên, Tây Nam Liêu Ninh), ông từng đoạt cung bắn ngã kỵ binh Hung Nô, trăm phát trăm trúng. Hung Nô kính sợ gọi ông là “Phi tướng quân” (tạm dịch: Tướng giỏi phi tiễn ),  vài năm không dám xâm phạm địa giới cai quản của ông.

Thắng lợi Mạc Nam càng làm cho điểm hiểm yếu Sóc Phương thêm vững chắc, triệt để tiêu trừ uy hiếp của Hung Nô đối với kinh đô Trường An.

Hán Vũ Đế
Tranh vẽ  Vệ Thanh trong “Một trăm vị anh hùng” của Vương Song Khoan . (Vương Song Khoan đề tặng).

Thu phục Hà Nam

Sau răn đe Hung Nô, Hán Vũ Đế muốn tiến hành cải cách chính trị, nhưng năm Nguyên Sóc thứ 2 (năm 127 TCN), Hung Nô xâm nhập Thượng Cốc và Ngư Dương, sát hại hơn nghìn quân dân. Hán Vũ Đế quyết định phát động chiến tranh quy mô lớn, phản kích Hung Nô, tiêu trừ mối lo biên cương.

Xét đặc điểm Hung Nô di chuyển mau lẹ, Hán Vũ Đế lựa chọn sách lược tránh đối đầu trực diện, dương Đông kích Tây (Tị thực tựu hư). Ông phái Vệ Thanh, Lý Tức cầm quân phản kích, tiến công địa khu Hà Thao là nơi đồn cứ của Hung Nô. Nơi đây thời cổ gọi là “Hà Nam địa”, nơi đây gần quốc đô Trường An, kỵ binh Hung Nô hai ngày là tới, uy hiếp cực lớn đến Hán triều.

Vệ Thanh dẫn đại quân men theo Hoàng Hà tây tiến, tập kích, tiêu diệt 5 nghìn quân Hung Nô, thu về hàng trăm vạn dê, bò, cuối cùng thu phục được “Hà Nam địa”.

Hán Vũ Đế nghe theo kiến nghị của quan đại thần Chủ Phụ Yển, cho lập Sóc Phương quận và Ngũ Nguyên quận, đồng thời cho xây thành Sóc Phương, di dân hơn 10 vạn đến sinh sống trồng trọt. Ngoài ra còn cho tu sửa thành trì của Mông Điềm ngày trước, khôi phục biên cương một dải Âm Sơn.

Việc thu phục “Hà Nam địa” của Hán Vũ Đế có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, không chỉ tăng cường biên phòng dọc Hoàng Hà, giải trừ sự uy hiếp đối với Trường An, mà còn kiến lập lên cơ sở phản kích Hung Nô. Trên thực tế, hành động này của Hán Vũ Đế đã làm Hung Nô tổn thương trầm trọng, Thiền Vu Quân Thần nghe tin lăn ra ốm, hai năm sau (năm 126 TCN) thì qua đời, em trai là Y Trĩ Gia kế vị. Thiền Vu mới lên (Vua Hung Nô gọi là Thiền Vu) không cam tâm để mất vị trí chiến lược này, nhiều lần tập kích Sóc Phương, Nhạn Môn, Định Tương nhằm đoạt lại địa khu Hà Nam.

Hán Vũ Đế định phản kích, nhưng vừa lúc Hoàng Thái Hậu qua đời. Để thủ hiếu nên Hán Vũ Đế nén giận trong lòng, không xuất binh. Điều này làm Thiền Vu Y Trĩ Gia nhầm tưởng rằng Hán triều binh lực không đủ để tác chiến, nên xuất binh đánh chiếm phía Bắc Sơn Tây và phía Nam Nội Mông, đồng thời ấp ủ tiến công quy mô lớn. 

Năm Nguyên Sóc thứ 4 (năm 125 TCN),  vua Hung Nô Y Trĩ Gia xuất 9 vạn kỵ binh chia 3 đường tấn công Đại Quận (nay thuộc Hà Bắc), Định Tương (nay là nội Mông Cổ), Thượng Quận (nay là Thiểm Tây), Hung Nô Hữu Hiền Vương cũng nhân cơ hội này tấn công thành Sóc Phương, biên giới phía Bắc nhiều nơi cấp báo. Tuy quân Hán ra sức chống đỡ, nhưng vẫn bị tổn thất nặng nề, vài nghìn người bị bắt đi.

Nhận được tin báo liên tiếp, Hán Vũ Đế nhẫn vô khả nhẫn, tại hội nghị triều đình đề xuất ngay mục tiêu chiến lược “từ phòng Hồ sang diệt Hồ”. Hán Vũ Đế nhận định, phòng vệ đơn thuần, không trừ được gốc của họa, di hại trăm năm, trừ bỏ họa căn sẽ tạo phúc vạn đại, có dốc toàn lực quốc gia cũng phải làm. Khí phách của Hán Vũ Đế đã cổ vũ sĩ khí của triều đình và tướng sĩ.

Mùa Xuân năm sau, Hán Vũ Đế phát động chiến tranh ở Mạc Nam. Vệ Thanh được phong làm Thống Sư, suất lĩnh sáu vị tướng quân cùng 10 vạn kỵ binh tinh nhuệ tiến về phía Bắc tấn công Hung Nô. Một đạo quân do tướng quân Lý Tức, xuất binh Hữu Bắc Bình (nay là nội Mông Cổ Ninh Thành Tây Nam), áp chế Thiền Vu và Tả Hiền Vương, phối hợp với quân chủ lực Vệ Thanh, cũng giành nhiều thắng lợi. Vệ Thanh dẫn một đạo quân rời Sóc Phương, tiến thẳng Mạc Nam, tập kích căn cứ của Hung Nô Hữu Hiền Vương. Hữu Hiền Vương có mơ cũng không tưởng tượng được quân Hán như từ trên trời rơi xuống, cuống cuồng cùng vài trăm hộ vệ chạy thoát, còn hơn 10 Bì vương (tiểu vương Hung Nô), 10 vạn 5 nghìn người Hung Nô, cùng trên 100 vạn gia súc, đều trở thành chiến lợi phẩm của Vệ Thanh.

Tin báo thắng trận truyền tới kinh thành, Hán Vũ Đế rất đỗi vui mừng, ngoài việc phong Vệ Thanh làm Đại Tướng, còn thêm 8 nghìn hộ dân cho ấp cũ, ba con trai đều được phong hầu. Phong thưởng hậu đãi như vậy, thì từ khi Hán triều lập quốc cho đến nay, chỉ có Tiêu Hà thời sơ Hán là được như thế. Vệ Thanh khiêm tốn không nhận, nói đó là công lao của chư tướng sĩ đã xuất sinh nhập tử mà thành.

Kỳ thực, Vệ Thanh có tài có đức, xứng đáng với sự phong thưởng đó. Sử sách còn nghi, Vệ Thanh trị quân hiệu lệnh nghiêm minh, thương xót cấp dưới. Khi lâm trận, ông tiên phong như sĩ tốt; khi có thưởng thì chia hết cho thủ hạ, không giữ riêng mình; dọc đường hành quân, dừng chân cắm trại, binh sĩ nghỉ ngơi trước, ông nghỉ ngơi sau; gặp sông sâu suối xiết, để binh sĩ qua sông an toàn, ông sang sau. Cho nên tướng sĩ đều nguyện ý cùng ông tác chiến. Có thể nói Vệ Thanh là vị tướng lĩnh trung nghĩa mà Trời ban cho Hán Vũ Đế, cũng là chỗ sáng suốt trong việc nhìn người, dùng người của Hán Vũ Đế.

Thắng lợi trong trận chiến Mạc Nam, làm vững chắc thêm cứ địa Sóc Phương, triệt để tiêu trừ mối nguy uy hiếp kinh đô Trường An, chia cắt Hung Nô làm hai, dùng quân đội nhà Hán trị lý.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Epoch Times


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x