Hàn Tín: Sống chết 1 người tri kỷ, tồn vong 2 người phụ nữ

luu bang lo ngai han tin tao phan minhchantuong

Sau khi Hàn Tín qua đời, trước mộ phần của ông người ta treo đôi câu đối, vế trên là: “Sinh tử nhất tri kỷ”, vế dưới là: “Tồn vong lưỡng phu nhân” (Sống chết một người tri kỷ, tồn vong hai người phụ nữ). Có thể nói, cả cuộc đời của Hàn Tín đều gói gọn trong hai vế đối này.

Vương triều đại Hán tồn tại hơn 400 năm, có thể nói là một vương triều tốn nhiều giấy mực nhất trong suốt bề dày lịch sử Trung Hoa với muôn vàn sắc thái khác nhau.

Trên thế giới, tiếng Trung Quốc còn được gọi là tiếng Hán, chữ Trung Quốc gọi là chữ Hán, dân tộc Trung Quốc cũng được gọi là dân tộc Hán, và đại đa số người Trung Quốc cũng đều là người Hán. Tất cả những điều này đã cho thấy tầm ảnh hưởng của Hán triều đối với văn hóa Trung Hoa là không hề nhỏ.

Nói đến triều đại nhà Hán, không thể không nhắc đến đại công thần khai quốc Hàn Tín. Dân gian xưa nay có câu: “Giang sơn nhà Hán do một tay Hàn Tín thắng trận đoạt về” để miêu tả công lao vĩ đại của nhân vật lịch sử này.

Trong lịch sử, Hàn Tín được mọi người tôn xưng là “Binh thánh” để nói nên tài năng cầm quân đánh trận của ông. Trong sự nghiệp cầm quân của Hàn Tín, không có trận đánh nào không thắng, không có trận tập kích nào của quân thù mà không đối đầu được. “Thủy vô thường thế, binh vô thường hình” đây chính là đặc điểm, cũng chính là ưu điểm cầm quân đánh trận lớn nhất của Hàn Tín.

rong sự nghiệp cầm quân của Hàn Tín, không có trận đánh nào không thắng
Trong sự nghiệp cầm quân của Hàn Tín, không có trận đánh nào không thắng. (Ảnh: Baike.baidu.com)

Trong tác chiến, trận pháp của ông biến hóa đa hình, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, luôn tạo ra sự bất ngờ khiến cho đối phương lần nào cũng trở tay không kịp.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi hơn 30 năm, Hàn Tín đã bắt Ngụy Báo, trảm Trần Dư, thu phục Lý Tả Xa, Giáng Yên, giết Long Thả, công chiếm nước Tề, v.v. Nổi tiếng là những trận chiến như Ám Độ Trần Thương, An Ấp, Duy Thủy, đặc biệt là trận bao vây Cai Hạ, tiêu diệt bá nghiệp của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.

Hàn Tín đã vì nhà Hán mà lập vô số công lao to lớn, một đời anh hùng, chí khí ngút trời. Tuy nhiên người xưa có câu: “Thỏ khôn hết thì chó săn bị nấu, chim cao hết thì cung tốt bị cất, nước địch bị phá thì mưu thần hết đời”, Hàn Tín lại là “công cao quá chủ” nên sau cùng phải nhận về một cái kết bi thương.

Sau khi Hàn Tín qua đời, trước mộ phần của ông người ta treo đôi câu đối, vế trên là: “Sinh tử nhất tri kỷ”, vế dưới là: “Tồn vong lưỡng phu nhân” (Sống chết một người tri kỷ, tồn vong hai người phụ nữ). Có thể nói, cả cuộc đời của Hàn Tín đều gói gọn trong hai vế đối này.

Sinh tử một tri kỷ…

Cổ nhân có câu: “Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm”, đối với người bình thường mà nói thì hai từ “tri kỷ” mang hàm nghĩa tương đối chính diện, là điều mà không phải ai cũng có thể tìm được cho mình trong đời. Tuy nhiên, đối với Hàn Tín, tri kỷ ấy lại vừa vinh vừa hận, thật khó nói thành lời. Tại sao lại như vậy?

Hàn Tín thường được người đời nhận xét: “Thành cũng Tiêu Hà, bại cũng Tiêu Hà”. Đây chính là nói đến Tiêu Hà, “tri kỷ” của Hàn Tín.

Tiêu Hà “tri kỷ” của Hàn Tín
Tiêu Hà “tri kỷ” của Hàn Tín. (Ảnh: Baike.baidu.com)

Những năm cuối của triều đại nhà Tần, thiên hạ đại loạn, các lộ quần hùng đua nhau quật khởi, Hàn Tín gia nhập vào quân đội Hạng Lương khởi nghĩa. Sau khi Hạng Lương chết, Hàn Tín quy thuận Hạng Vũ, vì là người biết võ công tinh nghệ cho nên được đảm nhiệm vị trí Kích Lang Trung.

Hàn Tín có nhiều cơ hội được tiếp cận Hạng Vũ và nhiều lần tiến cử mưu lược của mình cho Hạng Vũ, tuy nhiên vì ỷ tài, khinh người nên Hạng Vũ không nhìn ra tài năng của Hàn Tín, cũng không trọng dụng.

Sau nhiều lần góp mưu nhưng không được trọng dụng nên cho rằng dẫu có ở lại bên Hạng Vũ thì cũng chẳng có tiền đồ, vậy nên khi Lưu Bang tiến vào Hán Trung, Vũ Đô, Ba Quận… thì Hàn Tín đã rời quân Sở sang đầu quân cho Lưu Bang.

Tiếc thay, sang đầu quân cho Lưu Bang, Hàn Tín vẫn không được trọng dụng nên chỉ được giữ một chức quan nhỏ, chuyên trông coi lương thảo. Sau này Ông gặp Tiêu Hà, là người thân tín của Lưu Bang. Chỉ sau vài lần gặp mặt nói chuyện, Tiêu Hà đã phát hiện sở học kỳ tài của Hàn Tín, biết rằng tài năng của ông khó ai sánh được.

Lại nói, sau một thời gian dài đầu quân cho Lưu Bang nhưng không được Lưu Bang trọng dụng nên ông đành ôm nỗi thất vọng rời đi. Tiêu Hà ý thức được rằng, nhà Hán không thể để mất một kỳ tài như vậy nên khi nghe tin Hàn Tín bỏ đi, Tiêu Hà đã bất kể đêm hôm phi ngựa đuổi theo, đây cũng là khởi nguồn của điển tích “Tiêu Hà dưới trăng truy đuổi Hàn Tín”.

Vì cấp bách nên Tiêu Hà không kịp bẩm báo Lưu Bang mà vội vàng lấy ngựa đi gấp trong đêm, khiến Lưu Bang hiểu nhầm Tiêu Hà bỏ trốn.

Điển tích “Tiêu Hà dưới trăng truy đuổi Hàn Tín”
Điển tích “Tiêu Hà dưới trăng truy đuổi Hàn Tín”. (Ảnh: Miền công cộng)

Đương thời, vì hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống binh lính khổ cực nên rất nhiều binh sĩ đều đào ngũ. Lưu Bang thấy Tiêu Hà không từ mà biệt nên giật mình thất sắc, cho rằng đến người thân cận với mình như Tiêu Hà cũng bỏ đi thì biết phải làm sao?

Nhưng sau đó Tiêu Hà đem Hàn Tín trở lại doanh trại và nói với Lưu Bang: “Nếu như ngài chỉ làm một Hán Trung vương, vậy thì tại hạ đem Hàn Tín về là việc dư thừa. Nhưng nếu như ngài muốn xưng bá thiên hạ, vậy Hàn Tín chính là một bậc tướng tài không thể không có”.

Lưu Bang nghe theo kiến nghị của Tiêu Hà, nhờ đó Hàn Tín nắm quyền thống soái quân đội Lưu Bang – ở đây không thể không khen ngợi sự thông minh, khéo léo và con mắt nhìn người của Tiêu Hà.

Cũng kể từ đó, lịch sử đã viết nên truyền kỳ về một Hàn Tín đánh đâu thắng đó, uy danh thiên cổ, giúp nhà Hán giành lấy giang sơn. Có thể nói không có Tiêu Hà sẽ không có Hàn Tín và cũng chẳng có nhà Hán sau này, nên người đời có câu: “Thành cũng Tiêu Hà”.

Vậy còn “bại cũng Tiêu Hà” là sao? Đây là việc sau khi Lưu Bang bình định thiên hạ, lập nên bá nghiệp thì Tiêu Hà bắt đầu đố kỵ với tài năng của đệ nhất công thần Hàn Tín. Nên dù có công lao to lớn, giúp nhà Hán đánh chiếm hơn nửa giang sơn thì Hàn Tín cũng không thoát khỏi kiếp nạn của mình.

Kết cục Tiêu Hà bị Lưu Bang lừa, lại đứng ra bày kế lừa Hàn Tín vào Trường Lạc Cung rồi bị Lã Hậu giết chết. Vậy nên người đời lại nói: “Bại cũng Tiêu Hà”.

Tồn vong hai người phụ nữ

Hàn Tín vốn là hậu nhân của một danh gia vọng tộc, từ nhỏ đã thao lược binh thư, rèn luyện võ nghệ, nhưng sau này vì gia đạo suy vong, chỉ có thể cùng với mẫu thân sống cuộc đời nghèo khổ. Sau khi mẫu thân qua đời, Hàn Tín rơi vào cảnh cơm cũng không có mà ăn, bữa đói bữa no.

Tưởng chừng mạng vong, cơ may gặp người cứu giúp

Đường đường là một nam nhi cường tráng nhưng lại gặp cảnh cơ hàn, cuộc sống khốn đốn đủ điều, may thay có một lão nông tốt bụng cùng thôn nhìn ra thực tài của Hàn Tín, cho rằng anh ta sau này nhất định sẽ làm nên việc lớn nên thường mời về nhà dùng bữa.

Nhưng vì đều là người cùng quê, hoàn cảnh cũng chẳng được sung túc đầy đủ, trong nhà cứ suốt ngày nuôi một thanh niên khỏe mạnh, nên lâu ngày bà chủ nhà chịu không được. Vậy là mỗi ngày bà đều cho cả nhà ăn cơm trước giờ ăn thường ngày, không chừa chút thức ăn nào cho Hàn Tín cả. Sau vài lần như vậy, Hàn Tín hiểu được dụng ý của vợ chủ nhà lên không đến nữa.

Không còn chỗ nương nhờ, Hàn Tín liên tiếp mấy ngày không có gì ăn. Một hôm, Hàn Tín đi qua một bờ sông, tình cờ gặp một người phụ nữ trung tuổi tên là Phiếu Mẫu đang giặt áo bên sông.

Phiếu Mẫu thấy Hàn Tín gặp cảnh khó khăn nên nhường phần cơm mang theo cho ông, cũng từ đó, mỗi ngày Phiếu Mẫu đều mang cơm cho Hàn Tín. Sau này, khi bình định thiên hạ xong, Hàn Tín trở về quê nhà, đem nghìn lượng vàng để tạ ân cho Phiếu Mẫu.

Hàn Tín trở về quê nhà, đem nghìn lượng vàng để tạ ân cho Phiếu Mẫu
Hàn Tín trở về quê nhà, đem nghìn lượng vàng để tạ ân cho Phiếu Mẫu. (Ảnh: Baike.baidu.com)

Công thành danh toại, nữ nhân sát hại

Đây chính là nói tới Lã Hậu, vợ Lưu Bang. Sau khi bình định thiên hạ, vì Hàn Tín có công lao quá lớn, quá nửa giang sơn nhà Hán đều do một tay Hàn Tín đoạt về.

Lưu Bang lo ngại Hàn Tín tạo phản, vậy nên đã nhiều lần kiếm cớ tước bỏ chức vị của Hàn Tín. Sau cùng Hàn Tín bị giáng xuống chức Hoài Âm Hầu nhưng Lưu Bang vẫn không yên lòng, bởi bản lĩnh của Hàn Tín quả thật là không ai sánh được.

Sau nhiều lần bày mưu tính kế, Lưu Bang cho người mời Hàn Tín vào cung nghị sự để giết hại nhưng bất thành. Hàn Tín cũng biết rõ được nạn này khó tránh, nhưng không ngờ lại bị Lã Hậu bày mưu với Tiêu Hà.

Hàn Tín tin tưởng Tiêu Hà, kết quả bị Tiêu Hà lừa vào cung rồi bị Lã Hậu cho người giết chết, không những vậy toàn gia họ Hàn còn bị tru di tam tộc.

Đúng là: “Sinh tử nhất tri kỷ, tồn vong lưỡng phụ nhân”.


Theo Soundofhope

Minh Vũ biên dịch

Link bài dịch: NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x