Tác giả: Thuyền Tưởng
[Chanhkien.org]
(3) Đại náo thiên cung và địa phủ
Đại náo địa phủ
Thạch Hầu (Tôn Ngộ Không) sau đó đại náo địa phủ, kết quả tự bản thân và loài khỉ được gạch tên khỏi sổ sinh tử.
Sinh tử xác thực là thuộc về quá trình mà người tu luyện phải vượt qua. Thạch Hầu thiên tư cực cao, theo Tổ sư Bồ Đề học được bản lĩnh cao cường, lại có Pháp bảo là “định hải thần châm” (thiết bảng, hay gậy Như Ý), từ đó sở hữu năng lực thoát khỏi sự quản lý của các Thần tầng thứ thấp tại địa phủ, vượt qua sinh tử.
Thạch Hầu tiến bộ cực nhanh, ngay từ đầu đã đạt tới trình độ thoát khỏi sinh tử, thật là lợi hại. Như vậy người tu luyện, chỉ cần có thể dũng mãnh tinh tấn, thì thoát khỏi sinh tử cũng không phải là việc khó, nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu.
Do đó, sinh tử đối với người tu luyện mà nói thì căn bản không phải là chướng ngại gì cả. Chúng ta học được thành ngữ “thị tử nhi quy” (coi cái chết tựa như sự trở về), thực ra bắt nguồn từ đó, chết không có gì là đáng sợ hết, tựa như về nhà giống nhau. Vì thế trong lịch sử người tu luyện chân chính đều không quan tâm tới sinh tử, ấy là vì họ đã minh bạch ý nghĩa của sinh tử rồi. Còn đối với người thường mà nói, thì khó mà lý giải nổi. Đây không phải là lý tưởng vĩ đại gì ở nhân gian, mà là minh bạch chân lý vũ trụ, minh bạch ý nghĩa của kiếp người.
Đại náo thiên cung
Sau đó Thạch Hầu đại náo thiên cung.
Trước hết hãy nói về thân phận lúc này của Tôn Ngộ Không.
Nói chung, người tu luyện có thể thành Phật thành Tiên, nhưng động vật tu luyện thì chỉ là yêu tinh, bởi vì động vật không được phép tu luyện, chúng với người là bản chất bất đồng, động vật không có ước thúc tâm pháp.
Vì thế lúc này Tôn Ngộ Không chỉ có thể được gọi là yêu tinh bản lĩnh vô cùng cao cường. Bởi vì nó không phạm phải điều xấu nào cả, hoàn toàn không phải là yêu tinh xấu, có vẻ giống như tản Tiên. Tương tự như vậy, trong «Bảng Phong Thần», thông thiên giáo chủ thâu nạp nhiều động vật, nhưng vì chúng không có tâm pháp ước thúc, không thể chân chính theo yêu cầu của “Đạo” mà hành xử, kết quả toàn bộ môn phái bị tiêu trừ.
Trong «Bạch Xà Truyện» cũng có cùng nhận thức như vậy, đó là yêu quái không được phép tu luyện, đây là phép tắc của thế giới.
Do đó trong giới tu luyện luôn luôn giảng rằng trong luân hồi mà đắc được thân người là không dễ dàng gì, phải tận dụng những năm tháng lúc sinh tiền, đừng bỏ lỡ cơ hội. Mỗi cá nhân trước tiên phải có trách nhiệm với bản thân mình.
Ông Trời có đức hiếu sinh, đối với Tôn Ngộ Không mà nói, là sẵn sàng cấp cho cơ hội, vì vậy Ngọc Hoàng đã chấp nhận đề nghị của Thái Bạch Kim Tinh, trước tiên gọi Tôn Ngộ Không lên thiên thượng, cấp cho cơ hội quy chính. Tuy nhiên vì không có ước thúc tâm pháp, Tôn Ngộ Không không biết tự kiềm chế, kết quả làm phản thiên đình.
Đối với người tu Đạo, có thể ở trên thiên thượng, được liệt vào hàng Tiên, là điều cầu mà chẳng được, chỉ là Tôn Ngộ Không không thể tuân thủ thiên quy, vẫn muốn gì làm nấy, rõ là không thức thời.
Thế là thiên đình phải phái thiên binh thiên tướng xuống bắt, kết quả không thể hàng phục. Tôn Ngộ Không bản lĩnh quả thực cao cường, lại còn xưng Tề Thiên Đại Thánh. Rõ là chẳng biết trời cao đất dày là gì.
Dù sao chư Thần nội trong Tam Giới năng lực vẫn còn có hạn, sinh mệnh nội trong Tam Giới đều không thể thoát khỏi luân hồi, vậy mà Tôn Ngộ Không lại có khả năng ấy.
Mặc dù Tôn Ngộ Không không phục sự cai quản của Ngọc Hoàng, nhưng chỉ là hưởng phúc tại hạ giới, hoàn toàn không có nguy hại đến thế giới. Vì vậy Thái Bạch Kim Tinh kiến nghị Ngọc Hoàng cấp cho Thạch Hầu một cơ hội nữa, lại cho phép lên thiên thượng. Đây kỳ thực là đại từ bi.
Nhưng Thạch Hầu vẫn gây họa cho thiên đình, tuyệt đối không được phép nữa, đây chính là phạm phải luật Trời. Lần này nhất định phải diệt trừ.
Người ta nói đây cũng là phép tắc của thế giới. Năng lực con người và cảnh giới tư tưởng của họ là tương phụ tương thành với nhau. Như người tập võ phải lấy Đức làm đầu, người học Đạo trước tiên phải trọng Đức. Bề mặt là một loại quy phạm tư tưởng, thực ra là quyết định xem người ấy có chân chính học được những thứ đó hay không.
Cố sự «Lao Sơn đạo sĩ» không chỉ là chuyện thần thoại, nếu như ai phạm phải điều xấu thì học pháp thuật sẽ không còn linh nghiệm nữa. Nghe nói rằng đây là phương pháp duy hộ trật tự thế giới của thiên thần, không cho phép người xấu có năng lực quá cao để phá hoại trật tự thế giới.
Từ đó mà suy rộng ra, nếu đạo đức nhân loại không đề cao, chỉ thông qua thủ đoạn khoa học kỹ thuật mà đạt được năng lực của Thần, thì căn bản là bất khả năng.
Do đó lần này phái thêm thiên thần lợi hại xuống, cùng Tôn Ngộ Không đại chiến. Thái Thượng Lão Quân cũng ra trợ chiến. Kết quả chẳng ngờ bắt được yêu hầu. Chẳng qua yêu hầu xác thực là siêu phàm, lò Bát Quái của Lão Quân cũng không tiêu diệt được. Cuối cùng phải nhờ Phật Tổ ở Tây Thiên, đem Thạch Hầu trấn dưới Ngũ Hành Sơn.
Cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không cũng không thể thoát khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai, đúng là Phật Pháp vô biên!
Về đoạn đại náo thiên cung này, có lẽ mọi người đều đã xem qua phim. Nhưng ấy là đứng tại góc độ con người mà cải biên, dùng đó mà cổ vũ tạo phản, hoàn toàn là xuất phát điểm sai lầm. Miêu tả thiên thần thành hung thần độc ác, coi Thạch Hầu như anh hùng hàm oan. Đây quả thực là điên đảo thị phi, là sản phẩm lịch sử của những năm ấy. Mọi người nhất định phải thanh tỉnh, thiên thần chính là phải duy hộ trật tự thế giới, nếu không thiên hạ đã đại loạn rồi. “Nhân định thắng Thiên” chỉ là kẻ ngốc nói mơ mà thôi!
Từ câu chuyện đại náo thiên cung có thể phản ánh một số vấn đề như sau.
1. Tôn Ngộ Không bản lĩnh cao cường, nhưng trước mặt Phật Pháp thì chẳng đáng bàn đến. Vậy mà Tôn Ngộ Không đối với người mà nói, là đã cao hơn biết bao nhiêu. Từ đó mà luận, thì năng lực con người quả thực là không đáng để tính đếm nữa.
2. Tôn Ngộ Không vốn có cơ hội quy chính, nhưng tâm không có ước thúc, một niệm ấy đã dẫn đến hậu quả khác biệt. Trong tôn giáo giảng rằng một niệm thiện tức là thiện, một niệm ác tức là ác. Tư tưởng là quy chuẩn của đạo đức, đối với con người mà nói, là rất trọng yếu. Do đó các chính giáo đều nhấn mạnh vào nhân tâm, hướng ngoại mà cầu thì chính là tà môn oai đạo.
3. Đạo cao một thước, ma cao một trượng, ấy là oai lý tà thuyết nơi nhân gian. Tà vĩnh viễn không thể thắng chính. Tôn Ngộ Không dẫu có bản lĩnh to lớn như vậy, cũng không thể thoát khỏi bàn tay của Phật Như Lai. Kỳ thực rất nhiều người thường cũng có thể lý giải được đạo lý “nhất chính áp bách tà”.
(*) Tây Du Ký: Tác phẩm nổi tiếng của Ngô Thừa Ân, gồm 100 hồi, nói về cuộc hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh của Đường Tăng. Sau khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung đã cùng Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh hộ tống Đường Tăng sang Tây Phương thỉnh kinh, dọc đường đi đã hàng ma phục yêu trải qua 81 kiếp nạn, cuối cùng thành chính quả.
(còn tiếp)
- Xem thêm:
- Khám phá “Tây Du Ký” (8): Lục tặc chặn đường
- Khám phá “Tây Du Ký” (7): Pháp hiệu của ba đồ đệ
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!