Một số học giả đời sau đã so sánh các loại hình thái xã hội như văn minh canh nông, văn minh du mục và văn minh thương mại của Trung Quốc để chứng minh sự cần thiết của văn hóa Nho gia tại Trung Quốc. Kết quả, tại một tầng diện nhất định có thể nói là tự hài lòng. Nhưng đây có phải là nguyên nhân căn bản khiến văn hóa Nho gia trở thành văn hóa chủ lưu ở Trung Quốc?
Tôi muốn nhắc lại một vấn đề khác, chính là khi Tần Vương tiêu diệt sáu nước, rất nhiều người đều suy nghĩ về nguyên nhân sáu nước diệt vong. Trong Bát đại gia thời Đường-Tống, có ba cha con Tô Tuân, Tô Thức và Tô Triệt, họ đều đã viết bài cùng một đề tài gọi là “ Luận Lục quốc”- luận bàn về sáu nước.
Trong bài luận về sáu nước, khi luận chứng nguyên nhân diệt vong của sáu nước, Tô Tuân đã đưa ra quan điểm của mình. Ông nói rằng việc sáu nước bị tiêu diệt, không phải do binh lực không đủ, chiến đấu không giỏi, mà điều tệ hại là họ hối lộ nước Tần.
Ý nói, nguyên nhân diệt vong của sáu nước hoàn toàn không phải là do họ thất bại về mặt quân sự, mà thất bại về quốc sách. Họ nghĩ đủ mọi cách để hối lộ nước Tần, nghĩ rằng sau khi đem thành trì và đất đai tặng cho Tần quốc, thì Tần quốc sẽ duy hộ hòa bình của hai nước.
Đối với cách làm này, Tô Tuân đã trích dẫn một câu trong “Sử ký – Ngụy thế gia”, rằng việc đem đất cho Tần quốc cũng giống như ôm củi đi cứu hỏa, củi chưa hết, thì lửa chưa tắt. Đem đất đai dâng cho Tần quốc cũng giống như ôm củi đi dập lửa, lúc nào củi hết, thì lửa mới được dập tắt. Cho nên, sáu nước liên tục hối lộ cho nước Tần, kết quả chỉ khiến cho Tần quốc càng ngày càng mạnh, còn nước mình thì càng ngày càng yếu, cuối cùng sáu nước bị diệt vong.
Tô Tuân nói rằng, nếu như sáu nước không đem đất đai hối lộ nước Tần, mà cấp cho những người có tài năng kia, thì sáu nước không những không bị diệt vong, mà Tần quốc e rằng nuốt cơm cũng không trôi. Vì vậy, Tô Tuân chỉ ra nguyên nhân sáu nước diệt vong chính là họ sai lầm trong ngoại giao, hoặc là sai lầm về quyết sách quốc gia.
Tô Triệt là con trai của Tô Tuân, cũng là một trong “Bát đại gia” thời Đường – Tống. Lưu Triệt phân tích nguyên nhân sáu nước diệt vong từ góc độ địa chính trị. Lưu Triệt cho rằng: Nếu như Tần quốc muốn tấn công sáu nước, tất phải tiêu diệt nước Hàn và nước Ngụy.
Mà nước Hàn và nước Ngụy không có danh sơn đại xuyên làm bình phong, cho nên rất dễ bị tiêu diệt, không chống lại được sự tấn công của nước Tần. Bởi vậy, nếu như sáu nước sáng suốt, họ nên đi trợ giúp Hàn và Ngụy, chỉ cần Hàn, Ngụy không mất, thì các nước khác đều sẽ an toàn.
Tô Triệt chỉ ra tính trọng yếu của nước Hàn và nước Ngụy từ góc nhìn địa chính trị. Kỳ thực, khi Phạm Thư kiến nghị với Tần quốc về sách lược “viễn giao cận công,” ông đã nói với Tần Vương rằng, trước tiên nên thôn tính nước Hàn và nước Ngụy.
Tô Thức cũng viết một thiên “Luận Lục Quốc,” ông nói về nguyên nhân sáu nước diệt vong từ góc độ nhân tài của sáu nước này.
Những gì họ nói đều có đạo lý nhất định. Thế nhưng, những điều này có phải là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến sáu nước diệt vong hay không? Ở đây, tôi xin đưa ra một quan điểm. Đây không phải là quan điểm của tôi, mà là trong “Đông Chu liệt quốc chí” khi viết về nguyên nhân sáu nước diệt vong, đoạn cuối có một bài thơ tổng kết. Bài thơ viết như thế này:
“Bặc thế tuy nhiên bát bách niên,
Bán do nhân sự bán do thiên,
Miên diên quá lịch duyên trung hậu,
Lăng thế tùy ba vi đảo điên,
Lục quốc mị Tần cam bắc diện,
Nhị Chu thất tự hận đông thiên,
Tổng quan thiên cổ hưng vong cục,
Tẫn tại triêu trung dụng nịnh hiền.”
Tạm diễn nghĩa:
“Bốc quẻ tuy rằng tám trăm năm,
Một nửa do người một nửa do trời,
Trải qua lịch duyên trung hậu,
Sự đổi dời tùy theo sóng mà đảo điên,
Sáu nước nịnh Tần cam tâm triều phục,
Hai đời nhà Chu tự hận dời đô về phía Đông
Tổng quan thế cục hưng vong xưa nay,
Đều do trong triều trọng dụng nịnh thần.”
Bài thơ này nói đến quan điểm của Tô Tuân trong “Luận Lục Quốc,” chính là sáu nước nịnh Tần cam tâm triều phục, sáu nước đều đi hối lộ Tần quốc. Đồng thời nhắc đến quan điểm về nhân tài mà Tô Thức đề cập trong “Luận Lục Quốc,” chính là đều do triều đình trọng dùng nịnh thần.
Tác giả “Đông Chu liệt quốc chí” còn đưa ra một quan điểm, chính là “nhị Chu thất tự hận đông thiên.” Ông xem việc “Bình Vương đông thiên” (Bình Vương dời đô về phía Đông) là nguyên nhân quan trọng khiến Đông Chu và sáu nước diệt vong. Có lẽ nhiều người biết vì sao “Bình Vương đông thiên,” chính là chuyện Chu U Vương đốt lửa giỡn chư hầu.
Chu U Vương là vị Quốc Quân cuối cùng của Tây Chu. Ông ta sủng ái một mỹ nữ tên là Bao Tự, mỹ nhân này đặc biệt không thích cười. Chu U Vương vì muốn Bao Tự nở một nụ cười, bèn cho dán cáo thị, nói rằng ai có thể làm cho Bao Tự cười thì sẽ thưởng một nghìn cân vàng.
Có người tên là Quắc Thạch Phụ nảy ra một chủ ý. Ông ta nói rằng: Chúng ta xây dựng đài phóng hỏa ở Ly Sơn. Mỗi khi người dân tộc thiểu số xâm lấn, Vương thất nhà Chu bị uy hiếp về quân sự, thì đốt lửa ở trên đài phóng hỏa, ban ngày đốt khói báo động, ban đêm thì đốt lửa.
Phân sói bị đốt cháy, khói của nó bốc lên sẽ không tan, ở nơi rất xa cũng có thể nhìn thấy, cho nên chúng ta gọi là tứ bề báo động bất ổn, chính là chiến tranh. Các nước chư hầu khi nhìn thấy khói phân sói hoặc có đám lửa, bọn họ sẽ đem binh đến cứu Vua, đến cứu vương thất nhà Chu. Nước chúng ta đã an định thời gian rất lâu rồi, chi bằng chúng ta đốt chút lửa, chư hầu sẽ kéo đến.
Nếu như Bao Tự nhìn thấy quân chư hầu đến cứu, nhưng lại không có chuyện gì, nàng có thể cảm thấy chuyện này thật đáng cười. Nhìn thấy mọi người chạy đến thở hồng hộc như vậy, nhưng thực tế là đùa giỡn chứ không có chuyện gì, thì Bao Tự có thể sẽ cười.
U Vương liền bày tiệc rượu ở Ly Sơn, cùng Bao Tự uống rượu làm vui, sau đó sai người đốt lửa. Lửa này vừa đốt lên, quân các nước chư hầu đều kéo đến, thân mặc áo giáp, tay cầm binh khí, hồng hộc chạy đến. Họ chạy đến chân đài phóng hỏa, nhìn thấy U Vương cùng mỹ nhân uống rượu, sau đó nói rằng kỳ thực không có chuyện gì, chỉ là đùa với mọi người mà thôi, các ngươi hãy về đi.
Chư hầu rất tức giận, liền cởi giáp ra về. Bao Tự nhìn thấy quân chư hầu chạy tới chạy lui, cảm thấy buồn cười quá, quả nhiên nàng ta cười lớn. U Vương nhìn thấy mỹ nhân nở nụ cười, quả thực rất xinh đẹp. Từ đó về sau, nhiều lần ông ta tiếp tục cho đốt lửa như vậy. Chư hầu bị mắc lừa một lần, hai lần, sau đó tiếp tục đốt lửa thì chư hầu không còn kéo đến nữa.
Về sau, khi bộ tộc Khuyển Nhung thật sự chiếm đánh, U Vương cho đốt lửa nhưng lần này không có một nước chư hầu nào đến cứu. Chu U Vương bị Khuyển Nhung giết chết, Bao Tự bị quân giặc bắt đi, cung điện nhà Chu cũng bị thiêu cháy.
Sau khi U Vương qua đời, con của ông ta lên kế vị, tức là Chu Bình Vương. Chu Bình Vương nhìn thấy cung điện đã bị thiêu cháy, không muốn tiếp tục ở lại nơi này nữa. Vì vậy, ông dời đô từ Cảo Kinh đến Lạc Ấp, chính là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay.
Việc dời đô về phía Đông của Bình Vương trong lịch sử, tôi cho rằng đây là một sự an bài. Bởi vì vào năm Chu Tuyên Vương thứ 46, cũng chính là năm 782 TCN, Chu Tuyên Vương băng hà. Sau đó, con của ông là Cung Sanh, chính là vị U Vương này lên kế vị. Năm 780 TCN, Tam Xuyên xảy ra động đất.
Khi đó có vị quan Thái sử tên là Bá Dương Phủ nói rằng: Năm đó khi sông Y Thủy và Lạc Thủy khô kiệt, triều Hạ diệt vong; khi sông Hoàng Hà khô kiệt, triều Thương diệt vong; Tam Xuyên động đất, đất đá từ trên núi lở xuống, chúng sẽ làm tắc đường sông, Tam Xuyên sẽ khô cạn.
Mà Tam Xuyên là nơi phát tích (nơi bắt đầu làm nên sự nghiệp) của Chu Văn Vương và Chu Vũ Vương năm xưa. Nơi này nếu như bị khô cạn, vậy thì nhà Chu cũng sẽ diệt vong. Bá Dương Phủ nói rằng, đạo đức của vị Quốc quân triều Chu hiện nay rất giống với đạo đức của Quốc quân nhà Hạ và nhà Thương trước khi diệt vong năm đó, cho nên nguy cơ của triều Chu chỉ là vấn đề sớm muộn.
Ông tiên đoán rằng, trải qua khoảng mười năm, nhà Chu này sẽ diệt vong. Khi xảy ra động đất là năm 780 TCN, đến năm 770 TCN, giặc Khuyển Nhung xâm chiếm và giết chết Chu U Vương.
Bá Dương Phủ nói, nếu như “kỷ” vong quốc không quá mười năm, ông Trời đã vứt bỏ, thì sẽ không quá “kỷ” đó. Chính là nói Tây Chu nội trong mười năm sẽ bị diệt vong. Bởi vì con số để tính toán của Trung Quốc là hệ thập phân, “thập” (mười) được xem là con số lớn nhất của Trung Quốc, gọi là một “kỷ,” là lớn nhất trong các con số.
Vậy nên, một khi Thượng Thiên muốn vứt bỏ một đất nước, sẽ không vượt qua con số này. Từ năm 780 TCN, xảy ra động đất ở Tam Xuyên đến lúc nhà Tây Chu diệt vong, chính là trọn vẹn trải qua thời gian mười năm.
(Còn tiếp)
Xem thêm Loạt bài “Tiếu đàm phong vân”
Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (4)
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (2)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!