Thương Ưởng cho dời cây gỗ lập uy tín, giết người lập uy
Lời bạch: Vệ Ưởng thông qua một thái giám cận thần của Hiếu Công có được bốn cơ hội diện kiến Hiếu Công, ông lúc đầu lấy đạo Đế Vương du thuyết với Hiếu Công, sau lấy phương pháp nước giàu binh mạnh làm cho Hiếu Công vui mừng.
Vệ Ưởng đưa ra sách lược canh chiến, thông qua khai khẩn ruộng đất, lấy chức tước ban thưởng cho người lập được quân công, cải cách chế độ hộ tịch, đặt ra những quy định pháp luật và hình phạt tàn khốc, thay đổi pháp luật của nước Tần.
Bất luận là cải cách nào cũng đều sẽ chạm đến các nhóm lợi ích to lớn của chế độ xã hội lúc ấy, đồng thời phân phối lại lợi ích về kinh tế và chính trị, vì thế ông gặp khó khăn trùng trùng. Vệ Ưởng phải làm gì để thúc đẩy và thực hiện chủ trương của mình đây?
Tần Hiếu Công phong Vệ Ưởng làm Tả thứ trưởng, đây là tước vị đứng cấp thứ 10 trong 20 tước vị của nước Tần, tương đương với một chức quan võ bậc trung. Vệ Ưởng muốn tiến hành cải cách về chính trị, điều đầu tiên ông cần phải giải quyết là Tần Hiếu Công.
Nếu như Hiếu Công không đồng ý, luật gì cũng không thể thực hiện được, cũng không thể phổ biến được. Sau khi Vệ Ưởng đưa ra biến pháp, ông và hai vị đại phu Cam Long, Đỗ Chí đã có một hồi biện luận trước điện chầu ngay trước mặt Tần Hiếu Công.
Trong lần biện luận này, Vệ Ưởng đã đề xuất một quan điểm rất quan trọng, ông nói “Trị quốc không phải chỉ có một con đường, nếu có lợi cho quốc gia thì không cần học tập người xưa. Thang Vũ trước đây không tuân theo lệ xưa mà trở thành Vương, Hạ Ân không đổi lễ nghi mà bị diệt vong, người làm trái với lệ xưa không phải là không thể, người tuân theo lễ không đáng khen ngợi”.
Ý của ông chính là, quản lý và thống trị quốc gia không phải chỉ có một phương pháp. Nếu như có lợi cho quốc gia, thì không nhất định phải tuân theo cách truyền thống, tỷ như nói Thành Thang và Chu Vũ, họ không tuân theo lễ nghi lúc đầu, nhưng hai người họ trở thành Vương.
Hạ Kiệt và Thương Trụ không cải biến lễ nghi, thế nhưng họ lại bị diệt quốc. Người muốn thay đổi lễ nghi không có gì đáng trách, người theo đuổi đạo lý cổ xưa cũng không đáng tán thưởng đến thế. Lúc ấy, sau khi nghe xong Tần Hiếu Công đã khen “có đạo lý”, và quyết định làm theo cách của Thương Ưởng.
Kỳ thực tôi nói Thương Ưởng là đang đánh tráo khái niệm. Chúng ta biết, “Lễ” của ba triều đại Thương, Hạ, Chu xác thật là không giống nhau. Chẳng phải Khổng Tử đã từng nói, “Lễ đời Hạ ta có thể nói rõ ra được”, “Lễ đời Ân (Thương) ta có thể nói ra được”, sau đó nói tiếp “Lễ nhà Chu so với hai đời kia, phong phú rực rỡ thay, ta theo nhà Chu vậy”. Ý của Khổng Tử là nói, lễ tiết của triều Hạ, triều Thương và triều Chu xác thực không giống nhau. Chúng ta biết “Lễ” chỉ là một loại hình thức, nhưng nội hàm đạo đức của nó không đổi.
Theo sự phát triển chính trị, kinh tế và văn hóa của xã hội, hiện tượng biểu hiện của “Lễ” có chỗ thay đổi, đây là việc rất hiển nhiên, nhưng nội hàm đạo đức bên trong của “Lễ” không thể thay đổi. Hạ Kiệt và Thương Trụ xác thực không cải biến Lễ của nhà Hạ và nhà Thương, nhưng Hạ Kiệt và Thương Trụ là Quân vương bị “đánh hạ” do đạo đức suy đồi, đây mới là nguyên nhân khiến cho họ bị vong quốc.
Vệ Ưởng chỉ nắm lấy biểu hiện mặt ngoài của Lễ, mà lại bỏ rơi nội hàm đạo đức thực chất của Lễ. Ông ta dùng cách đánh tráo khái niệm này để thuyết phục Tần Hiếu Công.
Sau khi thuyết phục được Tần Hiếu Công, Vệ Ưởng bắt đầu thực hiện cải cách. Mặc dù nhận được sự đồng ý của Quốc quân, nhưng ông còn gặp phải sự phản đối đến từ hai phía, một phía đến từ dân chúng, một phía nữa đến từ giới Quý tộc của nước Tần.
Vệ Ưởng làm thế nào để ứng phó với phản ứng của dân chúng đây? Ông đã làm ba việc. Việc thứ nhất được gọi là “tỷ mộc lập tín”, là dời cây gỗ để lập uy tín; việc thứ hai gọi là “kiềm dân chi khẩu”, là bịt miệng người dân, việc thứ ba gọi là “tru sát lập uy”, nghĩa là giết người để lập uy.
Vệ Ưởng sau khi đặt ra những quy định về pháp luật, ông cũng không đem những luật đó ra công bố ngay. Đầu tiên ông muốn làm một việc để nâng cao và khẳng định danh tiếng của mình. Ông cho dựng một cây gỗ ở ngoài cửa phía nam của đô thành nước Tần, đô thành của nước Tần lúc đó là ở Lịch Dương, ông dán một bố cáo nói, nếu như ai có thể mang cây gỗ này từ cửa nam đến cửa bắc, sẽ thưởng cho 10 lượng vàng.
“Vàng” thời đó cũng không phải là vàng như khái niệm vàng của thời chúng ta bây giờ. Vào thời Chiến Quốc, bạc cũng không phải là một loại tiền tệ để lưu thông, còn vàng thật, tức là vàng như chúng ta hiện nay nói tới, thì vào thời ấy còn rất khó để luyện được. Vàng của thời ấy chính là chỉ đồng, 10 lượng vàng là 10 cân (1 cân bằng 0,5kg) đồng thau. Nhưng quý vị biết đấy vào thời ấy, 10 lượng vàng là một khoản tiền rất lớn.
10 lượng vàng lúc ấy tương đương với bao nhiêu tiền của thời bây giờ? Chúng ta không có một con số cụ thể, nhưng căn cứ vào một vài số liệu được ghi chép lại trong “Hán thư – Thực hóa chí”, tôi tính ra, có thể tương đương với khoản chi phí sinh hoạt của một gia đình có năm người trong vài năm. Đây là một số tiền nhiều như vậy.
Chẳng qua là đem một cây gỗ từ nơi này chuyển đến một nơi khác mà thôi. Hơn nữa mọi người cũng biết, thành đô của thời ấy rất nhỏ, có lẽ chu vi chỉ vài cây số, đi từ bên này thành qua bên kia thành, cũng chỉ vài trăm mét.
Sau khi bố cáo được dán lên, có rất nhiều người đến xem, nhưng không có người nào động đến. Một việc đơn giản như thế, phần thưởng lại lớn như vậy, tất cả mọi người cho rằng là một chuyện khó mà tin được.
Vệ Ưởng nghe nói không có người nào động vào bố cáo, đúng không? Vệ Ưởng nói, được, vậy thì đổi vậy. Đem mức thưởng 10 lượng vàng đổi thành 50 lượng vàng. Sau đó có một người đứng ra, nói nước Tần từ trước đến nay chưa từng có ban thưởng lớn như vậy, nhưng kiểu gì thì cũng sẽ có ban thưởng chút ít, để tôi đến chuyển đi thử xem.
Anh ta liền đem cây gỗ từ cửa nam chuyển đến cửa Bắc. Lúc ấy Vệ Ưởng đang chờ ở cửa Bắc, nhìn thấy cây gỗ chuyển tới rồi, Vệ Ưởng nói với người ấy rằng, ngươi là một người lương dân (một người dân hiền lành và an phận), rồi lập tức thưởng cho anh ta 50 lượng vàng. Việc này bỗng chốc đã gây chấn động trong toàn đô thành.
Trên thực tế, Vệ Ưởng thông qua sự việc như vậy, để truyền đi một thông tin rất rõ ràng cho dân chúng – pháp luật là do ta đặt định ra, bất luận pháp luật ấy nghe có vẻ hoang đường đến cỡ nào, nhưng ta có thể bảo đảm là đúng, lời ta nói là chắc chắn. Đây là việc thứ nhất ông ta làm, gọi là dời cây lập uy tín. Nhờ vào việc này, ông ta đã dựng được uy tín của mình trong lòng dân chúng.
Việc thứ hai mà Vệ Ưởng làm, là bịt miệng người dân. Sau khi pháp lệnh được ban bố, có một số người đến trước mặt Vệ Ưởng nói, pháp lệnh này không được, chỗ này không được, chỗ kia không được, là vì sao như thế như thế.
Còn có một nhóm người, đến trước mặt Vệ Ưởng nói, pháp lệnh ban bố ra thật tốt quá, chỗ này tốt như thế nào, chỗ kia tốt ra làm sao. Vệ Ưởng ra lệnh, bất kể là người nói tốt hay nói không tốt, bắt tất cả họ lại, sung quân đến biên cương.
Vệ Ưởng gọi những người nói tốt là “mị lệnh chi dân”, là kẻ nịnh hót, lấy lòng ta; còn có một bộ phận người nói luật mới không tốt, được gọi là “ngạnh lệnh chi dân”, “ngạnh” nghĩa là ngăn cản, cản trở, những người ngăn cản pháp lệnh. Bất kể là kẻ nịnh hót hay là người ngăn cản, Vệ Ưởng nói đều không phải là lương dân.
Trong mắt Vệ Ưởng, lương dân là người như thế nào? Ông ta thông qua việc bịt miệng người dân, để truyền đi một thông tin khác – pháp luật là do ta định ra, đối với dân chúng, việc duy nhất các ngươi có thể làm là tuân theo pháp lệnh của ta đặt ra mà sinh sống và làm việc, mà nộp thuế, mà thực hiện chế độ quân dịch, các ngươi nghĩ nhiều như thế để làm gì?
Ngươi không cần quan tâm pháp lệnh tốt hay là không tốt, ngươi cứ chiếu theo đó mà làm là được rồi. Vệ Ưởng qua cách thức như vậy, trắng trợn tước đoạt năng lực tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của người dân, đây là việc thứ hai mà Vệ Ưởng làm.
Việc thứ ba là giết người lập uy. Vệ Ưởng đã từng tự mình xử quyết tù nhân ở bên bờ sông Vị, một ngày hành quyết hơn 700 người, nhuộm đỏ nước sông Vị, tiếng khóc khắp nơi. Trong “Tư trị thông giám” ghi lại rằng, “Lúc đầu, Thương Quân tướng quốc nước Tần, áp dụng pháp luật tàn khốc, từng giết tù nhân bên bờ sông Vị, nước sông Vị đỏ thẫm”.
Vệ Ưởng giết những người nào? Chúng ta bây giờ không rõ lắm, nhưng nhất định là người chống đối với những luật mới đặt ra. Như vậy Vệ Ưởng thông qua việc dời cây lập uy tín, bịt miệng dân, giết người lập uy, đã loại bỏ được phản kháng và bình luận trong dân chúng đối với pháp luật mới.
Lời bạch: Từ việc dời cây lập uy tín, bịt miệng dân, giết người lập uy, Vệ Ưởng cuối cùng đã phổ biến luật lệ mới của ông vào trong dân gian. Nhưng những cải cách chính trị của ông đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ giới quý tộc nước Tần, đặc biệt là Thái tử. Những thường dân kia nghị luận về luật mới, bị Vệ Ưởng đày tới biên cương.
Đối với Thái Tử, Vệ Ưởng đối xử thế nào đây? Chiếu theo “Tư trị thông giám” ghi chép, “Thái Tử phạm pháp, Vệ Ưởng nói: ‘Pháp không thi hành được, là do người trên vi phạm. Thái Tử là người kế thừa ngôi Vua, không thể thi hành hình phạt. Hình phạt sẽ thi hành lên thái phó của Thái Tử là Công tử Kiền, xăm chữ lên mặt thái sư của Thái Tử là Công Tôn Giả’”.
Vệ Ưởng nói, pháp lệnh không thể thi hành, là do người ở vị trí cao ngăn cản chúng ta, nhưng Thái Tử là người kế vị ngôi Vua của một nước, nên không thể thực hiện hình phạt đối với Thái Tử, vì vậy sẽ xử phạt hai thầy dạy của Thái Tử, một người là Công tử Kiền, một người là Công Tôn Giả. Qua hai sự việc này, ngay cả thầy dạy của Thái Tử cũng sẽ bị Vệ Ưởng xử phạt, thế nên mọi người đều rất sợ Vệ Ưởng. Vệ Ưởng cũng đã xác lập được uy tín của ông ta.
Chúng ta thấy được Vệ Ưởng là một kẻ tàn ác, hơn nữa làm việc không chừa đường sống. Ngươi làm sao có thể đi đắc tội với Thái Tử đây? Thái Tử là người kế thừa ngôi vị Quân Vương của một nước, tương lai sẽ lên làm Vua của ngươi. Nếu như Thái Tử ghi hận với ngươi, đợi đến lúc Thái Tử làm Quốc quân rồi, Vệ Ưởng kia chẳng phải là chết không có chỗ chôn sao? Nhưng Vệ Ưởng không có suy xét nhiều như vậy, ông ta đã cương quyết làm một sự việc như thế.
Mấy thủ đoạn lôi đình này của Vệ Ưởng vừa áp dụng, trong nước lập tức trở nên yên lặng như tờ. Vệ Ưởng bắt đầu phổ biến pháp luật mới của ông. Việc Vệ Ưởng biến pháp gồm có hai lần, mãi cho đến năm 340 TCN, trong quá trình giao tranh với nước Ngụy ông đã giành được Tây Hà, ông mới được Tần Hiếu Công phong đến vùng đất Thương, và được gọi là Thương Quân.
Ông đến từ nước Vệ, vốn mang họ Vệ, sau khi được phong đến vùng đất Thương, ông có thể lấy tên đất làm họ, gọi là Thương Quân. Lúc ấy, Vệ Ưởng mới có thể được gọi là Thương Ưởng. Nhưng do trong sử sách chúng ta vẫn luôn nói, biến pháp của Thương Ưởng, biến pháp của Thương Ưởng, nên chúng ta cũng không phân biệt lắm. Sau này chúng ta có thể nói là Vệ Ưởng, có thể nói là Thương Ưởng, đều nói về một người.
Thương Ưởng là nhân vật đại biểu cho Pháp gia. Trước khi nói về biến pháp của Thương Ưởng, trước tiên chúng ta cần phải nói qua tư tưởng Pháp gia một chút.
Chúng ta biết, Pháp gia có ảnh hưởng rất lớn đối với Trung Quốc. Loại ảnh hưởng này thể hiện trên ba phương diện.
Phương diện ảnh hưởng thứ nhất, tư tưởng Pháp gia đã giúp nước Tần thực hiện được nước giàu binh mạnh, cuối cùng thống nhất trung nguyên. Cũng chính là nói, Pháp gia giúp nước Tần thống nhất, kết thúc sự phân chia và chiến loạn của thời Đông Chu liệt quốc kéo dài 500 năm. Đây là ảnh hưởng thứ nhất của Pháp gia.
Ảnh hưởng thứ hai, Pháp gia phế bỏ chế độ phân phong, thiết lập nên chế độ quận huyện, biến hệ thống chế độ phong kiến của thời Đông Chu trước đây trở thành một hệ thống chế độ chính trị trung ương tập quyền, hơn nữa hệ thống chế độ chính trị này tồn tại kéo dài hơn 2000 năm ở Trung Quốc. Đây là ảnh hưởng thứ hai của Pháp gia, đã thay đổi toàn bộ chế độ chính trị của Trung Quốc hoặc có thể nói là thay đổi phương thức quản lý xã hội Trung Quốc.
Ảnh hưởng thứ ba, mặc dù từ thời nhà Hán trở về sau, Hán Vũ Đế gạt bỏ Bách gia, độc tôn lục kinh của Nho gia, khiến Nho học giành được địa vị Quan học ở Trung Quốc, nhưng bóng dáng của Pháp gia vẫn luôn còn tồn tại.
Trong thời kỳ chiến loạn, không thể tránh khỏi việc đấu tranh quân sự, rất nhiều khi phải vận dụng tư tưởng của Binh gia, mà Pháp gia chẳng qua là đưa những tư tưởng của Binh gia vào quản lý và thống trị xã hội. Nhưng đến khi một quốc gia đã kết thúc chiến loạn rồi, không thể khiến cho toàn dân vẫn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến tranh.
Lúc này đây hẳn là nên dùng đạo Đế Vương của Nho gia để quản lý thiên hạ. Ngay cả Lưu Bang cũng biết, có thể giành thiên hạ trên lưng ngựa, không thể trị thiên hạ trên lưng ngựa. Đến lúc này, quý vị nhất định phải dùng đạo của bậc Đế Vương của Nho gia vào chính trị.
Như thế sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp của Pháp gia. Nhà Tần là Vương triều duy nhất trong lịch sử Trung Quốc lấy tư tưởng Pháp gia để quản lý và cai trị quốc gia.
Đây cũng là lý do vì sao nó là một Vương triều ngắn nhất trong lịch sử Trung Quốc, chỉ tồn tại trong 15 năm. Bởi vì nó không áp dụng bộ Vương đạo của Nho gia, hoặc là dùng phương thức nhân nghĩa để quản lý quốc gia.
(Còn tiếp)
Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (4)
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (3)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!