Truyền thuyết kể rằng, trên đường đi trị thủy Đại Vũ từng gặp một con hồ ly màu trắng có chín cái đuôi dài. Chính hồ ly đã giúp Đại Vũ nên duyên với công chúa nước Đồ Sơn. Câu chuyện vừa thần thoại lại vô cùng lãng mạn ấy đã diễn ra như thế nào?
Đồ Sơn Thổ Địa hiển dị tượng
Sau những ngày vất vả trị thủy sông Hoàng Hà, Đại Vũ lại gấp rút lên đường đến Trường Giang. Đêm ấy ở giữa nơi núi hoang rừng già, ông dựng lều nằm nghỉ, trong lúc mơ màng ông nhìn thấy một thân hình sáng loáng vén màn bước đến. Thì ra đó là một con hồ ly màu trắng có chín cái đuôi dài!
Đại Vũ kinh hãi ngồi bật dậy. Con cáo trắng không hề hoảng loạn, nó bình tĩnh chắp hai chân trước vái chào và nói: “Người anh em, hôm nay tôi đến đây là để cầu được kết thông gia với ngài. Quốc vương nước Đồ Sơn chúng tôi sinh được một nàng công chúa rất xinh đẹp mỹ lệ, nàng vô cùng ngưỡng mộ Đại Vũ ngài. Hôm nay tôi đặc biệt đến đây thỉnh mời ngài đến kết thân”.
Bạch hồ ly ngúc ngoắc đầu nói ra chiều đắc ý, chín cái đuôi phía sau cũng vẫy vẫy theo, lắc lư khiến Đại Vũ hoa hết cả mặt mày.
Đại Vũ xua tay khước từ: “Này anh bạn nhỏ, ta cảm ơn ý tốt của ngươi, nhưng chuyện kết thân thì hãy thôi đi vậy. Ngươi xem, chúng ta không cùng chủng loài, không thể kết duyên được”.
Bạch hồ ly đỏ ửng mặt lên rồi lại trắng bệnh một hồi, nhất thời không nói được lời nào. Sau đó nó quay người, vù vù hóa thành một trận gió lốc màu trắng rồi hiện nguyên hình là một ông lão râu tóc bạc trắng khoác trên mình chiếc áo màu trắng. Trên mặt ông lão vẫn còn thấy màu ửng đỏ lúc trước.
Đại Vũ ngạc nhiên hỏi: “Rốt cuộc ông là người hay là yêu?”.
Ông lão đáp: “Ta không phải người, nhưng cũng không phải là yêu ma”.
Thì ra, vị lão nhân này chính là Thổ Địa của nước Đồ Sơn. Ông lão ngượng ngùng giải thích: “Cậu tiểu tử này, chẳng phải ngươi nói rằng trước khi ngươi kết thân thì nhất định phải xuất hiện cảnh tượng kỳ dị đó sao? Ta đã cho ngươi thấy cảnh tượng kỳ dị rồi, sao ngươi lại không giữ lời thế? Công chúa nước Đồ Sơn chúng ta dung mạo như hoa, ôn nhu hiền tuệ, là ngọc nữ chốn danh môn, biết bao trai tráng đến tận cửa cầu hôn mà không được. Người ta ngưỡng mộ danh tiếng nhà ngươi, không ngại gả cho ngươi, thế mà ngươi lại chẳng biết phải trái tốt xấu thế nào”.
Đại Vũ thở phào: “Đáng ra tại hạ đã đến tuổi phải thành gia lập thất, nhưng ngài thấy đó tôi việc công bận rộn, mỗi ngày đều phải lo trị thủy. Hơn nữa đường đến Đồ Sơn xa xôi nghìn trùng, tôi thực sự không có thời gian để kết thân”.
Ông lão nghe xong liền tươi cười nói: “Muốn trị thủy sông Trường Giang mà cứ ở mãi nơi đây thì không thể trị được, cần phải đến Đồ Sơn thì mới được”.
Đại Vũ cảm thấy rất tò mò muốn biết lý do vì sao. Ông lão nói: “Việc trị thủy đương nhiên là nước chảy tới đâu thì đào kênh khai thông dòng chảy tới đó, dẫn nước đổ vào sông hồ biển lớn. Nhưng riêng đối với Trường Giang, vấn đề lại nằm ở thượng nguồn, nơi đây ẩn náu hai con yêu quái có pháp lực cường đại, chúng làm mưa làm gió thao túng dòng chảy, gây họa loạn nhân gian. Nếu không trừ diệt hai con yêu này thì nước ở vùng hạ du dù làm thế nào cũng không trị được”.
Mấy ngày qua Đại Vũ vì việc trị thủy mà ưu sầu trăn trở, bởi mỗi lần đào xong kênh thì nước lại đi đâu mất, sau hai ngày nước lại đổi hướng rồi ào ạt chảy. Lại đào kênh theo hướng đó, nước lại giống như chơi trốn tìm vậy, không biết đã đi đâu nữa, sau đó lại đổi hướng rồi lại ào ạt chảy. Mặt đất bị đào tới mức xác xơ như lưỡi cày ruộng cạn mà việc trị thủy vẫn không thành. Nghe ông lão nói đến đây Đại Vũ liền bừng tỉnh, mãi đến lúc này ông mới minh bạch thì ra là chuyện gì.
Đại Vũ vội vàng nói: “Cảm ơn lão nhân gia đã chỉ điểm bến mê, vậy tôi sẽ theo ngài cùng đến Đồ Sơn”.
Ông lão vuốt chòm râu và cười vang: “Tốt, ta sẽ ở Đồ Sơn đợi ngươi đến”.
Lời còn chưa dứt vị lão nhân đã biến mất không còn thấy nữa. Đến lúc này Đại Vũ mới nhớ ra rằng, Thổ Địa có thể đi mây về gió, nhưng bản thân ông lại phải dựa vào đôi chân này mà từng bước từng bước đến. Sau đó ông gọi hai tùy tùng thân cận, ngày đêm cấp tốc tới Đồ Sơn.
Duyên trời tác hợp, Đại Vũ kết hôn với công chúa Đồ Sơn
Thật không dễ dàng đến Đồ Sơn, trải qua một chặng đường dài cuối cùng ông cũng đến nơi. Nhưng vừa đặt chân tới cổng thôn liền có một nhóm người đánh chiêng gõ trống vây quanh, miệng hò reo chào đón tân lang. Đại Vũ vội vàng nói, tôi là đến để trị thủy, không phải đến để kết hôn. Nhưng nhóm người ấy nào có nghe, cứ nhất quyết kéo “tân lang” vào trong. Đại Vũ hoảng sợ, trong tâm nghĩ sao họ dám cướp người giữa thanh thiên bạch nhật thế này?
Giữa lúc hai bên đang giằng co thì Thổ Địa chạy đến. Ngài Thổ Địa đưa Đại Vũ đến gặp quốc vương nước Đồ Sơn. Vương quốc Đồ Sơn nằm bên sông Trường Giang, dân chúng kính Thiên tín Thần, thường ngày họ vẫn thờ cúng Thổ Địa, gọi ngài là Lão Tổ Tông. Lão Tổ Tông thấy yêu quái làm loạn ở thượng nguồn, nhưng pháp lực của lão không đủ chống chọi với chúng, nghe nói Đại Vũ trị thủy sông Hoàng Hà rất có thành tựu nên lão muốn giúp Đại Vũ một tay, cũng là để dân chúng hai bên bờ Trường Giang được sống yên ổn, an cư lập nghiệp.
Mọi người hào hứng bàn bạc một hồi lâu, bất giác màn đêm đã dần dần buông xuống tự khi nào. Bỗng có một cô nương xinh đẹp như hoa như ngọc bưng ấm trà bước đến, nhẹ nhàng nói với quốc vương Đồ Sơn rằng: “Thưa cha, bữa tối đã chuẩn bị xong rồi.”
Quốc vương đáp: “Đại Vũ đi đường mệt nhọc rất vất vả, vậy trước tiên hãy ăn tối đã, ăn xong nên nghỉ ngơi sớm một chút, ngày mai còn phải cử hành hôn lễ”.
Đại Vũ vô cùng bối rối, vội nói: “Tại hạ không dám không dám, lần này tôi đến là để trị thủy, hoàn toàn không có ý định thành thân”.
Quốc vương cảm thấy mất mặt không nén được giận, liền phất tay áo một cái, dẫn con gái đi trước. Thổ Địa liền trách cứ Đại Vũ: “Quốc vương Đồ Sơn thành tâm thành ý giúp ngươi trị thủy, lại còn cầu thân với ngươi, thế mà ngươi lại phũ phàng từ chối! Công chúa ngươi cũng gặp mặt rồi, có gì là không xứng với nhà ngươi chứ?”.
Đại Vũ ấp úng đáp: “Lão Tổ Tông xin hãy hiểu cho tại hạ, tôi thứ nhất là không có nhà, thứ hai là không có xe, lương bổng cũng chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, tôi cả ngày ở ngoài làm việc không về nhà, e sẽ làm lỡ dở con gái nhà người ta”.
Thổ Địa nói: “Công chúa nhà chúng tôi không tham luyến tiền tài của ngươi, mà là vì ngưỡng mộ tài hoa và mỹ đức của ngươi nên mới nguyện ý giao phó cả đời này. Mọi người đều biết Đại Vũ đến thành thân với công chúa, thế mà ngươi lại thẳng thừng cự tuyệt, sau này quốc vương và công chúa phải giấu mặt đi đâu? Vậy mà người ta vẫn còn sốt sắng muốn giúp ngươi trị thủy cơ đấy!”.
Đại Vũ trầm tư một lát, trong tâm nghĩ: Chẳng lẽ đây lại là duyên Trời tác hợp? Nếu như ta cứ khăng khăng thoái thác, há chẳng phải là đã làm trái Thiên ý hay sao?
Đến bữa tối, Đại Vũ thấy công chúa Nữ Kiều nép bên cạnh vua cha, nàng tài sắc vẹn toàn, tri thư đạt lý, hơn nữa lại rất mực đoan trang nền nã, quả thật là dẫu có thắp đèn lồng đi khắp thiên hạ cũng không thể tìm được một cô nương nào như vậy. Đại Vũ liền lấy ra khối ngọc mà Đế Nghiêu thưởng cho mình rồi trao tặng cho nàng làm sính lễ. Hôm sau, hai người hân hoan thành thân trước sự chúc phúc của đông đảo dân chúng Đồ Sơn.
Nữ Kiều vọng phu, đá buồn thương hát
Vào ngày thứ ba sau hôn lễ, Đại Vũ đành từ biệt người vợ xinh đẹp vừa mới cưới để tiếp tục đại nghiệp còn dang dở của mình.
Nữ Kiều lúc ấy đã mang thai, mười tháng sau nàng sinh hạ một em bé bụ bẫm đáng yêu. Đại Vũ hay tin thì vạn phần cao hứng, nhưng vì hồng thủy vẫn đang ngập trời, ông chỉ có thể ở nơi xa khấu tạ Thượng Thiên mà không thể trở về nhà thăm vợ con được. Có vài lần đi ngang qua cửa nhà nghe thấy tiếng con khóc, nhưng lại nghĩ đến bách tính vẫn đang khổ sở vật lộn với nước lũ, ông đành nén lòng tiếp tục lên đường.
Hôm ấy Nữ Kiều nghe nói rằng phu quân sắp đi qua Đồ Sơn, nàng sợ để lỡ mất cơ hội gặp mặt bèn ôm con đợi mãi ở cổng thôn. Nữ Kiều đứng trên một tảng đá lớn, đôi mắt vọng nhìn về xa xăm. Thôn dân đi ngang qua liền hiếu kỳ hỏi, rằng nàng đứng đây làm gì vậy? Nữ Kiều thẹn thùng đáp: “Hậu nhân hề y” (chờ đợi người chừ). Chữ “hậu” (候) chính là đợi chờ, ý tứ là tôi đang đợi người. Một lát sau, lại có người qua đường hỏi nàng, nàng lại đáp: “Hậu nhân hề y”.
Bóng chiều khuất núi mà vẫn không thấy bóng dáng phu quân, đứa con trong tay cũng bắt đầu quấy khóc. Nữ Kiều ngóng trông con đường nhỏ trải dài mãi đến tận chân trời, hai hàng nước mắt lưng tròng, nàng ôm con hát:
“Hậu nhân hề y, vọng phu quy hề, quân trị thủy hề, thiếp tâm phán hề.
Hậu nhân hề y, thu thủy xuyên hề, tương tụ hựu tương ly, hà nhật trường tương y”.
Tạm dịch:
Chờ đợi người chừ, mong chồng về chừ, chàng đi trị thủy, lòng thiếp trông mong.
Chờ đợi người chừ, nước thu chảy chừ, đoàn tụ chia ly, ngày nào mới bên nhau dài lâu?
Ở phía Đông Đồ Sơn có hòn Vọng Phu, tương truyền đó chính là tảng đá năm xưa Nữ Kiều đứng ngóng trông Đại Vũ trở về.
“Hậu nhân hề y” là bản tình ca đầu tiên được ghi chép thành văn tự trong lịch sử Trung Hoa. Chuyện Đại Vũ dốc lòng trị thủy, xả thân vì xã tắc, ba lần đi qua cửa nhà mà không vào đã trở thành giai thoại thiên cổ. Vì trị thủy, Đại Vũ một mình gian khổ, luôn xông pha đi đầu, “phi cửu sơn, thông cửu trạch, quyết cửu hà, định cửu châu” (xẻ chín núi, thông chín đầm, khơi chín sông, định chín châu), trải qua 13 năm dãi gió dầm mưa ông đã đi khắp Trung Hoa đại địa.
Phía tây từ sông Hắc Thủy, phía đông đến Trường Giang nhập vào hải khẩu, phía bắc từ Hà Bắc, Sơn Đông, phía nam đến lưu vực trung du và hạ du sông Trường Giang, công trình trị thủy gần như đã bao phủ toàn bộ các địa khu của Trung Hoa. Một công trình rộng lớn được thực hiện trên diện tích bao la như vậy, quả thực là điều vô tiền khoáng hậu, xưa nay chưa từng có. Trong lúc trị thủy ông được các Thần trợ giúp, có thể nói là chư vị Thánh, Thần cùng tương trợ. Ròng rã 13 năm nỗ lực, công trình trị thủy của Đại Vũ khiến nước lớn trăm sông đều đổ về phía đông nhập vào đại hải, sự hùng vĩ của công trình ấy chấn động khắp cổ kim.
Khắp trời hoan ca, Đế Thuấn nhường ngôi cho Đại Vũ
Đại Vũ dựa vào khí âm dương của sông núi và bốn biển để mở núi dẫn nước, giữa hồng thủy mang mang mà đào kênh khơi dòng, đắp bờ san đất, sáng tạo ra đại địa có trật tự để dân chúng sinh tồn, bách tính trong thiên hạ thảy đều có đất bằng để cư trú, có gia viên để lạc nghiệp an cư.
Thi Kinh ca ngợi công lao của Đại Vũ: “Hồng thuỷ mang mang, Vũ phô hạ thổ phương” (Hồng thủy mênh mông, Vũ trị sửa thủy thổ tứ phương).
Tả Truyện chép: “Mỹ tai Vũ công! Minh Đức viễn hí. Vi Vũ, ngô kỳ ngư hồ!” (Công lao của Vũ tốt đẹp thay! Đức sáng tỏa khắp nơi xa xôi. Nếu không có Vũ thì ta đã là cá rồi).
Sử Ký cũng viết: “Đại Vũ bình hoạt thủy thổ, công tề thiên địa”. (Đại Vũ bình ổn thủy thổ, công sánh ngang Trời Đất).
Hồng thủy đã rút, khắp đất trời reo mừng. Đại Vũ đích thân đến Côn Lôn báo cáo với Thiên Đế, đồng thời bái tạ Tây Vương Mẫu. Vương Mẫu Nương Nương phụng mệnh Thiên Đế mở tiệc tiếp đãi Đại Vũ và chúng Thần trợ giúp việc trị thủy, ai nấy đều hoan ca chúc tụng. Tây Vương Mẫu nói rằng, việc trị thủy thành công chính là ý chỉ của Thiên Đế, bản thân nương nương cũng là phụng chỉ mà làm, là dựa vào đại lực của Thiên Đế. Từ đó về sau, trời trong xanh, đất hiền hòa, khắp nơi trong vũ trụ đều hưởng phúc thái bình.
Đại Vũ khổ nhọc đã lập được công lao to lớn. Ròng rã hơn mười năm sương gió, ông hiểu hơn ai hết về phong thổ dân tình, nông nghiệp địa lý, cũng như nỗi khổ của muôn dân trăm họ. Sau này Đại Vũ lên ngôi thiên tử, lập nên nhà Hạ. Người đời sau ngưỡng mộ công lao và đức độ của ông, ca ngợi ông cùng với Thành Thang nhà Thương và Chu Vũ Vương nhà Chu gọi chung là Tam vương. Tam vương thường được hợp xưng với Nghiêu, Thuấn, gọi là Nhị đế Tam vương.
Minh Tâm theo NTDVN.net
Theo An Cát – Sound of Hope
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Gương báu có thể soi chiếu trời đất và vũ trụ, phản chiếu được quỷ Thần và lòng người
- Tư liệu lịch sử về Từ Thứ – cao nhân Tam Quốc tu luyện đắc Đạo
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!