Trong truyện “Tây Du Ký”, biểu hiện của Bát Giới nhiều lúc không được lòng người. Bất luận là năng lực trừ yêu diệt quái hay về phương diện giữ gìn tâm tính, Bát Giới đều không đạt yêu cầu, tuy nhiên vào thời khắc quan trọng thì Bát Giới lại có thể phát huy tác dụng đáng kinh ngạc.
Lúc Đường Tăng gặp nạn tại núi Hiệu Sơn, Ngộ Không bại trận bởi hỏa độc của Hồng Hài Nhi, hơn nữa còn bị hỏa khí công tâm, hồn lìa bỏ xác. Trong lúc nguy khốn, Bát Giới đã triển hiện được thần thái phi phàm, khiến người ta phải kinh ngạc.
Năm thầy trò Đường Tăng sau khi rời khỏi nước Ô Kê thì tiến vào khu vực núi Hiệu Sơn do Hồng Hài Nhi trấn giữ. Thế núi nơi này cao lớn chọc trời, vô cùng hiểm trở. Đường Tăng ngồi trên lưng ngựa, trong lòng vô cùng sợ hãi, lo lắng yêu ma quỷ quái trong núi sẽ ra làm hại. May mà có Ngộ Không trấn an, Đường Tăng mới tạm thời an tâm và tiếp tục tiến về phía trước.
Chiến đấu kịch liệt với kẻ địch mạnh ở núi Hiệu Sơn
Ngờ đâu trong ngọn núi này quả nhiên có một con yêu quái rất có bản sự, tên gọi là Hồng Hài Nhi. Hồng Hài Nhi là con trai của Ngưu Ma Vương, tu hành 300 năm tại Hỏa Diệm Sơn, đã luyện thành Tam Muội Chân Hỏa. Ngưu Ma Vương bảo con trai trấn giữ tại ngọn núi “Hiệu Sơn” này.
Tên Tiểu Yêu này không hề lương thiện, 30 vị Sơn Thần và 30 vị Thần Thổ Địa đều bị hắn ức hiếp vô cùng khổ sở, quần áo rách rưới, khiến họ không cách nào thi triển được Thần lực cũng như hoàn thành trách nhiệm của mình.
Hồng Hài Nhi lập mưu lừa Đường Tăng, tạm thời giữ chân Ngộ Không, rồi tạo nên một trận gió lớn cuốn Đường Tăng đi. Ngộ Không vì cứu Đường Tăng đã đại chiến với con tiểu yêu này. Trong tiểu thuyết mô tả rằng hai người chiến đấu đến mức khiến đất trời mù mịt, mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều không thấy ánh sáng.
Trước khi theo Đường Tăng đi thỉnh Kinh, Ngộ Không đã từng kết bái huynh đệ với Ngưu Ma Vương, luận vai vế thì Hồng Hài Nhi phải gọi Ngộ Không là “thúc phụ”, nhưng giờ đây hai người họ, “người thì xem nhẹ lễ nghi, kẻ thì trở mặt không theo Tam Cương Ngũ Thường”. Ngộ Không bỏ qua lễ nghi, Hồng Hài Nhi không giữ đạo cương thường, hai người tranh đấu hơn thua, bất luận đánh đến trời đất tối tăm mù mịt thì cũng đều là vì Đường Tăng.
Sa Tăng gợi ý Ngộ Không mượn nước của Long Vương
Hồng Hài Nhi chiến đấu với Ngộ Không một hồi lâu mà vẫn không đánh bại được, bèn quyết định đổi chiến lược. Từ trong miệng hắn phun ra một ngọn lửa lớn, từng trận khói phì ra từ trong mũi, trong phút chốc lửa ngút trời, khói mù mịt. Ngộ Không với năng lực trừ yêu lợi hại như vậy cũng không thắng nổi, đành chịu bại trận.
Trong lúc hai huynh đệ Ngộ Không và Bát Giới đang cảm thán về hỏa độc của yêu quái quả thật lợi hại, thì Sa Tăng ngồi tựa gốc cây phì cười. Ngộ Không hiếu kỳ bèn hỏi: “Huynh đệ, đệ cười gì vậy? Đệ có cách gì bắt được yêu quái, giải trừ hỏa trận không?”. Sa Tăng nhắc nhở Ngộ Không rằng theo lý tương sinh tương khắc thì chỉ cần tìm nước đến dập tắt lửa là được rồi.
Ngộ Không nghe xong thì bật cười, cho rằng Sa Tăng nói có lý. Chỉ chăm chăm nói Hỏa trận của yêu quái lợi hại, mà lại quên mất vấn đề then chốt. Yêu quái thi triển hỏa công, vậy đương nhiên phải dùng nước để phá giải.
Ngộ Không ngay lập tức đứng dậy, tìm đến Đông Hải Long Vương để mượn nước, không ngờ điều này lại làm khó Long Vương. Bởi vì việc làm mưa phải do Ngọc Đế hạ chỉ, còn có Thiên Thần ghi chép lại, đồng thời còn phải hiệp lực cùng với các Chư Thần như Lôi Công, Điện Mẫu, Phong Bá, Vân Đồng… thì mới được. Tuy nhiên, vì để viên mãn việc Tây hành thỉnh Kinh của những người có tâm hướng thiện này, Long Vương cuối cùng vẫn đồng ý. Ông còn tìm đến ba vị Long Vương khác, Tứ hải Long Vương tề tựu, cùng với Ngộ Không làm mưa dập lửa.
Chuyện không thể ngờ – Bát Giới cứu Ngộ Không
Tuy nhiên chẳng ai ngờ được rằng, mưa của Long Vương chỉ có thể dập được lửa của nhân gian, chứ chẳng thể dập được Tam Muội Chân Hỏa của yêu quái. Kết quả, mưa lớn trút xuống, tựa như lửa thêm dầu, mưa càng lớn, lửa cháy càng dữ dội.
Ngộ Không mặc dù từng ở trong lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, do đó không mấy sợ lửa, nhưng lại rất sợ khói đặc. Hồng Hài Nhi phun ra một trận khói lửa, Ngộ Không một lần nữa bại trận, dùng nước dập lửa, trái lại còn bị băng nước bức bách, dẫn đến hỏa khí công tâm, hồn lìa bỏ xác, nằm trên đất bất động.
Bát Giới ngày thường hễ hở ra là đòi phân chia hành lý, giải tán ai về nhà nấy, nhưng biểu hiện lúc này thật khiến người ta phải kinh ngạc. Bát Giới hoàn toàn không sợ hãi, cũng không hề có chút hoảng loạn. Vào thời khắc then chốt, Bát Giới đã triển hiện uy phong của Thiên Bồng Nguyên Soái, một cách rất ung dung và trầm tĩnh, cuối cùng cứu được Ngộ Không. Đầu tiên, Bát Giới cho dựng đứng thân thể của Ngộ Không lên, sau đó sửa chân của Ngộ Không theo thế ngồi xếp bằng; làm cho khí thấu tam quan, chuyển minh đường, xung khai khổng khiếu, Ngộ Không lúc bấy giờ mới tỉnh lại.
Biểu hiện của Bát Giới nhiều khi không được lòng người, nhưng vào thời khắc then chốt này, Bát Giới đã rất điềm tĩnh cứu được Ngộ Không, chẳng ai ngờ được kẻ luôn bị Ngộ Không gọi là “tên ngốc” lại có sở trường này.
Sự việc Bát Giới cứu Ngộ Không khiến mọi người liên tưởng đến nhiều điều. Công trình kiến trúc dù to lớn hùng vĩ đến đâu đi nữa thì cũng đều do các vật liệu kiến trúc nhỏ kết hợp với nhau tạo thành. Thầy trò Đường Tăng không ai thập toàn thập mỹ, trên con đường thỉnh Kinh xa xôi vạn dặm, họ tương trợ bổ sung cho nhau. Khi họ cùng đồng tâm hiệp lực, đến cuối cùng thì phát hiện rằng người thường ngày vốn không có gì nổi bật cũng có thể thoát thai hoán cốt, siêu phàm thoát tục.
(Còn tiếp)
Tác giả: Hoàng Phủ Dung
Vương Du Duyệt biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần 2): Du ngoạn bốn cổng thành, bi nguyện ly thế tục [Radio]
- Tư liệu lịch sử về Từ Thứ – cao nhân Tam Quốc tu luyện đắc Đạo
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!
Hay