Đó là kỳ tích gì vậy? Chỉ một hành động thiện lương chân thành không cầu báo đáp, sau bao nhiêu năm, ngay tại thời khắc ngàn cân treo sợi tóc, đột nhiên nhận được sự báo đáp ngoài mong đợi của con người. Việc báo ân sao lại đúng lúc một cách kỳ lạ đến vậy?
Thiện hữu thiện báo, câu chuyện báo ơn kỳ tích
Trong văn hoá phương Đông dạy rằng “ở hiền gặp lành”, tấm lòng thiện lương thực sự mang theo sức mạnh thần kỳ. Sức mạnh ấy có thể mang lại phúc phận cho con người, có thể thay đổi vận mệnh, đem lại bình an cho con người và góp phần phát triển nền văn minh của nhân loại.
Thời cổ đại có truyền lại những câu chuyện như rùa báo ân, thời hiện đại cũng xuất hiện những sự tình tương tự. Những câu chuyện này đã thể thiện một cách chân thực quan niệm về nhân sinh và đạo đức của văn hoá truyền thống.
Đầu tiên phải kể đến một câu chuyện kỳ lạ vào thời nhà Đường. Cha của Lưu Ngạn Hồi từng đảm nhiệm chức Thứ sử Hồ Châu. Khi còn tại nhiệm, cận vệ của ông bắt được một con rùa lớn thân dài một thước và dâng lên cho ông. Các quan lại đều đến chúc mừng, ai cũng bảo ăn thịt con rùa này sẽ dồi dào sức khoẻ, sống thọ ngàn năm.
Nhưng Lưu thứ sử lại không cho là vậy, ông nói rằng bản thân không xứng là người có được con rùa này. Nói xong ông liền cưỡi ngựa đích thân đi phóng sinh con rùa.
Hơn 10 năm sau, Lưu thứ sử qua đời. Con trai ông là Lưu Ngạn Hồi đảm nhận chức Ty sĩ, phụ trách quản lý sự vụ ở Phòng Châu. Có lần châu này xảy ra thiên tai, lũ lụt dâng cao khiến nhà cửa đất đai đều bị nhấn chìm, bốn bề xung quanh đều là biển nước mênh mông. Cả nhà Lưu Ngạn Hồi đều vô cùng lo lắng không biết phải làm gì.
Lúc này, một con rùa lớn không biết từ đâu bơi đến, bộ dạng như muốn mọi người mau đi theo nó. Ngạn Hồi và người nhà đưa mắt nhìn nhau, nói rùa là con vật có linh tính, giờ muốn dẫn đường cho chúng ta, đã rơi vào bước đường cùng này rồi thì chỉ có đi theo nó mới may ra sống sót.
Thế là cả gia quyến hơn 30 người theo rùa lớn rời đi. Nhờ rùa chỉ đường, những chỗ họ đi đều là vùng nước nông, đi được hơn mười dặm thì đến được một vùng đất cao khô ráo. Cuối cùng, cả đại gia đình đã may mắn thoát khỏi thảm hoạ chưa từng có, nét mặt ai nấy cũng ánh lên vẻ vui mừng, hạnh phúc. Nhưng họ hoàn toàn không biết con rùa đến từ đâu, lại càng không hiểu tại sao lại đến cứu cả gia đình.
Đêm đó, Lưu Ngạn Hồi được con rùa báo mộng: “Trước kia gặp nạn rơi vào hố cát, chịu ân huệ của sử quân (cách gọi tôn kính với Thứ sử), nên mới đặc biệt đến báo đáp ân tình”.
Hoá ra là nhờ đức hiếu sinh của phụ thân Ngạn Hồi, trước kia thả con rùa đi nên con cháu đời sau nhận được phúc vận. Con rùa lại rất có linh tính, chịu một ân huệ ấy mà ghi nhớ suốt đời, còn ngay trong lúc cấp bách nhất đến báo đáp ân tình.
(Nguồn: Quảng Dị Ký)
Câu chuyện rùa báo ơn thời hiện đại
Hơn 100 năm trước, tại Đài Loan xảy ra một vụ đắm tàu rúng động cả nước. Vụ việc xảy ra trên bờ biển Bắc Hải thuộc cực bắc của Đài Loan, đoạn từ Cơ Long đến Kim Sơn (thời đó gọi là Kim Bao Lý), tàu Đại Phúc Hoàn đâm vào đá ngầm ở biển Dã Liễu và bị chìm ngay sau đó.
Đây là tai nạn hàng hải rất lớn, trong số hơn 100 người trên tàu thì có đến trên 90 người bị nước biển nuốt chửng. Trong số những người may mắn sống sót có một cậu thiếu niên tên Lâm Thanh Kỳ, 16 tuổi. Câu chuyện Lâm Thanh Kỳ được giải cứu trở thành tin tức nóng hổi hàng đầu của các tờ báo lớn, bởi vì cậu được một con rùa lớn cứu mạng.
Khi đó, Lâm Thanh Kỳ là học sinh trung học phổ thông, để di chuyển từ nhà đến trường đều phải đi tàu Đại Phúc Hoàn. Hôm đó, ở Kim Bao Lý tổ chức lễ hội cung nghênh Thánh Mẫu trên thiên thượng xuống du ngoạn (ngày 6/4 âm lịch), do đó người đi tàu rất đông. Lâm Thanh Kỳ cũng như bao người khác muốn trở về làng để kịp tham gia lễ hội, không ngờ gặp phải tai nạn đắm tàu khiến cậu cả đời cũng không quên được.
Chuyện xảy ra quá đột ngột, cậu rớt xuống biển rồi rơi vào hôn mê. Trong lúc mơ mơ màng màng, cậu lờ mờ cảm giác thấy thân thể mình như được nâng lên. Lúc cậu hồi tỉnh lại, nhìn xuống thì quả nhiên thấy mình đang nằm trên lưng một con rùa lớn. Lâm Thanh Kỳ liền cố gắng ôm chặt chú rùa, mãi đến khi được nó đưa tận vào bờ mới thả ra. Đám đông trên bờ đều chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ này: Trên lưng con rùa biển có khắc 5 chữ lớn là “Ích Nguyên Hiệu phóng sinh”. Ích Nguyên Hiệu là tên cửa hàng của cha Lâm Thanh Kỳ, còn con rùa biển như chiếc bè cứu sinh của cậu.
Cha của Lâm Thanh Kỳ tên là Lâm Tra Mỗ, có một cửa hàng kinh doanh trên phố đặt tên là Ích Nguyên Hiệu, chuyên kinh doanh hàng thời trang và tạp hoá, rất nổi tiếng trong vùng. Ông Lâm còn được biết đến là nhà từ thiện giàu lòng nhân ái. Một năm trước khi tàu Đại Phúc Hoàn gặp nạn, ông Lâm đi qua chợ thì thấy mấy ngư dân đang bán đấu giá một con rùa biển nặng hơn 500 cân (hơn 250 kg) bất hạnh sa lưới. Ông nhìn thấy con rùa đáng thương giương đôi mắt ứa lệ, vươn cổ ra như khấu đầu cầu cứu. Vì động lòng trắc ẩn nên ông đã bỏ ra một món tiền lớn để mua chú rùa khổng lồ này, sau đó lại thuê người lập tức vận thuyển thả nó về biển.
Để đảm bảo con rùa không bị bắt và giết thịt, ông Lâm căn dặn người nọ khắc lên lưng rùa 5 chữ lớn là “Ích Nguyên Hiệu phóng sinh”. Chính 5 chữ này là minh chứng rõ ràng về lẽ Trời thiện hữu thiện báo, hơn nữa còn tạo phúc cho con cháu đời sau. Con trai ông được con rùa cứu mạng, bản thân ông cũng được phúc báo. Trước kia ông đi xem bói, biết tuổi thọ của mình chỉ ở 60 thôi, nhưng sau này nào ngờ không bao giờ ốm đau bệnh tật, sống thọ đến tận 88 tuổi.
Vì vụ đắm tàu được đưa lên trang nhất các tờ báo lớn, lại là ngày diễn ra lễ hội, nên câu chuyện có thật về rùa báo ân đã được nhiều người địa phương cùng du khách chứng kiến và lan truyền rộng rãi. Rùa báo ân đã triển hiện Thần tích, đồng thời cũng chứng minh rằng: Ở hiền ắt sẽ gặp lành, người mang thiện tâm ắt có phúc báo.
Trong kinh Tam Thế Nhân Quả có viết: “Đừng tưởng nhân quả không ai thấy, xa thì con cháu, gần thì tại thân” (Mạc đạo nhân quả vô nhân kiến, viễn tại nhân tôn cận tại thân).
Khi làm việc thiện sẽ nhận phước báo, nó có thể đến với bản thân, lại còn có thể truyền cả cho con cháu đời sau. Câu chuyện rùa báo ân của cả xưa và nay đã đóng góp thêm những minh chứng xác thực về chân lý này.
Trời cao từ bi luôn cảnh tỉnh thế gian con người cần tích đức hành thiện, nhiều lần tiết lộ những đối ứng chân thực về sức mạnh của tấm lòng thiện lương, sức mạnh ấy còn to lớn vượt quá cả sức tưởng tượng của con người. Những ai tin tưởng lẽ ở hiền gặp lành, thiện hữu thiện báo mà biết hành động theo sẽ nhận được nhiều bình an và may mắn. Vậy mới nói, tu thân, tích đức, hành thiện chính là nền tảng vững chắc giúp văn minh xã hội phát triển lâu bền.
Lý Mai biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tống Tựu “Tưới dưa”
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!