Trong “Tây Du Ký”, Tề Thiên Đại Thánh từng thử qua nhiều loại Pháp bảo lợi hại, có thể dễ dàng nhấc bổng Định Hải Thần Châm nặng 13,500 cân, nhưng duy chỉ có một thứ là Đại Thánh không thể cầm nổi, đó là bình Tịnh Thuỷ của Quan Âm Bồ Tát. Vậy bình Tịnh thuỷ rốt cuộc lợi hại đến mức độ nào?
Người phương Đông đã quá quen thuộc với hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu. Trong đó, chiếc bình có tên gọi là bình Thanh Tịnh hay còn gọi là bình Tịnh Thủy, Tịnh Bình. Còn cành dương liễu để vẩy nước cam lồ tưới mát cho chúng sinh, xua đuổi ác nghiệp.
Trong “Tây Du Ký”, khi Bồ Tát đến Trường An tìm người thích hợp đi thỉnh kinh, tình cờ chứng kiến Long vương sông Kinh Hà sau khi bị xử trảm vẫn không ngừng quấy rầy Đường Thái Tông, bèn phất cành dương liễu xua đuổi Nghiệp Long, giải cứu Thái Tông.
Trong cố sự “hái trộm nhân sâm quả”, Tôn Ngộ Không đã ra tay đạp đổ cây nhân sâm ngàn năm trong Ngũ Trang quán. Nhờ nước cam lồ trong bình Tịnh Thuỷ của Bồ Tát, cây Tiên mới được cứu sống.
Trong cố sự Hồng Hài Nhi, nước cam lồ trong Tịnh Bình lại một lần nữa giải cứu thầy trò Đường Tăng, dập tắt ngọn lửa Tam muộn Chân hoả, và thu phục Hồng Hài Nhi.
Từ những câu chuyện trên, có thể thấy bình Tịnh Thuỷ của Bồ Tát thực sự có thần thông vô tỷ.
Nước cam lồ trong Tịnh Bình có thể cải tử hoàn sinh cây Tiên
Khi thầy trò Đường Tăng đến núi Vạn Thọ, đã xin nghỉ nhờ ở Ngũ Trang Quán. Nơi này trồng một cây nhân sâm quý hiếm gọi là Thảo Hoàn đan, là cây báu của Trấn Nguyên Đại Tiên. Giống cây này ba nghìn năm mới ra hoa, ba nghìn năm mới kết quả, lại ba nghìn năm nữa mới chín. Tính ra phải một vạn năm mới được ăn. Và trong một vạn năm ấy chỉ kết được ba mươi quả. Thần tiên ăn một quả có thể sống bốn vạn bảy nghìn (47,000) năm, còn người phàm có phúc ngửi quả có cũng thể sống ba trăm sáu mươi năm.
Nhưng, cây nhân sâm quý hiếm ấy đã bị Ngộ Không ra tay đạp đổ.
Khi hay tin cây quý bị đánh đổ, Trấn Nguyên Đại Tiên đã vô cùng tức giận, liền sai người bắt giữ bốn thầy trò Đường Tăng, nói rằng nếu không hoàn trả nguyên vẹn cây nhân sâm thì kiên quyết không buông tha. Trước cảnh sư phụ và các huynh đệ gặp nạn, Ngộ Không đã đến Tam Đảo Thập Châu để tìm thuốc thần cứu sống cây tiên.
Nhưng loài cây này là linh căn sinh ra từ khi khai thiên tịch địa, Trấn Nguyên Đại Tiên lại là ông tổ của dòng địa tiên, ngay cả Bồ Tát cũng phải kính ông vài phần. Tam Đảo Thập Châu tuy là nơi quy tụ nhiều vị thần tiên nhưng họ đều không có đạo hạnh cao bằng Trấn Nguyên Đại Tiên, thế nên không ai có thể cứu được linh căn đã bị phá đứt.
Ngộ Không lặn lội khắp chân trời góc bể nhưng vẫn không tìm ra phương cách cải tử hoàn sinh cây quý, cuối cùng đành phải đến cầu cứu Quan Âm Bồ Tát. Sau đó, Bồ Tát nói nước cam lồ trong Tịnh Bình có thể phục sinh cây nhân sâm. Ngộ Không đắn đo hỏi: “Ngài đã từng chứng nghiệm chưa?”
Bồ Tát đáp: “Đương nhiên đã từng. Trước kia, Thái Thượng Lão Quân có đánh cuộc với ta: ngài đem cành dương liễu của ta bỏ vào lò luyện đan đốt đến khi cháy xém, rồi lại đưa trả ta, ta cắm vào Tịnh Bình, qua một ngày đêm cành lá lại xanh tươi như cũ.”
Ngộ Không nghe xong liền hào hứng nói: “Thực là hay quá, hay quá! Bị cháy xém vẫn còn chữa được, vậy chữa cây mới quật đổ có khó gì đâu!”
Cuối cùng, Bồ Tát đã dùng nước cam lồ trong Tịnh Bình để hồi sinh cây nhân sâm, khiến cành lá lại xanh tươi như cũ.
Tại sao Tịnh Bình nặng đến nỗi Đại Thánh cũng không cầm nổi?
Chiếc Tịnh Bình trong tay Bồ Tát tuy nhỏ nhắn, chỉ cắm vừa một cành dương liễu, nhưng đựng được bao nhiêu nước quả là điều không ai hay.
Trong “Tây Du Ký”, Ngộ Không từng tận mắt chứng kiến uy lực của chiếc bình, lợi hại đến mức Tề Thiên Đại Thánh còn kinh ngạc một phen.
Khi Hồng Hài Nhi, con trai của Ngưu Ma Vương, bắt được Đường Tăng, Tôn Ngộ Không muốn đến cứu nhưng bị lửa Tam muội Chân hoả làm bị thương. Ngọn lửa này đến cả Long Vương làm mưa cũng không dập tắt được. Ngộ Không lại một nữa đến cầu xin Bồ Tát trợ giúp.
Bồ Tát thả Tịnh Bình xuống biển, trong nháy mắt được một con rùa già cõng lên khỏi mặt nước, Bồ Tát lại lệnh cho Ngộ Không đi lấy chiếc bình. Kỳ lạ thay, dù Ngộ Không dồn hết sức bình sinh cũng không thể nhấc nổi chiếc bình lên, như thể chuồn chuồn lay cột đá, không chút mảy may động đậy.
Trước kia, khi Ngộ Không xuống Đông Hải Long Cung tìm kiếm vũ khí phù hợp với mình, thấy cây kim Định Hải Thần Chân nặng 13,500 cân, nhấc một cái là được ngay, nhưng chiếc Tịnh Bình nhỏ như vậy mà Ngộ Không lại không tài nào nhấc lên nổi.
Hoá ra, khi Bồ Tát thả Tịnh Bình xuống biển, chỉ trong chốc lát, nước của ba sông năm hồ, tám biển bốn ngòi đều được mượn chảy vào chiếc bình. Nhờ đó mới có thể dập tắt ngọn lửa Tam muộn và cứu được Đường Tăng.
Chiếc bình nhỏ trở thành vũ khí lợi hại trong Tam giới
Ngoài những tác dụng kể trên, Tịnh Bình còn có thể dùng làm vũ khí. Đó là khi Ngộ Không đại náo thiên cung, Bồ Tát đã tiến cử Nhị Lang Thần đi bắt Hầu vương. Khi Nhị Lang Thần sử dụng thần thông bao vây được Đại Thánh, Bồ Tát bèn muốn ra tay hỗ trợ một phen.
Bấy giờ, Thái Thượng Lão Quân hỏi: “Bồ Tát sẽ dùng binh khí gì?”
Ngài trả lời: “Ta sẽ tung cái lọ Tịnh Bình và cành dương liễu đánh vào đầu con khỉ kia. Dù không giết được nhưng cũng khiến nó sẩy chân.”
Lão Quân đâm ra lo lắng, dù sao thì Tịnh Bình của Bồ Tát chỉ là chiếc bình sứ, đánh trúng đầu con khỉ thì không nói làm gì, ngộ nhỡ đánh không trúng hoặc đập vào gậy kim cô thì chẳng phải sẽ vỡ tan tành sao?
Theo như lời Lão Quân thì Tịnh Bình của Bồ Tát làm bằng sứ, nhưng khi Đường Tăng trên đường thỉnh kinh gặp nạn, chiếc bình ấy lại phát huy tác dụng khôn lường. Tại sao một chiếc bình sứ khi nằm trong tay Bồ Tát lại có công hiệu lớn phi thường như vậy?
Một chiếc quạt nát khi ở trong tay Tế Công, lại biến thành vũ khí lợi hại, chỉ cần huơ một cái thì có thể ngăn chặn kẻ ác làm điều xấu. Một cành liễu bình thường, khi trong tay Bồ Tát, chỉ cần phất nhẹ một cái, liền có thể chữa bách bệch, xua đuổi nghiệp long. Những vật dụng bình thường lại khởi tác dụng phi thường như vậy là do người sử dụng có đạo hạnh vô vùng cao thâm.
Bởi vì, ở cảnh giới của Bồ Tát, dù ngài dùng pháp khí nào thì pháp khí ấy cũng sẽ được trang bị pháp lực ở cảnh giới Bồ Tát. Tương tự như thế, La Hán dùng vật dụng gì thì đều khởi tác dụng ở tầng thứ La Hán. Còn ở cảnh giới của Phật, dù Phật Đà chỉ dùng một chiếc bát xin cơm tầm thường, nhưng những gì thể hiện ra chính là pháp lực của cảnh giới Phật. Đây là lý do tại sao pháp khí của tiên gia lại hết sức thần kỳ và lợi hại như vậy.
Lý Mai biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần 2): Du ngoạn bốn cổng thành, bi nguyện ly thế tục [Radio]
- Tư liệu lịch sử về Từ Thứ – cao nhân Tam Quốc tu luyện đắc Đạo
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!