Dạy con sáng Đạo: Bài 10 – Mở sách hữu ích

Dạy con sáng Đạo
Ảnh minh họa. (Nguồn: Tam Tự Kinh – NTD Việt Nam)

Lời dịch

Mở sách hữu ích, có chí thì nên
Học rộng biết nhiều, trí thêm sáng suốt
Không thẹn hỏi dưới, nghĩa lý càng tinh
Học không có bạn, hạn hẹp kiến văn

Nguyên văn chữ Hán

開卷有益,志者竟成
博學廣聞,其智益明
不恥下問,義理益精
獨學無友,孤陋寡聞

Âm Hán Việt

Khai quyển hữu ích (1), chí giả cánh thành (2)
Bác học quảng văn, kỳ trí ích minh
Bất sỉ hạ vấn (3), nghĩa lý ích tinh
Độc học vô hữu , cô lậu quả văn (4)

Diễn giải

Người xưa coi trọng việc đọc sách, trau dồi tri thức, lập chí, mới thành người hiền tài. Cổ nhân có câu: “Quân tử ba ngày không đọc sách, soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe”.

(1) Sách Miễn Thủy Yến đàm lục của Vương Tích Chi đời Bắc Tống viết: “Thái Tông mỗi ngày đọc 3 quyển, nếu có việc mà không đọc đủ thì hôm khác sẽ đọc bù. Vua thường nói: ‘Mở sách ra là có ích rồi, trẫm không coi đọc sách là công việc mệt nhọc”

Chuyên cần học tập, hiểu biết cũng dần mở rộng, trí tuệ cũng càng ngày càng sáng suốt.

(2) Sách Hậu Hán thư viết: “Người có chí thì cuối cùng cũng sẽ thành công”. (Nguyên văn: “Hữu chí giả sự cánh thành”)

(3).  Sách Luận ngữ viết: “Không thẹn hỏi dưới” (Bất sỉ hạ vấn) nghĩa là không cảm thấy xấu hổ khi phải học hỏi người thấp kém, khiêm tốn học hỏi thì mới có được học vấn rộng lớn và phẩm đức cao thượng.

(4). Sách Lễ ký viết: “Học không có bạn, hạn hẹp kiến văn”. (nguyên văn: “Độc học nhi vô hữu, tắc cô lậu nhi quả văn”).

Ý Khổng Tử nhấn mạnh học tập cần phải có bạn bè trao đổi thảo luận với nhau để tăng tiến học vấn và phẩm hạnh. Học một mình đơn độc, không có bạn bè cùng bàn luận, chia sẻ thì hiểu biết, kiến văn sẽ hạn hẹp, nông cạn.

Câu chuyện tham khảo

Khổng Tử bái cậu bé là thầy

Mở sách hữu ích
Ảnh Minh họa: NTD

Trong Tam Tự Kinh có câu: “Tích Trọng Ni, sư Hạng Thác”, nghĩa là “Xưa Khổng Tử, coi đứa trẻ Hạng Thác là thầy”.

Hạng Thác là thần đồng của nước Cử. Có một lần Khổng Tử gặp Hạng Thác đang ngồi chơi giữa đường, cản lối xe của mình đi nên xuống ngựa hỏi lý do. Không ngờ Hạng Thác trả lời: “Từ xưa đến nay, chỉ nghe nói xe phải tránh thành chứ không hề có chuyện ngược lại bao giờ”.

Khổng Tử hỏi thành ở đâu, Hạng Thác chỉ tay phía trước mắt, quả nhiên nhìn thấy một thành trì trên mặt đất mà cậu đang chơi. Khổng Tử cảm thấy cậu rất thông minh nên đưa ra một loạt câu hỏi thử trí thông minh của cậu: 

“Lửa nào không khói? Nước nào không cá? Núi nào không đá? Cây gì không cành? Người nào không vợ? Ai kẻ không chồng? Trâu nào không nghé? Ngựa nào không con? Trống nào không mái? Mái nào không trống? Ai là quân tử? Ai người tiểu nhân? Vật gì không đủ? Vật gì có thừa? Thành nào không chợ? Người nào không con?” 

Hạng Thác không chút do dự đáp ngay: 

“Lửa đom đóm không khói. Nước giếng không cá. Núi đất không đá. Cây khô không cành. Tiên Ông không vợ. Ngọc Nữ không chồng. Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con. Trống độc không mái. Mái độc không trống. Hiền là quân tử. Người dại tiểu nhân. Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa. Hoàng thành không chợ. Đứa trẻ không con”.

Khổng Tử thấy cậu tư chất quá đỗi thông minh nên nói: “Trong xe ta có sẵn bộ Song Lục Cục, cậu có muốn chơi cùng ta không?“. (Song Lục là một loại trò chơi đánh trận như chơi cờ tướng ngày nay).

Ai ngờ Hạng Thác đáp: “Nông phu mê chơi, bỏ bê mùa vụ, nho sĩ mê chơi, bỏ bê đèn sách, chư hầu mê chơi, chính sự bất an, việc này vô bổ nên cháu không màng“.

Khổng Tử nghe xong rất lấy làm phục nên hỏi tiếp: “Ta muốn cùng cậu đàm luận việc bình trị thiên hạ, cậu có bằng lòng không?”

Hạng Thác lại trả lời: “Chuyện thiên hạ khỏi phải bình, vì hoặc như núi cao, hoặc như sông hồ, hoặc như vương hầu, hoặc như nô tì. Nếu san bằng núi thì chim chóc không nơi trú ngụ, lấp bằng sông hồ thì cá nhờ đâu bơi lội, bỏ chức vương hầu thì dân không người trị, bỏ nô tì thì chủ nhân không có người để sai khiến, thế nên cháu không bình luận việc thiên hạ”.

Đến lượt Hạng Thác hỏi Khổng Tử 3 câu hỏi, Khổng Tử đều không thể trả lời.

Hạng Thác hỏi: “Trên trời lấp lánh những vì sao, vậy thưa Ngài hỏi sao có bao nhiêu?”

Khổng Tử đáp: “Chuyện dưới đất không thiếu gì, cớ sao lại hỏi chuyện trên trời”.

Hạng Thác lại hỏi: “Vậy dưới đất có bao nhiêu ngôi nhà?”

Đức Khổng Tử lại đáp rằng: “Hỏi chuyện trước mắt chẳng phải là thực tế hơn không? Cần gì nói chuyện trời đất xa xôi”.

Hạng Thác liền thưa: “Vậy thưa Ngài nếu bàn chuyện trước mắt thì Ngài có biết lông mày có bao nhiêu sợi hay không?”.

Khổng Tử không trả lời, chỉ biết cười mà thôi. Ông quay lại nói với các học trò rằng: “Hậu sinh khả úy”. Câu “Hậu sinh khả úy” chính là ra đời từ đây. Nghe nói Khổng Tử vì vô cùng khâm phục Hạng Thác nên đã bái cậu làm thầy. Việc Khổng Tử tôn Hạng Thác làm thầy cũng bởi ông muốn đề cao đức khiêm tốn, làm người cần phải biết học hỏi người khác. Còn câu “Hậu sinh khả úy” ngày nay được dùng để khen ngợi lớp người trẻ có thể vượt xa cha ông, đáng được tôn trọng.

Xem tiếp: Bài 11 – Người có ngũ luân

Trung Dung

(Tham khảo: Aboluowang)

Nguồn: NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x