Trong hồi đầu tiên của kiệt tác “Tây Du Ký” có một người tiều phu, ông chỉ xuất hiện một lần rồi hoàn toàn biến mất. Ông là một người qua đường bình thường? Hay là một vị Thần Tiên đã thấy rõ tiền duyên? Đây là điều khúc mắc trong tâm của rất nhiều độc giả. Đọc lại nguyên tác, bạn sẽ nhận ra rằng trong các câu chữ còn có những hàm ý khác.
Trong phần mở đầu Hồi thứ 8 của “Tây Du Ký”, tác giả Ngô Thừa Ân đã sử dụng từ khúc “Tô Vũ Mạn” sâu sắc mà thương cảm để chỉ ra rằng, tất cả chúng sinh ở hạ giới không biết Phật pháp chân chính, trong bể khổ khó mà quay về tiên giới.
Ông viết rằng:
Thử hỏi cửa thiền:
Học cầu vô số,
Cuối cùng già yếu luôn luôn
Mài gạch làm gương,
Tích băng làm gạo.
Mê lầm đã được bao năm?
Biển rộng bị nuốt bởi sợi lông
Tu di bị nạp vào hạt cát
Mỉm cười ông đầu đà sắc vàng…
Ngộ thì siêu tam thừa, thập địa
Ngưng trệ thì lục đạo, tứ sinh
Ai nghe hiểu,
Bên bờ thôi nghĩ viển vông.
Dưới cây không bóng râm.
Tiếng cuốc kêu, ai hay xuân nhỉ?
Đường Tào Khê hiểm trở,
Mây non Thứu xa xăm.
Nơi ấy tin người thân vắng tanh.
Bờ sông cao nghìn tầng,
Nở hoa sen năm lá,
Điện cổ rèm buông hương thoảng nhẹ,
Thời thế này,
Biết rõ từ cội nguồn,
Chỉ có Long vương tam bảo. [1]
(Nguyên văn: “Thí vấn thiền quan, tham cầu vô số, vãng vãng đáo đầu hư lão. Ma chuyên tác cảnh, tích tuyết vi lương, mê liễu kỷ đa niên thiếu? Mao thôn đại hải, giới nạp tu di, kim sắc đầu đà vi tiếu”.
“Ngộ thời siêu thập địa tam thừa, ngưng trệ liễu tứ sinh lục đạo. Thùy thính đắc tuyệt tưởng nhai tiền, vô âm thụ hạ, đỗ vũ nhất thanh xuân hiểu? Tào khê lộ hiểm, thứu lĩnh vân thâm, thử xứ cố nhân âm yểu”).
Vào hơn 400 năm trước, Ngô Thừa Ân đã dựa vào từ khúc này để chỉ ra rằng: Trên đời có rất nhiều người hướng Đạo, nhưng cả đời cho đến già vẫn luôn đang khổ sổ tìm kiếm, núi non biển bắc đều đã tới, nhưng rốt cuộc vẫn không được gì. Biết bao người lạc trong mê mà “ma chuyên tác cảnh, tích tuyết vi lương” (mài gạch làm gương, lấy tuyết làm gạo), tự hao mòn thời gian của bản thân mình.
Nếu một người có thể lĩnh ngộ chân Pháp chân Đạo, thì người đó có thể thoát khỏi luân hồi với khí khái “mao thôn đại hải, giới nạp tu di” (nuốt cả đại hải, thu nạp cả núi Tu Di), nếu không thì sẽ vĩnh viễn trầm luân trong lục đạo. Người lạc đường cũng giống như bước vào con đường nguy hiểm, lạc trong thâm sơn cùng cốc, không tìm thấy con đường trở về. Nó giống như một người bạn cũ đi xa mãi không về, không một tin tức gì vậy.
Vậy nên, trên con đường chật vật và lạc lối, nếu bạn có thể gặp được một người chỉ đường, thì đó tất nhiên là một điều vô cùng may mắn. Vậy trong “Tây Du Ký”, ai là người đầu tiên chỉ đường cho Ngộ Không bước vào cửa tu luyện?
Sau khi được sinh ra, Ngộ Không đã sống ở Hoa Quả Sơn, tiêu dao tự tại, ngày ngày hưởng lạc suốt 500 năm. Một ngày nọ trong bữa tiệc, Mỹ Hầu Vương đột nhiên tâm sinh phiền não, rơi cả nước mắt. Hóa ra Mỹ Hầu Vương hiện tại mặc dù không chịu sự quản lý của nhân vương, cũng không sợ sinh cầm mãnh thú, nhưng tương lai sau khi già rồi, thì cũng không chạy thoát khỏi Diêm Vương. Sinh lão bệnh tử là rào cản mà Mỹ Hầu Vương không thể vượt qua nổi.
Hầu Vương có tầm nhìn xa, tâm cầu Đạo rộng mở. Nó quyết ý đi khắp trùng dương để tìm Tiên hỏi Đạo, tìm cách nhảy ra khỏi luân hồi và thoát khỏi Diêm Vương. Thế là, một nhóm khỉ đã bẻ cành thông và đan chúng thành một chiếc bè đơn giản. Hầu Vương liền cưỡi sóng gió, vượt biển, đi lên con đường tìm kiếm phép trường sinh.
Nơi đầu tiên nó đặt chân đến là Nam Thiệm Bộ Châu. Hầu Vương băng qua tường thành, đi vòng quanh quận nhỏ, học nghi lễ và ngôn ngữ của người dân trong chợ, sáng ăn tối nghỉ, khổ sở tìm đạo tám, chín năm, nhưng vẫn không tìm thấy gì. Trong mắt của Hầu Vương, con người ở Nam Thiệm Bộ Châu đều là vì danh vì lợi, không có ai muốn quay đầu, sống yên thân khởi phận.
Thời gian tám, chín năm trôi qua trong nháy mắt. Một ngày nọ, Hầu Vương đột nhiên có một linh cảm, nghĩ rằng phải đi đến một châu khác mới có thể tìm thấy Thần Tiên. Thế là nó lại làm một cái bè gỗ khác, lần nữa vượt biển để đến Tây Ngưu Hạ Châu.
Ở trong mắt của Phật Như Lai, Tây Ngưu Hạ Châu không phải là nơi tham lam tàn sát, mà là nơi luyện hóa linh khí. Người ở đây mặc dù không phải ngang với chân nhân, nhưng ai cũng đều rất trường thọ. Hầu Vương sau khi đặt chân lên Tây Ngưu Hạ Châu, nhìn thấy tứ bề là núi cao hùng vĩ, cây cối sum suê, khắp nơi đều là kỳ hoa dị thảo, linh chi ngọc diệp.
Hầu Vương bị hấp dẫn bởi cảnh tượng trước mặt. Đúng lúc đang trầm ngâm ngắm cảnh, đột nhiên nghe thấy có người đang hát. Tiếng hát trong trẻo đi thẳng vào lòng người:
Xem cơ mục cán rìu rồi,
Chặt cây chan chát trên đồi cây xanh.
Cửa hang lững thững mây lành,
Bán củi mua rượu thỏa tình say sưa.
Đêm thu trời biếc sao thưa,
Gối cây nằm khểnh, hững hờ ngắm trăng.
Vô tư đánh một giấc nồng,
Sáng rồi ta lại vào rừng chặt cây.
Chiều về một gánh trên vai,
Nghêu ngao giữa chợ đổi vài thúng ngô.
Thời giá vẫn rẻ như xưa
Lường thưng tráo đầu lọc lừa làm chi.
Mặc vinh nhục, kệ thị phi,
Ung dung điềm đạm ta thì sống lâu
Gặp nhau: Phật đạo phép màu
Bình tâm tĩnh tọa giảng câu “Hoàng đình” [2]
(Nguyên văn: “Quan kỳ kha lạn, phạt mộc đinh đinh, vân biên dục khẩu từ hành. Mại tân cô tửu, cuồng tiếu tự đào tình. Thương kính thu cao, đối nguyệt chẩm tùng căn, nhất giác thiên minh. Nhận cựu lâm, đăng nhai quá lĩnh, trì phủ đoạn khô đằng. Thu lai thành nhất đảm, hành ca thị thượng, dịch mễ tam thăng. Canh vô ta tử tranh cạnh, thời giá bình bình. Bất hội cơ mưu xảo toán, một vinh nhục, điềm đạm diên sinh. Tương phùng xứ, phi tiên tức đạo, tĩnh tọa giảng ‘Hoàng đình’”).
Hầu Vương nghe vậy mừng rỡ, vội vàng nhảy ra xem thì thấy đó là một tiều phu đang đốn củi. Hầu Vương ngây thơ hồn nhiên, buột miệng nói “Lão Thần Tiên!”. Tiều phu quay lại đáp lễ, nhưng không tự xưng là Thần Tiên. Ông cười và giới thiệu với Ngộ Không rằng từ khúc đó tên là “Mãn Đình Phương”, là do một vị Thần Tiên dạy. Vị Thần Tiên đó là hàng xóm của ông. Vì để ông giải sầu, giải khốn, vị Thần Tiên ấy đã dạy ông từ khúc này.
Tiều phu nói với Ngộ Không rằng, “Linh đài phương thốn sơn, tà nguyệt tam tinh động” chính là nơi Ngộ Không có thể cầu Đạo. Người Trung Quốc cổ đại nói “linh đài”, “phương thốn” là chỉ Tâm, mà “tà nguyệt tam tinh động” cũng là một chữ Tâm (心), ý tứ chính là chỉ có hướng vào tâm mà tu, mới có thể tu thành. Dưới sự chỉ dẫn của người tiều phu, Hầu Vương đã vào Tam Tinh Động bái Bồ Đề tổ sư làm thầy, rồi từ đó bước vào con đường tu luyện.
So với 100 chương hồi của cuốn tiểu thuyết, đoạn người tiều phu xuất hiện là rất ngắn gọn và dễ bị người đọc bỏ qua. Từ mô tả của Ngô Thừa Ân trên bề mặt con chữ, hầu hết mọi người sẽ nghĩ rằng ông ấy là một người trần mắt thịt hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, không muốn xuất gia.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, bạn sẽ thắc mắc về thân thế của người tiều phu này. Người tiều phu tự xưng là hàng xóm của Bồ Đề tổ sư. Bồ Đề tổ sư là Đại Giác Kim Tiên “toàn khí toàn thần vạn vạn từ”, là đại pháp sư uy nghi ở phương Tây, bất sinh bất diệt, không tịch chân như, có thể trường thọ với trời đất, năng lực và đạo hạnh của ông không thua kém gì Phật Đà.
Phương Tây diệu tướng Bồ Đề tổ sư.
Không sinh diệt, đức cao xa,
Thần tròn khí vẹn rất là từ bi.
Chân như bản tính an vi.
Tự nhiên không tịch, tùy nghi biến dời.
Trang nghiêm thọ sánh đất trời,
Pháp sư muôn kiếp sáng ngời là đây. [3]
Để một tiều phu có thể làm hàng xóm với Thần Tiên như vậy, thì hẳn là ông ấy thuộc về cõi thần linh, mà không phải người phàm.
Người bình thường nhìn thấy tướng mạo khác người của Ngộ Không đều bị dọa sợ, đó là một khuôn mặt gồ ghề với răng nanh nhô ra khỏi miệng. Rất nhiều người khi thấy Ngộ Không xuất hiện đã sợ đến mức trốn sau cánh cửa, dưới gầm giường, không dám chui ra. Còn người tiều phu thì không hề sợ sệt, ông còn cười nói với Ngộ Không.
Theo mô tả của “Tây Du Ký”, Hoa Quả Sơn là sơn mạch tổ tiên của mười châu, là kình thiên trụ, nơi giao nhau của trăm con sông, gốc của đại địa vạn kiếp không di chuyển.
Ngộ Không nhảy ra từ khối tiên thạch trên Hoa Quả Sơn, sinh ra đã có thần thông, hai mắt phát ra kim quang phóng thẳng tới cung điện Lăng Tiêu của Ngọc Hoàng Đại Đế, thậm chí còn kinh động tới thiên giới chúng Thần. Như vậy có thể thấy Ngộ Không không phải là con khỉ bình thường, Hoa Quả Sơn quả nhiên cũng không phải nơi chốn ở nhân gian.
Ngộ Không sinh ra ở Hoa Quả Sơn, lai lịch đã là bất phàm, nhưng khi cầu Đạo vẫn phải chịu một phen gian khổ, vượt qua rất nhiều bất trắc. Con đường giải thoát mà Ngộ Không khổ sở tìm kiếm, nay đã được người tiều phu nói ra dễ dàng như trở bàn tay. Nếu là một phàm nhân, thì làm sao có thể hiểu rõ nơi chốn của Thần Tiên như thế?
Lúc này Ngộ Không vẫn chưa bước đi trên con đường tu luyện, còn người tiều phu không cần tu hành mà đã có thể là hàng xóm của Thần Tiên rồi. Một người như vậy lẽ nào là hạng người bình thường? Từ lời hát: “Mặc vinh nhục, kệ thị phi, Ung dung điềm đạm ta thì sống lâu. Gặp nhau: Phật đạo phép màu. Bình tâm tĩnh tọa giảng câu ‘Hoàng đình’”, cũng đã mơ hồ tiết lộ cảnh giới của người tiều phu rồi.
Nhìn bề ngoài, người tiều phu có vẻ giống kẻ phàm phu tục tử, làm những việc thông thường như đốn củi mua gạo, thổi lửa nấu cơm và báo hiếu cha mẹ. Mặc dù ông đã siêu thoát khỏi vinh nhục, điềm đạm vĩnh sinh, nhưng cũng không tự xưng là Thần Tiên. Có thể thấy rằng, “Tây Du Ký” đã diễn giải tâm thái thực sự mà một cao nhân phải có từ một góc độ khác.
Chú thích:
[1], [2], [3]: Trích dẫn từ Hồi thứ 8, Hồi thứ nhất – Bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Tây Du Ký” của dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh.
Tác giả: Hoàng Phủ Dung
Lâm Phương Vũ biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần 2): Du ngoạn bốn cổng thành, bi nguyện ly thế tục [Radio]
- Tư liệu lịch sử về Từ Thứ – cao nhân Tam Quốc tu luyện đắc Đạo
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!