Con số “huyền cơ” trong Phật gia, Đạo gia, và Tứ đại danh tác

Huyền Cơ

Có những con số rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng trong cổ thư và các kinh điển của hai gia Phật, Đạo, chúng lại mang nội hàm thâm sâu thần bí. Dường như những con số huyền cơ ấy có mối liên hệ kỳ diệu với vũ trụ của chúng ta. 

Số 3: Số sinh

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử kể về thời kỳ Tam Quốc do La Quán Trung viết. Tên gọi tác phẩm bắt đầu bằng số 3 (Tam), số các chương hồi là bội số của 3 với 120 hồi. Nội dung xoay quanh ba chiến dịch lớn là trận chiến Quan Độ giữa Viên Thiệu và Tào Tháo, trận Xích Bích giữa liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị và Tào Tháo, và trận Di Lăng giữa hai nước Thục Hán và Đông Ngô. Bên cạnh đó, tiêu đề của rất nhiều chương hồi trong tác phẩm cũng bao hàm con số “3”: 

Hồi thứ nhất: “Yến vườn đào ba anh hùng kết nghĩa”.
Hồi thứ năm: “Phá quan binh, tam anh chiến Lã Bố”.
Hồi thứ 12: “Đào Cung Tổ ba lần nhượng Từ Châu”.
Hồi thứ 17: “Tào Mạnh Đức gặp ba ông tướng”.
Hồi thứ 22: “Viên, Tào đều cất ba quân mã bộ”.
Hồi thứ 25: “Đóng thổ sơn, Quan Công giao ước ba việc”.
Hồi thứ 37: “Lưu Huyền Đức ba lượt đến lều tranh”.
Hồi thứ 38: “Long Trung quyết kế, thiên hạ chia ba”.
Hồi thứ 39: “Thành Kinh Châu, công tử ba lần cầu kế”.
Hồi thứ 56: “Khổng Minh Ba lần trêu tức Chu Du”.
Hồi thứ 88: “Biết trá hàng, Mạnh Hoạch ba phen bị bắt”.
Hồi thứ 92: “Gia Cát Lượng dùng mẹo đoạt ba thành”.
Hồi thứ 120: “Bắt Tôn Hạo, tam phân lại hợp nhất”.

Huyền Cơ,
Yến vườn đào ba anh hùng kết nghĩa (Ảnh: Wikimedia Commons)

Một tác phẩm khác trong Tứ đại danh tác là “Thủy Hử” của Thi Nại Am, kể về các anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc. Trong truyện, các chiến dịch nổi tiếng có quan hệ với số 3, như: “Tam đả Chúc gia trang” (ba lần đánh Chúc gia trang), “Tam sơn tụ nghĩa đả Thanh Châu” (anh hùng từ ba núi tụ nghĩa, đánh Thanh Châu), “Tam bại Cao Cầu” (ba lần đánh bại Cao Cầu), “Lỗ Trí Thâm tam quyền đả tử Trấn Quan Tây” (Lỗ Trí Thâm đánh chết Trấn Quan Tây bằng ba nắm đấm).

Trước khi đả hổ trên đồi Cảnh Dương, Võ Tòng đã uống liên tục mười lăm bát rượu vì “ba bát không qua đồi”, sau này khi triều đình chiêu an cũng phải trải qua ba lần. 

Trong “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân, rất nhiều tình tiết đặc sắc cũng đều liên quan đến số 3, ví dụ như ba lần đánh Bạch Cốt Tinh và ba lần mượn quạt Ba Tiêu, v.v. 

Một danh tác khác là “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần cũng bao gồm các tình tiết và mô thức về số 3, như “Bà Lưu ba lần vào phủ Vinh Quốc”, và “Kim Uyên Ương ba lần tuyên nha bài lệnh”, v.v.

Không chỉ Tứ đại danh tác, mà trong các giáo lý của Phật giáo và Đạo giáo cũng thường thấy con số 3 kỳ bí. Tam giáo là ba tôn giáo lớn ở phương Đông, gồm có Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Phật giáo có: 

Tam Bảo: Phật, Pháp, tăng.
Tam quy y: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y tăng.
Tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới.
Tam học: Giới, Định, Huệ.
Tam tư lương: Tín, nguyện, hạnh.
Tam phúc: Nhân Thiên phúc, Nhị Thừa phúc, Đại Thừa phúc.
Tam tạng: Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng.
Tam Pháp ấn: Chư hành vô thường ấn, chư Pháp vô ngã ấn, niết bàn tịch tĩnh ấn.
Tam nghiệp: Thân, khẩu, ý.

Còn trong Đạo giáo, 3 là số sinh, những yếu tố khác đều từ số 3 mà sinh ra. Kinh Dịch có câu: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”, do đó số 3 được coi là con số lớn nhất. Ba vị Thần tối cao trong Đạo giáo gọi là “Tam Thanh”, gồm có Ngọc Thanh (Nguyên Thuỷ Thiên Tôn), Thượng Thanh (Linh Bảo Thiên Tôn), và Thái Thanh (Đạo Đức Thiên Tôn).

Huyền Cơ,
Từ trái qua phải: Đạo Đức Thiên Tôn, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Linh Bảo Thiên Tôn. (Phạm vi công cộng)

Số 5: Ngũ hành

“Tây Du Ký” chú trọng thuyết Ngũ hành, thầy trò Đường Tăng cũng là thể hiện cho các yếu tố Ngũ hành.

Tôn Ngộ Không đại diện cho hành Kim. Người ta thường nói ‘vàng thật không sợ lửa’, do đó Ngộ Không bị nhốt trong lò Bát Quái của Lão Quân đã luyện được Hỏa nhãn kim tinh. Vì Hỏa khắc Kim, lửa tuy không thể diệt được Ngộ Không nhưng lại có thể làm Ngộ Không bị thương.

Đây chính là lý do vì sao Ngộ Không sợ lửa Tam Muội Chân Hỏa của Hồng Hài Nhi và lửa Hỏa Diệm Sơn. Lại nói, vì sao Ngộ Không có thể lấy được gậy Kim Cô? Vì Ngộ Không và Kim Cô bổng là đồng nguyên, có cùng nguồn gốc, cùng là mệnh Kim.

Trư Bát Giới đại diện cho hành Mộc. Vì Thủy sinh Mộc, do đó Bát Giới có thể thống lĩnh tám vạn thủy quân trên Thiên Hà, có lợi thế tác chiến dưới nước. Còn Ngộ Không là Kim, lại là Hỏa trong Kim, không quen thủy chiến. Khi Thạch hầu sinh ra từ tảng đá, kim quang tỏa ra tứ phía, xung thẳng lên Thiên giới làm chấn động Ngọc Đế, nhưng vì thạch hầu uống nước nên kim quang tắt mất, bởi vì nước có thể làm vàng suy yếu.

Bạch Long Mã đại diện cho hành Thủy. Bạch Long Mã vốn là con trai của Long Vương, rồng là Thần mưa, khi giáng mưa xuống sẽ làm cho mưa thuận gió hòa, lương thực tươi tốt, ngũ cốc được mùa. Lại nói, nước tiểu của rồng là báu vật, nếu tưới nơi rừng núi thì cỏ cây sẽ biến thành linh chi, nếu rải xuống sông hồ thì cá chép sẽ hóa rồng, lại có công dưỡng thành vạn vật.

Đường Tăng đại diện cho hành Hỏa. Ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) có quan hệ với ngũ tạng (Tâm – Can – Tỳ – Phế – Thận). Tâm là nội tạng đầu tiên trong ngũ tạng, cho nên Ngộ Không làm huynh trưởng. Hỏa chiếu sáng tâm, Hỏa là hạt nảy mầm trong tâm, do đó Ngộ Không và các sư đệ đều bái Đường Tăng làm thầy.

Sa Tăng đại diện cho hành Thổ. Thổ bất động và kiên định nhất, vì Hỏa sinh Thổ, do đó Sa Tăng là đệ tử trung thành nhất của Đường Tăng.

Huyền Cơ,
Bốn thầy trò Đường Tăng (Ảnh: Wikimedia Commons)

Trong Phật giáo có Ngũ căn và Ngũ lực. Ngũ căn là năm giác quan: mắt, tai, mũi, miệng, và thân. Ngũ thiện căn là năm căn lành, gồm có Tín căn, Tinh tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn. Ngũ thiện căn sinh ra năm loại lực lượng, gọi là Ngũ lực: Tín lực, Tinh tiến lực, Định lực,… Phật giáo cũng có Ngũ giới, gồm có: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. 

Đạo giáo có Ngũ lão Ngũ phương, tức các vị Thần của năm phương vị trên Thiên đình; lại có Ngũ phương Thượng đế, tức năm vị Thần cai quản năm phương hướng, gồm có Hoàng Đế, Thanh Đế, Bạch Đế, Xích Đế, và Hắc Đế.

Số 7: Thất tinh

Trong “Thủy Hử” có cố sự “Thất tinh tụ hội, trí thủ sinh thần cương” (bảy sao tụ hội, dùng trí cướp Sinh Thần Cương – báu vật Lương Trung Thư chúc thọ Sái Kinh). Trong câu chuyện này, bảy người trong nhóm Tiều Cái, gồm có Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, Lưu Đường, Bạch Thắng và ba anh em họ Nguyễn là đến từ “Bắc Đẩu thất tinh”, điều này thể hiện tư tưởng “Thiên nhân cảm ứng” của tác giả.

Liên quan đến con số 7, trong Phật giáo có thất pháp, thất ác chi, thất tâm giới, thất Phật giả, thất tông, thất sự tùy thân, thất Đà La Ni, vị chi thất cấu, thất tình… Lại có: Thất phương tiện, thất trí, thất thánh tài, thất nghịch, thất xử thiện, thất xử bát hội, thất tụ, thất âm, thất hải…

Số 9: Cực của số dương

Cổ nhân nhìn nhận rằng, số của trời đất bắt đầu bằng “Nhất”, kết thúc bằng “Cửu”. Số 9 có ý nghĩa dương, nghĩa là nhiều. Tôn giáo nhìn nhận rằng số 9 liên hệ mật thiết với tu luyện, cổ ngữ cũng có câu: “Cửu cửu quy chân”. Cửu cửu tám mươi mốt là bội số của 9, con số thần bí này có ý nghĩa hô ứng với Thiên Địa.

Theo cuốn sách “Vân cấp thất thiêm, Đạo giáo tam động tông nguyên” của Tống Trương Quân, phần “Tam Thanh” phân chia Thần Tiên thành chín phẩm: “Thái Thanh cảnh có cửu Tiên, Thượng Thanh cảnh có cửu Chân, Ngọc Thanh cảnh có cửu Thánh, tam cửu là 27 vị”. Cửu Tiên là: Thượng Tiên, Cao Tiên, Thái Tiên, Huyền Tiên, Thiên Tiên, Chân Tiên, Thần Tiên, Linh Tiên, Chí Tiên.

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đại tướng Khương Duy chín lần xuất quân đánh Ngụy, gọi là “cửu phạt Trung Nguyên”. Trong “Tây Du Ký”, bốn sư đồ phải trải qua chín chín tám mươi mốt nạn mới lấy được chân kinh. Hồi thứ 99 viết: “Cửu cửu số hoàn ma diệt tận, tam tam hành mãn đạo quy căn” (Tám mươi mốt nạn yêu ma hết, Vẹn tròn công quả đạo về nguồn). 

Số 108

Cuốn sách cổ “Hồng Tuyết Nhân Duyên Đồ Ký” chép: Cách đánh chuông chùa ở mỗi nơi mỗi khác. Ở Hà Nam, hồi đầu có 36 tiếng chuông, ở giữa 36 tiếng chuông, hồi cuối cũng là 36 tiếng chuông, cộng lại thành 108 tiếng. Ở kinh đô đánh 18 tiếng chuông nhanh, 18 tiếng chuông chậm, sáu lượt như vậy hợp thành 108 tiếng. Có thể thấy, tiết tấu gõ chuông ở chùa miếu các nơi cho dù khác nhau về vận luật, nhưng số lần gõ đều là 108.

Phật giáo cho rằng, con người có 108 loại phiền não, gõ chuông 108 lần có thể giải trừ phiền não trong tâm. Hòa thượng khi niệm kinh thường đọc 108 lượt, đồng thời tay lần lần 108 hạt Phật châu để biểu thị lòng thành tín và tâm kính ngưỡng đối với Phật.

Pháp thân Phật giáo có 108 vị Bồ Tát. Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở cung trời Đâu Suất chuẩn bị hạ xuống nhân gian, Ngài đã ngự ở chòm sao Sư Tử, từng tuyên giảng qua 108 loại Pháp môn.

Trong Đạo giáo có thuyết rằng, trên trời có 108 vì tinh tú trợ giúp Thái Sơn Thần điều khiển cõi U Minh. Đạo giáo cho rằng, chòm sao Bắc Đẩu Tùng Tinh có 36 sao Thiên Cang và 72 sao Địa Sát. Bên cạnh đó, nơi ở của Thần Tiên có 36 động thiên và 72 phúc địa, nếu cộng lại sẽ được con số 108.

Huyền Cơ,
Thủy Hử” viết về 36 Thiên Cang, 72 Địa Sát, tổng cộng có 108 người anh hùng (Ảnh: Sound of Hope tổng hợp)

Nói về Tứ đại danh tác, “Thủy Hử” viết về 36 Thiên Cang, 72 Địa Sát, tổng cộng 108 nhân vật. Trong “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không có 72 phép biến hóa, Trư Bát Giới có 36 phép thần thông, hợp lại là 108 phép. “Hồng Lâu Mộng” viết 108 cây trâm vàng, tượng trưng cho 108 người con gái đẹp. Con số 108 này có quan hệ mật thiết với cả Phật gia và Đạo gia.

Theo Hồng học gia Chu Nhữ Xương, cuốn sách hoàn chỉnh ban đầu của “Hồng Lâu Mộng” là “Thạch Đầu Ký” có 108 hồi. Hơn nữa, phần chính văn còn có danh sách các nhân vật trong 108 câu chuyện tình trâm vàng.

“Thạch Đầu Ký” sử dụng kết cấu 9×12, toàn sách có 12 phần, mỗi phần có 9 hồi, cứ mỗi bội số của 9 sẽ có một sự kiện trọng đại. Ví dụ như hồi thứ 18 là hai lần của số chín, kể chuyện Nguyên phi về thăm thân. Hồi thứ 27 là ba lần của số chín, kể chuyện Bảo Ngọc và các chị em vào vườn, Đại Ngọc chôn hoa.

Hồi thứ 36 là bốn lần chín, kể về “Giáng Vân mộng lành báo trước” và “viện Lê Hương duyên đẹp định rồi”. Cứ như vậy đến sáu lần chín, hồi thứ 54 là vừa tròn một nửa số, đây cũng là lúc đến đại lễ mừng tiết Nguyên Tiêu. Kể từ đó, tình cảnh bút mực tiến vào cảnh “suy”, lời văn toát lên giọng điệu bi thương sầu thảm.

hong lau mong minh chan tuong
Tranh minh họa “Hồng lâu mộng” của đại sư, họa sĩ trứ danh Tôn Ôn thời nhà Thanh (Ảnh: Bảo tàng Lữ Thuận Đại Liên)

Con số bí ẩn trong thọ mệnh của Tôn Ngộ Không và trọng lượng của Kim Cô bổng

“Tây Du Ký” hồi thứ ba, Ngộ Không xuống Địa phủ và xóa tên khỏi sổ Sinh Tử. Trong truyện viết:

“Thấy còn một cuốn sổ khác, Ngộ Không bèn tự mình kiểm tra lấy, đến mãi số hồn một nghìn ba trăm năm mươi mới thấy viết tên Tôn Ngộ Không, là con khỉ đá trời sinh ra, thọ ba trăm bốn mươi hai tuổi thì hết số”.

ton ngo khong tay du ky minh chan tuong
Tôn Ngộ Không (Ảnh: Wikimedia Commons)

Vì sao Ngộ Không chỉ có thể sống thọ đến 342 tuổi? Con số này có huyền cơ gì chăng? Cổ nhân cho rằng, mỗi chu kỳ một Nguyên của vũ trụ kéo dài 4.617 năm. Ngộ Không tìm thấy tên gọi “Tôn Ngộ Không” thuộc số hiệu thứ 1350 trong sổ Sinh Tử, trên đó ghi chép rằng thọ mệnh là 342 tuổi.

Nếu lấy 1350 × 342 = 461.700, con số này vừa khớp là chu kỳ 100 Nguyên. Điều này có ý nghĩa là, gạch tên nơi Địa phủ là để khởi đầu cho một kỷ nguyên hoàn toàn mới của Tôn Ngộ Không.

Không phải là ngẫu nhiên khi gậy Như Ý Kim Cô bổng của Tôn Ngộ Không nặng 13.500 cân. Theo “Hoàng Đế Nội Kinh”, con người một ngày một đêm hít thở 13.500 lần. Trong “Tây Du Ký”, nguyên mẫu đời thực của Tử Dương Chân Nhân nước Chu Tử là Trương Bá Đoan thời nhà Tống, tác giả của cuốn “Kim Đan Tứ Bách Tự”.

Trong sách có câu: “Đại tắc nhất nhật kết nhất vạn tam thiên ngũ bách tức chi thai, tiểu tắc thập nhị thì hành bát vạn tứ thiên lý chi khí”, ý tứ là một người mỗi ngày hít thở dài 13.500 lần, hít thở ngắn 84.000 lần. Kim Cô bổng cũng giống như hơi thở, là vật mà thời khắc ngày đêm không thể rời thân của Ngộ Không. 


Theo Huệ Minh – Sound of Hope

Minh Hạnh biên dịch

Link bài dịch: NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x