Đạo Đức Kinh được cho là do Lão Tử viết viết vào thế kỷ 4-6 TCN, cách đây khoảng 2,400 năm để những nhà trị nước hay những kẻ sắp ra cầm quyền một đường lối trị quốc trong hòa bình, để lòng dân yên ổn.
Có lẽ vì mục kích tình trạng thê thảm, ly loạn do chiến tranh thời Xuân Thu, Chiến Quốc mà Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử cùng các Pháp gia thời ấy đều mong muốn đưa ra một giải pháp an bang tế thế
Quân tử không ưa dùng binh khí
Thời Chiến Quốc, giặc giã liên miên, người chết thây nằm chật đất, bởi vậy, không có tai họa nào lớn trong đời bằng cái họa chiến tranh. Cho nên ông khuyên: “Người giữ đạo mà phò vua thì không dùng binh lực để mạnh hơn thiên hạ. Vì việc như vậy thường hay quay ngược trở lại hiếu chiến thì lại chết vì chiến tranh”.
Lão Tử khuyên không nên dụng binh, dụng võ, vì binh đao gây họa khôn cùng. Nếu cần dùng đến võ lực, thì cũng chỉ dùng trong những trường hợp bất khả kháng chứ đừng nên cậy mạnh, cậy thế, đừng nên dùng binh đao để xâm lăng.
Sở dĩ các bậc đại nhân đại trí đều không ủng hộ việc binh đao là bởi: “Phàm là binh khí mũ áo giáp các loại đều không phải là những đồ vật tốt lành, không phải là thứ mà người quân tử sử dụng. Vạn bất đắc dĩ mới phải dùng đến, tốt nhất hãy lấy sự thanh tịnh và điềm tĩnh là thượng sách, chứ đừng với tâm thế ngạo mạn tham lam”. (Đạo Đức Kinh)
Bởi binh khí là vật bất tường, không phải là của người quân tử, cho nên bất đắc dĩ phải dùng nó, mà dùng đến thì điềm đạm (bình tĩnh, giữ được hòa khí, tránh cực đoan) là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích sát nhân. Kẻ nào thích sát nhân thì không thực hiện được lý tưởng trị thiên hạ.
Sở dĩ cổ nhân phản đối binh đao bởi đã nhìn xa trông rộng thấy hậu họa của cuộc chiến:
“Quân đội đóng ở đâu, gai góc mọc ở đấy. Sau cuộc chiến lớn nhất định sẽ có năm thiên tai”. (Lão Tử – Đạo Đức Kinh)
Chiến tranh mang lại sự sầu khổ cho muôn dân, làm tổn hại sự hài hòa của Âm Dương trong đất trời.
“Việc xuất binh dẫu có giành thắng lợi nhưng vẫn có nỗi gian truân ở sau cuộc chiến, e rằng thiên tai bất thường sẽ từ đây mà nảy sinh”. (Cuốn 19, Hán Thư)
Bởi thế, Lão Tử cho rằng người đạt Đạo thì không thể ưa chuộng chiến tranh, vì chiến tranh không thể phù hợp với tinh thần của Đạo.
Tư tưởng của Lão Tử phản ảnh lại tư tưởng Kinh Dịch và cổ nhân về chiến tranh.
Kinh Dịch coi chiến tranh như là thứ gì đó độc hại nên mỗi khi hưng binh động chúng, phải có chính nghĩa (quẻ Sư, phần Thoán). Chỉ nên hưng binh động chúng để tự vệ (quẻ Sư, hào lục ngũ). Đã hưng binh động chúng, cần phải chọn tướng tài chỉ huy và cần phải biết phép dùng binh (quẻ Sư, hào Sơ).
Dụng binh với tinh thần ‘bất tranh’
Chung quy, chinh chiến sinh ra là vì con người không biết kiềm chế lòng tham. Ai cũng muốn vơ vét tích thêm của cải, đất đai… Nhưng luật phản phục tự nhiên, thịnh rồi suy, tráng tới lão, Dương cực rồi sinh Âm, thì hoà bình rồi tất sẽ phải có chiến tranh, không thể có tình trạng vĩnh viễn hoà bình được. Cho nên trường hợp bất đắc dĩ phải dụng binh thì phải làm sao.
Lão Tử lại khuyên nên chiến đấu với tinh thần “bất tranh”:
“Viên tướng giỏi không tỏ ra vũ dũng, người giỏi tác chiến không tỏ ra hung hăng, người khéo thắng dịch không giao phong với địch, người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người. Như vậy là có cái đức không tranh với người, như vậy là biết dùng sức của người, như vậy là hoàn toàn hợp với Đạo”.
Lại nói, thuật dụng binh có câu: “Ta không dám làm chủ (tức khiêu chiến) mà chỉ muốn làm khách (tức ứng chiến), không dám tiến một tấc, thà chịu lùi một thước (không muốn hung hăng mà chịu nhường địch)”. Như vậy dàn trận mà không thành hàng, xua đuổi mà không dám đưa cánh tay ra. Tuy có binh khí mà như không dùng binh khí, tuy có địch mà như không chạm trán với địch”.
“Họa không gì lớn bằng khinh địch, khinh địch thì sẽ mất những vật báu của ta. Cho nên khi hai bên cử binh giao chiến, bên nào từ ái bên đó sẽ thắng lợi”.
“Những vật báu của ta” tức là ba đức: lòng từ ái, tính kiệm ước, tính khiêm, không dám đứng trước thiên hạ. Cổ nhân giảng rằng, khi lâm chiến vẫn phải giữ tinh thần quân tử, từ ái.
Trong một cuộc giao chiến giữa Tấn và Sở, một chiến xa của Tấn sa lầy, tiến không được, tình cảnh nguy ngập, tướng Tấn loay hoay không biết làm sao. Tướng Sở đứng yên ngó rồi chỉ cho cách gỡ bỏ bớt then ngang cùng cỡ và khí giới đi, quân Tấn nghe theo, thoát ra khỏi chỗ lầy được.
Lại thêm truyện Tống và Sở giao tranh ở Trác Cốc. Quân Sở đương qua sông, quân Tống đòi thừa dịp tấn công ngay. Tống Tương công không cho, bảo để địch qua sông đã. Khi quân Sở qua sông hết rồi, quân Tống lại xin tấn công, Tương công cũng bảo: “Khoan, đợi chúng dàn trận đã”. Sở dàn trận xong, đánh bại Tống. Tương công bị thương mà còn bảo: “Bậc quân tử không đánh quân địch khi họ đương ở bước khốn cùng”.
Dụng binh thà làm khách còn hơn làm chủ
Dụng binh có câu: “Thà làm khách hơn làm chủ. Chẳng dám tiến một tấc, mà lui một thước. Cho nên Thánh Nhân chẳng đi mà vẫn đi, đuổi mà không dùng tay, bắt mà không đối địch, cầm giữ mà không binh khí. Không họa nào lớn bằng khinh địch, khinh địch là mất của báu, cho nên khi giao binh, người nào thận trọng từ nhân sẽ thắng.”
Binh pháp của Lão Tử là:
Không được gây chiến, chỉ nên ứng chiến. Người gây chiến gọi là chủ. Kẻ ứng chiến gọi là khách. Con người không nên gây chiến đem tang tóc lại cho nhân quần, nhưng nhiều khi cần phải ứng chiến để “thế Thiên hành Đạo”, “thảo tội, an dân”. Gây chiến là nghịch Thiên, còn ứng chiến chính là thuận Thiên.
Khi cầm quân phải lo bảo toàn lực lượng mình, mặc dù phải lui. Đọc lịch sử các danh tướng chỉ đánh khi mạnh, còn lui khi yếu. Bái Công, theo kế sách của Trương Lương, luôn luôn tỏ ra nhũn nhặn, nhún nhường, luôn luôn lui trước Hạng Võ, khi biết mình chưa đủ tài kháng cự. Nhưng khi đã thâu phục được Hàn Tín rồi, mới bắt đầu phản công, bắt đầu tung hoành, để thu phục giang sơn.
Có nhiều cách để thắng trận (như ngoại giao, chính trị, tuyên truyền); chẳng nhất thiết phải dùng binh lực mới thắng trận. Tư Mã Ý đã dùng cách án binh bất động, tránh né mọi cuộc đụng độ với binh tướng Khổng Minh, lại khéo mua chuộc lòng hoạn quan Ba Thục, gây hoang mang chia rẽ giữa vui tôi Ba Thục, mà rốt cuộc đã thắng được Khổng Minh.
Lúc ra quân chẳng nên khinh địch. Tào Tháo chính vì khinh địch nên đã thua trận Xích Bích. Bàng Quyên chính vì khinh địch nên đã bị Tôn Tẫn giết ở gò Mã Lăng. Triệu Quát vì khinh địch nên đã bị tướng Tần là Bạch Khởi tiêu diệt cùng với 450,000 quân Triệu.
Dẫu có thắng trận cũng phải dùng nghi thức tang lễ
Lão Tử còn cho rằng: Nếu phải giết nhiều người trong chiến tranh phải đối diện với tấm lòng thống khổ dù đã đánh thắng trận cũng phải dùng nghi thức tang lễ mà lo ổn thỏa việc hậu sự.
“Việc lành thì trọng bên trái, việc dữ thì trọng bên phải. Phó tướng ở bên trái, thượng tướng ở bên phải, như vậy có nghĩa là coi việc dùng binh như một tang lễ. Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc; chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử.”
Bên trái là Dương, bên phải là Âm; Dương thì sinh, Âm thì sát, cho nên người quân tử khi ở nhà thì trọng bên trái (bên sinh); nhưng khi dùng binh, phải sát nhân, thì lại trọng bên phải (bên sát), và để viên thượng tướng ở bên phải, viên phó tướng ở bên trái. Trong các tang lễ cũng vậy, trọng bên phải hơn bên trái, vì tang lễ là việc hung.
Theo Dịch thì phía trái là phía Dương, phía Sinh 生; phía phải là phía Âm, phía Sát 殺. Cho nên văn thì đứng bên trái, võ lại đứng bên phải.
Khi chiến thắng về, vị chủ soái phải đứng ra để chịu tang, để khóc thương những người vì mình đã phải chết oan vì chiến tranh.
Xưa nay phàm thắng trận người ta thường làm lễ linh đình để mừng tiêu diệt được địch nhân. Có mấy ai đã rỏ lệ khóc thương cho những người bạc mệnh. Chiến tranh dẫu có thắng hay thua thì cũng là thảm họa diệt vong, thây chất thành núi, máu chảy thành sông, vậy nên người quân tử, bậc minh quân, dù có thắng trận cũng phải nghĩ đến những sinh mạng đã ngã xuống vì cuộc chiến.
Thắng không cho là hay
Lão Tử khuyên những kẻ thắng trận rằng: “Người khéo dùng binh hễ có hiệu quả, đạt được mục đích thì thôi, không dám ỷ mạnh hơn thiên hạ. Đạt được mục đích mà không tự phụ, đạt được mục đích mà không khoe công, đạt được mục đích mà không kiêu căng, đạt được mục đích mà bất đắc dĩ, đạt được mục đích mà không lấy làm mạnh”.
“Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích sát nhân. Kẻ nào thích sát nhân thì không thực hiện được lý tưởng trị thiên hạ”.
Người tướng tài tuyệt đối không được cho quân tham đến tài sản tính mệnh của dân chúng. Đó là đường lối của vua Thành Thang khi hưng binh đánh vua Kiệt và của Vũ Vương khi hưng binh đánh vua Trụ. Khi Vũ Vương dẹp xong Trụ Vương, liền đem trâu trận, ngựa chiến phóng thích nơi miền núi Hoa Dương và miền đồng Đào Lâm để tỏ ý sẽ dùng văn để mà cai trị, cải hóa thiên hạ, thay vì dùng võ, dùng bạo lực.
Binh pháp Tư Mã Nhương thư có câu: Đánh giặc giỏi nhất là dùng mưu; thứ đến là dùng ngoại giao, thứ nữa là dùng binh; thứ nữa là đánh phá thành lũy.
Không cổ súy binh đao
Vệ Linh Công nước Vệ hỏi đức Khổng về chiến trận. Ngài đáp: “Việc sắp đặt cúng tế nơi tông miếu, tôi thường có nghe qua. Còn cuộc sắp đặt quan binh chiến phạt thì tôi chưa từng học”. Sáng hôm sau, ngài bỏ đi.
Các bậc Thánh Nhân xưa đều khuyên đừng nên trọng binh đao, cỗ súy binh đao. Cho rằng nếu “phải làm một việc bất nghĩa, giết một kẻ vô tội để lên ngôi thiên tử trị vì thiên hạ, thời cũng không làm”.
Lão Tử khuyên các vua chúa – nước lớn cũng như nước nhỏ – phải khiêm nhu để tránh chiến tranh cho thiên hạ:
“Nước lớn nên ở chỗ thấp, chỗ quy tụ của thiên hạ, nên giống như giống cái trong thiên hạ. Giống cái nhờ tĩnh mà thắng giống đực ham động, lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên nước lớn mà khiêm hạ đối với nước nhỏ thì được nước nhỏ xưng thần; nước nhỏ mà khiêm hạ đối với nước lớn thì được nước lớn che chở. Như vậy là một bên khiêm hạ để được nước nhỏ xưng thần, một bên khiêm hạ mà được nước lớn che chở. Nước lớn chẳng qua chỉ muốn gồm nuôi nước nhỏ, nước nhỏ chẳng qua muốn thờ nước lớn. Khiêm hạ thì cả hai đều được như ý muốn; nhưng nước lớn phải khiêm hạ mới được”.
Chiến tranh do lòng người vô Đạo
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Thiên hạ có Đạo thì ngựa tốt không dùng vào chiến tranh mà dùng vào việc cày cấy; thiên hạ vô Đạo thì ngựa dùng vào chiến tranh và ngựa mẹ sinh con ở chiến trường chứ không sinh ở nhà”.
Khi nào thì gọi là nước có Đạo? Nước có Đạo là khi trên dưới giữ đúng bổn phận mình, vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con; ai nấy đều lo tu tâm, ăn ở cho xứng đáng với danh nghĩa con người, yêu kính đồng loại, biết trọng nghĩa, khinh tài. Đó là thời đại hòa, đại thuận. Thời ấy, không còn ai muốn cất giữ những dụng cụ chiến tranh, nên ngựa chiến cũng hóa thành vô dụng
Thiên hạ mà có Đạo, thì dân chúng an bình, ngựa chiến không còn có việc dùng, phải đem về quê làm việc đồng áng
Vua Vũ Vương đã có thời thả trâu trận, ngựa chiến nơi miền núi Hoa Dương, và miền đồng Đào Lâm tỏ ý sẽ dùng văn mà cai trị, cải hoá thiên hạ, thay vì dùng võ, dùng bạo lực.
Nhưng khi mà nước vô Đạo, thì chinh chiến nhiễu nhương nhân dân đồ thán, mà khi ấy thời ngay bên thành, đã thấy đầy rẫy những chiến mã.
Thế nào là một nước vô Đạo? Một nước vô Đạo là một nước đã mất cương thường, trên chẳng ra trên, dưới chẳng ra dưới, ai ai cũng chỉ vụ danh, vụ lợi mà khinh nhân nghĩa. Người người khi trá lẫn nhau, bóc lột lẫn nhau, chia rẽ nhau. Trong thì cương thường đổ nát, ngoài thì không giữ được hòa hiếu với lân bang, vì thế nên sinh ra chinh chiến.
Nhân loại càng ngày càng tỏ ra cuồng bạo, mỗi khi có chiến tranh, dân chúng, binh sĩ chết không biết cơ man nào. Bạch Khởi giết trong một đêm 40 vạn hàng binh Triệu, làm cho máu chảy đầy sông Dương Cốc. Hạng Võ giết dân chúng Hàm Dương hơn 4,600 mạng, thây chất đầy chợ, máu chảy như sông. Đến thời văn minh chúng ta bây giờ chiến tranh lại càng tàn phá khốc liệt, không còn biết phân biệt đâu là dân, đâu là quân, đâu là có tội, đâu là vô tội.
Các bậc Giác Giả cho rằng, chiến tranh sinh ra bởi chúng sinh chất chồng nghiệp lực. Nghiệp lực tích tụ do con người ngày càng làm quá nhiều việc xa rời Đạo. Xưa Thánh Nhân nói “Binh khí là vật bất tường, ai cũng ghét cho nên người giữ Đạo không thích dùng nó”. Ngày nay các quốc gia hơn thua nhau ở vũ khí hạt nhân, súng đạn, lấy việc sát nhân làm mục tiêu, đắc thắng. Ngay cả những quốc gia không tham chiến trực tiếp thì cũng có nhiều người ra sức ủng hộ những kẻ gây chiến, giết người.
Ngẫm lại càng thấy lời cổ nhân thật không sai: Chiến tranh sinh ra bởi thế nhân vô Đạo.
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
- Xem thêm:
- Đạo làm giàu và dùng tiền của các thương nhân xưa
- Trời xanh có mắt: Mọi việc lớn nhỏ trong đời đều đã có an bài
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!