Truyền kỳ 18 đời vua Hùng (P3): Hùng Huy Vương khinh nhờn Thần linh mà suýt mất nước

"Bảo vật quốc gia" - Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân và các nhân vật thời đại Hùng Vương được lưu giữ tại Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
“Bảo vật quốc gia” – Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân và các nhân vật thời đại Hùng Vương được lưu giữ tại Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. (Ảnh wikipedia)

Hùng Vương đời thứ 6 là một vị vua được nhiều người biết đến, không phải vì sự tài giỏi của ông, mà vì ông là nguyên nhân đem đến tai họa cho quốc gia đã thanh bình suốt mấy trăm năm. May mắn thay, ông đã phản tỉnh kịp thời và điều đó đã giúp cho triều đại trung hưng một lần nữa. Tuy nhiên, cũng nhờ những nguy cơ đó mà chúng ta lại được dịp chứng kiến những Thần tích huy hoàng nhất trong suốt cả triều đại nhà Hùng.

Thịnh cực tất suy, khinh nhờn Thiên thượng

Trải 5 đời cai trị cực thịnh, nước Văn Lang truyền đến Vua Hùng thứ 6 đã có dấu hiện suy thoái. Âu đó cũng là quy luật tự nhiên vì thịnh suy là lẽ thường của cục thế. Mọi việc bắt đầu từ khi Hùng Huy Vương bắt đầu khởi tâm nghi ngờ Thần linh, không còn tôn kính Thiên thượng như các bậc tiền nhân.

“Huy vương lên ngôi, noi theo quy chế của tiền vương, cũng có chí chăm việc nuôi dân. Nhưng kế thừa nền thái bình đã lâu, ngòi rãnh dễ tràn, cam chịu yến tiệc yên vui, không chịu khó nghĩ suy chính sự. Bấy giờ có Bà mo (vu nữ) tinh thông địa lý thông hiểu thiên văn, thường đem bí pháp thần cơ tâu vua, tự xưng là Tiên nhân, xin cho vào hầu trong cung để thưa đáp khi vua cần hỏi đến. Ngày sau đình thần có vị quan tâu rằng:

– Bà mo ấy mù tịt về mo sử, xem ra chỉ là một mụ đàn bà bình thường thôi! Chỉ giỏi bàn luận vu vơ, thực chẳng biết trời đất thiên địa. Sao vua lại cho mụ ta hầu cận, bàn nói chuyện hoang đường? Bọn thần cho rằng bệ hạ đã bị mụ ta làm mê hoặc.

Vua cho là phải, bèn sai bắt bà mo giam trong cung. Sau đó vua sai lập một đàn tế khác, cũng làm giả các voi trắng không ngà, voi đen ba chân, ngựa đỏ năm chân để cầu đảo với Thiên vương. Vua bảo đình thần:

– Trẫm dùng kế ấy để xem người bà mo có biết giả trá hay không?

Hoàng thiên tuy cao, nhưng nghe xong tỏ ý không bằng lòng, xem đến các đồ lễ thì hoàn toàn không linh ứng. Hoàng thiên bèn giáng tai ương để cảnh báo nhân quân không có đức.

Bấy giờ Hùng Huy vương mới nghiệm biết đạo Trời báo ứng ngay trước mắt. Bấy giờ vua cho đưa bà mo đến bảo: ”Ngươi biết dò xét huyền cơ, nay trong nước có chuyện chẳng lành, ngươi có thể bay lên trời tìm hỏi xem lý do thế nào?

Bà mo bèn nằm thiếp trong khoảng ba canh rồi nói lảm nhảm như người đang chiêm bao. Ba ta nói mình đã đến trước cửa khuyết Thiên đình, tâu rằng: “Tôi vâng mệnh quốc vương lên tâu thiên đình: Nay trần thế đang có tai ương, chưa biết nguyên do nào gây nên như thế? Ngọc Hoàng phán:

– Ngươi mau trở về báo cho vua ngươi biết: Lưới trời lồng lộng, thưa mà không thể lọt. Trần hoàn lóc lóc , có cầu có nguyện tất được tòng tâm. Hùng Huy vương mù quáng kiêu căng, rông càn làm lễ vật giả dối. Đó là do Trời báo phạt, không chỉ giáng bấy nhiêu tai ương mà thôi. Ba năm sau [nếu không sửa chữa] tất sẽ có nạn giặc lớn!

Nghe phán xong, bà mo liền tỉnh lại. Bà mo tâu lại mọi chuyện với vua. Huy vương nghe nói cả kinh. vẫn cho bà mo ở lại trong cung để nghiệm xem lời nói của bà ta có nghiệm hay không.” (Hùng Vương ngọc phả)

Phật quang trải khắp nhân gian.
Phật quang trải khắp nhân gian. (Ảnh ET tổng hợp)

Trời giáng tai ương, tâm thành mới thoát nạn

Sau khi nghe những lời giáng tội của Thượng đế cho tâm khinh nhờn của mình, Hùng Huy Vương rốt cuộc cũng tỉnh ngộ kịp thời. Ông đã cố gắng hết sức để chuộc lỗi lầm với lòng thành, và may mắn thay Hoàng thiên đã chứng giám, non sông nước ta thoát khỏi một phen lầm than máu lửa.

“Huy vương lại sai triều quan dựng đàn ở Trung Đô, các lễ vật như voi ngựa vàng bạc đều dùng đồ vật thật ở trung cung. Khi lễ nghi đã đầy đủ, vua thân lên đàn đọc văn khấn tế:

– Ngu si lầm lỗi, đem vật uế dâng lễ Hoàng thiên. Sự hãy nhãn tiền, xét xem đủ thấy. Cúi xin Thượng đế chuyển họa làm lành, đội ơn vạn hạnh. Ngu si cúi ngước, cậy nhờ ơn đức Hồng quân!

Vua khấn xong, bỗng thấy mây cuồn gió cuộn nổi lên, trời mung lung chuyển sắc. Khói hương trên đàn tế bay lên hòa sắc cùng mây lành đang toả xuống.

Hùng Huy vương thảng thốt kinh sợ, khấu đầu lạy tạ rồi lên xe về cung. Vua lại sai bà mo lên thiên đình xin Hoàng thiên tha tội để nước nhà được yên. Bà mo trở về tâu với Huy vương:

– Vua biết hối lỗi, đã được Hoàng thiên xét soi. Tuy năm sau có giặc xâm lăng, nhưng trời cho nhân tài sinh ra để giúp nước, vua khỏi phải lo nghĩ nhiều!

Vua tin lời. Quả nhiên ba năm sau bỗng có tin từ biên cương đưa về cáo cấp: Tướng giặc Ân là Thạch Linh thần tướng khởi binh từ Bắc đạo tiến sang, giáo mác giáp trụ liên tiếp kín trời, tinh kỳ rợp đất, quả đúng như lời bà mo đã nói. Hùng Huy vương bèn cho đắp đàn tế, trai giới tịnh khiết rồi lên đàn thắp hương cầu khấn.

Các quan triều đến dự hội tế suốt trong ba ngày. Sau đó mưa to sấm gió nổi lên, bỗng thấy một cụ già thân cao hơn 9 thước, mày râu bạc phơ đang cười nói nhảy múa ở chỗ ngã ba đường, ai trông thấy cũng phải lấy làm lạ, cho là bậc kỳ nhân. [Quan hầu] vào tâu vua, vua đích thân ra đón mời vào đàn tế, nói với kỳ nhân rằng:

– Nay quân Bắc sang xâm lăng, thắng thua chưa biết thế nào, xin lão ông cho chỉ giáo. Lão ông trầm ngâm hồi lâu, rút thẻ bói quẻ rồi đáp:

– Nếu tìm được người thì giặc này không đáng phải đánh dẹp!

Nói xong cụ già vút lên không bay đi. Vua thấy vậy biết đó là lời dạy của Lạc Long quân. Thế là vua sai người hầu đi tìm khắp nơi trong nước.” (Hùng Vương ngọc phả)

Trời giáng ngoại xâm, Đổng Thiên Vương xuất thế cứu dân

Theo lời chỉ dẫn của Long Quân hiển linh, Hùng Huy Vương cho sứ giả đi khắp nước để tìm người dẹp giặc. Cuối cùng cũng tìm được ở làng Phù Đổng quận Vũ Ninh. Sự việc này chính là Thần tích “Phù Đổng thiên vương” ngàn đời nay vẫn còn lưu truyền.

Truyền kỳ 18 đời vua Hùng
Phù Đổng Thiên Vương – Ngàn đời nay vẫn lưu truyền. Ảnh Wikipedia

“Sứ giả đến làng Phù Đổng quận Vũ Ninh (nay là huyện Tiên Du). Làng ấy có người nhà giàu tên là Ông Trưởng, ông 79 tuổi mà bà cũng đã 59 tuổi. Trước nhà có mảnh vườn trồng hoa. Sáng sớm ngày 6 tháng giêng năm Quý Hợi bà vào vườn hái hoa, thấy dấu chân người khổng lồ. Bà bèn gọi chồng cùng vào vườn xem, quả nhiên thấy có dấu chân của thần nhân. Ông chồng bảo bà vợ bước chân trái dẫm vào đó. Tự nhiên bà thấy cảm động trong người, rồi mang thai. Đến ngày 8 tháng Tư năm Giáp Tí bà sinh một con trai. Con được đúng một tuổi thì Ông Trưởng qua đời, chỉ còn mẹ già sáu mươi bú mớm nuôi con, lên ba tuổi đặt tên là Thiết Đổng, ăn uống lớn phỗng, nhưng không biết nói cười. Ngày hôm ấy cậu bé đang nằm trong võng, mẹ cậu nghe sứ giả đi rao khắp thiên hạ nói là tìm người có đại tài đi đánh giặc thì nói vui rằng: “Con ta chỉ biết ăn uống mà không biết đánh giặc để triều đình trọng thưởng quan tước mà trả ơn bú mớm cho mẹ”. Nghe mẹ nói thế, cậu bé bỗng bật ra lời nói:

– Xin mẹ gọi sứ giả vào đây!

Khi sứ giả vào nhà, cậu bé nói:

– Ta là Thiết Xung thần tướng đây! Trời sinh ra ta để giúp nước, dẹp loạn cứu dân. Ngươi về triều thưa với vua cho ta một con ngựa sắt cao 10 thước, một cây roi sắt dài 10 thước, một chiếc nón sắt rộng 3 thước, đưa mấy thứ ấy đến đây cho ta là vua không phải lo gì nữa!

Sứ giả trở về chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh tâu vua đầy đủ mọi việc. Vua cả mừng, sai tìm đủ 5.000 cân sắt để rèn thành ngựa sắt, vọt sắt, nón sắt. Đến giờ Mão ngày 7 tháng Giêng năm Bính Dần vua sai quan Tiết chế đem 10 vạn hùng binh đem ngựa sắt roi sắt nón sắt đến làng Phù Đổng. Thiết Đổng nói:

Vua theo đúng hẹn,

Vận nước lâu bền.

Quân giặc phải tan,

Một ngày giúp nước,

Thiên cổ danh vang.

Rồi Thiết Đổng nói với mẹ và họ hàng thân thích rằng: “Tính con hay ăn, xin soạn cho các món trâu rượu, hoa quả”. Dân lang nghe thế nhà nhà đem trâu rượu đến. Chỉ trong chốc lát Thiết Đổng đã ăn xong bữa tiệc lớn để lên đường đi giúp nước cứu dân.

Ngày hôm ấy mặt trời vừa đúng chính ngọ, Thiết Đổng cười vang một tiếng, đưa tay khịt mũi mười lần, tiếng vang như sấm, ánh mắt lóe sáng như chớp rồi vươn mình cao hơn 18 thước. Vì chưa kịp may quần áo nên sai 10 vạn quân đi bẻ hoa lau đem về kết thành đồ mặc. Thiết Đổng lạy tạ mẹ:

– Mẹ là Thánh mẫu, con là Thần vương. Một ngày lập công giúp nước, vạn năm hương lửa vô cùng!

Thiết Đổng nói xong nhảy lên ngựa, thét vang như sấm:

– Ta là Thiên tướng thần vương, vâng sắc chỉ xuống giúp nước!

Rồi quất ngựa phóng như bay, chỉ phút chốc đã đến dưới chân núi Vũ Ninh huyện Yên Việt đại chiến với Thạch Linh thần tướng bên sườn núi Vũ Ninh. Quân nước Ân thua to tan chạy. Thạch Linh thần tướng bị bắt sống chém đầu. Bọn giặc còn lại chưa diệt hết, nhưng roi sắt của Thiết Đổng thần vương đã bị rơi mất. Thần vương bèn nhổ lấy các bụi tre gai vung lên quét sạch các toán quân giặc! Khi đến núi Sóc xã Vệ Linh huyện Kim Hoa, Thiết Đổng thần vương bèn cởi bỏ bộ áo hoa lau, phóng ngựa bay lên không rồi cưỡi lên các đám mây mà bay đi. Nay nơi ấy vẫn còn dấu chân ngựa in trên lèn đá.

Nghĩ Thiết Đổng thần vương có đại huân lao giúp nước, nhưng chưa từng gặp mặt, không biết lấy gì báo đáp, Hùng Huy vương bèn truy tôn thần là Phù Đổng thiên vương, truy tôn bà mẹ làm Thánh mẫu, cho dựng đền thờ trên nền nhà cũ. (Nay ở xã Phù Đổng huyện Tiên Du và thôn Đổi Mã xã Vệ Linh huyện Kim Hoa có các đền miếu phụng thờ) Cấp cho làng Phù Đổng 100 khoảnh ruộng để đèn hương phụng thờ.

Vua lại cho xây điện Cửu trùng tiêu (điện cao chín tầng) trên núi Nghĩa Lĩnh làm Kính Thiên Linh Điện để thời thường cầu đảo, vâng lĩnh ý trời. Từ đó trong cõi thái bình, nước nhà vô sự. Nhà Ân trải 27 đời vua hơn 640 năm không dám đem quân sang đánh nước Nam. Hùng Huy vương hưởng nước 87 năm, thọ 100 tuổi thì băng (Mộ táng ở trước núi, hướng Kiền Tốn).” (Hùng Vương ngọc phả)

Lời bàn:

Thời kỳ Hùng Vương là Thần truyền chi trị, thời mà Thần người đồng tại, vậy mà sau 5 năm vẫn bị suy thoái, ấy là đạo Trời mà cũng là ứng vào nhân tâm suy vi của con người vậy. Hùng Vương thứ 6 tuy thế mà biết thành ý chính tâm tu sửa bản thân và chính trị, tôn kính Thần linh mà quốc gia lại lần nữa được trung hưng và vinh diệu thâm sâu nhiều đời sau. Có câu “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp tự nhiên” ý chẳng phải thịnh suy của thời cuộc là do nhân tâm, muốn biến suy thành hưng ắt phải bắt nguồn từ chấn chỉnh nhân tâm mới là phương pháp hiệu quả nhất hay sao.

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt

Phần 4: (Còn tiếp)


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x