Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 và những vấn đề gây tranh cãi

Sach giao khoa tieng viet lop 1

Sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều hiện đang gặp chỉ trích dữ dội từ cộng động mạng về ‘sai sót’ nội dung. Những sai sót này nghiêm trọng tới đâu? Liệu có biện pháp nào để giải quyết khi sách đã được đưa vào giảng dạy?

Sách giáo khoa, Tiếng Việt Lớp 1, gây tranh cãi, Bộ sách cánh diều,
Hai cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ Cánh Diều. (Ảnh: Dương Tâm.)

1. Những vấn đề trong sách Tiếng Việt lớp 1

Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ sách Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.

Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt lớp 1 “nặng và khó hơn” so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, áp lực.

Sách nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1. Vài ngày sau đó, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp và bị cho là “dạy thói xấu cho học sinh”.

Sách giáo khoa, Tiếng Việt Lớp 1, gây tranh cãi, Bộ sách cánh diều,
Một bài học gây tranh cãi trong SGK Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều

Tối 15/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp, gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 để thẩm định. Sau đó, Hội đồng thẩm định báo cáo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo để xem xét, phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Yêu cầu trên được đưa ra sau khi Hội đồng thẩm định rà soát, làm việc với tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều. Trước phản ánh về việc sách đưa nội dung chưa phù hợp, Hội đồng thẩm định và tác giả sách đã thống nhất tiếp thu tối đa góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp hơn.

Cụ thể, tác giả sách sẽ chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên thay thế một số đoạn, bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, “Hai con ngựa” trang 157, “Lừa, thỏ và cọp” trang 163; đồng thời thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng từ “nhá”, “nom”, “chén”.

Sách giáo khoa, Tiếng Việt Lớp 1, gây tranh cãi, Bộ sách cánh diều,
Nhiều nội dung trong sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều bị phụ huynh phản ánh là chưa phù hợp (Ảnh: TL)

Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn, bài “đa nghĩa” mà nên lựa chọn đoạn, bài trong kho tàng văn học Việt Nam.

Dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long nhận định rằng bộ Cánh Diều có một vài chỗ ‘chưa hoàn thiện’, nhưng không tới mức ‘phản giáo dục’, ‘thô tục’, v.v… như các bình luận trên mạng, thậm chí có nhiều đổi mới giúp tăng khả năng từ vựng và thời gian đọc hiểu của trẻ, nhất là với sự hỗ trợ của kênh hình (hình vẽ, video) và giáo viên.

Ông Long nói với BBC:

“Tôi thấy tựu chung có ba ý phê phán chính trên mạng xã hội gồm: việc sử dụng từ ngô nghê, thô tục, dùng phương ngữ thay vì từ chuẩn quốc gia; việc chia đôi truyện ngụ ngôn (phần 1, phần 2) dễ gây hiểu nhầm; việc truyện ngụ ngôn bị chỉnh sửa đến mức “thiếu logic, phản cảm, thiếu nhân văn”.

“Mới đọc các chỉ trích này thì thấy rất có lý, thậm chí dễ gây tăng xông. Nhưng thực tế là rất ít người nêu được khía cạnh chuyên môn, sư phạm của các vấn đề trên mà chủ yếu mạt sát, suy diễn, quy chụp, thậm chí bịa đặt, để công kích người soạn và thẩm định sách, thậm chí mang cả con cháu họ lên mạng để tấn công.”‘

1.1 Sự phẫn nộ trên mạng xã hội

Các bình luận trên mạng chủ yếu cho rằng bộ sách dùng nhiều phương ngữ thay vì ngôn ngữ chuẩn. Chẳng hạn ‘không’ thì dùng ‘chả’, ‘gà con’ thì thành ‘gà nhép’, ‘ăn’ thành ‘nhá’; hoặc những từ được cho là xa lạ với trẻ nhỏ như giá đỗ, cá diếc, cá măng, gà gô, yểng, lồ ô, quả trám…

Thậm chí một số từ ngữ bị chê là ‘thô tục’ như ‘thở hí hóp’….

Ngoài ra, cộng đồng mạng còn bất bình vì một số bài đọc phỏng theo truyện ngụ ngôn của các tác giả nổi tiếng, nhưng lại ‘cắt xén’, ‘thay đổi’ nhân vật, “làm mất đi tính giáo dục”. Ví dụ truyện ‘gà và kiến’ thì đổi thành ‘gà và ve’, ‘quạ và cáo’ thì thành ‘quạ và chó’…

Nhiều bình luận giận dữ cho rằng nhóm biên soạn sách, trong đó GS Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên, cùng hội đồng thẩm định sách, đã “ngậm miệng ăn tiền”.

1.2 Vì sao dẫn đến tranh cãi?

Sách giáo khoa, Tiếng Việt Lớp 1, gây tranh cãi, Bộ sách cánh diều,
Nhiều cha mẹ nói ‘hoang mang’ với cách đánh vần mới, không biết phải ‘dạy con thế nào’ trong sách Tiếng Việt lớp 1. (Ảnh minh họa)

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long, do phải đảm bảo tiêu chí học sinh học đọc xong sớm để có thời gian học các kiến thức khác, sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều đã đưa vào nhiều mẩu truyện từ các bài học đầu tiên. Khác với sách Tiếng Việt cũ chủ yếu dạy đánh vần, đến cuối sách mới có một, hai mẩu truyện.

Chính vì phải dạy học sinh đọc truyện sớm trong khi chưa học đầy đủ các vần, người viết sách lâm vào thế ‘kẹt’: Họ phải chỉnh sửa, gò ép từ ngữ để đảm bảo không đưa vào truyện từ có âm vần chưa học.

Đó là lý do vì sao ở bài 1 có từ ‘chả’ gây tranh cãi chứa vần ‘a’, thay cho từ ‘không’ chứa vần ‘ông’ mãi đến bài 85 mới học. Bài 33 có từ ‘nhá’ thay cho ‘ăn’ chứa vần ‘ăn’ đến bài 58 mới học.

Cây bút Phan Hồ Điệp, đứng ở góc độ của người từng viết sách cho học sinh lớp 1, cũng có chung ý kiến này.

“Vì nguyên tắc đó mà người viết sách phải lập một “ma trận” để chọn đúng tiếng/ từ có chứa âm vần trẻ đã học….dẫn đến những câu gượng ép, những đoạn mà các bạn cho là ngây ngô,” bà Điệp viết trên Facebook cá nhân.

Về những từ bị cho là ‘thô tục’ như ‘chả’, ‘tợp’, ‘cuỗm’, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long không đồng tình. Ông nói: “Chúng có thể là khẩu ngữ suồng sã dùng với các đối tượng ngang hàng. Chúng không thể làm méo mó tính cách học sinh, nhất là khi có giáo viên hướng dẫn khi nào dùng.”

“Trong đời sống hằng ngày nhiều từ trong số đó vẫn xuất hiện bình thường, hoặc trong thành ngữ tục ngữ, như bà nhá /nhai cơm cho cháu, tớ chả biết đâu, Ai chả biết ma ăn cỗ…”

Ông Long nói thêm: “Một số từ bị chê khác như ‘thở hí hóp’, các tác giả nói lấy từ thơ Trần Đăng Khoa. Quạ kêu ‘quà quà’ (thay vì ‘quạ quạ’) lấy từ tác phẩm của Ma Văn Kháng. Tôi cho rằng từ tượng thanh thì ‘quà quà’ hay ‘quạ quạ’ là dựa vào cảm nhận chủ quan mỗi người và nội dung cần hướng tới của truyện.”

“Nhiều từ bị chê là phương ngữ vùng miền xa lạ với học sinh như giá đỗ, cá diếc, cá măng, gà gô, yểng, lồ ô, quả trám…thực tế là những từ khá phổ biến hoặc là tên gọi chính thức một loài cây hay cá, thậm chí không có từ khác thay thế.”

“Hoặc bắt bẻ từ “râm bụt”, cho rằng phải là “dâm bụt”, trong khi từ điển tiếng Việt ghi nhận “râm bụt”. Theo tôi đây có vẻ như là việc bới lông tìm vết. Làm giáo viên mà không biết hoặc không tra cứu nổi những từ này thì nên làm việc khác. Chưa nói phương châm của người soạn sách là cung cấp một số từ địa phương tương đối phổ biến (có trong từ điển tiếng Việt) cho học sinh.”

“Nhiều từ địa phương rất phổ biến, có trong từ điển tiếng Việt hoặc là tên gọi động vật, thực vật thì nên học chứ không phải phụ huynh không biết thì con họ không thể hay không cần biết. Và ngoài chữ còn có kênh hình và giáo viên hỗ trợ học sinh hiểu đúng từ và cách dùng.”

“Việc đưa truyện ngụ ngôn vào sách gặp rào cản là nội dung thường vượt quá số lượng từ và số dòng cho phép trong mỗi bài học, nên phải chỉnh sửa dưới hình thức “phỏng theo”, “kể lại”, có khi phải chia làm hai bài phần một, phần hai.”

“Chỗ này cũng gây tranh cãi ác liệt, có người không chấp nhận, bảo cắt đoạn như thế gây hiểu lầm về ý nghĩa, làm hỏng học sinh, là dạy cách nói năng hỗn láo, thói gian manh, lươn lẹo. Nhưng ở đây học sinh có tự học với sách đâu, mà luôn có giáo viên hướng dẫn hiểu đúng bài học kia mà!”

1.3 Những ‘hạt sạn’

Sách giáo khoa, Tiếng Việt Lớp 1, gây tranh cãi, Bộ sách cánh diều,
Ngụ ngôn ‘Ve và kiến’ của La Fontaine thành ‘Ve và gà’ trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long cũng chỉ ra những chỗ ông gọi là ‘sạn’, ‘thiếu logic’, ‘cần chỉnh sửa’ trong sách.

Ông nói rằng với truyện ngụ ngôn, khi chỉnh sửa cần tuân thủ những gì phù hợp với tự nhiên và quan niệm đúng xưa nay về loài vật.

Ví dụ, cáo đại diện cho sự tinh ranh. Nếu thay bằng chó là loài vật bạn với con người thì không nên. Hay thay kiến bằng ve thì tương quan nhân vật đã thay đổi. Vì gà sẽ ăn ve ngay chứ không ở đó mà nói chuyện làm bạn hay giúp đỡ.

Có chỗ không chuẩn mực lắm hoặc hơi khó hiểu, như truyện ‘Ve và gà’. Ve nói ‘cho ve tí gì đi’ nghe rất khó hiểu. Dù vậy, trong tình huống trò chuyện thì chấp nhận được. Sách lại có hình vẽ cái lá và những câu trước giúp hiểu rõ hơn.

Theo ông Long, trước sức ép dư luận, nhóm biên soạn sách tới đây sẽ sửa một số chỗ ‘sạn’, nhưng không đến mức phải thu hồi.

1.4 Những ý kiến lẻ loi

Sách giáo khoa, Tiếng Việt Lớp 1, gây tranh cãi, Bộ sách cánh diều,
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập một thuộc bộ “Cùng học để phát triển năng lực”. (Ảnh: Quỳnh Chi)

Ngoài sự giận dữ của cộng đồng mạng, vẫn có những ý kiến được coi là ‘lẻ loi’ khi đứng ra bênh vực bộ sách.

Bác sỹ Trần Văn Phúc – người có tài khoản hơn 56.000 người theo dõi trên Facebook – cho rằng “đây là một cuốn sách tốt”. Ông viết:

“Về ý kiến cho rằng cuốn sách xuyên tạc những câu chuyện gốc, tôi không đồng tình như vậy, việc làm này cũng giống như các em học sinh vui nhộn thích “chế” lại bài hát như “Chúng ta không luộc được rau”, mà trước đó ca sĩ Sơn Tùng cover từ bài “We don’t talk anymore” để trở thành bản hit nổi tiếng.”

“Về ý‎ kiến cho rằng những từ địa phương, từ không phù hợp; bản thân tôi không nghĩ thế. Rõ ràng số lượng từ vựng tiếng Việt rất hạn chế, nên việc đưa các từ địa phương vào chỉ làm cho vốn từ của các em thêm phong phú hơn thôi, chưa kể cách sử dụng từ trong cuốn sách cũng khá mới lạ tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long cũng có một số ý kiến bênh vực cuốn sách.

Ông Long nói nhiều người ‘hoài cổ’, muốn dùng lại bộ sách Tiếng Việt ngày xưa với những áng văn thơ đẹp đẽ, tràn trề đạo đức. “Nhưng thực ra trí nhớ không hoàn toàn trung thành với họ”, bởi thực tế sách Tiếng Việt cũ chủ yếu học vần (suốt tập một gồm 83 bài), mà không có một câu chuyện hoàn chỉnh nào.

Trong khi bộ sách Cánh Diều, với ý muốn đổi mới của các tác giả: giúp học sinh biết đọc biết viết nhanh hơn, đa dạng vốn từ, gần với đời sống hơn chứ không gói gọn trong dăm câu thơ ba câu văn tả cảnh lãng mạn, chữ nghĩa luôn mượt mà trong khuôn phép, lề thói, ngay từ đầu sách (bài 3) đã có trang nghe kể chuyện không phụ thuộc vào học vần, sau đó cứ sau dăm bài lại có một câu chuyện như thế.

2. Ý kiến từ chuyên gia về sách tiếng việt lớp 1

Cây bút Phan Hồ Điệp sau khi thanh minh cho bộ sách là cần phải tuân thủ nhiều nguyên tắc dẫn đến “nhiều ngữ liệu thiếu “độ đẹp”, thiếu tính nhân văn”, trích cuốn Đối thoại với tương lai của Nguyễn Trần Bạt:

“Tôi cho rằng, cải cách giáo dục là tổ chức một loạt các công nghệ hợp lý và tổ chức một thái độ hợp lý. Thái độ hợp lý và công nghệ hợp lý đối với chúng ta hiện nay là nhặt nhạnh và vứt bỏ một cách rất yên tĩnh tất cả những yếu tố không còn hợp lý trong nền giáo dục đang có, và bỏ vào đấy một cách yên tĩnh những cái mới.”

“Tất cả sự lấy ra và bỏ vào ấy phải đảm bảo tính yên tĩnh của một nền giáo dục, không được làm náo động tâm lý của thầy và trò.”

Tổng hợp từ BBC Tiếng Việt

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x