Từ đồng minh thành kẻ thù: Điều gì dẫn đến sự kiện Tiệc trà Boston?

boston minh chan tuong
Sự kiện Tiệc trà Boston. Thư viện Quốc hội. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Việc đổ trà xuống Cảng Boston là một thời điểm mang tính bước ngoặt đối với các thuộc địa Mỹ vào năm 1773.

Hai trăm năm mươi năm trước, vào tháng này (*), sự xuất hiện của ba con tàu chở 342 rương trà tại Cảng Boston đã châm ngòi cho bế tắc cực độ giữa Thomas Hutchinson, Thống đốc Tỉnh Vịnh Massachusetts, và một tổ chức chính trị bí mật được biết đến là “Những Người Con của Tự Do” (Sons of Liberty).

Nhóm những nhà ái quốc kiên trung này, có các thành viên bao gồm chính trị gia Samuel Adams, thương gia John Hancock, luật sư John Adams, sỹ quan Paul Revere, bác sỹ Joseph Warren, bác sỹ phẫu thuật Benjamin Church, thương gia Josiah Quincy, và luật sư James Otis Jr., đã yêu cầu ba con tàu phải rời bến ngay lập tức và đưa toàn bộ lô hàng trà của họ trở về Anh.

Ngược lại, Thống đốc Hutchinson ra lệnh dỡ hết mọi rương trà xuống và yêu cầu thanh toán tất cả thuế nhập cảng trước khi bất kỳ con tàu nào được phép rời bến.

Khi không bên nào chịu nhượng bộ, và giải pháp hòa giải dường như bất khả thi, Những Người Con của Tự Do đã thực hiện một hành động chống cự táo bạo, dẫn đến việc tiêu hủy số trà này, và tạo ra làn sóng chấn động khắp cả hai châu lục.

Theo mục đích ban đầu, đây [chỉ] là một cuộc biểu tình chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, Tiệc Trà Boston bất ngờ làm bùng phát một cơn bão lửa, thúc đẩy các hành động trừng phạt, nuôi dưỡng sự căm phẫn, và đẩy nhanh cuộc xung đột không thể tránh khỏi giữa Hoàng gia Anh và các thuộc địa. Mối căng thẳng leo thang này cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm, dẫn đến cuộc Chiến tranh Cách mạng và tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ.

Từ đồng minh thành kẻ thù: Điều gì dẫn đến sự kiện Tiệc trà Boston?
Bản khắc của Paul Revere mô tả phản ứng của người Anh trước sự kiện Tiệc trà Boston. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Trước khi xảy ra Tiệc trà

Chỉ 10 năm trước đó, tất cả những điều này dường như là không thể tưởng tượng nổi. Khi kết thúc cuộc chiến với Pháp và Tây Ban Nha [10 năm trước], Vương quốc Anh và các thuộc địa Mỹ của họ ăn mừng như một dân tộc hợp nhất. Tuy nhiên, khi tiếng súng lặng im, thì các nghĩa vụ tài chính bắt đầu lộ rõ hơn.

Ngân khố của nước Anh đã cạn kiệt, và sự chú ý đổ dồn vào các thuộc địa nhằm trợ giúp Hoàng gia trong việc thu hồi chi phí [chiến tranh]. Mặc dù các thuộc địa có hệ thống thu thuế riêng biệt được cơ quan lập pháp quản lý, nhưng Nghị viện Anh lại tuyên bố họ có quyền áp thuế lên các thuộc địa và kiên quyết thực thi các khoản thuế này. Các cuộc tẩy chay chống lại hàng hóa Anh được tổ chức, dẫn đến mối quan hệ giữa hai bên trở nên xấu hơn.

Vào ngày 10/05/1773, Nghị viện ban hành Đạo luật Trà để cứu Công ty Đông Ấn của Anh quốc khỏi phá sản. Theo luật này, công ty Đông Ấn được miễn thuế nhập cảng đối với trà dự định bán ở Mỹ thuộc Anh sau khi trà được đưa về Anh. Hơn nữa, đạo luật này trao cho công ty quyền chọn lựa các thương gia thuộc địa mà họ có thể ký gửi trà.

Với việc Công ty Đông Ấn nắm giữ thế độc quyền, chỉ những thương gia được họ cấp phép mới được phép bán trà ở các thuộc địa. Ở Boston, giấy phép bán trà được cấp cho năm người, bao gồm hai con trai và con rể của Thống đốc Hutchinson.

boston minh chan tuong 2
Bản thông cáo của “Những Người Con của Tự Do” (Sons of Liberty), năm 1765. Hiệp hội Lịch sử Massachusetts. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Người dân thuộc địa không chỉ tức giận vì loại thuế mới này (được áp lên họ mà không có sự đồng ý của họ), mà còn ngày càng lo ngại rằng Nghị viện có thể mở rộng chính sách bảo hộ mậu dịch đối với các mặt hàng khác.

Họ lo ngại rằng các quan chức chính phủ có thể chọn lọc các đại lý, chỉ thiên vị với một số ít người. Điều này không chỉ đặt ra mối đe dọa loại trừ những người thuộc địa khỏi thị trường, mà còn gieo rắc nỗi sợ hãi về khả năng bị đưa vào danh sách đen đối với những ai muốn tự do bày tỏ quan điểm bất đồng của mình.

Quý vị phải uống loại trà này — và quý vị sẽ phải nộp thuế

Vào tháng 08/1773, tin tức về một số tàu chở trà từ London đang trên đường đến [Mỹ] đã lan đến Boston. Các cuộc họp được tổ chức tại khu Faneuil Hall. Tại một trong các cuộc họp đó, người ta tuyên bố rằng khi các con tàu đến Boston, việc dỡ trà sẽ bị cấm. Bất cứ ai tham gia vào việc này sẽ bị coi là “kẻ thù của nước Mỹ.”

Ông Hancock và ông Samuel Adams đã tập hợp một đám đông lớn dưới Gốc cây Tự Do nổi tiếng và yêu cầu năm đại lý của Công ty Đông Ấn đến và từ chức. Bất chấp những lời đe dọa, các đại lý này vẫn từ chối tuân theo yêu cầu của họ. Kết quả là, khi Thống đốc Hutchinson và Cảnh sát trưởng Stephen Greenleaf không thể bảo đảm an toàn cho họ, các đại lý phải chạy trốn đến Lâu đài William.

boston minh chan tuong 3
Các thành viên của “Những Người Con của Tự Do” (Sons of Liberty): Hàng đầu: Chính trị gia Samuel Adams, Sỹ quan Benedict Arnold, Thương gia John Hancock, Chính trị gia Patrick Henry, Luật sư James Otis Jr. Hàng thứ hai: Sỹ quan Paul Revere, Nhà tài chính James Swan, Thương gia Alexander McDougall, Bác sỹ Benjamin Rush, Thư ký Charles Thomson. Hàng thứ ba: Bác sỹ Joseph Warren, Đại tá Marinus Willett, Chính trị gia Oliver Wolcott, Chính trị gia Christopher Gadsden, Doanh nhân Haym Salomon. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Chủ nhật, ngày 28/11/1773, con tàu chở trà đầu tiên mang tên Dartmouth cập bến tại Bến Griffin. Sau đó, các thông báo về một cuộc họp lúc 9:00 sáng ngày hôm sau tại khu Faneuil Hall được lan truyền khắp thành phố.

Vì đám đông vượt quá sức chứa của địa điểm, họ đã diễn hành qua thành phố hướng đến Tòa nhà Hội nghị Old South (Old South Meeting House) rộng rãi hơn. Việc này đã gây chú ý cho các quan chức chính phủ, những người đang lo lắng và tập trung hội ý riêng ở Tòa Thị Chính gần đó.

Khi đến Tòa nhà Hội nghị Old South, đám đông tập hợp gồm 6,000 người yêu cầu trả lại toàn bộ lô hàng trà cho Anh. Một ủy ban gồm 25 người được bổ nhiệm để giám sát chiếc tàu Dartmouth và bảo đảm rằng số trà được lưu trữ vẫn còn trên tàu.

Trong vài tuần tiếp theo, thêm hai con tàu Eleanor và Beaver đến. Các tàu chở trà đến các thành phố cảng thuộc địa khác. Tại Thành phố New York và Philadelphia, các con tàu bị từ chối cho phép dỡ trà xuống và buộc phải rời đi cùng với hàng hóa trên tàu. Ở thành phố Charles Town, South Carolina (ngày nay là Charleston), trà đã được dỡ xuống nhưng bị để mục nát trong kho, và thuế thì không bao giờ được trả.

Quyết không để cho uy quyền của mình bị thách thức, Thống đốc Hutchinson chỉ thị cho Đô Đốc John Montagu bố trí Hải quân Anh trong Cảng Boston, ngăn không cho bất kỳ con tàu nào rời đi.

Ông cũng viện dẫn một đạo luật yêu cầu thuế nhập cảng phải được trả trong vòng 20 ngày kể từ khi tàu cập bến, nêu không tuân theo thì chính quyền địa phương sẽ tịch thu tàu thuyền và hàng hóa của họ. Hạn chót cho tàu Dartmouth là ngày 17/12. Ông Hutchinson chỉ đơn giản là từ chối thông quan cho bất kỳ con tàu nào muốn khởi hành và để thời hạn đó trôi qua.

Những Người Con của Tự Do (Sons of Liberty) đã biết về kế hoạch của ông Hutchinson và tổ chức các cuộc thảo luận với ông chủ Francis Rotch của tàu Dartmouth. Ông Rotch tỏ ra phẫn nộ với việc ông Hutchinson từ chối cấp giấy thông quan cho mình. Mặc dù có nhiều cuộc họp mặt giữa các bên, thế bế tắc vẫn không thể giải quyết. Thống đốc Hutchinson, người hết sức căm ghét Những Người Con của Tự Do, không có ý định nhượng bộ.

boston minh chan tuong 4
Một thông báo từ “Chủ tịch Ủy ban Bôi Hắc ín và Lông vũ” (Chairman of the Committee for Tarring and Feathering) ở Boston lên án những người nhận trà là “kẻ phản bội đất nước,” năm 1773. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Chúng ta sẽ không phục tùng!

Vào ngày 16/12, ngày trước hạn chót, ông Samuel Adams đã chỉ dẫn chủ tàu Rotch đưa ra lời thỉnh cầu cuối cùng với Thống đốc Hutchinson và sau đó báo cáo lại với ông vào buổi tối tại Tòa nhà Hội nghị Old South. Chủ tàu Rotch gặp mặt thống đốc và cầu xin cấp giấy phép thông quan, nhấn mạnh rằng nếu không có giấy phép, ông ta hoặc là sẽ phải hứng chịu sự phẫn nộ của dân chúng vì dỡ hàng khỏi tàu, hoặc chứng kiến tàu của mình bị tịch thu, dẫn đến tổn hại tài chính.

Bất kỳ nỗ lực trốn chạy nào cũng là bất khả thi, vì con tàu sẽ bị hải quân bắt hoặc phá hủy. Thống đốc Hutchinson đề nghị kéo tàu Dartmouth đến Lâu đài William, nơi có thể cất trữ trà, nhưng yêu cầu cấp giấy phép rời bến của ông Rotch chính thức bị bác bỏ.

Đến 6 giờ chiều, hàng ngàn người đứng chật kín Tòa nhà Hội nghị Old South, cùng hàng ngàn người khác đứng bên ngoài khi bầu trời tối dần, và nến được thắp lên. Khi đám đông sôi sục này lắng nghe những bài diễn thuyết của Chính trị gia Samuel Adams, Thương gia John Rowe, và Thương gia Josiah Quincy thì chủ tàu Rotch đến. Trước đám đông, ông lên tiếng thông báo với họ rằng thống đốc đã từ chối cấp giấy phép rời bến cho ông.

Đám đông sôi sục phẫn nộ, nhưng được yêu cầu giữ im lặng. Sau khi trả lời thêm một vài câu hỏi, chủ tàu Rotch miễn cưỡng thông báo với họ rằng ông sẽ dỡ hàng trà xuống vì nếu tàu của ông bị tịch thu, ông sẽ rơi vào cảnh phá sản.

Lúc đó, ngài Samuel Adams đứng lên và tuyên bố, “Cuộc họp này không thể làm gì hơn nữa để cứu lấy đất nước!”

Mặc dù bên trong tòa nhà là tiếng ồn đinh tai nhức óc, nhưng các sử gia tin rằng tuyên bố của ngài Adams là một tín hiệu [kêu gọi hành động]. Ngay tại thời khắc đó, tiếng hò reo chiến tranh vang lên khi hàng chục người đàn ông mặc trang phục Thổ dân Mohawk ập vào Tòa nhà Hội nghị Old South. Cả khu phố rung chuyển khi đám đông reo la, hò hét, “Hoan hô Bến Griffin! Cảng Boston sẽ thành ấm trà đêm nay!” Tiếng hân hoan vang vọng khắp thành phố.

Sau khi cuộc họp bị hoãn lại, đám đông đổ ra từ Tòa nhà Hội nghị Old South khi hàng ngàn người diễn hành xuống đường Milk Street hướng về Bến Griffin. Thêm hàng ngàn người khác gia nhập vào những người đã có mặt để chứng kiến thời khắc lịch sử đang diễn ra. Ước tính số người cải trang thành người Mohawk dao động từ số được ghi nhận là 116 đến hơn 150 người.

Lo sợ bị bắt nếu bị nhận ra, những người đàn ông này đã bôi đen mặt mình và mang theo rìu hoặc rìu cầm tay của người Mohawks. Một vài người che thân mình bằng chăn. Các thủy thủ Anh trên các tàu chiến gần đó đã chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng không thực hiện hành động nào để ngăn chặn điều này.

boston minh chan tuong 5
Những người dân thuộc địa thể hiện sự reo hò trong tờ in thạch bản năm 1846 này của nhà in thạch bản Nathaniel Currier có tên “The Destruction of Tea at Boston Harbor” (Tiêu hủy trà ở Cảng Boston). Lúc bấy giờ, cụm từ “Tiệc trà Boston” vẫn chưa trở thành cách gọi phổ biến. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Những người đàn ông cải trang này được lệnh chỉ tiêu hủy trà, không được phép làm hư hại tàu thuyền hoặc bất kỳ tài sản cá nhân nào khác. Quan trọng nhất là, không được gây thương tích cho bất cứ ai. Họ chia thành ba nhóm, lên từng con tàu để thực hiện đúng theo các mệnh lệnh này và làm nên lịch sử.

Điều gì làm Tiệc trà Boston trở nên khác biệt?

Trong một bước ngoặt kỳ lạ, Tiệc trà Boston không phải là chất xúc tác chính dẫn đến việc chấm dứt quan hệ giữa Anh quốc và các thuộc địa Mỹ. Sự thách thức chống lại quyền lực hoàng gia đã âm ỉ từ sau khi kết thúc Chiến tranh Pháp và người Mỹ Thổ dân vào năm 1763.

Việc Quốc hội Anh ban hành Đạo luật Tem (Stamp Act), Đạo luật Quyền Thu Thuế (Declaratory Act) và Đạo luật Townshend đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột: Vụ Liberty, Trận chiến Golden Hill, Thảm sát Boston, Trận chiến Alamance, Cuộc bạo loạn Cây thông, và Vụ việc Gaspee. Tài sản bị phá hủy, mạng sống bị đe dọa, và máu đã đổ. Tuy nhiên, sau mỗi vụ việc, những người bình tĩnh hơn đã thắng thế, các vấn đề được giải quyết, và cuộc sống trở lại bình thường.

boston minh chan tuong 6
Một tấm bảng kỷ niệm Tiệc Trà Boston, hiện được gắn ở bên hông Tòa nhà Bến Độc Lập ở Boston. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Yếu tố quyết định khiến sự kiện này khác biệt với tất cả những sự kiện khác, và định đoạt số phận của cả hai bên, chính là phản ứng hết sức hà khắc của nước Anh đối với hành động bất tuân dân sự diễn ra ở Cảng Boston 250 năm trước. Hoàng gia Anh gọi các hình phạt trên là cưỡng chế, trong khi chúng ta, những người thuộc địa, lên án họ là không thể chấp nhận.

Chú giải:

(*) 250 năm trước: tính đến tháng 10/2023

Hữu Minh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x