Phần mở đầu của bản tuyên ngôn nói về Thần — Sáng Thế Chủ, Đấng Sáng Tạo, Thiên Chúa tạo ra trời đất, Chúa tể vạn vật — rằng mọi nỗ lực mưu cầu của con người đều nên phù hợp với những quyền mà Thần ban cho….
Phần 1: Truyền kỳ về tướng Washington: Sương mù trắng trên sông Đông
Phần 4: Truyền kỳ về tướng Washington: Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ ra đời như thế nào?
1. Vạn sự vạn vật đều do Đấng Sáng Tạo ban cho
Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện quan trọng nhất cho sự thành lập Hoa Kỳ, được đệ trình lên Quốc hội Lục địa Mỹ bởi một nhóm nhỏ gồm năm người. Trên thực tế, một mình Thomas Jefferson đã hoàn thành áng văn thiên cổ này, còn các thành viên trong nhóm sáng tác gồm cả John Adams và cụ già đức cao vọng trọng Benjamin Franklin cũng chỉ sửa đổi lại một vài câu chữ cho bản thảo này.
Phần mở đầu của bản tuyên ngôn nói về Thần — Sáng Thế Chủ, Đấng Sáng Tạo, Thiên Chúa tạo ra trời đất, Chúa tể vạn vật — rằng mọi nỗ lực mưu cầu của con người đều nên phù hợp với những quyền mà Thần ban cho: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
Vậy tại sao họ lại tách ly khỏi chủ quốc Anh để thành lập một quốc gia độc lập? Phần mở đầu của bản tuyên ngôn đã giải thích như sau:
“Thật vậy, sự thận trọng sẽ buộc người ta hiểu rõ rằng một chính quyền đã được thiết lập qua một thời gian dài thì không nên thay đổi chỉ vì những lý do đơn giản, nhất thời. Mọi kinh nghiệm đều đã chứng tỏ điều đó, rằng khi cái xấu còn trong chừng mực chịu đựng nổi, thì nhân loại dễ cam chịu nó, hơn là dám tự trao cho mình quyền loại bỏ những thể chế mà họ đã quen thuộc.
Nhưng khi hàng loạt các hành vi lạm quyền và chiếm đoạt theo đuổi những mục tiêu giống nhau, lộ rõ ý đồ áp chế họ dưới ách chuyên quyền độc đoán, thì họ có quyền và bổn phận phải lật đổ chính quyền đó và bổ nhiệm những chiến sĩ mới để bảo vệ nền an ninh của họ trong tương lai”.
“Lịch sử của vua nước Anh hiện nay là lịch sử của những nỗi đau thương và sự tước đoạt triền miên, tất cả đều nhằm mục đích trực tiếp là thiết lập ách chuyên chế bạo ngược ở những bang này”.
Những áng văn trên chưa bao giờ phai nhạt theo dòng chảy của thời gian, mà ngược lại, lại càng thêm nổi bật. Tại khắp nơi trên thế giới, đoạn văn này chính là chuẩn mực tinh thần cho con người thoát khỏi chế độ chuyên chế để đấu tranh cho tự do nhân quyền.
Năm 2019, giới trẻ Hồng Kông vì để chống lại chế độ chuyên chế của ĐCSTQ, để bảo vệ nền độc lập hiến pháp cũng như nhân quyền và tự do của Hồng Kông, mà đã dũng cảm cất lên tiếng nói của mình. Họ thành lập chính phủ lâm thời và công bố bản tuyên ngôn, và phần mở đầu bản tuyên ngôn này lại trích từ Tuyên ngôn Độc lập của Thomas Jefferson.
Quay lại năm 1776 tại Philadelphia, đó là một ngày hè nóng nực trong căn phòng tựa như thiêu đốt, John Adams cầm trên tay bài văn của Jefferson mà trong lòng tràn đầy khâm phục.
Ban đầu Adams chỉ yêu cầu Jefferson viết để bày tỏ lập trường tại quốc hội, giờ thì tốt rồi, đây là bài viết nổi bật với tài năng văn chương tuyệt đỉnh, ngôn từ tha thiết, hợp tình hợp lý, lại dựa trên nền tảng đạo nghĩa. Đặc biệt, tinh thần cao quý của bài văn này không chỉ là tinh thần lập quốc của Hoa Kỳ, mà còn là tuyên ngôn thuộc về toàn nhân loại.
Ngược trở về những năm tuổi trẻ của Thomas Jefferson. Sau khi tốt nghiệp Đại học William và Cao đẳng Mary, năm 1769, ông đã tham gia tổ chức giải phóng nô lệ của địa phương và trở thành một thành viên trong đó. Trải nghiệm này giúp ông nhận ra rằng: dưới sự cai trị của vua Anh, các vùng thuộc địa không thể xóa bỏ chế độ nô lệ được. Vậy nên hôm nay, trong tuyên bố của mình, ông cũng không quên giải phóng người nô lệ:
“Nước Anh đã phát động cuộc chiến tàn bạo phản nhân tính chống lại loài người. Chế độ chuyên chế đã cướp đi sinh mệnh và quyền lợi tự do của một dân tộc xa xôi, mà những người thuộc sắc tộc này chưa bao giờ mạo phạm đến Anh.
Cuộc chiến này đã lừa gạt và đe dọa những người dân vô tội, khiến họ hoặc chết thảm thương trong khi được vận chuyển, hoặc bị đưa đến một nơi xa xôi của trái đất làm nô lệ. Cuộc chiến này là do vua của đế quốc Anh một người theo Cơ Đốc giáo phát động. Quyết định của vua Anh đã mở ra một thị trường, nơi con người có thể bị mua và bán”.
Đoạn văn trên chỉ trích Đế quốc Anh buôn bán nô lệ, đó là hành vi vô nhân tính và vô đạo đức đối với chế độ nô lệ người châu Phi ở các thuộc địa. Tuy nhiên, khi bản tuyên bố này được đưa đến quốc hội, đại diện bang miền Nam vừa xem liền đứng dậy lật bàn, và nhất quyết đòi về nhà. Họ nói:
Hãy nhìn xem! Các người ở miền Đông khai chiến với mẫu quốc Anh, lại kéo theo chúng tôi, những người sống thoải mái ở các đồn điền phương Nam phải đi lên con thuyền nghịch tặc này, xúi giục chúng tôi cùng tham gia cách mạng. Hơn nữa, cớ sao các người lại còn định phá hủy kế sinh nhai của chúng tôi?
Không có nô lệ da đen, đồn điền miền Nam làm sao hoạt động? Lại nói, họ là những nô lệ đến từ bốn khu vực hoang dã của châu Phi, vốn không có đức tin, tín ngưỡng, cũng không có văn minh, vậy nếu không ai cai quản thì họ sẽ tha hồ ngủ một mạch suốt từ sáng đến tối dưới ánh mặt trời. Các người mong đợi họ sẽ như những người da trắng siêng năng, nỗ lực, văn minh, và có thể quản lý tốt dân tộc của chính mình sao?
Lại nói, ban đầu nhóm thổ dân châu Mỹ cắm lông vũ trên đầu, sống chết cũng không chịu đồng hoá với dân tộc bản địa. Bảo họ trồng lúa mì thì họ không chịu, nhất quyết đòi trồng ngô. Bất kể có việc làm hay không thì họ vẫn cứ trốn trong rừng, rồi bắn trộm những mũi tên lạnh lùng vào người da trắng. Bắt được người da trắng rồi thì họ cạo trọc đầu, tô tô vẽ vẽ thành dấu ấn cho thổ dân da đỏ của họ.
Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ khiến người da trắng chúng tôi phải đau đầu rồi, vậy mà các người còn định giải phóng cho nô lệ da đen?! Đến khi cuộc chiến thực sự bắt đầu, nếu nô lệ da đen có súng trong tay thì họ có nhắm vào chúng ta hay không? Các người đã viết điều này thật hùng hồn vào bản tuyên ngôn.
Ấy là các người e ngại kẻ thù chưa đủ nhiều và cho rằng những rắc rối của chúng tôi là chưa đủ lớn? Các người thật cao thượng, đã muốn chống lại vua Anh lại còn muốn giải phóng nô lệ! Vậy thì các người lo mà bận rộn đi! Chúng tôi trở về nhà trồng trọt, còn lại kệ các người, được chưa?
Cụ già Benjamin Franklin đáng kính nhìn thấy tình huống ấy: Chỉ vì đoạn văn viết rằng việc buôn bán nô lệ là ngược lại đạo trời, nên mới khiến nghị viện quốc hội nổ tung giận dữ. Nếu mấy vị đại diện các bang miền Nam bỏ gánh không tham gia nữa và rời đi, thì nghị viện quốc hội cũng không thể duy trì được.
Việc cấp bách ưu tiên trước mắt là làm cách mạng và thành lập một quốc gia độc lập. Còn việc bãi bỏ chế độ buôn bán nô lệ là bước tiếp theo, sau này chúng ta sẽ lại bàn tiếp vậy. Chỉ một việc đánh đuổi quân Anh cũng đủ để chúng ta bận rộn cả đời rồi, vậy những việc khác thì hãy lưu lại cho thế hệ sau. Adams miễn cưỡng mà tổng kết lại như vậy.
Sau khi Tuyên ngôn Độc lập được nghị viện thông qua, chủ tịch quốc hội Hancock là người đầu tiên ký tên. Tại khoảng trống phía dưới, ở vị trí chính giữa, Hancock đã viết một dòng chữ nổi bật ngay dưới tên mình, về sau dòng chữ này đã trở thành câu tục ngữ của người dân Mỹ: “Nào, xin mời một vị Hancock nữa”.
Ý nghĩa là: Xin mời bạn ký tên của mình. Bởi vì vào thời điểm đó, chữ ký cũng đồng nghĩa là tất cả những ai có tên trong bản danh sách nổi tiếng này sẽ cùng đối mặt với nguy cơ bị vua Anh treo cổ.
Sau cuộc tranh luận gay gắt, cuối cùng văn kiện ghi chép cũng được đưa lên bàn chủ tịch hội nghị. Mỗi đại biểu quốc hội đều bước lên ký tên của mình, không khí nặng nề bao trùm khắp căn phòng. Một vị đại biểu nói đùa rằng: “Nếu tướng Washington và đội quân của ông ấy bị đánh bại, thì số phận chúng ta là cùng nhau bị treo cổ hay là chia ra treo cổ riêng?”.
Có người còn nhân cơ hội châm chọc vị đại diện có thân hình mập mạp: “Khi đó trên giá treo cổ, chỉ chốc lát sau chúng ta đều thẳng cẳng mà chết. Nhưng còn vị tiên sinh mập mạp à, ngài có thể phải chịu khổ rồi, chắc hẳn ngài sẽ phải duỗi chân rất lâu mới có thể tắt thở cho được”.
2. Từ Jefferson đến Lincoln
Bản Tuyên ngôn Độc lập được sao chép riêng một bản và nhờ người phi ngựa hỏa tốc gửi đến tướng quân Washington. Tướng Washington vô cùng vui mừng, liền tập hợp tất cả binh lính và đọc bản tuyên bố này trước công chúng. Kể từ nay, chúng ta chiến đấu cho quốc gia độc lập của riêng mình!
Vậy thì, hãy cầu nguyện cho đất nước chúng ta trước bữa ăn! Ngay đêm sau khi bản tuyên ngôn được đọc lên, cả thành phố Boston hân hoan vui mừng, binh sĩ và dân chúng vừa trở thành công dân độc lập, đã cùng nhau kéo đổ tượng đài vua George III ở trung tâm thành phố. Sau đó họ gửi nguyên vật liệu này đến xưởng vũ khí, chế tạo hàng ngàn viên đạn và gửi đến cho quân đội.
Tương tự như vậy, tiếng chuông tự do vang lên khắp Philadelphia, dân chúng trong toàn thành phố lắng nghe các đại biểu đọc bản văn hào hùng này rồi cùng nhau diễu hành vui mừng say sưa. Kể từ đó, mỗi năm vào ngày 4 tháng 7 đã trở thành quốc khánh của Hoa Kỳ.
Bản thân Adams cũng từng dự đoán trước điều này trong lá thư gửi cho người vợ Abigail của ông: Các thế hệ tương lai sẽ kỷ niệm ngày này, từ khắp nơi trên lục địa châu Mỹ người ta sẽ thấy các cuộc diễu hành, biểu diễn, đốt lửa, bắn pháo hoa, đại bác, súng ống, v.v. để kỷ niệm ngày trọng đại này.
Có người cho rằng việc xoá bỏ đoạn văn trên bản Tuyên ngôn Độc lập đã cho phép chế độ nô lệ tiếp tục tồn tại trên lục địa châu Mỹ nhiều năm về sau. Sau khi nước Mỹ thành lập, Jefferson từng trịnh trọng đề nghị tại quốc hội rằng nô lệ nên dần dần được trả về quê hương châu Phi của họ.
Tất nhiên, ý kiến này vẫn không được đa số đại biểu đồng ý. Chế độ nô lệ vẫn tiếp tục tiến hành, người da đen không có nhân quyền, không được giữ lại bất cứ vật gì mà họ yêu quý: tài sản, người thân, ý chí cá nhân… Đứa trẻ trong vòng tay của mẹ sẽ bị đem ra chợ bán khi nó lên 6, 7 tuổi, từ đó hai mẹ con chia lìa, không bao giờ được gặp lại nhau.
Sự phản đối của những người có lương tri đối với chế độ nô lệ vẫn tiếp diễn và không ngừng nóng lên. Cuối cùng, sau cuộc nội chiến Nam Bắc (1860-1865), khi người da trắng mất đi hàng trăm nghìn sinh mạng binh sĩ, Tổng thống Lincoln cuối cùng đã đưa việc bãi bỏ chế độ nô lệ trở thành luật sắt trong Hiến pháp Hoa Kỳ.
Trong phần mở đầu của bài diễn văn nổi tiếng ở Gettysburg, Tổng thống Lincoln phát biểu: “87 năm trước, các nhà hiền triết của chúng ta đã thành lập một quốc gia mới trên lục địa này. Bản tuyên ngôn độc lập được hình thành với mong muốn tự do, và tuân theo nguyên tắc tất cả con người sinh ra đều bình đẳng”. Vào năm 1776, tổng thống Lincoln đã hoàn thành xuất sắc ý nguyện của Jefferson trong đoạn văn mà trước đó bị xoá khỏi Tuyên ngôn Độc lập, và ông đã cống hiến cả cuộc đời mình vì lý tưởng này.
Tống Vi Vi
Cửu Ngọc biên dịch từ EPOCH TIMES Tiếng việt
- Xem thêm:
- Karl Marx là người như thế nào?
- Tổng quan về Lịch sử Trung Quốc (Lời mở đầu – Phần 4): Sử quan và Quan sử
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!