‘Tiếu đàm phong vân’ – Tập 9: Tam gia phân Tấn (Phần 2)

tieu dam phong van minh chan tuong
Giáo sư Chương Thiên Lượng trong tiết mục “Tiếu đàm phong vân”. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Triệu gia hóa giải nguy cơ, Dự Nhượng sơn thân thành hủi nuốt than đổi giọng

Lời bạch: Năm 455 TCN, đại phu Trí Bá Dao của nước Tấn lấy danh nghĩa chống lại nước Việt, đã yêu cầu ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy dâng nộp đất đai. Triệu Tương Tử không đáp ứng, bị liên quân ba nhà Trí-Hàn-Ngụy tấn công. Thực lực của Triệu gia tương đương với Hàn gia và Ngụy gia, nhưng kém hơn nhiều so với Trí gia, hiện giờ gặp phải sự công kích cùng lúc của ba gia, tình thế vô cùng nguy cấp. Triệu Tương Tử dựa theo di mệnh của phụ thân, đến Tấn Dương tránh nạn. Bởi vì Triệu gia đã từng đối xử rất tốt với dân chúng, nên dân chúng đồng tâm hợp lực bảo về Triệu gia, tình hình chiến sự lâm vào tình thế giằng co. Trí Bá Dao nghĩ ra một kế, đào mương dẫn nước sông Tấn Thủy, dùng nước nhấn chìm thành Tấn Dương. Dân chúng toàn thành sắp trở thành mồi cho cá rùa, tai họa ngập đầu đang ở ngay trước mắt, Triệu gia làm gì để ứng đối với trận đại nạn này đây?

Khi Triệu gia đang ở trong tình thế nguy hiểm, liên tiếp xảy ra ba sự kiện đã hóa giải nguy cơ của Triệu gia. Sự kiện thứ nhất, Triệu gia xúi giục hai nhà phản lại Trí gia; sự kiện thứ hai, Trí Bá Dao nói lỡ lời; sự kiện thứ ba là Hy Tỳ bỏ chạy.

Triệu gia có một vị mưu sĩ gọi là Trương Mạnh Đàm, trong “Sử ký” được viết là Trương Mạnh Đồng, còn trong “Tư trị thông giám” thì viết là Trương Mạnh Đàm. Ông nói với Triệu Tương Tử rằng, chúng ta nếu muốn thoát khỏi lần nguy khốn này, kế sách trước mắt, chỉ còn cách đi xúi giục Hàn gia và Ngụy gia, khiến bọn họ cùng liên hợp lại với chúng ta tiêu diệt Trí gia.

Ngay đêm đó Trương Mạnh Đàm trúy thành nhi xuất (trúy thành: từ trên thành thả dây xuống đất rồi lần theo dây xuống để ra khỏi thành), đi đến đại doanh của Hàn Khang Tử, cũng chính là Hàn gia.

Trương Mạnh Đàm nói với Hàn Khang Tử rằng, Trí Bá Dao là con người tham lam, đất đai không thuộc về ông ta, giống như 100 dặm đất kia của Hàn gia các ngươi, 100 dặm đất kia của Ngụy gia ông ta đều muốn chiếm. Nếu như đánh bại được Triệu gia, ông ta sẽ không chia phần đất của Triệu gia cho các ngươi, dù cho có chia, nhiều nhất cũng chỉ là chia cho các ngươi một chút ít. Trí Bá Dao chiếm được phần lớn đất đai của Triệu gia, sẽ càng thêm hùng mạnh. Đến lúc đó, Hàn gia và Ngụy gia càng không có cơ hội tỷ hùng tranh phong với Trí gia. Kế sách an toàn nhất cho chúng ta bây giờ chính là, chúng ta liên hợp lại, sau khi diệt được Trí Bá Dao, ba nhà chúng ta cũng không chênh lệch thực lực bao nhiêu, ai cũng không bắt nạt được ai, chúng ta sẽ bình an vô sự.

Những lời này, gần như đã thuyết phục được Hàn Khang Tử. Trong lòng Hàn Khang Tử rất do dự, nhưng không hạ được quyết tâm. Trương Mạnh Đàm lại đem những lời như vậy nói với đại phu của Ngụy gia, Ngụy Hoàn Tử. Ngụy Hoàn Tử cũng không thể lập tức hạ được quyết tâm. Bọn họ đều đang đợi một thời cơ, chính tại lúc này, Trí Bá Dao đã nói lỡ một câu cực kỳ sai lầm.

Nước lớn rất nhanh sẽ nhấn chìm Tấn Dương. Ngày hôm sau, Trí Bá Dao và Hàn Khang Tử, Ngụy Hoàn Tử cùng nhau ngồi chung một chiếc xe ngựa, Trí Bá Dao ngồi ở bên trái, Ngụy Hoàn Tử ngồi ở bên phải, Hàn Khang Tử ở giữa điều khiển xe. Trí Bá Dao cảm thấy mưu lược của mình thật cao minh, thấy lập tức sẽ chiếm được Tấn Dương rồi, đã nói ra một câu như thế này.

Ông ta nói, nước Tấn chúng ta là một nước trong ngoài đều có sông núi, địa thế vô cùng hiểm yếu, có rất nhiều sông lớn. Chúng ta đều biết sông luôn có thể có tác dụng phòng vệ cho một quốc gia. Vì sao? Theo binh pháp khi bày binh bố trận, thông thường hy vọng phía sau là núi, phía trước là sông. Sau lưng là núi, thì người khác rất khó vượt qua núi đến tấn công, phía sau sẽ an toàn; phía trước là sông, người khác cũng rất khó trực tiếp vượt qua sông đến công kích, khi thuyền đối phương còn chưa tới được, đã có thể bị cung tên bắn.

Trí Bá Dao nói tiếp, nhưng hôm nay ta mới biết, mặc dù nước sông có thể trở thành công sự phòng ngự cho một quốc gia, nhưng nó cũng có thể diệt vong một quốc gia.

Ngay sau khi ông ta nói câu này, Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử liếc nhìn nhau. Hàn Khang Tử dùng cùi chỏ thúc vào Ngụy Hoàn Tử, Ngụy Hoàn Tử liền giẫm lên chân Hàn Khang Tử một cái.

Vì sao vậy? Hai người họ đều nghĩ đến một việc khiến cho họ rất sợ hãi. Phong ấp của Ngụy gia ở An Ấp, bên cạnh An Ấp có một con sông gọi là Giáng Thủy; căn cứ địa của Hàn gia ở Bình Dương, bên cạnh Bình Dương có một con sông tên là Phần Thủy. Nói cách khác, nếu như Trí Bá Dao muốn diệt Hàn gia và Ngụy gia, thì sông Giáng Thủy có thể nhấn chìm An Ấp, sông Phần Thủy có thể nhấn chìm Bình Dương, ông ta có thể làm y như thế.

Lúc này Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử trao đổi ánh mắt với nhau, hành động nhỏ này đã bị một mưu sĩ dưới trướng của Trí Bá Dao là Hy Tỳ nhìn thấy. Trong “Tư trị thông giám” gọi ông ta là Hy Tỳ. Hy Tỳ chờ đại phu của Hàn gia và Ngụy gia rời đi, liền thưa với Trí Bá Dao rằng, Hàn gia và Ngụy gia sắp sửa muốn phản bội chúng ta. Trí Bá Dao hỏi làm sao ngươi biết được?

Hy Tỳ thưa, điều này thực rất đơn giản? Triệu gia sắp bị đánh bại, ngay khi ngài nói nước sẽ lập tức nhấn chìm Tấn Dương, vẻ mặt của hai vị đại phu không có một chút vui mừng. Theo đạo lý mà nói, đánh hạ được thành Tấn Dương, họ lập tức được chia phần đất đai của Triệu gia, chiếm được lợi ích rất lớn, cuộc chiến kết thúc họ có thể về nhà, nhưng bọn họ lại không tỏ ra chút vui mừng nào cả. Hơn nữa ngài nhắc đến những con sông lớn của nước Tấn, thì sông Giáng Thủy có thể dìm An Ấp, sông Phần Thủy có thể nhấn chìm Bình Dương. Đại phu của hai nhà này làm sao có thể không cảnh giác được? Trí Bá Dao nói, vậy sao? Ngày mai ta sẽ hỏi bọn họ thử xem.

Tiếu đàm phong vân
Giản đồ các nước cuối thời Xuân Thu. (Ảnh: Yug/Wikimedia Commons /CC-BY-SA-3.0)

Ngày hôm sau Trí Bá Dao bày tiệc rượu, mời cả Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử tới. Ông ta nói với đại phu hai nhà rằng, con người của ta tính tình ngay thẳng, có cái gì thì nói cái đó, ta hy vọng các ngài cũng như vậy. Bây giờ ta hỏi các ngài một câu, có phải hai ngài muốn phản bội lại ta chăng?

Hai người kia có thể thừa nhận được sao? Lập tức nói không có chuyện này. Hàn Khang Tử nói, tôi nghe nói hiện giờ Triệu gia đang dùng kế ly gián, tốn rất nhiều tiền, để ly gián quan hệ giữa chúng ta. Ngụy Hoàn Tử nói, Triệu gia sắp sửa bị đánh bại rồi, chúng tôi sao có thể từ bỏ lợi ích sắp chiếm được trong tay, để đi làm những việc chắc chắn không thể thành mà lại nguy hiểm vạn phần đó chứ?

Trí Bá Dao lúc này cầm chén rượu lên “lấy rượu tưới xuống đất”, còn chén ném xuống mặt đất nói, đây chính là lời thề giữa chúng ta. Nếu như chúng ta làm trái lời thề, sẽ giống như cái chén này. Lúc ấy trên bàn tiệc mọi người vẫn còn ăn uống linh đình, vui vẻ cho đến lúc tàn tiệc.

Khi Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử rời khỏi đại doanh của Trí Bá Dao. Hy Tỳ vừa lúc từ bên ngoài đi tới, nhìn thoáng qua hai vị đại phu của hai nhà Hàn-Triệu, ông ta đi vào đại doanh thưa với Trí Bá Dao rằng: Hai người họ không những quyết tâm làm phản, mà lập tức sẽ bắt đầu hành động.

Trí Bá Dao hỏi, làm sao ngươi biết? Hy Tỳ thưa rằng hai người họ sau khi nhìn thấy tôi, “ánh mắt nhìn thẳng, sau đó đi gấp”, là nói hai người họ lúc ấy rất nghiêm túc nhìn tôi một cái, lập tức cúi đầu bước nhanh rời đi, hiển nhiên là ngài đã đem lời tôi nói với hai người họ rồi, có phải vậy không? Trí Bá Dao nói đúng vậy, hai người họ nói không có chuyện đó đâu.

Hy Tỳ phản ứng rất nhanh, ông ta thưa với Trí Bá Dao, hy vọng có thể đi sứ đến nước Tề. Ông ta viện ra một mớ lý do phải đi sứ đến nước Tề. Trí Bá Dao đồng ý ngay. Hy Tỳ liền rời khỏi Trí Bá Dao. Hy Tỳ biết, sắp sửa gặp đại họa rồi, ông ta lại không ngăn cản được Trí Bá Dao.

Vào tối hôm đó, cuối cùng Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử đã ra quyết định. Họ lệnh cho binh sĩ đào và đắp một con đập lớn, nhưng không dẫn nước hướng về Tấn Dương, mà ngược lại dẫn nước đến đại doanh của Trí Bá Dao. Trí Bá Dao đang ngủ, đột nhiên phát hiện giường nằm đều ướt hết. Ông ta cho rằng binh sĩ không trông coi đập nước cẩn thận. Ngay lúc này ông ta nhìn thấy một thủ hạ thân tín của mình là Dự Nhượng, chèo thuyền tới.

Dự Nhượng nói với Trí Bá Dao, không xong rồi, Hàn gia và Ngụy gia đã phản bội và  liên hợp với Triệu gia đánh chúng ta! Bởi vì Trí Bá Dao cơ bản không chuẩn bị thủy quân, vốn ý định chỉ dùng nước làm ngập Tấn Dương mà thôi, mà ba gia Hàn-Ngụy-Triệu là có sự chuẩn bị, thuyền của ba nhà bao vây lấy thuyền của Trí Bá Dao. Trí Bá Dao bị bắt. Triệu Tương Tử liệt kê từng tội của Trí Bá Dao, rồi giết chết ông ta.

Lời bạch: Ngay khi Triệu gia sắp bị ba nhà Trí, Hàn, Ngụy tiêu diệt, họ đã thuyết phục thành công hai nhà Hàn, Ngụy đem nước sông ở Tấn Dương dẫn đến nhấn chìm quân đội của Trí Bá Dao. Đây là một sự chuyển ngoặt rất kịch tính, kỳ thực đã sớm có dấu hiệu báo trước. Trí Bá Dao là một người tham lam ngang ngược và kiêu ngạo, bởi vì tham lam nên muốn chiếm đất của ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy; vì ngang ngược kiêu ngạo, mà không nghe lời cảnh báo của Hy Tỳ; mặc kệ trước khả năng hai nhà Hàn, Ngụy bị xúi giục ly gián; chuẩn bị không đầy đủ trước khả năng bản thân bị tấn công về quân sự. Có thể nói Trí Bá Dao cũng không biết rõ thực lực của bản thân mình, cũng không hiểu tâm lý của đồng minh, càng không hiểu sách lược và quyết tâm của đối thủ, do đó thất bại của Trí Bá Dao có thể nói là điều tất nhiên.

Triệu Tương Tử cực kỳ thống hận Trí Bá Dao, nên sau khi giết, đã đem đầu của Trí Bá Dao khoét rỗng, làm nơi để đi vệ sinh, chính là làm cái bô. Thủ hạ thân tín của Trí Bá Dao là Dự Nhượng nghe được tin tức này đã rất đau lòng. Dự Nhượng than chủ nhân của ta sao có thể bị vũ nhục như vậy? Người cũng đã chết rồi, di cốt của ông ấy còn bị làm nhục như thế. Dự Nhượng liền chuẩn bị ám sát Triệu Tương Tử.

Dự Nhượng là thích khách rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Có thể mọi người đều đã từng nghe qua một câu nói của ông, gọi là “Sĩ vi tri kỷ giả tử, nữ vi duyệt kỷ giả dung” (kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, nữ nhân trang điểm vì người mình yêu), đây là câu nói của Dự Nhượng.

Dự Nhượng vì để ám sát Triệu Tương Tử, đã cải trang thành một người thợ sửa chữa. Triệu Tương Tử sau khi giết Trí Bá Dao, ông cho người sửa sang lại nhà vệ sinh. Dự Nhượng cải trang thành một người dọn dẹp nhà vệ sinh, “giấu lưỡi dao sắc bén trong người”, mang theo một con dao găm. Khi Triệu Tương Tử đến nhà vệ sinh, trong lòng đột nhiên có một loại dự cảm không tốt, ông ra lệnh thuộc hạ lục soát người. Kết quả vừa lục soát, liền soát ra được Dự Nhượng, dao găm giấu trong người cũng bị tìm thấy. Triệu Tương Tử hỏi Dự Nhượng là ai.

Dự Nhượng nói, tôi là gia thần của Trí Bá Dao, muốn giết chết ông. Triệu Tương Tử nói Trí Bá Dao đã chết rồi, ngươi hà tất phải cố chấp báo thù cho ông ta như thế? Nếu như ta thả ngươi, ngươi có thể từ bỏ ý định giết ta không?

Dự Nhượng trả lời, ngươi thả ta, đó là ân tình cá nhân ngươi đối với ta, gọi là “ơn riêng của chủ”; ta giết chết ngươi vốn là muốn báo thù cho chủ của ta, đây chính là “đại nghĩa của kẻ bề tôi”, ta không thể vì ân tình cá nhân mà từ bỏ đại nghĩa.

Lúc ấy người xung quanh đều muốn giết chết Dự Nhượng. Thần sắc của Dự Nhượng rất thản nhiên, từ khí khảng khái, Triệu Tương Tử cũng rất cảm động, muốn thả ông ta. Người xung quanh nói không thể thả được, người này nhất định phải giết, vì hắn ta đã nói với ngài rằng, sau này hắn ta nhất định sẽ quay lại nghĩ cách giết ngài. Triệu Tương Tử nói thôi bỏ đi, ta đã đáp ứng với hắn rồi, về sau ta cẩn thận một chút, tránh hắn là được rồi. Ngay sau đó Triệu Tương Tử lệnh cho thả Dự Nhượng.

Dự Nhượng thấy rằng, sẽ không có cơ hội tiếp cận Triệu Tương Tử lần nữa. Bởi vì Triệu Tương Tử đã biết dung mạo dáng vẻ của Dự Nhượng ra sao, làm sao đến gần ông ta được? Dự Nhượng đã làm ra một sự việc rất khó bề tưởng tượng.

Ông ta dùng nước sơn nóng thoa lên khắp thân thể và khuôn mặt của chính mình. Thời xưa nước sơn đều chứa chất độc, sau khi thoa lên người, thân thể sẽ xuất hiện bệnh ngoài da. Cái này gọi là “sơn thân thành hủi”, toàn bộ hình dáng người đều thay đổi. Dự Nhượng lại nhổ sạch tóc, lông mày và râu của mình, cả người đã biến dạng. Sau đó Dự Nhượng giả làm dáng vẻ của một người ăn mày xin ăn trên phố. Thê tử của ông gần đó đi qua, nghe thấy tiếng của ông, chạy đến trước mặt nói, giọng của người này sao nghe giống phu quân tôi như vậy, thế nhưng dáng dấp không quá giống, rồi xoay người rời đi.

Dự Nhượng căm giận giọng nói của mình, ông bèn nuốt than đang cháy đỏ, nhằm làm hư dây thanh quản, đây gọi là “sơn thân thành hủi, nuốt than đổi giọng”. Ông vì báo thù, có thể chịu nỗi khổ lớn như thế. Giọng nói và hình dáng của ông thay đổi rồi, không còn người nào lại có thể nhận ra ông nữa.

Một người bạn của Dự Nhượng vẫn nhận ra ông, mời ông về nhà mình uống rượu. Người này hỏi Dự Nhượng rằng, với tài năng của ông như thế, ngay từ đầu đến Triệu gia xin làm quan, làm gia thần cho Triệu gia, ông sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận Triệu Tương Tử, khi đó ám sát ông ta không phải dễ dàng sao? Vì sao chọn phương pháp đau đớn như vậy để giày vò bản thân?

Dự Nhượng đã đáp lại một câu, được ghi lại trong “Sử ký – Thích khách liệt truyện”, “Ta đã ủy thân làm bề tôi của người, mà tìm cách giết người, là mang hai lòng để thờ chủ. Việc ta muốn làm này là cực kỳ khó, vì thế ta làm để những kẻ bề tôi mang hai lòng thờ chủ trong thiên hạ sau này phải lấy làm hổ thẹn”. (Ý tứ là: Ta đã đồng ý làm gia thần của ông, lại đi giết chết ông, đây chính là mang tâm phản bội khi đang hầu hạ ông, cho nên ta phải làm như thế, ta chính là muốn cho người trong thiên hạ mai sau, nếu như mang hai lòng mà thờ chủ, có thể sau khi nghe được câu chuyện của ta mà cảm thấy hổ thẹn).

Dự Nhượng làm việc này, cho dù khó khổ đến đâu, thì ông cho rằng đường ông đi là chính đạo, chứ không dùng phương pháp gian trá để thực hiện mục đích của mình. Dự Nhượng nói với bằng hữu của mình rằng, từ nay về sau chúng ta vĩnh biệt rồi, ông cũng không cần tìm ta nữa.

(Còn tiếp)

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt

Do Bi Hui biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x