Mỹ nhân trộm phù báo ân – Tín Lăng Quân giải vây Hàm Đan
Lời bạch: Năm 260 TCN, hai nước Tần – Triệu phát sinh cuộc chiến quyết liệt, Triệu Vương tin dùng Triệu Quát chỉ biết đàm binh trên giấy, kết quả 40 vạn quân Triệu bị tướng nước Tần là Bạch Khởi lừa giết. Năm 259 TCN, nước Tần một lần nữa tấn công nước Triệu, vây kín đô thành Hàm Đan của nước Triệu, thế là Bình Nguyên Quân đến nước Sở cầu cứu trước.
Dưới sự uy hiếp của Mao Toại, Tần Vương nhận lời cứu viện Triệu, nhưng sau khi xuất binh thì trú quân ở Vũ Quan, viện quân của nước Ngụy thì đóng ở Nghiệp Thành, cứu binh không tới, nước Triệu đã sức cùng lực kiệt, không còn sức để chống đỡ. Vậy nước Triệu có thể tránh qua được kiếp nạn này không?
Dưới tình hình nguy hiểm như vậy của nước Triệu, Bình Nguyên Quân Triệu Thắng viết một bức thư cho Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ của nước Ngụy. Ngụy Vô Kỵ là anh em cùng cha khác mẹ của Ngụy Vương, vợ của Bình Nguyên Quân là chị của Tín Lăng Quân.
Trong thư viết: “Lúc đó tôi sở dĩ quyết định cùng ông ký kết quan hệ hôn nhân, là bởi vì công tử cao thượng, trong khi chúng tôi gặp nguy nan, có thể cứu giúp chúng tôi. Bây giờ nước Triệu sắp mất đến nơi rồi, nhưng công tử ngồi nhìn không quan tâm, cho dù công tử không thấy thương nước Triệu, nhưng lẽ nào không thương xót chị gái của mình?”
Tín Lăng Quân sau khi nhận thư liền nghĩ cách đi thuyết phục Ngụy Vương xuất binh cứu viện nước Triệu. Khi đó quân Ngụy đóng ở Nghiệp Thành, chỉ tiến thêm một chút nữa là vào đến nước Triệu rồi. Nhưng mà Ngụy Vương không nghe theo, thuộc hạ của Tín Lăng Quân cũng có rất nhiều môn khách, ông ta liền bảo các môn khách nghĩ trăm phương ngàn kế đi thuyết phục Ngụy Vương, nhưng Ngụy Vương kiên quyết không đồng ý.
Cuối cùng, Ngụy Vô Kỵ quyết định dẫn tân khách của mình ra tiền tuyến, cùng với quân Tần liều một phen, cho dù có phải chết.
Ông ta lúc ấy mang theo hơn một trăm chiếc xe, khi đi ra cửa Đông nước Ngụy, người giữ cổng lúc đó là Hầu Sinh. Tín Lăng Quân nói với Hầu Sinh: “Ta bây giờ phải ra tiền tuyến, muốn cùng nước Tần liều mạng một phen.”
Hầu Sinh nói, “Công tử cố gắng vậy, lão thần không thể đi theo.” Là ý nói, ngươi muốn liều mạng ngươi cứ đi đi, ta đã quá già, không thể đi cùng với ngươi. Tín Lăng Quân sau khi từ biệt Hầu Sinh thì lên đường, sau khi đi một khoảng thời gian, Tín Lăng Quân càng nghĩ, trong lòng càng cảm giác khó chịu, bởi vì ông ta đối với Hầu Sinh vô cùng khách sáo, hơn nữa rất lễ phép chu đáo, người khác nhìn qua cũng đều cảm thấy đã có chút quá đáng.
Quan hệ với Hầu Sinh nhiều năm như vậy, mà lúc mình đi vào chỗ chết, Hầu Sinh không có một câu biểu thị đồng tình, hoặc là nghĩ phải giúp một tay, đây là một chuyện rất kỳ lạ.
Tín Lăng Quân nghĩ, “hay là ta đối với Hầu Sinh còn chưa đủ lễ phép chu đáo đây?” Thế là ông ta cho thuộc hạ dừng xe, sau đó một mình quay về gặp Hầu Sinh.
Hầu Sinh khi đó đang ở cửa đông Đại Lương, thủ phủ của nước Ngụy, chính là Khai Phong thuộc Hà Nam ngày nay, ông ta lúc đó đang ở cửa Đông đợi công tử trở về. Ông ta sau khi nhìn thấy công tử trở về đã mỉm cười, nói: “Ta biết công tử nhất định sẽ quay lại.”
Tại sao? Ông ấy nói rằng, “Đó là bởi vì một người thích kết giao với các nhân sĩ trong thiên hạ như công tử, đã nổi danh thiên hạ; hơn nữa công tử tốt với tôi như vậy, mọi người cũng đều biết, bây giờ công tử đưa tân khách đi liều mạng với nước Tần, cũng giống như ném miếng thịt cho hổ đói, căn bản là không thể quay trở về. Đây là một cách làm vô cùng mạo hiểm cho công tử, và không có tác dụng gì. Tại sao ngài không nghĩ xem, có kế sách nào khác tuyệt vời và hiệu quả hơn không?”
Tín Lăng Quân vừa nghe đã biết rằng Hầu Sinh nhất định có cách giải quyết. Ông ta liền hỏi Hầu Sinh, “Ông có thể chỉ cho tôi không?” Hầu Sinh nói với công tử: “Nếu công tử muốn điều động quân đội của nước Ngụy, ngài tất phải lấy được binh phù. Binh phù ở trong phòng ngủ của Ngụy Vương. Ai có thể vào phòng ngủ của Ngụy Vương? Chính là một mỹ nhân mà Ngụy Vương sủng ái nhất, gọi là Như Cơ. Như Cơ có thể lấy được binh phù. Vì công tử từng có ân với Như Cơ.
Vì năm đó cha của Như Cơ bị người ta giết, nàng đã tìm mọi cách để trả thù cho cha mình, đi khắp nơi nhờ người. Không có một ai có thể thật sự giúp nàng ta báo thù, cuối cùng Tín Lăng Quân đã trả thù cho nàng. Nếu như công tử có thể đi nhờ vả Như Cơ, Như Cơ nhất định sẽ đồng ý, lấy trộm binh phù đưa cho công tử. Công tử lại ra tiền tuyến, và có thể điều động 10 vạn quân của nước Ngụy, điều đó so với việc có một trăm tân khách, một trăm cỗ xe, có hiệu quả hơn nhiều không?”
Tín Lăng Quân như ở trong mộng mới tỉnh, ông ta liền đi cầu cứu Như Cơ, quả nhiên Như Cơ giúp ông ta lấy trộm binh phù. Ngụy Vô Kỵ nói với Hầu Sinh: “Ta muốn cầm binh phù ra tiền tuyến điều binh.” Hầu Sinh nói: “Tôi có một bằng hữu rất giỏi, người đó chính là đồ tể Chu Hợi, trước đây đã nói qua về người này.”
Hầu Sinh nói: “Chu Hợi là một dũng sĩ, ngài lần này nên mang Chu Hợi cùng đi, vì sao? Ngài mặc dù đem binh phù tới tiền tuyến, thế nhưng là một mình ngài cầm binh phù, truyền đạt mệnh lệnh của Ngụy Vương, Tấn Bỉ không nhất định sẽ tin tưởng, nếu như hắn không tin, phái người trở về xác minh với Ngụy Vương, vậy công tử liền sẽ rơi vào thế nguy hiểm.
Cho nên biện pháp duy nhất chính là, nếu như hắn không tin, không chịu giao binh quyền, thì lập tức giết chết hắn, ai có thể giết hắn đây? Chính là Chu Hợi, hắn là lực sĩ, vậy nên hãy để Chu Hợi đi chung với ngài đi.”
Tín Lăng Quân nghe xong, lúc ấy liền rơi lệ. Hầu Sinh hỏi: “Công tử tại sao phải khóc chứ, chẳng lẽ ngài sợ chết sao?” Ngụy Vô Kỵ nói: “Tấn Bỉ này là một lão tướng, làm việc vô cùng cẩn thận, ta nói như vậy với hắn, cho dù là có binh phù, hắn nhất định sẽ không tin tưởng ta, cho nên hắn là chết chắc rồi.”
Nhưng mà Ngụy Vô Kỵ vẫn là phải cứu Triệu, ông liền đi tìm Chu Hợi. Chu Hợi sau khi nhìn thấy công tử, liền cười nói: “Ngài nhiều lần tới thăm tôi trong nhiều năm như vậy, nhưng tôi chưa từng qua thăm lại, cũng không đưa tặng thứ gì, hoặc là nói với ngài mấy câu khen tặng.
Vì sao vậy? Bởi vì tôi cảm thấy đó đều là lễ mọn, lễ mọn là không có ý nghĩa gì. Hôm nay ngài đến tìm tôi, đó chính là lúc tôi vì ngài mà bán mạng. Cái thân hữu dụng này của tôi, hôm nay muốn đi theo công tử.” Thế là Chu Hợi liền theo Ngụy Vô Kỵ nhập quân.
Sau khi vào trong quân, Ngụy Vô Kỵ truyền lệnh, nhưng thật ra là giả truyền mệnh lệnh của Ngụy Vương, để Tấn Bỉ đem quân đội giao cho mình. Tấn Bỉ nói: “Ngụy Vương trước kia đã ra nhiều mệnh lệnh với ta như vậy, nói là không thể hành động thiếu suy nghĩ. Đột nhiên công tử chỉ có một người, cũng không có thư tín, chỉ cầm lấy binh phù tới, ta muốn xác minh chuyện này một chút.”
Lúc ấy Chu Hợi ở bên cạnh hét lớn: “Mệnh lệnh của Quốc Quân lại không nghe, ngươi muốn tạo phản sao?” Tấn Bỉ nói: “Ngươi là ai?” Lúc này Chu Hợi cầm một cái chùy sắt lớn ném ra, cái chùy sắt nặng 40 cân, đánh vào đầu Tấn Bỉ, khiến Tấn Bỉ chết ngay tại chỗ. Về sau, đại thi nhân Lý Bạch triều Đường viết một bài thơ “Hiệp Khách Hành”, trong đó có hai câu rằng:
“Cứu Triệu huy kim chùy, Hàm Đan tiên chấn kinh.”
Sau khi Tấn Bỉ chết, Tín Lăng Quân liền truyền đạt mệnh lệnh của mình trong quân đội: “Chúng ta bây giờ có mười vạn nhân mã, nếu như cha và con trai đều ở trong quân đội, phụ thân trở về, nếu như là ca ca cùng đệ đệ đều trong quân đội, ca ca trở về, nếu như ngươi là con một, ngươi có thể trở về phụng dưỡng phụ mẫu. Những người còn lại đều là không có nỗi lo về sau, có được tinh binh tám vạn người.”
Sau đó Tín Lăng Quân đột nhiên đi công kích nước Tần. Nước Tần trước giờ chưa từng nghĩ rằng nước Ngụy này lại đột nhiên xuất động. Đại quân đột nhiên tập kích, do không có bất kỳ sự chuẩn bị gì, kết quả nước Tần thất bại thảm hại, giải vây cho Hàm Đan.
Khi đang giải vây cho Hàm Đan, có một tướng quân nước Tần là Trịnh An Bình, chính là người đã từng cứu Ứng Hầu Phạm Thư, hắn mang theo hai vạn người bị đại quân của nước Ngụy bao vây chặt trước một cổng của Hàm Đan. Trịnh An Bình liền đầu hàng.
Khi Tín Lăng Quân tiến vào Hàm Đan, cảm thấy bản thân làm được một việc quan trọng, cứu vãn được một quốc gia, dáng vẻ có chút vênh vang tự đắc. Khi đó bên cạnh có một môn khách nói với Tín Lăng Quân: “Có một số việc, là công tử không thể quên được.
Có một số việc, là công tử không thể nhớ được. Người khác có ân với chúng ta, chúng ta là không thể quên, nếu như chúng ta có ân với người ta, chúng ta phải quên càng nhanh càng tốt. Công tử hôm nay tuy cứu được nước Triệu, cứu được bách tính của một nước, có công đối với nước Triệu, nhưng đối với nước Ngụy, công tử là có tội. Bởi vì ngài lấy trộm binh phù của Ngụy Vương, dùng chùy giết lão tướng của nước Ngụy, cho nên công tử nhất định không thể cho rằng bản thân là một người tài giỏi.”
Thế là khi công tử Ngụy Vô Kỵ tiến vào cung điện, trở nên vô cùng cung kính. Người thời xưa, nếu như đi bậc thang phía Tây là biểu thị tôn kính, nếu như đi bậc thang phía Đông là biểu thị khiêm nhường. Khi đó Triệu Vương cho Ngụy Vô Kỵ đi bậc thang phía Tây, nhưng công tử đã đi chếch sang và từ chối khéo, đi lên bậc phía Đông. Ông nói: “Tôi là người có tội, tôi có lỗi với nước Ngụy, tôi cũng không giúp được gì cho nước Triệu”, tỏ vẻ vô cùng khiêm nhường.
Tín Lăng Quân cũng biết rằng lấy trộm binh phù của Quốc Vương là có tội, cho nên ông không dám quay về nước Ngụy, cho nên đã ở lại nước Triệu. Chuyện Tín Lăng Quân trộm binh phù cứu Triệu, xảy ra năm 257 TCN, đây là lần đầu tiên Tín Lăng Quân đánh bại quân Tần. Tín Lăng Quân tổng cộng đánh bại quân Tần hai lần, còn có một lần là vào năm 247 TCN, chính là 10 năm sau, khi quân đội nước Tần vây chặt đô thành Đại Lương, Ngụy Vô Kỵ lại dẫn binh trở về đánh bại quân đội nước Tần.
(Còn tiếp)
Xem thêm Loạt bài “Tiếu đàm phong vân”
Bi Hui biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (4)
- Tiếu đàm phong vân – Tập 24: Biến cục lịch sử (3)
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!