Khổng Tử từng bái kiến Lão Tử, thỉnh giáo một số vấn đề, Khổng Tử hoàn toàn bội phục. Về tới nước Lỗ, các đệ tử hỏi: “Thầy đi tìm Lão Tử, có gặp không ạ?”
Khổng Tử đáp: “ Có thấy!”
Đệ tử hỏi: “Lão Tử như thế nào?”
Khổng Tử nói: “Chim trời, ta biết nó bay; con cá ta biết nó bơi, nhưng Rồng kia thì ta không biết ra sao? Rồng cưỡi mây trên chín tầng trời! Ta thấy Lão Tử cũng như Rồng vậy đó, học thức uyên thâm khôn lường, chí hướng cao vời khó biết; như rắn tùy thời co duỗi, như Rồng ứng thời biến hóa. Lão Đam, thực là Thầy ta đó!”
Cuộc đối thoại thứ nhất
Lão Tử tống biệt Khổng Tử, từng nói: “Ta nghe nói, kẻ giàu có tiễn người bằng tài vật, người nhân nghĩa tiễn người bằng lời nói. Ta không phú chẳng quý, không tiền tài cho ông, chỉ có mấy lời đưa tiễn. Thế sự ngày nay, kẻ thông minh mà hay soi xét thì bị gặp nạn, thậm chí vong mạng, là bởi vì thích trì trích chỗ xấu của người; người giỏi ăn nói biện luận, bị chiêu họa không ít, cũng là bởi thích nêu ra chỗ ác của người. Phận làm con, đừng lấy mình làm cao, làm bề tôi, đừng đặt mình ở trên, mong ông nhớ kỹ.”
Khổng Tử cúi đầu thưa: “Đệ tử xin ghi khắc trong tâm!”
Giải thích: Người thông minh dễ chết, là bởi thích chê bai lỗi lầm người ta. Kẻ thích biện luận, giỏi ăn nói lại dễ chiêu mời họa nạn, là bởi vì họ thích nói những chỗ sai lầm của người ta. Nếu đối tượng là kẻ hậu sinh, thì chớ có thái độ đặt mình là bề trên; nếu là thuộc hạ của người ta, thì chớ có hiển lộ là mình cao minh.
Cảm ngộ: “Nguyệt minh tinh hi”- Trăng sáng ít sao, khi trăng sáng tỏ, tinh tú lu mờ. Khi một người rất tài hoa mà bộc lộ, thì dễ bị người khác thì thầm nói xấu. Mỗi người đều muốn giữ thể diện, người quá thông minh thường dễ làm thương tổn thể diện người khác. Tô Thức gặp nạn, Tô Triệt than: “Tô Thức có tội gì đâu, chỉ tại danh cao quá!”. Không hiển sơn lộ thủy, âm thầm mà làm việc cần làm, đó mới là cách tránh họa bảo thân.
Cuộc đối thoại thứ hai
Đi đến bến nước bên sông Hoàng Hà, thấy mênh mông sông nước, sóng cuộn đục ngầu. Khổng Khâu cảm khái thốt lên: “Thời gian trôi không quản đêm ngày! Nước Hoàng Hà chảy suốt không ngừng nghỉ, năm tháng tuổi xuân cũng cứ vậy mà trôi, nước sông không biết về đâu, nhân sinh chẳng biết quy về chốn nao?”
Lão Tử nói: “Người ta sống trong Trời Đất, cùng với Đất Trời thành một thể. Đất Trời cũng là vật của Tự Nhiên, nên nhân sinh cũng là vật của Tự Nhiên vậy; người có đổi thay từ ấu, thiếu, tráng, lão, cũng như Đất Trời thay đổi bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, có chi mà phải sầu bi? Sinh tử là lẽ tự nhiên, tùy kỳ tự nhiên thì bản tính không loạn; không theo tự nhiên mà cứ bận rộn trong nhân với nghĩa, thì bản tính bị trói buộc. Công danh mang trong lòng, tất thiêu đốt tâm can; lợi dục ôm trong tâm, chỉ tăng thêm phiền não.”
Khổng Khâu giải thích: “Trò lo là Thiên Đạo không được thực hành, nhân nghĩa không được thi triển, chiến loạn không ngừng, quốc loạn bất trị, ngẫm đời người đoản tạm, không giúp được gì cho thế sự, cũng chẳng làm được gì cho thế nhân,nên đành cảm thán vậy thôi!”
Lão Tử nói: “Trời Đất ai đẩy mà vận hành, nhật nguyệt ai thắp mà sáng tỏ, tinh tú kia ai sắp mà bày, cầm thú không người tạo mà tự sinh, đều là do Tự Nhiên sinh ra cả, đâu cần người phải nhọc sức? Tất cả sinh, tử, nhục, vinh của người ta đều nằm trong lý của Tự Nhiên, trong Đạo của Tự Nhiên. Thuận theo lý Tự Nhiên mà trôi, tuân theo Đạo Tự Nhiên mà hành, quốc tất tự trị, nhân tất tự chính, sao phải ôm đầy lễ nhạc, đề xướng nhân nghĩa nữa đây?
Ôm lấy lễ nhạc mà đề xướng nhân nghĩa là vi phạm vào bản tính người ta nhiều rồi đó! Có khác chi đánh trống đi tìm người chạy trốn, trống đánh càng lớn tiếng, thì người trốn càng xa!”
Giải thích: Khổng Tử đứng trước dòng sông cảm thán, nước cứ trôi hoài vậy, tuổi già sắp đến nơi, nhưng không biết mình phải làm gì.
Lão Tử nói rằng: Người ta sống trong Trời Đất, bản chất là nhất thể với Tự Nhiên, sinh lão bệnh tử của người ta, kỳ thực đâu khác gì xuân hạ thu đông của Đại Tự Nhiên. Tự nhiên mà sinh, tự nhiên mà tử, thuận kỳ tự nhiên, thì sẽ không đánh mất bản tính, trong tâm mà thường ôm công danh lợi ích, thì mới nóng nảy ưu tư, mới phát sinh phiền não.
Khổng Tử giải thích rằng: Trò lo lắng rằng không thể thi hành Nhân Nghĩa trong thiên hạ, chiến loạn không ngừng, chính trị quốc gia bất minh, mà đời người vội vàng ngắn ngủi mấy chục năm, thế nên trò mới cảm khái mà thốt lên: Đại trượng phu sinh ra trên đời, mà lại không thể kiến công lập nghiệp, không giúp gì cho bách tính sao?.
Lão Tử trả lời: Trời Đất có ai đẩy đâu mà tự vận hành, nhật nguyệt tinh tú có ai bày xếp mà trật tự đứng kia, chim bay thú chạy có cần người tạo ra đâu mà sinh sôi nảy nở, đây đều là những sự tình tự nhiên như nhiên, đâu có cần chúng ta phải nhọc sức. Sinh tử nhục vinh của người ta, cũng đều là do Đạo Tự Nhiên bày sắp. Tôn trọng tự nhiên, thuận ứng tự nhiên thì quốc chính tự nhiên sáng rõ, nhân tâm tự nhiên quy chính, đâu có cần đề xướng nhân nghĩa, lễ nhạc đây. Càng đề xướng những việc như vậy, càng rời xa bản tính người ta, giống như việc đánh trống tìm người, gõ càng lớn tiếng, người càng chạy xa.
Cảm ngộ: Khổng Tử muốn thực hành nhân nghĩa, nhưng đời người ngắn ngủi, sợ không làm được, do vậy cảm thán ưu phiền. Lão Tử lại bảo: Thứ nhân nghĩa ấy, cứ để thuận theo tự nhiên, không cần sức người tác động.
Cuộc đối thoại thứ ba
Lão Tử chỉ xuống dòng Hoàng Hà cuộn sóng nói với Khổng Khâu rằng: “Sao ông không học đại đức của nước?”
Khổng Khâu đáp: “Nước có đức gì ạ?”
Lão Tử trả lời: “Nước có thượng thiện: Lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chỗ người ta không thích, đây là cái đức khiêm hạ; sông biển có thể trở thành vương của trăm suối, là do ở cái đức ở thấp này. Thiên hạ không gì yếu mềm bằng nước, nhưng không cứng rắn gì có thể cản nổi, đây là đức nhu; nên nhu thì thắng cương, nhược thắng cường.
Vì nó không có, nên mới nhập vào được cái không vô tận, do đó mới thấy được lợi ích của bất ngôn chi giáo, vô vi nhi trị.”
Khổng Khâu nghe xong, bỗng nhiên đại ngộ, nói: “Lời này của tiên sinh, đã giải khai nút thắt trong tâm trò: Chúng nhân tranh ở nơi cao, duy có nước chọn chỗ thấp; người ta chọn nơi bằng phẳng, duy có nước chọn chỗ hiểm trở; chúng nhân chọn sạch sẽ, nước đâu ngại bẩn dơ. Ở vào nơi mà người ta chán ghét, thì còn ai tranh với mình? Đây mới là Thượng Thiện đó.”
Lão Tử gật đầu: “Không tranh với thiên hạ, thì thiên hạ còn ai tranh với mình, đây là học theo cái đức của nước vậy. Đạo của nước có mấy điều: Đạo có khắp mọi nơi, nước nơi nào cũng lợi, tránh cao hướng thấp, cứ thế xuôi dòng, hòa hợp với đất; trong suốt như không, thâm sâu khôn lường. Làm vực thẳm sâu, lấy đi không cạn; cho đi không cầu báo đáp, đó chính là nhân; tròn thì xoáy, vuông thì ngoặt, chặn thì dừng, vỡ thì chảy, thiện thủ tín; tẩy sạch ô uế, tràn khắp cao thấp, nuôi dưỡng vạn vật; nâng thuyền đẩy tải, trong lặng làm gương, nếu công thì không cứng rắn gì cự nổi, đó là giỏi dùng năng lực tự thân; chẳng quản ngày đêm, làm đầy xong lại tiếp tục chảy, giỏi chờ thời. Nên Thánh nhân tùy thời mà hành, hiền nhân ứng biến theo sự; trí giả vô vi nhi trị, đạt giả tắc thuận thiên nhi sinh (bậc trí giả không làm mà lại trị được việc, người thành đạt biết thuận ý Trời).”
“Ông từ nay về sau, nên vứt bỏ ngạo khí trong ngôn hành, trừ tiệt chí cầu tiến trong dung mạo. Nếu không, người chưa đến mà đã nghe thấy tiếng, thân chưa tới mà gió đã lay, dương dương tự đắc, như hổ đi trên đường, thì ai dám dùng ông?”
Lão Tử tiếp: “Muốn thấy Đại Đạo, trước tiên phải có tâm coi vạn vật như thuở ban sơ. Trời Đất bên trong, Vũ Trụ bên ngoài. Thiên địa nhân vật, nhật nguyệt sơn hà, hình tính khác nhau. Chỗ giống nhau, đó là đều thuận tự nhiên mà sinh mà diệt, đều thuận tự nhiên mà vận hành. Biết chỗ khác biệt, là nhìn cái vỏ ngoài; thấy chỗ giống nhau, là hiểu được bản chất rồi đó. Vứt bỏ chỗ khác biệt mà nhìn vào chỗ giống nhau, là đã có tâm coi vạn vật như thuở ban sơ. Thuở ban sơ ấy là cõi hỗn mang nhất thể, vô hình vô tính, không có khác biệt.”
Khổng Tử hỏi: “Chỉ nhìn vào chỗ giống nhau, thì có gì hay chứ?”
Lão Tử đáp: “Nhìn vào chỗ giống nhau, thì thấy vạn vật ngang bằng, ta và vật như nhau, đúng và sai như nhau. Nên mới thấy sinh tử chỉ như sự đổi thay đêm ngày, họa phúc cũng thế, lành dữ cũng vậy, không quý không tiện, không vinh không nhục, lòng như giếng xưa, muốn gì làm nấy, tự đắc an lạc, lúc nào mà chẳng vui?”
Khổng Tử nói: “Lời của tiên sinh là xuất tự đáy lòng, thấm vào tâm can của đệ tử đây, đệ tử thụ ích không nhỏ, cả đời không quên. Đệ tử xin tuân thủ không dám biếng lười, để cảm tạ ân này của tiên sinh.”
Nói xong, Khổng Tử lưu luyến chia tay Lão Tử.
Giải thích: Lão Tử bảo tại sao lại không học theo đức hạnh của nước?
Khổng Tử nói: Nước có đức hạnh gì cơ.
Lão tử nói: Thượng thiện như nước, nước lợi cho vạn vật mà không tranh, lại ở nơi người ta không thích, đây là đức hạnh khiêm hư. Sông biển có thể bao la như vậy, là bởi vì biết ở chỗ thấp. Thiên hạ không có gì mềm mại như nước, nhưng không có gì mạnh hơn nước. Đây là đức nhu. Cho nên nhu nhược thắng cương cường, Nó không có cái ‘có’, nên mới có thể tự do xuất nhập cái ‘vô’. Đây gọi là ‘bất ngôn chi giáo’(dạy dỗ không lời), đây là ‘vô vi’.
Khổng Tử nói: Trò đã hiểu ra rồi, người ta đều muốn ở nơi cao, chỉ có nước chảy về chỗ thấp, thế nhân muốn ở nơi thuận tiện, duy có nước ở miền khó khăn, người ta đều ở nơi cao ráo sạch sẽ, chỉ có nước ở nơi ô uế, nơi nước ở đều là nơi mà thế nhân không ưa thích, cho nên, còn có ai muốn tranh giành với nước đây?
Lão Tử bảo: không tranh với đời, nên ai cũng không thể tranh với mình. Đây là đức của nước. Nước chỗ nào cũng có, Đạo nơi đâu cũng bao hàm, nước chưa từng thất bại. Không mà tĩnh, thích hợp thành đầm sâu. Tổn mình ích người, thi ân không cầu báo đáp, đây là đức Nhân. Địa thế tròn thì dòng tạo xoáy, chỗ góc vuông thì nhẹ chuyển dòng, bị chặn thì dừng chân, khai thông lại chảy tiếp, đây là thủ tín. Tẩy tịnh vạn vật, làm bằng thấp cao, đây gọi là giỏi trị lý. Có sức đẩy vật nổi, trong sáng tĩnh lặng soi gương, khi xung kích thì không gì cản nổi, đó là chỗ giỏi sử dụng năng lực. Chảy ngày đêm không nghỉ, điền đầy rồi lại đi, đây là giỏi đợi thời cơ, như Thánh nhân tùy cơ ứng biến; như trí giả thuận kỳ tự nhiên.
Ông từ nay về sau, nhất định phải nhường nhịn khiêm tốn, bỏ đi cái khí khiêu căng, bỏ đi cái vẻ ngoài chí hướng cùng dục vọng, nếu cứ như lửa bốc bừng bừng, khí thế át người, thì ai dám dùng ông.
Cảm ngộ: Đoạn nói chuyện trên cũng có biểu đạt tương tự như trong “Đạo Đức kinh”. Rất khó lý giải sự thuận kỳ tự nhiên, nên Lão Tử dẫn nước làm ví dụ minh họa. Nước hiểu rõ ‘thuận kỳ tự nhiên’ nên mới có thể làm vương của trăm dòng chảy. Vô vi không phải là đối phó tiêu cực, mà là nắm chắc thời cơ, phương pháp chính xác, sử dụng tài năng hợp lý, hiếu được vạn vật đều có tồn tại quy luật. Không lấy người đặt lên trên hết, mà phải đặt Trời lên trên, không được làm trái Thiên Đạo, phóng túng làm bừa.
Cuộc đối thoại thứ tư
Lão Tử nói: “Muốn thấy Đại Đạo, trước tiên phải có tâm coi vạn vật như thuở ban sơ. Trời Đất bên trong, Vũ Trụ bên ngoài. Thiên địa nhân vật, nhật nguyệt sơn hà, hình tính khác nhau. Chỗ giống nhau, đó là đều thuận tự nhiên mà sinh mà diệt, đều thuận tự nhiên mà vận hành. Biết chỗ khác biệt, là nhìn cái vỏ ngoài; biết chỗ giống nhau, là hiểu được bản chất rồi đó. Vứt bỏ chỗ khác biệt mà nhìn vào chỗ giống nhau, là đã có tâm coi vạn vật như thuở ban sơ. Thuở ban sơ ấy là cõi hỗn mang nhất thể, vô hình vô tính, không có khác biệt.”
Khổng Tử hỏi: “Chỉ nhìn vào chỗ giống nhau, thì có gì hay chứ?”
Lão Tử đáp: “Nhìn vào chỗ giống nhau, thì thấy vạn vật ngang bằng, ta và vật như nhau, đúng và sai như nhau. Nên mới thấy sinh tử chỉ như sự đổi thay đêm ngày, họa phúc cũng thế, lành dữ cũng vậy, không quý không tiện, không vinh không nhục, lòng như giếng xưa, muốn gì làm nấy, tự đắc an lạc, lúc nào mà chẳng vui?”
Khổng Tử nói: “Lời của tiên sinh là xuất tự đáy lòng, thấm vào tâm can của đệ tử đây, đệ tử thụ ích không nhỏ, cả đời không quên. Đệ tử xin tuân thủ không dám biếng lười, để cảm tạ ân này của tiên sinh.”
Nói xong, Khổng Tử lưu luyến chia tay Lão Tử.
Giải thích: Lão Tử nói, muốn nhìn ra được Đạo lớn, thì nhất định phải đặt tâm ở nơi bản nguyên của vật. Thiên Địa vạn vật nhìn thì không giống nhau, nhưng kỳ thực về bản chất là tương đồng, đều thuận theo thiên địa tự nhiên mà vận hành. Chỗ khác nhau của vạn vật chỉ là bề ngoài, chỗ tương đồng lại nằm bên trong. Bỏ chỗ bất đồng, nhìn chỗ tương đồng, thì mới có thể hiểu được đạo lý của vạn sự vạn vật. Bản nguyên của vạn vật là một, không có khác biệt.
Khổng Tử: Quan sát thấy giống nhau, thì có gì vui chứ?
Lão Tử trả lời: Ta và vật bằng nhau, thị phi, sinh tử, ngày đêm, phúc họa, cát hung, quý tiện, vinh nhục, đều không khác gì nhau. Lòng như giếng cổ không gợn sóng, tự đắc an nhiên chẳng vui sao?
Cảm ngộ: ‘Nhất niệm bất sinh, vạn niệm bất tại, không không như dã’ (một niệm không sinh, vạn niệm chẳng còn, không không như thế). Lão Tử giảng vứt bỏ ‘ngã chấp’ (chấp trước vào cái tôi), đặt cái ‘tôi’ xuống, bỏ đi tất cả những mớ lý thuyết, những thiên kiến lệch lạc, thì mới có thể thấy được bản chất tương đồng của vạn vật.
Ví dụ: Bạn phân biệt người tốt người xấu, thì bạn sẽ không cách nào hiểu được bản chất của ‘người’, dựa vào kiến thức mà nhận định thì ngu vọng, dựa trên cảm tình mà xem thì dao động. Chỉ khi thấy vạn vật là nhất thể, ta và tự nhiên hòa làm một, thì tâm linh mới ở trong niềm vui nội tại chân chính.
Theo Trương Vân Phong – Secretchina
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!