Đức Phật nói “Đời là bể khổ”: Tại sao con người sinh ra là đã khổ?

Con người sinh ra đã khổ
Đức Phật từng nói “đời là bể khổ”, khi có thân người thì con người có tám cái khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, cầu không được, oán hận lâu, thân tâm mệt.. (Ảnh ET tổng hợp)

Con người sinh ra đã khổ, rồi phải nhập vào trong bể khổ cho nên cũng quên mất là bản thân đang khổ. Trong Phật giáo giảng như vậy chính là đang mê trong cõi người, đã quên mất nguồn gốc mình từ đâu tới.

Nỗi khổ của con người

Kinh sách Phật giáo ghi lại, khi truyền pháp lý tứ diệu đế, Đức Phật từng nói “đời là bể khổ”, khi có thân người thì con người có tám cái khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, cầu không được, oán hận lâu, thân tâm mệt. Đức Phật căn cứ vào những đặc điểm của người thời đó để truyền Pháp. Sau 2500 năm, đến xã hội hiện nay thì xã hội đã vô cùng phức tạp, con người cũng không chỉ có bát khổ nữa mà có thể đã thập khổ, hoặc thập bát khổ rồi.

Ngoài tám cái khổ được nói ở trên ra, con người ngày nay dưới áp lực của cuộc sống có thêm rất nhiều cái khổ: Học cũng khổ, bỏ học cũng khổ. Khổ vì bị nghiện: nghiện thuốc lá, nghiện ma túy, nghiện xem phim, nghiện Face book,… Khổ vì thiên tai nhân họa, khổ vì dịch bệnh v.v.

Hầu như ai ai cũng có thể kể ra rất nhiều nỗi khổ của mình trong cuộc sống, ngẫm lại là thấy cuộc đời đúng như một bể khổ. Có người đã từng thắc mắc: Các nỗi khổ khác còn dễ hiểu chứ, tại sao sinh ra cũng là khổ? Vì khi sinh đứa bé đã biết gì đâu, nhìn nó đáng yêu như thiên thần vậy cơ mà?

Con người sinh ra đã khổ
Hầu như ai ai cũng có thể kể ra rất nhiều nỗi khổ của mình trong cuộc sống, ngẫm lại là thấy cuộc đời đúng như một bể khổ. (Ảnh: Pixabay)

Nguồn gốc loài người

Trong quan điểm của nhà Phật cho rằng nguyên lai của con người là từ thượng giới rớt xuống, đang ở một cảnh giới cao tầng tốt đẹp và mỹ lệ bị rớt xuống cõi người, mặc dù đứa trẻ lúc đó trong thân người là chưa biết nhưng linh hồn hay nguyên thần thì nó biết, nó cảm thấy mình đã rơi vào một bể khổ trầm luân nên mới cất lên tiếng khóc.

Một ví dụ điển hình nhất cho quan điểm đó chính là tiểu sử của bốn thầy trò Đường Tăng trong tác phẩm Tây Du Ký. Đệ tử thứ hai của Phật Tổ tên là Kim Thiền Tử, vì trong lúc nghe Phật Tổ giảng Pháp lại ngủ gật nên bị đày xuống cõi người, tu hành qua chín đời, đến đời thứ mười thì từ bé sinh ra đã chịu khổ, rồi bước trên con đường tu luyện lấy tên là Đường Tăng, trải qua chín lần chín là 81 kiếp nạn mới quay trở về được Phật giới.

Có người nghĩ, sao ngủ gật có một cái mà bị phạt ghê thế, mình ngày xưa đi học còn nằm cả ra bàn ngủ có sao đâu. Không thể dùng cảnh giới của con người để đo lường tiêu chuẩn của tầng thứ cao hơn. Phật Tổ là người đã sáng tạo ra Phật giới ấy, cứu vớt con người đang ở trong bể khổ trầm luân lên đó hưởng phúc. Ngài giảng Pháp để cho tất cả chúng sinh nơi đó có thể đắc Pháp mà tồn tại vĩnh cửu cùng với thế giới ấy, không còn phải nhập lục đạo luân hổi, cũng không còn nỗi khổ của con người trong nhân thế.

Tất cả chúng sinh trong thế giới ấy đều vô cùng thành kính với Phật Tổ, với Pháp mà Ngài giảng ban cho chúng sinh đắc được nhiều thứ tốt đẹp. Ấy vậy mà có người lại ngủ gật, trong mắt của chư Thần ở đó thì quá bất kính với Phật rồi. Pháp của Phật Tổ đem đến nhiều phúc đức như vậy, tại sao Kim Thiền Tử lại ngủ gật? chẳng phải trong tâm chứa vật chất ngạo mạn, khinh nhờn lời giảng của Phật hay sao? Ở cảnh giới ấy, tầng thứ ấy không cho phép có tâm xấu xa như thế, nên Kim Thiền Tử phải bị rớt xuống cõi người.

Tôn Ngộ Không vì đại náo thiên cung, vi phạm luật Trời mà bị đày xuống cõi người. Ban đầu khi đi tìm Đạo, tâm tính của Tôn Ngộ Không còn thuần phác, ai đánh thì không đánh lại, ai mắng thì nghe mà như không nghe. Sau khi học được 72 phép thần thông, có bản sự rồi thì tâm tính của Ngộ Không đã thay đổi, tự xưng mình là Tề Thiên Đại Thánh, không phục Ngọc Hoàng nên định đánh đổ cả thiên đình, tâm tật đố của Ngộ Không đã bùng phát. Nên bị Phật Tổ giáng xuống trần gian, giam dưới ngọn núi Ngũ Hành Sơn.

Con người sinh ra đã khổ
Tôn Ngộ Không vì đại náo thiên cung, vi phạm luật Trời mà bị đày xuống cõi người. Ban đầu khi đi tìm Đạo, tâm tính của Tôn Ngộ Không còn thuần phác, ai đánh thì không đánh lại, ai mắng thì nghe mà như không nghe. (Ảnh: Miền công cộng)

Khi đi lấy kinh đến sông Lưu Sa, Trư Bát Giới hỏi Ngộ Không sao không đỡ Đường Tăng bay qua sông mà cứ phải tìm thuyền, Ngộ Không nói: “Thân thể sư phụ là người phàm, nặng tựa núi Thái Sơn, ta không đỡ qua được”. Điều đấy nói lên rằng, khi đã giáng hạ xuống cõi người thì thân thể sẽ bị áp chế bởi Ngũ hành, dù trên kia có bản sự đến đâu một khi vào thân người thì rất yếu kém. Tôn Ngộ Không trước kia thiên binh vạn mã không làm gì được, vậy mà sau này một yêu tinh nhỏ cũng có thể làm bị thương.

Trư Bát Giới là Thiên Bồng Nguyên Soái, sở hữu 36 phép thiên cang có sức mạnh dời non lấp bể, đấu chuyển tinh di. Nhưng vì phóng túng bản thân, khởi lên tà niệm sắc dục, trêu ghẹo Hằng Nga nên bị đày xuống trần gian làm lợn. Người xưa có câu “vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn tội ác thì tà dâm đứng đầu, điều đó cũng phản ánh cách nhìn của chư Thần ở thượng giới đối với sắc dục.

Trong mắt chư thần, sắc dục là một thứ dơ bẩn, ở tầng thứ đó không thể cho phép nó tồn tại, vậy nên dù là Thiên tướng Thiên Bồng Nguyên Soái cũng không tránh được sự trừng phạt, bị đầu thai làm lợn, bị người đời hắt hủi xa lánh.

Sa Ngộ Tĩnh trước kia là Quyển Liêm Đại Tướng quân, chức vụ trông coi xa giá cho Ngọc Đế, nhưng vì trong lúc say rượu làm vỡ một cái ly ngọc mà bị đày xuống sông Lưu Sa làm yêu quái. Cũng có người thắc mắc chỉ vỡ một ly ngọc thôi, sao không đền cái khác là xong mà phải bị đi đày nặng như vậy. Về hình thức chỉ là vỡ cái ly ngọc, nhưng căn nguyên của việc đó thì cái tên Bồ Tát đặt cho đã nói lên tất cả: Ngộ Tĩnh. Chính là vì trong tâm không còn Tĩnh nữa, nên mới làm vỡ cái ly dễ dàng như thế.

Một vị Thần Tiên, có thần thông mà cầm ly rơi không đỡ được thì trong tâm đã loạn đến mức nào? Tức là đã không đủ Tĩnh để ở tầng thứ ấy nữa. Vì chư Thần rất chú trọng Tĩnh, có Tĩnh thì mới tu luyện ra được công năng, thần thông thuật loại. Đối ứng ở thế gian con người cũng rất cần chữ Tĩnh, chỉ có bình tĩnh, điềm tĩnh mới có trí tuệ sáng suốt để xử lý mọi việc theo hướng tốt đẹp.

Từ câu chuyện bốn thầy trò Đường Tăng có thể thấy lý giải của nhà Phật cho rằng: Con người có nguyên lai là tốt đẹp, nhưng vì đã vi phạm vào thiên pháp nào đó mà bị rớt xuống cõi người. Bốn thầy trò cũng chính là đại diện cho bốn nhóm người ở thế gian theo các cách thức vi phạm vào thiên pháp khác nhau nên có căn cơ, bản sự, năng lực và tâm tính cũng khác nhau.

Con người sinh ra đã khổ
Bốn thầy trò cũng chính là đại diện cho bốn nhóm người ở thế gian theo các cách thức vi phạm vào thiên pháp khác nhau nên có căn cơ, bản sự, năng lực và tâm tính cũng khác nhau. (Ảnh: Miền công cộng)

Con người sinh ra ở cõi trần để làm gì

Trong kinh sách cũng lưu ghi lại rằng: Trong tam giới các sinh mệnh trên cảnh giới của con người có thời gian sống nhất định, có tầng 300 năm, có tầng 500, có tầng hơn nghìn năm,… cũng như con người, hết thọ mệnh thì họ cũng phải nhập lục đạo luân hồi, sẽ chuyển sinh xuống tầng thấp hơn, con người chết cũng vậy xuống tầng thứ thấp hơn là địa ngục. Xuống đó dựa theo ghi chép về Đức và Nghiệp mà được chuyển sinh đời tiếp theo ở đâu.

Như vậy cũng nói con người thường là do sinh mệnh tầng trên (người Trời, Thần Tiên,…) chuyển sinh thành và người tốt qua xét duyệt ở âm phủ mà chuyển sinh trở lại. Một sinh mệnh đang ở một cảnh giới tốt đẹp, mỹ lệ mà bị xuống một tầng thứ thấp hơn thì sinh mệnh ấy cảm thấy rất khổ, nên khi đứa bé chào đời nó cất lên tiếng khóc, trong bản năng sinh mệnh nó biết đã tiến nhập vào một thế giới đầy khổ ải rồi.

Nếu như một người sống trong nhung lụa, tiền tiêu thoải mái không hết, bỗng một ngày bị hạ tầng xuống làm người quét rác, tiền không đủ ăn, áo không đủ mặc, phải lo từng bữa qua ngày thì người đó cảm thấy dư vị gì? Bị thay đổi một cách bất ngờ như vậy, ban đầu sẽ cảm thấy rất khổ, rất khó chịu đựng.

Đứa bé được sinh ra cũng như vậy, tiếng khóc là biểu thị của cái khổ bị rớt từ tầng thứ tốt đẹp xuống một nơi thấp hơn, vì vậy đứa trẻ cần được cha mẹ chăm sóc cẩn thận, vì chúng cần có thời gian để làm quen với cái khổ nơi cõi người.

Có người giải thích rằng sinh ra đã khổ là nói người mẹ phải mang nặng đẻ đau, phải vất vả chăm lo nuôi nấng con nên khổ. Có lẽ giải thích này đã hiểu sai lời của bậc Giác Ngộ, việc mang nặng đẻ đau là chỉ có riêng ở người phụ nữ, còn lời Ngài nói là tất cả chúng sinh đều nằm trong cái khổ khi vừa sinh ra, vậy phải là cái khổ chung của tất cả sinh mệnh.

Tôn Ngộ Không mặc dù không bị khóa hết thần thông như Đường Tăng, nhưng cũng cảm thấy rất khổ, khổ vì bị hạn chế mất bản sự không phát huy được hết tài của mình, khổ vì Đường Tăng nghi ngờ trong khi việc làm của mình là đúng. Vì vậy đã đến cõi người thì ai ai cũng phải khổ. Có thân xác người đã là khổ rồi.

Trong truyền thuyết có lưu lại rằng có một loài hoa tên là Thánh Khổ Linh Hoa. Trong hàng vạn sinh vật, sinh mệnh trên thế gian này, thì chỉ có con người là được phép tu luyện, tu thành Phật, thành Thần. Con người trong bể khổ ấy mà vẫn không đánh mất đi bản tính chân thành, thiện lương của mình. Một người nếm đủ đắng cay khổ đau trên đời mà tâm vẫn hướng thiện thì tất cả các nỗi khổ ấy đều hóa thành một bông hoa vô cùng trân quý Thánh Khổ Linh Hoa.

con người sinh ra đã khổ
Một người nếm đủ đắng cay khổ đau trên đời mà tâm vẫn hướng thiện thì tất cả các nỗi khổ ấy đều hóa thành một bông hoa vô cùng trân quý Thánh Khổ Linh Hoa. (Ảnh: pxfuel)

Như vậy, cõi người nơi đây được gọi là bể khổ là có lý do. Với sự luân hồi đằng đẵng của một sinh mệnh khi chịu các nỗi khổ đau sẽ đi theo hai hướng:

Một là sẽ đối kháng với khổ đau, oán, hận, tình, thù rồi không việc ác nào không làm, cuối cùng sinh mệnh ấy phải nhận báo ứng tất cả – hình thần toàn diệt.

Hai là sinh mệnh ấy trong khổ đau có thể buông bỏ các thứ xấu, tâm luôn hướng thiện, đứng về chính nghĩa thì một ngày nào đó cơ duyên đến sẽ nhập Đạo, đắc Pháp trở về Thần giới.

Con người sinh ra đã khổ, rồi phải nhập vào trong bể khổ cho nên cũng quên mất là bản thân đang khổ. Trong Phật giáo giảng như vậy chính là đang mê trong cõi người, đã quên mất nguồn gốc mình từ đâu tới. Không cảm thấy khổ thì không muốn tu luyện để trở về nơi nguyên lai tốt đẹp xưa kia nữa. Bởi vậy, con người phải trải qua khổ đau mới cảm ngộ được những cảnh giới tốt đẹp mà mình cần tu trở về.


Vân Hải

Theo NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x