Rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm

ruou nhat uong lam cung say nguoi khon noi lam loi hay cung nham minh chan tuong
Chỉ khi có một cái tâm vô cầu, chẳng tính toán thiệt hơn, mới có thể mắt nhắm mắt mở “chín bỏ làm mười”, rộng lòng bao dung cho người, như vậy thì tình mới bền lâu. (Tranh: Winnie Wang – Secretchina)

Trên đời phàm cái gì quá đều không tốt, làm giảm giá trị của tự thân, như câu nói “rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Rượu nhạt nhưng uống nhiều cũng đủ khiến người ta say, người nói hay đến mấy nhưng nói nhiều cũng gây nhàm chán, người khác không muốn nghe.

Sống trên đời biết nhiều không bằng “biết đủ”. Nếu cần thì thể hiện mình, khi không cần thiết thì nên khiêm tốn. Chưa hiểu đừng nên nói, hiểu rồi nên kiệm lời, lời nói ít mới có sức nặng, nói lắm dẫu hay cũng sinh nhàm chán, lời nói mất “trọng lượng”. Bạn đừng nghĩ mình là trung tâm của mọi cuộc vui, vì không biết ai trong số những người đang cười là thật lòng.

“Rượu nhạt uống lắm cũng say”

Rượu dù nhạt thì cũng là rượu vì có cồn, có men. Uống rượu nhiều ít đều say, dù vị nó như thế nào thì bản chất nó vẫn là rượu, uống lắm cũng khiến người chuếnh choáng quên lối về. “Rượu nhạt” – những thứ trông bình thường, tưởng vô hại như thế mới dễ làm người ta lơ là mất cảnh giác và thường gặp hậu quả với những điều tưởng đơn giản.

Quá khiêm tốn sẽ thành tự ti, quá tự tin sẽ sinh ra kiêu ngạo. Buồn quá nhiều sinh ra trầm uất, còn cười quá trớn thì lại hóa điên… Thế nên, chúng ta cần biết đâu là điểm dừng. Món ngon ai cũng muốn ăn, tuy nhiên ăn quá nhiều lại thành ngán, chưa kể ăn no khó thở và khó chịu trong người. Siêng năng làm việc là tốt nhưng làm việc nhiều đến mức suy nhược cơ thể và ốm đau thì lại không hay.

Ở quá gần nhau, quá thân thiết dễ sinh phiền phức, sợi dây ân ân oán oán sẽ kéo dài chẳng thể dứt. Trong một gia đình, một đơn vị, thậm chí giữa bạn bè với nhau cũng vậy, khi hoà hợp thì thân thiết như anh em, lúc chia xa lại chẳng muốn nhìn thấy mặt nhau.

Tình cảm, mối quan hệ giữa người với người, đôi khi cũng cần nhạt như nước. Mối quan hệ như vậy mới có thể bền lâu. Nếu tình cảm luôn luôn nồng đượm, hai người quấn quýt nhau như hình với bóng chẳng rời thì có lẽ cũng là lúc họ chuẩn bị chia xa.

Tình cảm tốt đẹp thường sẽ sinh tâm ham muốn kiểm soát và truy cầu báo đáp từ người khác không ngừng nghỉ. Khi không được toại nguyện thì trong lòng lại dễ sinh ra oán hận. Giữa người với người, nếu không tôn kính lẫn nhau, thì rất khó có thể duy trì một mối quan hệ lâu bền.

Khổng Tử nói rằng: “Đại nhật thệ, thệ nhật viễn, viễn nhật phản”, nghĩa là khi mặt trời to là lúc sắp lặn. Mặt trời lặn đi rất xa rồi lại mọc lên thôi.

Có câu rằng: “Càng nồng thì lại càng phai, thoang thoảng hoa nhài mới được thơm lâu”. Nếu tình cảm luôn mặn nồng thì ắt sẽ đến lúc phải giảm nhiệt mà trở nên nguội lạnh.

“Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”

Nói nhiều, nói dai lại thành nói dại, không có tác dụng gì mà là “tác họa”. Dẫu thân thiết như vợ chồng đầu ấp tay gối hay là những người ruột thịt trong gia đình thì cũng nên giữ một khoảng cách hợp lý. Bởi lẽ có khoảng cách mới có tình cảm, có câu “xa thương, gần thường” hay “xa thơm, gần thối”. Nếu quá gần, quá thân thiết sẽ mất đi lòng kính trọng, lâu dần con người sẽ quên mất ưu điểm, mà chỉ nhìn thấy nhược điểm và sai sót của đối phương.

Có câu: “Họa từ miệng mà ra”, nói nhiều hay nói ít đều không tốt nên tốt nhất là nói đúng những cái cần nói. Bởi vì, nói nhiều thì hay lỡ lời nên gây họa vào thân, việc cần nói mà không nói thì cũng sinh chuyện. Biết lắng nghe, đoán định thời cơ thích hợp để phát biểu nếu không muốn mang vạ vào thân.

Con người đều có tính tò mò và nhiều chuyện, thích tám chuyện. Câu chuyện sẽ không có gì ghê gớm nếu tất cả mọi người đều nói sự thật. “Tam sao thất bản”, mỗi người thêm bớt một chút để câu chuyện trở nên sinh động hơn, mà cái sinh động đó đôi khi có thể giết chết một mạng người, phá nát một gia đình. Nhân quả ở đời, “ăn không nói có” là một cái tội rất nặng.

Thế nên, người ta mới bảo “Họa từ miệng mà ra”. Biết giữ mồm giữ miệng thì ít thị phi là vậy, ngược lại thích hóng hớt và buôn chuyện thì họa từ đâu bay lại có ngày. Đừng để bản thân phải hối hận trong một tình huống quá muộn màng. Hãy học cách nghe nhiều nói ít, suy nghĩ kỹ trước mỗi lời nói của mình.

Bởi vậy mới nói mọi việc ở trên đời nên dừng lại ở mức cân bằng là đẹp, cái gì quá cũng không tốt. Vui thôi đừng vui quá, uống vừa thôi đừng uống quá, nói nhiều cũng không tốt mà nói ít cũng không hay. Lời hay ai cũng thích nghe nhưng nói mãi thành ra giả dối và xu nịnh. Chuyện vui ai cũng muốn thưởng thức nhưng kể mãi cũng mất thú vị. Chúng ta cần làm chủ được cảm xúc của bản thân, kiểm soát sự việc, có như thế bạn mới trở thành người khôn ngoan, làm chủ cuộc đời mình.

“Tương kính như tân”

Giữa người với người luôn cần giữ một khoảng cách nhất định giống như câu “Tương kính như tân”. Nếu làm được vậy thì mọi mối quan hệ luôn tốt đẹp.

Chúng ta thường nói rằng, cái gì cũng có giới hạn của nó, ân tình và uy nghiêm đồng tồn, dẫu có tình cảm cũng phải có sự tôn nghiêm. Như vậy mới có thể nuôi dưỡng một mối quan hệ bền chặt. Chẳng thế mà xưa có câu: “Vợ chồng tương kính như tân”, dẫu là vợ chồng cũng cần giữ ý tứ, chừng mực, trật tự trên dưới trong gia đình, như vậy gia đình mới ấm êm.

Chung sống hài hoà giữa người với người là cả một nghệ thuật, muốn làm tốt thật chẳng dễ dàng gì. Chỉ khi có một cái tâm vô cầu, chẳng tính toán thiệt hơn, mới có thể mắt nhắm mắt mở “chín bỏ làm mười”, rộng lòng bao dung cho người, như vậy thì tình mới bền lâu.

Muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp thì cứ âm thầm, vô tư làm nhiều việc ý nghĩa cho họ. Sự chân thành và vô tư của bạn sẽ khiến bạn thực sự trở thành bến đỗ bình yên trong tâm hồn của họ. Ngược lại, nếu đòi hỏi quá nhiều chỉ khiến mối quan hệ của bạn trở nên phức tạp hơn. Sự đòi hỏi giống như những sợi dây siết chặt người khác khiến họ thấy ngột ngạt. Đến khi chẳng thể chiều lòng bạn, người ấy sẽ sinh ra thất vọng, chán nản và mối quan hệ tan vỡ. Đây chính là nguyên nhân khiến những người thân yêu bỗng nhiên lạnh nhạt, oán trách nhau.

Nước sâu tĩnh lặng, người khôn kiệm lời!

Hãy học cách coi nhẹ cái tôi, học cách nhẫn “cơn tam bành” mà đối mặt với chuyện không như ý. Mọi việc đừng khắt khe quá, “nước trong thì không có cá, người xét nét quá lại không có bạn bè”, làm việc gì cũng chừa đường cho người, mở lối cho mình. Hiểu cách nhường bước mới có được tấm lòng độ lượng. Biết cách khoan dung mới lộ rõ khí chất hơn người.

Dẫu bạn muốn hay không thì duyên phận giữa con người với con người cũng chỉ là trạm dừng chân nhất thời, chỉ vậy mà thôi. Quan trọng là thái độ và cách ứng xử đọng lại trong tâm mỗi người. Mỗi người đến với thế giới này đều mang theo một hay vài nhiệm vụ trọng đại nào đó. Họ không chỉ tồn tại vì riêng một ai khác, và cũng không thuộc sở hữu của riêng ai. Khi hoàn tất sứ mệnh của mình, họ sẽ rời đi theo cách này hoặc cách khác.

Tố Như
(Tổng hợp)

Nguồn: NTD Tiếng Việt


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x