Karl Marx là người như thế nào?

Karl Marx là người như thế nào?
Du khách đi ngang qua bức tượng của Karl Marx (1818–1883) và Friedrich Engels (1820–1895) ở trung tâm thủ đô Berlin ngày 28/04/2009. (Ảnh: Theo Heimann /DDP/AFP via Getty Images)

Cuộc đời và tâm lý bất ổn của Marx đã gây ra những ảnh hưởng chí mạng cho hàng triệu con người.

“Con người bắt đầu những thay đổi mang tính cách mạng vì những lý do liên quan đến cuộc sống cá nhân của họ.” — Triết gia Aristotle

Hệ quả từ những lý tưởng của Karl Marx đã làm chao đảo mọi trí tưởng tượng. Tư tưởng của ông ta đã định hình lịch sử. Nhiều đế chế trỗi dậy rồi suy tàn dựa trên luận đề của ông ta. Những giấc mộng và tầm nhìn nở rộ rồi tan vỡ.

Hồng thủy cách mạng dâng trào, quét qua bờ biển của các thềm lục địa vì người đàn ông này, và cuộc sống của hàng triệu người đã thay đổi — hoặc kết thúc — do hệ tư tưởng của ông ta. Dưới hình thức biến thể, những lý tưởng của Marx tiếp tục thầm thì vang vọng qua các hành lang của những tổ chức giáo dục đại học và thậm chí là các hội trường chính phủ.

Tuy nhiên, người đàn ông này là ai mà lời nói của ông ta lại rền vang như sấm sét đáng sợ xuyên suốt lịch sử thế kỷ 20 và 21? Một cái nhìn thoáng qua về tính cách của người đàn ông này — bức chân dung về con người, đức tin, cuộc sống cá nhân và sự nghiệp — sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ câu hỏi này.

Karl Marx là người như thế nào?
Một bức chân dung của Karl Marx. (Ảnh: John Jabez Edwin Mayall, colored by Olga Shirnina/CC BY-SA 2.0)

Con người Karl Marx

Karl Marx là người như thế nào? Mặc dù chúng ta không thể đánh giá giá trị của một lý tưởng nếu chỉ dựa trên đức hạnh hay thói xấu của tác giả, nhưng việc hiểu được người đã tạo ra chủ nghĩa Marx có thể sẽ làm sáng tỏ bản chất của học thuyết này — và những hậu quả thảm khốc thường đi kèm với nó.

Năm 1848, Marx viết như sau “một bóng ma đang ám ảnh châu Âu — bóng ma của chủ nghĩa cộng sản.” Lần này, lời nói của ông ta rất chính xác. Nhưng dường như bóng ma đó cũng đang ám ảnh cả Marx, một linh hồn u ám trầm cảm, cuồng nộ, bạo lực, và khát vọng tận thế.

Trong cuốn sách “The Devil and Karl Marx” (Ác Quỷ và Karl Marx), tác giả Paul Kengor đã phác thảo lại nội dung đáng lo ngại trong các tác phẩm thơ và kịch thời kỳ đầu của Marx, những thứ đã ra đời trước “công trình học thuật” của ông ta. Chúng tiết lộ đời sống nội tâm đầy giằng xé của Marx. Trong một bài thơ, Marx đã miêu tả một nghệ sỹ vĩ cầm cuồng nhiệt đang chơi vũ điệu hủy diệt điên cuồng, triệu hồi một cơn bão đen tối và đe dọa sẽ đâm gục thính giả của mình:

Nhìn xem, lưỡi gươm đẫm máu của ta sẽ đâm
Không chút sai lệch vào tâm hồn ngươi
Thượng đế chẳng biết cũng chẳng tôn vinh nghệ thuật
Hơi địa ngục bốc lên lấp đầy bộ não,

Cho đến khi ta phát điên và trái tim hoàn toàn thay đổi
Nhìn lưỡi gươm này đi — Quỷ vương Bóng tối đã bán nó cho ta.
Vì hắn gõ nhịp và đưa ra ký hiệu.
Ta càng liều lĩnh chơi vũ điệu tử thần

“Vũ điệu tử thần” — từ ngữ vừa hay tuôn ra từ ngòi bút của kẻ mà hệ tư tưởng của hắn đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 100 triệu người, theo một số ước tính. Giọng điệu âm ám này lại tiếp tục và mang tính hủy diệt thế giới trong một trong những vở kịch của Marx, nơi nhân vật có tên Oulenam tuyên bố, “Tất cả đã mất! Thời giờ đã hết, và thời gian/Dừng lại. Vũ trụ nhỏ bé tầm thường này sẽ sụp đổ./ Sớm thôi, ta sẽ nắm lấy Sự Bất diệt và gầm lên/ Lời nguyền khổng lồ của con người vào tai ngươi./ Vĩnh hằng! Đó chính là nỗi đau vĩnh hằng.”

Hình ảnh về nỗi thống khổ vĩnh hằng lại lần nữa xuất hiện trong bài thơ “The Pale Maiden” (Thiếu Nữ Xanh Xao), khi người thiếu nữ rên rỉ hỏi, “Vậy là, ta đã đánh mất Thiên đường rồi/ Ta biết rõ điều đó./Linh hồn ta từng ngay thật với Chúa/ Nhưng giờ đây đã chọn vào Địa ngục./

Nhìn chung, nội dung chính trong các tác phẩm văn học của Marx đều thể hiện nỗi ám ảnh của con người về cái chết, địa ngục, ngày tận thế, và những giao ước với ma quỷ. Về mặt tôn giáo, Marx là kẻ vô thần, mặc dù ông ta được sinh ra trong một gia đình Do Thái Giáo ở thành phố Trier, nước Đức, sau đó cải đạo sang Tin Lành vào thời điểm Marx chào đời năm 1818. Năm 16 tuổi, Marx bác bỏ mọi đức tin mà ông ta có thể có. Quả thật, sau này ông ta đã viết những lời thù ghét chống lại Do Thái Giáo và người Do Thái.

Về xuất phát điểm vô thần của Marx, ông Kengor trích dẫn lời một nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản là Linh mục Richard Wurmbrand, người đã trải qua 14 năm trong nhà tù cộng sản và bị tra tấn vì đức tin Cơ Đốc của mình. Ông Wurmbrand nêu rõ, “Marx thù ghét bất cứ khái niệm nào về Chúa và các vị Thần. Hắn quyết tâm trở thành kẻ trục xuất Chúa.”

Một nhà bất đồng chính kiến với chủ nghĩa cộng sản nổi tiếng khác và cũng là nạn nhân của các trại cải tạo lao động Liên Xô (Soviet gulags), ông Aleksandr Solzhenitsyn cũng đưa ra nhận xét tương tự: “Trong hệ thống triết học của Marx và Lenin, và trong cốt lõi tâm lý của họ, sự thù hận Thiên Chúa là động lực chính, cơ bản hơn tất cả những tham vọng chính trị và kinh tế của họ.”

marx minh chan tuong 2
Ông Aleksandr Solzhenitsyn cùng gia đình tại phi trường Zurich vào tháng 03/1974. Ông Solzhenitsyn là nạn nhân của những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng dưới bàn tay của những người Xô Viết ủng hộ các triết lý độc hại của Marx. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Thoát khỏi những đắn đo về tôn giáo, Marx hoạt động mà không có bất cứ sự ràng buộc nào về mặt đạo đức. Khi còn là sinh viên ở thành phố Bonn, Đức, và sau đó là Đại học Berlin, ông ta lười biếng, phung phí tiền bạc của cha mình, và say xỉn. Đối với người được cho là có rất nhiều kiến thức về kinh tế, Marx lại thể hiện một sự bất lực lạ lùng trong việc quản lý tiền bạc. Trong suốt cuộc đời mình, ông ta sống bám vào những người khác, trong đó có cả người bạn kiêm đồng tác giả Friedrich Engels.

Dù Marx nhặt nhạnh được một số ý tưởng triết học nửa vời thời còn học đại học, bám theo và chỉnh sửa phép biện chứng Hegel đang thịnh hành thời bấy giờ, thì ông ta vẫn chỉ là một học giả hạng hai. Ông ta đã đạo văn.

Marx xử lý các nguồn tư liệu một cách vô trách nhiệm, thậm chí là lừa bịp, và đôi khi còn bóp méo các trích dẫn nhằm hỗ trợ cho lý tưởng của riêng mình, như sử gia Paul Johnson đã viết trong cuốn sách “Intellectuals” (Tri Thức). Marx chưa bao giờ đến thăm một công xưởng, một nhà máy, hoặc một công trình công nghiệp nào, và ông ta chỉ quen biết vỏn vẹn hai người có liên quan đến giới tài chính và công nghiệp. Nhưng ông ta lại dành cả ngày trong tháp ngà để nghĩ ra những lý thuyết chưa được kiểm chứng về các chủ đề này.

Đời sống cá nhân dơ bẩn

Đời sống cá nhân của Marx thậm chí còn kinh tởm hơn cả cái gọi là “sự nghiệp” của ông ta. Có một câu hỏi đặt ra là, liệu làm việc chỗ này chỗ kia với tư cách là ký giả và biên tập cho một tờ báo thất bại, xin xỏ tiền bạc từ gia đình và bạn bè, tham gia các câu lạc bộ cách mạng cực đoan, thì có thể được coi là “sự nghiệp” hay không.

Cuối cùng, khi Marx kết hôn với Jenny von Westphalen, gia đình họ sống trong cảnh túng quẫn vì Marx từ chối đi làm. Một gia đình thường cần đến tiền bạc, thực phẩm, nơi ăn chốn ở, và chăm sóc y tế, còn gia đình họ thì không có gì.

Nhiều đứa con của Marx đã qua đời, có thể là vì điều kiện sống nghèo nàn của họ. Thay vì kiếm sống, Marx nhất quyết muốn mẹ và những người khác chu cấp tiền cho gia đình mình, khiến bà phải hét lên giận dữ rằng, bà ước gì “Karl sẽ làm việc để tích lũy của cải chứ không chỉ viết về nó.” Những cuộc giao tiếp giữa Marx và mẹ chủ yếu là để vòi vĩnh tiền từ bà.

Sự lười biếng của nhà chủ nghĩa xã hội này cuối cùng cũng khiến ông bị đuổi khỏi căn hộ. Chủ nhà đã mất hết kiên nhẫn với việc thiếu tiền thuê nhà và tình trạng vệ sinh tệ hại của người thuê. Marx uống rượu và hút thuốc như cơm bữa, không tập thể dục, và hiếm khi tắm rửa, những điều khá đơn giản, khiến ông ta bốc mùi hôi hám.

Nó gây bùng phát mụn cóc và mụn nhọt mưng mủ trên khắp cơ thể ông ta. Sử gia Paul Johnson cho rằng những thứ mụn nhọt này cũng góp phần tạo nên tính khí cáu kỉnh và bạo lực của Marx. Bạn sẽ không muốn trở thành kẻ thù hay bạn bè của Marx vì những vấn đề đó. [Dù là kẻ thù hay bằng hữu thì] cả hai bên cũng thường xuyên bị tấn công bằng những lời lẽ chỉ trích và thù hận.

Marx cũng đối xử tệ bạc với người hầu trong gia đình, bà Helen Demuth, còn được gọi là “Lenchen.” Mặc dù Marx tuyên bố bản thân là người bảo vệ cho người nghèo, giai cấp công nhân, chỉ trích chống lại giai cấp tư sản, và đòi hỏi phân phối của cải bình đẳng hơn, nhưng ông ta chưa bao giờ trả cho người hầu của mình bất cứ thứ gì. Lenchen bị đối xử như một nô lệ.

Hơn thế nữa, Marx còn làm bà có thai, và bà đã sinh ra đứa con của ông ta. Marx từ chối nhận cậu bé và họ của đứa trẻ bị bỏ trống trên giấy khai sinh. Engels đứng ra dọn dẹp hậu quả thay bạn mình, ông nhận làm cha đứa bé để xóa bỏ nỗi xấu hổ xã hội cho Marx. Vào năm 1895, Engels đã tiết lộ bí mật này cho một trong những cô con gái của Marx khi đang hấp hối vì căn bệnh ung thư.

Suốt nhiều năm, nhiều chính phủ Âu Châu rất cảnh giác đối với Marx và công cuộc cách mạng của ông ta. Năm 1849, Marx bị trục xuất khỏi Đức vì tội “kích động nổi loạn vũ trang.” Marx đã chuyển đến Luân Đôn nơi mà rõ ràng là chính phủ Phổ vẫn luôn theo dõi ông ta, kể từ khi một báo cáo gián điệp của cảnh sát Phổ năm 1850 ghi lại những hỗn loạn trong gia đình Marx:

“Mặc dù Marx thường xuyên rảnh rỗi trong nhiều ngày liền, nhưng ông ta sẽ làm việc bền bỉ không mệt mỏi cả ngày lẫn đêm khi có nhiều việc cần làm.”

“Ông ta không có giờ giấc ngủ và thức dậy cố định. Ông ta thường thức cả đêm và sau đó nằm vật trên ghế sofa vào giữa trưa với nguyên bộ quần áo đó, và ngủ đến tận tối, hoàn toàn không bận tâm đến bất cứ ai ra vào [căn phòng].

“Không có một món đồ nội thất nào sạch sẽ và nguyên vẹn. Mọi thứ đều hư hỏng, rách rưới, và tơi tả, bụi phủ dày cả phân lên mọi thứ và sự bừa bộn tột cùng ở khắp mọi nơi.”

“Khi bước vào phòng của Marx, khói thuốc và mùi hôi hám sẽ khiến bạn chảy nước mắt. Mọi thứ đều dơ dáy và phủ đầy bụi, đến nỗi việc ngồi xuống cũng trở thành một hành động mạo hiểm. Đây là chiếc ghế chỉ có ba chân. Trên một chiếc ghế khác bọn trẻ đang chơi trò nấu ăn. Chiếc ghế này may mắn có bốn chân. Nó dành riêng cho khách ngồi, nhưng đồ chơi nấu ăn của bọn trẻ chưa được dọn dẹp và nếu ngồi xuống bạn sẽ có nguy cơ hỏng mất chiếc quần.”

Như báo cáo này đã ghi rõ, vợ con Marx phải chịu đựng muôn vàn đau khổ dưới lối sống bất ổn và sự cai trị độc đoán của người đã đề xướng ra chủ nghĩa xã hội. Marx viết một cách đầy miệt thị về cuộc sống hôn nhân và gia đình, mặc dù theo ông Johnson, Marx cũng rất yêu thương người vợ Jenny của mình, ít nhất là trong một thời điểm nào đó. Ông Kengor trích dẫn lời Marx như sau: “Không có gì ngu xuẩn hơn việc những người có hoài bão lớn lao lại kết hôn và đầu hàng trước những đau khổ nhỏ nhặt của cuộc sống gia đình và đời tư.”

Có lẽ, do kết quả của quá trình nuôi dạy đầy đau thương, mà hai cô con gái của Marx đều tự sát sau khi cha họ qua đời. Một trong số họ tự sát cùng chồng, cũng là người thường xuyên bị Marx chế giễu. Vậy là, kết thúc câu chuyện đầy nhơ nhớp và bi thảm về gia đình Marx, còn những người con khác của ông ta thì đều đã qua đời trước đó.

Theo lời sử gia Warren Carrol trong cuốn sách “The Crisis of Christendom,” (Cuộc Khủng Hoảng của Cơ Đốc Giáo), bất chấp tất cả sự cuồng nộ và sôi sục của mình, Marx không phải là nhân vật chính trị hay triết học quan trọng thời bấy giờ, và nếu không có cuộc cách mạng thành công của Lenin, thực hiện dưới danh nghĩa của Marx, thì có lẽ lịch sử thậm chí còn không nhớ tới con người nhỏ bé thô lỗ, bất ổn, và quái gở này. Chính thành công về mặt quân sự của những người đi theo Marx đã nâng ông ta lên vị trí thống trị lịch sử thế giới — một cách không đáng có.

marx minh chan tuong 3
Bích chương Chống-Bolshevik, trong đó miêu tả Lenin khoác chiếc áo choàng màu đỏ hô hào những người Bolshevik khác hy sinh nước Nga dưới bức tượng của Karl Marx, khoảng năm 1918-1919. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Giá như mọi chuyện có thể khác đi.

Hoàng Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Mời quý độc giả ghé thăm trang Epoch Times Tiếng Việt để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x