Làm việc nghĩa là đạo của người quân tử

Khổng Tử thánh tích đồ Minh Chân Tướng
Bức tranh “Khổng Tử thánh tích đồ” miêu tả Hạnh Đàn nơi Khổng tử dạy Lễ Nhạc. (Ảnh Miền Cộng cộng)

Người xưa giảng: “Quân tử bất cẩu cầu, cầu tất hữu nghĩa”. Ý là: Quân tử không truy cầu tùy tiện; cầu điều gì cũng đều là làm theo việc nghĩa. Nghĩa chính là điểm phân biệt lớn nhất giữa quân tử và tiểu nhân.

Quân tử chuộng Nghĩa

Đức “Nghĩa” là một phạm trù đạo đức quan trọng trong đạo Nho, là một yếu tố cấu thành “ngũ thường”. Mạnh Tử xem “Nghĩa” là con đường to lớn hơn hết trong thiên hạ mà người quân tử, bậc đại trượng phu phải đi theo. Khổng Tử đánh giá rất cao đức Nghĩa, nên giảng rằng: “Người quân tử đối với mọi việc trong thiên hạ, không quy định phải làm như thế nào, cũng không quy định không được làm như thế nào, chỉ xét hợp nghĩa thì làm” (Quân tử chi ư thiên hạ giã, vô thích giã, vô mịch giã, nghĩa chi dữ tỷ).

Mạnh Tử Minh Chân Tướng
Mạnh Tử xem “Nghĩa” là con đường to lớn hơn hết trong thiên hạ mà người quân tử, bậc đại trượng phu phải đi theo. (Ảnh: Wikiepedia)

Thấy Tử Lộ là một người ham sức mạnh, có lần hỏi Khổng Tử: Quân tử có ham chuộng sức mạnh đó ư? (Quân tử thượng dũng hồ?)

Đức Thánh nói rằng: Quân tử cốt lấy đạo nghĩa làm hơn (quân tử nghĩa dĩ vi thượng), dầu có khi cần đến sức mạnh, nhưng mà cái sức mạnh ở nơi “đạo nghĩa” mà ra, nếu chỉ sức mạnh mà thôi thời không phải “quân tử sở thượng”.

Phàm người ta tuy có loài thuộc về quân tử, cũng có loại thuộc về tiểu nhân, nhưng nếu chỉ là người có dũng mà không có nghĩa thảy đều là xấu cả. Quân tử có dũng mà không có nghĩa tất loạn (quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa, vi loạn); tiểu nhân có dũng mà không nghĩa, tất làm giặc (tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa, vi đạo).

“Dũng” chỉ là sức mạnh, mà “đạo nghĩa” là cái phương châm để sai khiến sức mạnh. Nếu chỉ có sức mạnh mà không có đạo nghĩa, chẳng qua thành ra người “loạn” với “đạo” mà thôi.

Nho giáo không đưa ra một định nghĩa kinh điển nào về Nghĩa. Tuỳ từng hoàn cảnh, đối tượng mà việc giảng giải về Nghĩa khác nhau. Tựu trung lại có thể nói phạm trù “Nghĩa” bao gồm những cái cao thượng, chính trực, tốt đẹp và phù hợp với Nhân và Lễ. Làm điều Nghĩa là để thi hành đạo nhân và giữ gìn lễ tiết. Bởi vậy, Nghĩa được xem là cái gốc của mọi sự việc; còn người quân tử thì bao giờ cũng phải lấy Nghĩa làm cái cốt yếu, cơ sở cho mọi suy nghĩ và hành động.

Đối lập với Nghĩa là Lợi. Lợi được hiểu là lợi ích, quyền lợi; thường gắn liền với tư dục, tham vọng của con người. Nho giáo cho rằng, chỉ có kẻ tiểu nhân mới tham lợi, vì lợi mà quên cả nhân nghĩa. Khổng Tử so sánh: “Quân tử nghĩ đến đức; tiểu nhân nghĩ đến đất (chỗ ở). Quân tử quan tâm đến phép tắc; tiểu nhân quan tâm đến ân huệ” (Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ. Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ).

“Quân tử hiểu rõ chưng nghĩa;tiểu nhân hiểu rõ chưng lợi” (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi) – Luận Ngữ: Lý nhân, IV. Nghĩa là điều thuận theo thiên lý; Lợi là cái ham mê của nhân dục. Người quân tử hiểu sâu việc nghĩa, cho nên mới dốc lòng muốn làm việc nghĩa; kẻ tiểu nhân hiểu sâu việc lợi, cho nên mới dốc lòng lo làm việc lợi. Làm việc nghĩa mà có lợi là chính đáng; làm việc lợi mà quên việc nghĩa là trái lẽ.

Do trọng nghĩa, khinh lợi, làm việc thì công minh, chính trực, không tư vị nên người quân tử lúc nào cũng khiêm nhường, không kiêu ngạo, tâm trạng luôn thư thái và có thể hòa mình được với mọi người. Họ không mưu cầu danh lợi cho riêng mình nên cũng không bon chen, cầu cạnh, đấu đá, tranh giành. Bởi vậy, “Quân tử thì thản nhiên thư thái” (Quân tử thản đãng đãng); “Thư thái mà không kiêu căng” (Thái nhi bất kiêu); “Hòa hợp chứ không hùa theo” (Hòa nhi bất đồng).

Ngược lại, kẻ tiểu nhân vì tham lợi mà làm càn, ích kỷ hại nhân, kéo bè kéo đảng để thực hiện tham vọng của mình, nên tâm trạng luôn căng thẳng, không thoải mái. Kẻ tiểu nhân khi đắc chí thì kiêu căng, cao ngạo; khi thất thế thì lo sợ, tìm đủ mọi cách để dung thân. Vì vậy, “Tiểu nhân thì kiêu căng mà không thư thái” (Tiểu nhân kiêu nhi bất thái) và “Tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu” (Tiểu nhân trường thích thích).

Thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử thế nào là người hoàn toàn. Khổng Tử nói rằng: “Thấy lợi nghĩ đến nghĩa; thấy nguy cấp thì trao mệnh mình mà chống lại; lời giao ước đã lâu năm mà không quên; người ấy cũng khá cho là người hoàn toàn vậy!” (Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh, cửu yêu bất vong bình sinh chi ngôn, diệc khả dĩ vi thành nhân hỹ!) – (Luận Ngữ: Hiến vấn, XIV).

Thấy việc nghĩa không làm thì không phải kẻ dũng

Khổng Tử nói: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa không làm thì không phải kẻ dũng). Người quân tử có dũng khí lớn bởi họ luôn làm việc nghĩa, luôn “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha.” Quan Vũ là một anh hùng nổi tiếng thời Tam Quốc. Ông được người đời nhớ đến nhiều nhất bởi chữ “Nghĩa” này.

Khổng Tử nói về làm việc nghĩa Minh Chân Tướng
Khổng Tử nói: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” (thấy việc nghĩa không làm thì không phải kẻ dũng. (Ảnh: Chụp màn hình video NTDTV)

Chuyện kể rằng, khi Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại, Quan Vũ đơn thương độc mã cầm quân chống trả, bị vây tứ bề, định tìm cái chết. Tào Tháo mến tài, cho người dụ hàng ông. Quan Vũ khẳng khái đề ra 3 điều kiện, trong đó có nói nếu biết Lưu Bị ở đâu thì sẽ từ biệt Tào công, đến tìm anh mình bằng mọi giá. Tào Tháo chấp nhận.

Khi về dưới trướng Tào Tháo, Quan Vũ rất được ân sủng. Tào Tháo sai người mang mỹ nữ, vàng bạc đến thưởng cho, ông không nhận. Tào Tháo thưởng chiến bào, tặng ngựa quý Xích Thố, Quan Vũ cũng không động lòng. Tào Tháo đãi Quan Vũ “3 ngày một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn”, lại cấp ấn phong hầu, ân sủng hết mực. Thế nhưng khi nghe được tin Lưu Bị đang ở Hà Bắc với Viên Thiệu, Quan Vũ nhất quyết từ tạ ra đi, không gì cản nổi, qua 5 ải chém 6 tướng, đi vào lịch sử như một tấm gương về nghĩa khí, trung nghĩa.

Do đó, người quân tử làm việc luôn cân nhắc đến yếu tố đầu tiên là đạo nghĩa. Tấm lòng của họ phóng khoáng, khoáng đạt, không bị vật chất làm lóa mắt, mờ trí. Hành động của họ lỗi lạc, quang minh, có trước có sau, không phụ người có ơn, cũng không quên thâm tình cũ. Kẻ tiểu nhân không thể nào mong có được những phẩm chất ấy. Quân tử trọng nghĩa, còn tiểu nhân thì hám lợi. Không phải người quân tử ghét bỏ tiền bạc, của cải mà đó đều phải là của cải chính nghĩa, được làm ra một cách chân chính.

“Quân tử lấy nghĩa làm cốt, lấy lễ mà làm, lấy khiêm tốn mà thi thố ra, lấy lòng tin mà thành tựu; Thật là quân tử vậy thay!” (Quân tử nghĩa dĩ vi chất, lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi; Quân tử tai!) – Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XV. Nghĩa là cái gốc của muôn sự, cho nên bao giờ cũng phải lấy nghĩa làm cốt. Làm điều nghĩa thì cần có tiết văn, thi thố điều nghĩa ra thì cần có tôn nhượng, thành được điều nghĩa là ở sự thành thực. Đó mới thật là việc người quân tử.

Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ

Một đời người quân tử là “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.” Người quân tử thì không việc gì vĩ đại hơn là làm điều thiện cho người. Như Mạnh Tử ca ngợi vua Thuấn rằng: “Thuấn vĩ đại thay, giỏi hòa đồng với người, vui làm việc tốt cho người. Tự mình cày cấy, làm gốm, đánh cá, cho đến làm vua, không việc gì là không làm cho người khác, vì điều tốt đẹp của mọi người; đó là người làm điều thiện cho người; do đó người quân tử không việc gì vĩ đại hơn là làm điều thiện cho người.”

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói với Mặc Tử rằng: “Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc nghĩa; một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?”

Mặc Tử nói: “Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không thì nhiều, đứa đi cày thì ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm thêm mới phải; có đâu lại ngăn tôi như thế!”

Mặc Tử thấy rằng, đang lúc nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì nhân tâm thế đạo nữa? Như Mặc Tử cho là đời là suy biến, coi sự làm việc Nghĩa, cổ súy việc nghĩa như cái nhiệm vụ mình phải làm.

Vậy nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu theo cái bất nghĩa, như cây tùng, cây bách, mùa đông sương tuyết mà vẫn xanh. Người quân tử vào thời loạn lạc lại càng đau đáu đem bao tinh lực tâm trí ra, chỉ để cố gắng gìn giữ phong hóa những mong dẫn đường chỉ lối cho những kẻ u mê lầm lạc, thực là có có công với loài người vậy.


Tác giả: Lam Khanh

Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x