Một chàng trai trẻ đến túp lều tranh trên núi và hỏi cụ già sống ở đó: Làm thế nào để được thanh thản, bình an? Nhưng dẫu đã làm theo lời chỉ dẫn của ông lão, anh vẫn không tìm được bình an thực sự, vậy nên anh lại lên núi thỉnh giáo lần nữa. Anh tin rằng phải có con đường tắt để trái tim được bình yên.
Lần nào ông lão cũng trả lời anh giống nhau và yêu cầu anh quan sát suy nghĩ của mình: Đó là điều thiện hay điều ác, và liệu anh có thể kiềm chế những ý nghĩ xấu của mình hay không? Tuy nhiên, chàng trai trẻ không thực sự quan tâm đến lời dặn dò của ông lão.
Cho nên lần này, khi nghe ông lão nhắc lại những lời giống như lần trước, trong lòng anh cảm thấy khó hiểu, bất bình: Ôi ông lão, chỉ là suy nghĩ trong đầu mà thôi, chứ có thật sự làm chuyện xấu đâu. Hơn nữa, mỗi ngày tôi đều mệt mỏi bận rộn với công việc, bao nhiêu suy nghĩ nảy sinh, tất cả đều như ong vò vẽ trong đầu. Mà tôi có thể bắt chúng không? Lão bảo tôi quan sát suy nghĩ, là ý nghĩ tốt thì thế nào? Nếu nó xấu xa thì sao? Tôi không phải là tôi nữa sao? Tôi cũng không thấy bất kỳ thay đổi nào trong bản thân mình!
Người trẻ tuổi đứng dậy tạm biệt ông lão rồi quay người xuống núi. Ông lão nhìn bóng lưng chàng thiếu niên rồi nở nụ cười mang ý tứ sâu xa.
Trên đường đi, chàng trai gặp hai ông cháu đang đi dạo trên núi. Người ông kéo cậu bé rồi chỉ vào hàng cây cao lớn: “Nhìn kìa, kia là cây bồ đề, cây phỉ, còn đây là cây dâu tằm…”
Cậu bé hỏi: “Ông ơi, những cây này cao thật, hạt của chúng chắc rất lớn phải không?”
Ông lão ân cần nhìn cháu và cười: “Đừng nhìn chúng cao bao nhiêu, thực ra hạt của chúng chỉ to cỡ hạt vừng thôi”.
Ông lão nhặt những hạt rơi vãi trên đất và kể cho cháu trai nghe một câu chuyện ngụ ngôn. Ông lấy ví dụ về cây dâu tằm và cỏ dại. Hạt giống của chúng gần như giống nhau về hình dạng, kích thước, trọng lượng, thậm chí người ta khó có thể phân biệt được đâu là dâu tằm, đâu là cỏ dại.
Cây dâu tự nhủ: Tôi chỉ muốn trở thành người tốt, làm một người tốt và luôn là một người tử tế. Hạt dâu chỉ cầu sự thiện lương, nói lời nhân hậu, làm việc tử tế, dù gặp bão tố, mưa đá, băng giá, hay tuyết rơi thì vẫn giữ tấm lòng thiện lương, không nghĩ đến lỗi lầm của người khác sẽ không khiến bản thân mình tức giận. Bằng cách này, cây dâu ngày càng cao lớn và sinh trưởng tốt tươi.
Hạt dâu giữ vững thiện lương nên khi lớn lên toàn thân đầy châu báu: Lá dâu có thể dùng để nuôi tằm, quay tơ dệt thành những tấm lụa tinh xảo; vỏ cây, rễ cây và lá cây dâu đều là vị thuốc chữa bách bệnh. Cây dâu kiên trì chí hướng ban đầu, giữ vững sự thiện lương, từ nhỏ đến lớn đều không ngừng nỗ lực vươn lên. Dưới sự che chở của Trời xanh, nó ngày càng lớn mạnh.
“Ông ơi, khi con lớn lên, con muốn được như cây dâu”, cậu bé nói. “Vậy còn hạt cỏ dại thì sao ông?”.
Ông lão ngắt một cọng cỏ khô héo và nói: “Cháu xem, hạt cỏ dại trông gần giống như hạt dâu tằm. Tuy nhiên, cỏ dại luôn nghĩ nó sẽ bao phủ toàn bộ ngọn núi rộng lớn. Để lấp núi, nó cố hết sức tìm kẻ khác gây sự. Khi cây dâu mới chỉ cao vài phân, cỏ dại đã mọc cao đến nửa thước, nó cười nhạo cây dâu, vỗ ngực đòi so tài cao thấp. Nhưng cây dâu vẫn điềm nhiên, tự nhủ phải giữ lấy cội rễ thiện lương, đừng như cỏ làm tổn hại người khác. Vì cỏ dại thường soi mói tìm lỗi của kẻ khác nên cũng khiến bản thân bị tổn thương, không thể sinh trưởng cao lớn được. Cây dâu và cỏ dại cùng tắm nắng mưa, nhưng cây dâu ngày càng cao lớn và khỏe mạnh, trong khi cỏ dại lại ngày càng mảnh mai, tuổi thọ của chúng cũng ngắn hơn và không thể sống qua mùa đông”.
Vốn dĩ đó chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn đơn giản, nhưng lại khiến chàng trai trẻ nao lòng. Chàng trai lắng nghe hai ông cháu trò chuyện, trong lòng hiểu rằng, ông lão trong ngôi nhà cỏ trên núi yêu cầu anh phải quan sát ý nghĩ của mình là thiện hay ác, bởi vì suy nghĩ ấy cũng như hạt giống của cỏ dại và dâu tằm, mầm thiện hay ác sẽ tạo thành kết cục khác nhau.
Hạt giống thiện niệm cũng như cây cao che phủ trong tâm mỗi người, toàn thân là báu vật. Mặc dù nó không ngừng cho đi nhưng vẫn cao lớn, trời xanh sẽ cung cấp cho nó mọi thứ nó cần. Trời ưu ái cho cây dâu không phải để nó sinh trưởng, mà là hy vọng nó sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người.
Hạt giống ác niệm cũng như mầm mống của cỏ dại, nếu không được kiềm chế, chúng sẽ phát triển rầm rộ, thậm chí chiếm núi làm vua, cuối cùng khiến tâm hồn tổn thương. Nhưng cỏ dại dù có điên cuồng đến đâu thì cuối cùng vẫn không thoát khỏi sự trừng phạt của thời tiết, đến mùa thu sẽ khô héo, trước mùa đông cỏ sẽ xác xơ, không còn khí tiết và sức sống.
Sau khi nghe câu chuyện ngụ ngôn của hai ông cháu, chàng thanh niên cuối cùng cũng hiểu những điều ông lão trên núi muốn nhắn nhủ. Anh bất giác cảm thấy như thể một cơn mưa tốt lành đang gột rửa tâm hồn. Khi anh quay lại ngôi nhà tranh, thì ông lão cũng không còn ở đó nữa rồi.
Tố Như
Theo Epoch Times tiếng Trung
Nguồn: NTD Tiếng Việt
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Hành trình tìm kiếm sự thật
- Con người gặp nhau trên thế gian, phần lớn là sau khi cách biệt trùng trùng
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!