Dương Quý Phi có bảo vật quý hiếm, đến triều Thanh thành bí ẩn ngàn thu

Dương Quý Phi(Ảnh:SOH tổng hợp)
Dương Quý Phi(Ảnh:SOH tổng hợp)

Tương truyền, Dương Quý Phi có một cây đàn Cầm quý giá. Vậy sau khi nàng qua đời, cây đàn ấy đã lưu lạc về đâu?

Dương Quý Phi là phi tần được Đường Huyền Tông sủng ái nhất, cũng là một trong tứ đại mỹ nhân nổi tiếng thời Trung Hoa cổ đại. 

Năm 756 trong loạn An Sử, Đường Huyền Tông dẫn theo Dương Quý Phi và anh họ của nàng là tể tướng Dương Quốc Trung chạy trốn đến đất Thục. Khi đi qua Mã Ngôi Dịch (nay là phía tây Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây), các quân sĩ trong đoàn hộ giá bất ngờ nổi loạn, đòi lấy đầu nhà họ Dương. Sau khi Dương Quốc Trung chết, quân sĩ vẫn đồng thanh hô lớn “Giặc vẫn còn đó!” và nhất quyết đòi xử tử Dương quý phi.

Đường Huyền Tông không còn cách nào khác, ông đành nén đau thương ban cho Dương Quý Phi một dải lụa trắng.

“Cựu Đường Thư” chép rằng, Dương Quý Phi “giỏi ca múa, tinh thông âm luật, thông minh hơn người”. Rất có thể, ngoài những lúc ca múa phục vụ hoàng đế trong yến tiệc, nàng còn gảy đàn với cây Cổ Cầm mà nàng yêu thích. Nếu quả thực như thế, vậy thì sau khi Dương quý phi qua đời, cây đàn Cổ Cầm ấy đã lưu lạc về đâu?

Lại nói, sau thời nhà Đường, Trung Quốc trải qua hơn 60 năm hỗn loạn thời “Ngũ đại thập quốc”, lại thêm 300 năm của hai triều đại Tống và sau đó triều Nguyên ra đời. Lúc này, một người đất Hạ là Dương Liễn Chân Già đã lợi dụng chức vị Tổng nhiếp ở Giang Nam, y nhiều lần tiến hành các cuộc đào trộm lăng mộ trên quy mô lớn.

Hết thảy vàng bạc, châu báu và các loại bảo vật trong lăng mộ của các vị hoàng đế nhà Tống và lăng mộ của các hoàng hậu, công hầu, khanh tướng… đều bị trộm sạch chẳng còn gì. Không chỉ vậy, y còn cả gan lấy hộp sọ của Tống Lý Tông chế tác thành bình rượu.

Chân dung Tống Lý Tông. (Bảo tàng Cố Cung Đài Loan)
Chân dung Tống Lý Tông. (Bảo tàng Cố Cung Đài Loan)

Cây đàn Cổ Cầm của Dương Quý Phi và hành vi trộm mộ của Dương Liễn Chân Già xem ra không liên quan, nhưng lại gặp nhau trong trải nghiệm của một vị Đạo sĩ thời nhà Thanh.

Cây đàn cổ cầm

Câu chuyện dưới đây xảy ra vào những năm Khang Hy (1662-1722) thời nhà Thanh. Lúc ấy, ở Lao Sơn có một vị Đạo sĩ tên là Vong Thuyên, xuất thân trong một gia đình danh giá ở phủ Võ Xương, Hồ Bắc. Vong Thuyên dung mạo anh tuấn, tính tình hào sảng, thích uống rượu, đọc sách, vẽ tranh, có sở trường vẽ trúc, đặc biệt tinh thông đàn Cầm. Mỗi khi nghe nói trong thiên hạ có cây đàn thượng thừa, ông không tiếc tiền bạc đến tận nơi mua về.

Một ngày, Vong Thuyên nghe nói rằng ở huyện Tân An, Hà Nam có một vị phú thương tên là Ngô Úy Long, sưu tầm được rất nhiều cây đàn Cầm danh tiếng, nên đã không quản ngại xa xôi lặn lội đến thăm hỏi. Vị phú thương thấy Vong Thuyên đeo bên mình cây Cổ Cầm, liền hỏi: “Đạo nhân cũng thích gảy đàn Cầm sao?”. 

Vong Thuyên đáp: “Gảy đàn Cầm là nhã thú lớn nhất trong cuộc đời tôi, chỉ tiếc là đến nay tôi vẫn chưa gặp được cây đàn nào như ý”. 

Vong Thuyên lại chỉ vào cây Cổ Cầm trong tay và nói: “Đây là cây đàn Cầm trong nhà Thừa tướng Giả Tự Đạo nhà Tống, ngài ấy cũng là em trai của quý phi Giả Thị thời Tống Lý Tông. Tôi phải trả 500 lượng bạc mới mua được, tuy nhiên cây đàn này vẫn không phải hàng thượng phẩm”.

Vị phú thương vui vẻ ngồi nghe Vong Thuyên luận đàm về nhạc lý đàn Cầm. Vong Thuyên giảng giải cặn kẽ về các thủ pháp đánh đàn như “câu” (gảy móc), “bát” (gảy hai dây cùng lúc), “khiêu” (gảy ngón trỏ), “dịch” (gảy ngón giữa), v.v. với rất nhiều kiến giải tinh diệu. Vị phú thương thấy nhạc lý quá uyên thâm, nhất thời không thể lĩnh hội toàn bộ, vậy nên ông bèn mời Đạo sĩ tấu một bản đàn để xin được chỉ giáo.

Vong Thuyên mở túi đàn, gảy lên một khúc “Thủy Tiên thao”. Ngô Úy Long ngồi bên cạnh cung kính lắng nghe, say sưa trong tiếng đàn trong trẻo thánh thót, khi thì thấy trước mắt là núi rừng âm u thanh nhã, khi lại thấy bên tai sóng biển dập dềnh, cuộn dâng dào dạt. Bản nhạc quá mỹ diệu khiến Ngô Úy Long ca ngợi mãi không thôi.

Vong Thuyên dừng tay, mỉm cười một chút và nói: “Bản nhạc này từ Bá Nha truyền đến Kê Khang, tên là ‘Quảng Lăng Tán’, cũng gọi là ‘Quan Đào Quảng Lăng giả’. Sau khi Kê Khang qua đời, bản nhạc cũng thất truyền, tôi đã dựa vào cảm nhận của bản thân mà bắt chước lại, tạm gọi là ‘Thủy Tiên thao’”.

Thấy Ngô Úy Long đang lúc cao hứng, Vong Thuyên bèn nói: “Thực ra, hôm nay tôi đến đây là vì biết tiên sinh sưu tầm được rất nhiều cây đàn trứ danh, tôi đã không quản đường sá xa xôi tìm đến đây. Chẳng hay tiên sinh có thể cho tôi xem một chút được không?”.

Ngô Úy Long lấy từ trong bộ sưu tập của mình ra hơn mười cây đàn Cầm cho Vong Thuyên xem, nhưng tất cả đều bình thường, không có gì nổi trội. Chỉ riêng cây đàn cuối cùng là đặc biệt hơn hết thảy. Thân đàn dùng Kim Miêu Tình (mắt mèo vàng) làm Cầm Huy, lấy Long Can Thạch (đá gan rồng) làm Cầm Chẩn, mặt lưng khắc hai chữ “Xuyên Vân”. Cây đàn này tinh tế, tao nhã, vừa nhìn đã biết là bảo vật có một không hai trên đời.

Vong Thuyên say sưa ngắm nhìn không nỡ rời tay, bèn đem cây đàn của mình đổi lấy Cầm Xuyên Vân, đồng thời lại trả thêm 500 lượng bạc, nhưng Ngô Úy Long vẫn một mực từ chối. Thấy vị khách quá lưu luyến cây đàn, e cứ để lâu như vậy không tiện, Ngô Úy Long bèn lệnh cho gia nhân đem cây đàn cất đi. Vong Thuyên rầu rĩ đứng dậy xin cáo từ.

Dương quý phi. Ảnh minh họa: một phần trong bức tranh của Vương Chấn Bằng, thời Nguyên
(Ảnh minh họa: một phần trong bức tranh của Vương Chấn Bằng, thời Nguyên)

Ra khỏi cửa, ông bèn hỏi chuyện người gác cổng. Người ấy nói: “Thực ra, chủ nhân tôi không phải người am hiểu âm luật, chẳng qua chỉ học đòi văn vẻ mà thôi, chứ hoàn toàn không biết giá trị của những cây đàn này. Hôm nay nghe ngài tán thưởng cây đàn ấy như thế, đương nhiên chủ nhân tôi không đồng ý nhượng lại cho ngài rồi”. 

Vong Thuyên biết không thể nấn ná ở đây lâu, bèn tìm một ngôi miếu xin trọ lại vài ngày. Ông tự hứa với lòng rằng nếu không có được Cầm Xuyên Vân thì quyết không về nhà. Nhưng đã nhiều ngày trôi qua, cuối cùng vẫn không nghĩ ra biện pháp nào, chỉ có thể uống rượu tiêu sầu.

Vào một đêm nọ khi đang một mình uống rượu dưới trăng, nghĩ đến số ngân lượng mang theo đã cạn kiệt mà vẫn không có được cây đàn Cầm quý giá, Vong Thuyên bất giác rơi lệ. Lúc này, ông đột nhiên nghe thấy bên ngoài có tiếng giày gỗ, tiếp đó một cô nương phong tư yểu điệu bước đến và nhẹ nhàng nói: “Trăng thanh gió mát, cảnh vật đẹp thế này mà ngài lại chỉ có một mình, thiếp nguyện vì ngài thanh ca bạn tửu để giải nỗi cô đơn tịch mịch, vậy có được chăng?”. 

Vong Thuyên kinh ngạc hỏi cô từ đâu đến, cô nương nói: “Ngài đừng lo lắng, thiếp sẽ không gây cho ngài phiền phức đâu”. 

Dứt lời, vị cô nương lấy từ trong tay áo ra chiếc gõ phách Hoàng Nha, hát một khúc “Cầm tâm”. Tiếng ca trong trẻo, âm vận diết da, người thiếu nữ vừa gõ phách vừa hát rất có phong thái. Vong Thuyên uống thêm vài chén rồi say khướt ngã xuống giường tự lúc nào không hay.

Khi tỉnh dậy, Vong Thuyên thấy ánh trăng sáng xuyên qua khe cửa, còn cô nương thì vẫn ngồi lặng lẽ trước đèn. Ông vội vàng đứng dậy, giục giã cô nương mau mau trở về nhà.

Cô nương nói: “Thiếp vốn người đứng đắn, không phải hạng gái làng chơi. Từ khi được ngài yêu mến, thiếp mới biết rằng cõi nhân gian vẫn còn có người toàn tâm toàn ý với mình. Hơn nữa thấy ngài tình thâm nghĩa nặng như thế, thiếp mới dám rời bỏ chủ nhân tìm đến đây, lấy tấm thân này phó thác cho ngài. Thiếp thấy được nỗi khắc khoải trong tâm ngài, nguyện vì ngài mà đưa ra chủ ý, nào ngờ ngài lại cự tuyệt thiếp như thế”. 

Cô nương vừa nói vừa đưa tay áo lên lau nước mắt. Nhìn thấy vẻ mặt mỹ lệ vương nét sầu của nàng, Vong Thuyên ngây người thẫn thờ một lúc, cảm động đến mức chỉ muốn ôm nàng vào lòng. Vong Thuyên kể với nàng lý do vì sao bản thân vẫn còn nán lại nơi này. Cô nương đáp: “Việc này có gì khó đâu? Thiếp sẽ có cách giúp ngài”.

Vong Thuyên càng thêm hưng phấn, ôm cô gái trong vòng tay và thì thầm vào tai nàng: “Ta không biết lấy gì cảm ơn nàng đêm nay”.

Đêm khuya thanh vắng, chẳng mấy chốc cũng đến lúc hừng đông lấp ló. Ngoài cửa tiếng chim hót véo von, cô nương vội vàng đứng dậy nói: “Hai chúng ta cứ ở đây thế này e không tiện”. 

Vong Thuyên nói rằng chưa có cây đàn Xuyên Vân Cầm thì chưa thể rời đi, nhưng cô nương chỉ cười và nói: “Chúng ta cứ đi đã, mọi việc không cần phải lo lắng”. 

Vị cô nương mở chiếc hộp nhỏ, lấy ra mũ, giày và trang phục của đạo cô rồi mặc vào. Hai người mở cửa sau vội vã lên đường.

Đi được một đoạn, hai người vào một quán ăn nhỏ bên đường mua chút gì lót dạ. Thấy trong quán có một vị Đạo nhân, Vong Thuyên bèn bước lên cúi đầu hành lễ, hai người cùng ngồi xuống chuyện trò vui vẻ. Khi nói đến chỗ huyền diệu cao thâm của Đạo Pháp, Vong Thuyên rót một chén rượu mời Đạo sĩ cùng uống, cô nương biết ý liền lánh ra chỗ khác.

Lúc này, Đạo nhân liền nói nhỏ với Vong Thuyên: “Đạo cô trẻ tuổi đi theo ông không phải là người, ta sẽ có cách để cô ấy hiện nguyên hình. Đêm nay lúc hai người cùng chung chăn gối, ta sẽ ở ngoài làm phép, còn ông thì nhất định phải ôm chặt lấy nàng không được buông tay”.

Đêm ấy Vong Thuyên làm theo lời Đạo nhân, thấy trong vòng tay không phải mỹ nhân mà là một cây đàn Cầm, chính là Xuyên Vân Cầm trong nhà vị phú thương. Vong Thuyên vui mừng khôn xiết, mang cây đàn ra cho Đạo nhân xem. Vị Đạo nhân nói: 

“Đây là cây đàn Cầm mà Dương Quý Phi để lại, về sau truyền đến tay hoàng đế nhà Tống. Tống Lý Tông rất thích cây đàn, khi chết cũng cho người đem đi bồi táng, sau này bị Dương Liễn Chân Già lấy được, sau đó lại qua tay nhiều người rồi lưu lạc mãi đến ngày hôm nay. Rất nhiều kẻ tìm cách giành giật nó mà không được, cuối cùng cây đàn lại tự tìm đến ông. Ông thấy đó, bảo vật xưa nay cũng biết chọn chủ, nhất định sẽ không rơi vào tay những kẻ phàm phu tục tử! Nhưng có điều, sau này ông cũng không thể quay lại Lao Sơn được nữa”. 

Vong Thuyên nghe Đạo nhân nói vậy, hoảng hốt như tỉnh dậy khỏi giấc mơ. Ông đứng lên chắp tay lạy tạ rồi mang theo cây đàn Cầm tiến vào núi Chung Nam, từ đó không bao giờ quay trở lại nữa.

Vong Xuyên mang theo cây đàn Cầm tiến vào núi Chung Nam
Vong Xuyên mang theo cây đàn Cầm tiến vào núi Chung Nam. (Tranh Zhengjian)

Vong Thuyên vốn là người tu luyện đã đạt đến một cảnh giới nhất định, đã đạt đến độ tinh thông Cầm nghệ, có thể lĩnh hội được những pháp lý siêu việt thế gian. Kỳ thực, người tu luyện đến một tầng thứ nhất định sẽ triển hiện ra những năng lực siêu thường. Người tu luyện cần phải coi nhẹ dục vọng, buông bỏ chấp trước, phản bổn quy chân, quay trở về thiên tính ban sơ, khi ấy sẽ có được những công năng và thần thông mà người bình thường không thể có.

Cây đàn Cầm không hẹn mà gặp, cuối cùng cũng tự tìm đến Vong Thuyên. Nếu ông có thể giữ vững tâm tính, buông bỏ chấp trước đối với đàn Cầm, không mê mờ trước nữ sắc, vậy cây đàn này sẽ thành “Pháp khí” của ông, cũng chính là “thuận lý thành chương”. Chỉ tiếc là Vong Thuyên lại không giữ vững mà vi phạm sắc giới. Trong các pháp môn tu luyện, hễ phạm sắc giới đều bị trục xuất khỏi sơn môn, không thể tu hành được nữa. Do đó Đạo sĩ mới nói: “Sau này ông cũng không thể quay lại Lao Sơn được nữa”.

Phật gia giảng vạn vật đều có linh, cổ nhân cũng thường nói rằng, cổ vật sau thời gian lâu sẽ “thành tinh”. Ở một phương diện mà xét, chấp trước mạnh mẽ của Vong Thuyên đã chiêu mời yêu tinh. Ở phương diện khác, từ tầng diện thời không cao thâm hơn mà nhìn, rất có thể Vong Thuyên và cây đàn kia còn có nhân duyên sâu xa hơn nữa.

Vong Thuyên là người tu luyện có đạo hạnh, do đó cây đàn Cầm cuối cùng cũng tự tìm đến ông. Chỉ tiếc là ông không giữ vững tâm tính, chỉ một phút hồ đồ mà đã hủy mất đạo hạnh của bản thân mình, thực đáng tiếc lắm thay. 

Minh Hạnh

Theo Huệ Minh – Sound of Hope

Tài liệu tham khảo: “Mai Ưu Tập”, quyển 1, Chu Dực Thanh (triều Thanh)

Nguồn: NTD Việt Nam

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x