Con người lập thân, chỉ có đức hạnh là quý báu

con nguoi lap than chi co duc hanh la quy bau minh chan tuong
Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các bậc Thánh hiền xưa chính là đức hạnh (Ảnh: EpochTimes)

Khác với niềm tin chủ đạo trong xã hội hiện nay, thành công về mặt vật chất và danh tiếng không được coi trọng trong phần lớn lịch sử loài người. Những tôn giáo trở thành tư tưởng chủ đạo của xã hội như Nho học, Thiên Chúa giáo, Phật giáo bởi có thể đưa ra những chỉ dẫn giúp con người biết sống sao cho phải đạo. Xã hội xưa tôn vinh và chú trọng đào tạo những người có khả năng kiểm soát tâm trí, bồi dưỡng phẩm hạnh hơn là những người có khả năng làm giàu.

Tập trung vào điều quan trọng

Một ngày nọ, Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử, “Ngày xưa, vua Thuấn đã đội loại vương miện gì?”

Khổng Tử không trả lời.

Nhà vua hỏi lại: “Ta đang cố gắng học hỏi từ ngài. Tại sao ngài không trả lời?”

Khổng Tử cúi đầu đáp: “Bởi vì câu hỏi Bệ Hạ đưa ra không tập trung vào những vấn đề chính. Đó là lý do tại sao thần đang suy nghĩ làm thế nào để trả lời.”

Nhà vua tò mò hỏi: “Những vấn đề chính là gì?”

Khổng Tử đáp: “Vua Thuấn luôn thương dân như con của mình. Ông đề cao giáo dục đạo đức và bổ nhiệm những người hiền tài. Đức hạnh của ông lan xa khắp chốn. Tuy vậy, ông vẫn luôn giản dị khiêm nhường. Ông khuyến khích việc giáo hóa đạo đức trong dân chúng. Lòng tốt của ông trải rộng ra cho mọi chúng sinh. Đó là lý do tại sao những lời giáo huấn của ông được lưu truyền rộng rãi. Ngay cả những con chim Phượng hoàng và Kỳ Lân huyền thoại cũng đã xuất hiện trên mảnh đất mà ông cai trị, chứng tỏ rõ uy đức của ông. Tất cả điều này có được là nhờ ân đức vua Thuấn dành cho nhân dân. Bệ Hạ hỏi về loại vương miện mà vua Thuấn đã mang thay vì hỏi những vấn đề quan trọng hàng đầu như thế, vì thế thần không trả lời ngay được.”

Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các bậc Thánh hiền xưa chính là đức hạnh.

Đường Thái Tông tự mình viết 12 bài “Đế phạm” ban cho thái tử Lý Trì, chỉ rõ 12 điều chuẩn tắc mà bậc vua chúa cần phải tuân theo. Ngài chỉ ra rằng: “12 điều ấy cũng là đại cương cho đế vương. An hay nguy, hưng thịnh hay suy bại, đều bao hàm trong đó”, “Tu thân trị nước, đều có ở trong đó”, tha thiết nhắc nhở Lý Trì: Cần phải học theo các bậc minh quân Thánh triết Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thương Thang Vương và Chu Văn Vương thuở xưa, “Không uy đức thì không thể có trí tuệ cao xa, không đức độ nhân từ thì không thể chăm lo cho dân”, “Bản thân phải cần cù chịu khó, mới đi theo đường Đức nghĩa”.

Sách “Đế phạm” cũng được phần lớn các bậc vua chúa tôn thờ như là một cuốn Thánh kinh gia giáo. Đường Thái Tông còn viết “Giới Ngô Vương khác thư”, “Giới hoàng thuộc” đều là những kinh điển nổi tiếng, dạy bảo con cái “Con người ta lập thân, chỉ có đức hạnh là quý báu”, chỉ ra tính trọng yếu của việc tu dưỡng đức hạnh, làm nhiều việc thiện, mỹ đức tràn đầy mới có thể được hưởng phúc lâu dài.

Gặp chuyện lớn nhỏ gì Đường Thái Tông đều có thể nhân đó dạy dỗ đạo đức cho con cái, giúp chúng trong cuộc sống hàng ngày dần dần bồi dưỡng được phẩm chất tốt đẹp. Một lần Ngài trông thấy thái tử Lý Trì nghỉ ngơi dưới một tàng cây uốn lượn, thì dạy rằng: “Cây này dù uốn lượn, nhưng gặp thợ mộc thì có thể trở thành ngay thẳng. Làm vua cho dù bản thân mình chẳng hề cao minh, nhưng nếu có thể tiếp nhận lời khuyên can của người khác thì cũng có thể trở thành minh quân”.

Đường Thái Tông còn chú ý kết hợp giáo dục với các sự kiện lịch sử, để cho Ngụy Trưng biên soạn “Tự cổ chư hầu thiện ác lục” (Chuyện thiện ác của các chư hầu từ xưa tới nay) rồi phân phát cho các con, bắt buộc lấy đó làm căn bản cho việc tu thân. Trong đó kể ra những ví dụ cụ thể về gương thành công của người thiện, thất bại của kẻ ác, có tác dụng cổ vũ lớn lao và giúp con cháu càng coi trọng việc tu dưỡng đức hạnh bản thân hơn nữa, làm người chính nhân quân tử và yêu thương bách tính muôn dân.

Người xưa rất coi trọng nền nếp gia phong, chú trọng bồi dưỡng các đức tốt cho con cháu. “Trọng Đức tu thân” trở thành nội dung chính của lời gia huấn của các dòng họ.

Không học Thi Lễ không biết làm người

Khổng Tử là nhà tư tưởng và giáo dục thời Xuân Thu, tương truyền có 3000 học trò. Trong sách “Luận ngữ – Quý thị” ghi lại câu chuyện:

Một hôm, học trò của Khổng tử, tên Trần Kháng, hỏi Khổng Lý – con trai của Khổng Tử, rằng: “Anh ở cùng thầy có nghe được lời dạy bảo nào mà không giống với người khác chăng?”

Khổng Lý nói: “Không có. Có lần cha tôi một mình đứng trong sân nhà, tôi bước nhanh qua, cha tôi hỏi: “Học Thi chưa”. Tôi trả lời: “Dạ chưa”. Cha tôi nói: “Không học Thi, không thể ăn nói được”. Thế là tôi liền đi học Thi. Lại có lần, gặp cha, tôi bước nhanh qua, cha hỏi: “Có học Lễ chưa?”. Tôi trả lời: “Dạ chưa”. Cha tôi nói: “Không học Lễ, không thể đứng vững được”. Thế là tôi lập tức đi học Lễ. Tôi chỉ nghe được hai việc ấy thôi”.

Trần Kháng vui vẻ nói: “Tôi hỏi một câu hỏi, lại hiểu ra được ba điều. Biết được đạo lý học Thi và học Lễ, còn biết được là người quân tử đối xử với con trai mình không khác gì những trẻ em khác”.

Thi và Lễ đều là nội dung trọng yếu mà Khổng Tử giáo dục học trò. Khổng Tử cho rằng dùng hình thức văn nghệ để giáo dục thường có hiệu quả cao hơn lối dạy bảo thông thường.

“Kinh Thi” có 305 bài đều là ông tự mình biên soạn, nội dung nhiều, quan hệ với đạo lý tu thân, hiểu Mệnh, đi theo Đạo nghĩa. Khổng Tử cho rằng tu dưỡng đạo đức con người là bắt đầu từ đây, có thể nâng cao năng lực quan sát của con người, ngoài ra thông qua việc đọc Kinh Thi sẽ học được rất nhiều tri thức lịch sử, tự nhiên và xã hội. Khổng Tử nói: “Hưng thịnh nhờ Thi, đứng vững nhờ Lễ, thành tựu nhờ Nhạc”. Ông cho rằng Lễ chính là quy phạm hành vi lễ nghi và đạo đức của xã hội, bắt đầu từ học Lễ, giáo dục học trò xây dựng đức hạnh cho bản thân, từ thực tiễn dần dần bồi dưỡng ra những học trò có ý thức đạo đức tự giác, trở thành những trụ cột của xã hội sau này bằng tài đức tế thế an dân và thông hiểu Đạo Trời.

Khổng Tử dạy con học Thi học Lễ, so với các học trò khác thì đều yêu cầu như nhau, không vì Khổng Lý là con mình mà nới lỏng yêu cầu. Từ đó thấy được Khổng Tử đối xử rất bình đẳng với học trò, đồng thời gửi gắm nhiều hy vọng ở con trai. Người đời sau gọi phương pháp dạy con của Khổng Tử là “Thi Lễ truyện gia”.

Giáo dục trong các gia đình thời xưa đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất. Bởi vì Đức là căn bản nhất của con người, là thứ tốt đẹp và trân quý nhất, là cội nguồn của tất cả phúc phận, và là thứ đáng tin cậy nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cháu mình.

Đan thư
nguồn: NTD Tiếng Việt

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x