Trong ngôn ngữ của dân tộc Việt có một câu phương ngôn rằng: “Tài lai tự hữu phương, ngô sử cám bàng hoàng. Cật kỉ đa, trước kỉ đa đô hệ chỉnh định cát.” Ý nghĩa là: sự phát tài của một người tự có con đường riêng của nó, chúng ta không cần phải hao tâm tổn sức để mưu tính. Ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu, dùng bao nhiều đều đã được định sẵn.
Câu chuyện kể dưới đây bắt nguồn từ “Thính vũ hiên bút ký”. Những điều tốt đẹp mà họ gặp trong cuộc đời, hay tài vận hanh thông đạt đến đỉnh cao của đời người, hóa ra đều là dựa vào chính bản thân mình “nhặt” được.
Tài phú trong đời có ngăn cũng không ngăn được
Chuyện kể rằng vào thời đại nhà Thanh, tại một ngôi làng nọ thuộc quận Nam Hương, huyện Thạch Môn có một người tên gọi là Hạ Khai Cơ. Cao tổ anh ta là người hiển quý trong triều đại trước, đến đời của Hạ Khai Cơ thì gia đạo sa sút, nhà cửa cũ nát đến mức không ai ở được. Thế nên, Hạ Khai Cơ đành phải sống trong một căn phòng nhỏ hẹp tại hoa viên, và sống chủ yếu bằng nghề nông. Về sau, anh lấy con gái của người cậu làm vợ.
Nhạc phụ cũng chính là cậu của anh, tên gọi là Cao Lân Chiêu, là người ở thôn trang khác. Nhạc phụ trước đây gia cảnh vốn bần hàn, sau này nhờ buôn bán làm ăn nên kiếm được một ít tiền, dần dần thành người giàu có trong làng. Sau khi trở nên giàu có, nhạc phụ lại xem thường Hạ Khai Cơ. Ông thường nói những lời khó nghe, giễu cợt anh, và tất nhiên ông ta càng không mang tiền tiếp tế cho anh.
Mùa thu năm nọ, thôn trang xảy ra trận lũ lụt lớn. Lúa mạ trong nhà của Hạ Khai Cơ đều bị ngập và tàn rụi hết. Cuộc sống gia đình anh càng trở nên quẫn bách khốn cùng, không thể không ăn tiêu tằn tiện. Hạ Khai Cơ còn phải mượn tiền để sống qua ngày. Đến cuối năm, chủ nợ lần lượt đến nhà đòi nợ.
Thê tử của Hạ Khai Cơ nói rằng: “Chàng đến nhà ta, mượn phụ thân một ít ngân lượng để trả nợ, sau đó giữ lại một ít để dùng qua mùa xuân này.”
Hạ Khai Cơ biết rằng nếu tìm nhạc phụ mượn tiền thì chắc chắn sẽ bị mất mặt, nhưng nếu không đi thì gia đình không sống nổi qua năm này. Trong lòng anh thập phần không muốn, nhưng đành bất lực làm theo lời thê tử.
Giữa đường đi, anh gặp nhạc phụ đang mua ruộng, đúng lúc ông ấy đang trả giá với chủ ruộng. Đến chập tối, hai bên mới thống nhất được giá cả. Hạ Khai Cơ thấy trời đã tối, sợ rằng về nhà sẽ trễ, đành vội vàng tiến tới. Ai ngờ, chưa đợi Hạ Khai Cơ kịp mở miệng, nhạc phụ vừa nhìn thấy anh đã lên giọng: “Không có tiền, không có tiền!”, tiếp sau đó là một trận mắng chửi thậm tệ.
Hạ Khai Cơ không những không mượn được ngân lượng mà còn bị mắng một trận, anh đành buồn bã lủi thủi trở về nhà. Khi sắp về đến cổng nhà thì đột nhiên anh lảo đảo ngã nhào xuống đất. Lúc này trong lòng Hạ Khai Cơ thầm nghĩ: “Tết sắp đến rồi, mà nay bản thân lại không còn đường sống nào nữa…” Trước đó bị nhạc phụ nhục mạ, tinh thần anh suy sụp. Nay lại bị ngã nằm trên đất, trong lòng anh buồn chán đến cực điểm, nghĩ thầm chi bằng chết đi là xong.
Anh ta đứng dậy, đi thẳng đến ao nước sau nhà và gieo mình xuống nước. Lúc đó đang là mùa đông, nước trong ao không sâu, chỉ vừa ngang lưng. Hạ Khai Cơ cảm thấy dường như trong lớp bùn đất có vật gì đó chạm vào chân làm anh rất đau đớn. Anh cúi người tìm kiếm trong ao. Mọi người đoán xem anh ta tìm thấy được vật gì? Chính là một thỏi vàng.
Hạ Khai Cơ vô cùng vui mừng, anh tiếp tục dùng chân thăm dò. Dựa theo cảm giác của mình, anh đoán rằng dưới ao chắc hẳn còn rất nhiều thỏi vàng lớn nhỏ khác nữa. Anh kích động đến mức vội vã leo lên bờ, gõ cửa nhà mình. Thê tử ra mở cửa, anh nhanh chóng chạy vào nhà, lấy thỏi vàng ra đưa cho nàng xem, rồi kể những gì mình phát hiện được. Nhân lúc đêm khuya, hai vợ chồng ra ao đào vàng, đào suốt một đêm mà vẫn không đào hết. Sau khi trở về nhà, họ lấy ra một ít thỏi vàng nhỏ rồi dùng nước rửa sạch.
Rạng sáng, chủ nợ lại đến gõ cửa đòi nợ. Hạ Khai Cơ lấy thỏi vàng nhỏ ra và nói rằng đó là vàng mượn từ nhạc phụ. Ngày hôm đó mọi khoản nợ đều được thanh toán hết.
Sau đó, đến đêm, hai vợ chồng lại ra ao đào vàng. Tổng cộng đào hơn 10 ngày mới đào hết được các thỏi vàng ở đáy ao. Tính toán kỹ lưỡng thì có tổng cộng hơn 10 vạn lượng, trong đó vàng thỏi chiếm 30%, 70% còn lại là bạc thỏi. Hai vợ chồng đem vàng bỏ vào chum cất kỹ, sau đó đem giấu ở trong phòng ngủ. Họ không dám tùy tiện sử dụng vì e sợ khiến người khác hoài nghi, dễ đem lại những tai họa không đáng có.
Năm sau, mùa màng bội thu, số nhộng nhà họ Hạ thu hoạch được cũng nhiều gấp đôi so với những năm trước. Hai vợ chồng bắt đầu có cuộc sống đủ ăn đủ mặc, không còn chật vật như trước kia nữa. Nhạc phụ thay đổi thái độ đối đãi với Hạ Khai Cơ, lúc gặp mặt không còn giễu cợt như trước nữa.
Cứ như vậy, lại một năm nữa trôi qua. Thê tử trở về nhà mẹ ruột ở rất lâu, Hạ Khai Cơ đến nhà nhạc phụ thăm hỏi. Khi đến sảnh đường, anh nhìn khắp tứ phía, loanh quanh một hồi lâu, hơn nữa anh còn dùng tay nhiều lần đo độ dày của những cây cột. Nhạc phụ cảm thấy kì lạ bèn hỏi: “Con làm gì vậy?”
Hạ Khai Cơ nói: “Những gian nhà mà con đang ở đã đổ nát sắp sập rồi, con đang muốn sửa chữa lại.”
Nhạc phụ cười lớn nói: “Con mới ăn no đã bắt đầu nghĩ lung tung rồi. Con đang nói trong mộng đấy à?”
Vừa lúc thê tử của Hạ Khai Cơ đang đứng cạnh đó, nghe thấy lời của phụ thân, cô liền ngắt lời: “Nếu con rể có thể làm được thì phụ thân tính sao?”
“Nếu chồng con quả thật có thể xây được nhà, thì ta sẽ trả tiền ăn và tiền công cho thợ.” Nhạc phụ lại tiếp tục mỉa mai: “Tiền vật liệu các con có mua nổi không?”
Hai vợ chồng nghe vậy vội vàng cho rằng lời nói miệng không bằng không chứng, cần có giấy tờ làm bằng. Nhạc phụ nói: “Con hãy đi mua vật liệu xây nhà trước, ta tuyệt đối không nuốt lời.”
Ngôi nhà cũ trước đây của Hạ gia tuy đã sụp đổ nhưng nền móng vẫn còn. Hạ Khai Cơ trở về nhà, bắt đầu tuyển thợ và mua vật liệu. Anh muốn lợi dụng móng nhà có sẵn để xây dựng lại mấy chục căn nhà trước đây, hơn nữa trang trí còn huy hoàng hơn thời của cao tổ. Nhạc phụ sau khi biết được ý định của con rể thì phát hiện bản thân đã quá sơ ý. Công trình không hề nhỏ, tiền ăn và tiền lương của thợ chắc hẳn tốn không ít ngân lượng.
Một đêm trước khi công trình bắt đầu, Hạ Khai Cơ nằm mộng thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, đầu đội mũ ô sa, thân mặc hồng bào đến nói với anh rằng: “Ngươi tuyệt đối không được để thợ động vào bệ đá hoa mẫu đơn ở phía sau nền móng ban đầu”. Sau khi tỉnh lại, anh càng nghĩ càng cảm thấy kì lạ. Hạ Khai Cơ ngồi dậy, một mình tìm đến kiểm tra nơi ông lão đã nói với mình trong giấc mộng. Đầu tiên, anh lật bệ đá hoa mẫu đơn lên thì phát hiện đá không hề nặng. Vì thế, anh dùng lực đẩy tảng đá ra, thì thấy bên dưới tảng đá có bốn chậu gốm, bên trong đựng đầy vàng bạc. Lúc này, trong lòng Hạ Khai Cơ mới chợt hiểu ra rằng ông lão trong mộng chính là cao tổ của anh. Ông đặc biệt hiển linh báo cho anh biết. Cứ như vậy, Hạ Khai Cơ lại có được hơn mười vạn vàng bạc.
Mấy hôm sau, Hạ Khai Cơ một mình ngồi trong phòng ngẫm nghĩ: “Bản thân vốn là một người bần cùng, bỗng nhiên tìm thấy bạc vàng. Đây quả thật là ông trời phù hộ. Nhạc phụ là người chí thân, ta sao có thể đối đầu với nhạc phụ của mình được chứ? Nếu như lúc đó nhạc phụ không mắng chửi, còn cho ta mượn tiền, thì ta đã không giận dỗi phiền muộn, cũng sẽ không muốn gieo mình xuống nước tự vẫn, nếu vậy thì ta sẽ không có được số vàng bạc này.
“Chao ôi… phú quý của ta thực chất là đến từ nhạc phụ”. Hạ Khai Cơ nghĩ vậy, ngày hôm sau liền đem hết tiền ăn và tiền lương của thợ toàn bộ trả hết lại cho nhạc phụ. Sau khi xây xong nhà, Hạ Khai Cơ hết lòng làm việc thiện, thỉnh mời thầy đến dạy học cho con trai. Vào năm Khang Hy, con trai Hạ Khai Cơ đậu cử nhân. Đời cháu cũng đỗ đạt không ngừng, nhiều người trong đó còn đảm nhận chức quan trong triều đình.
Nghe xong câu chuyện này, có phải mọi người đều cho rằng vận khí của Hạ Khai Cơ quá tốt! Thật ra, người xưa cho rằng, con người lúc vừa mới sinh ra thì vận mệnh đều đã được an bài. Trong mệnh nên có bao nhiêu tiền tài, lúc nào sẽ phát tài đều là có định số. Tục ngữ nói: “Trong mệnh chỉ có mười đồng thì muốn cầu nhiều hơn cũng không được”. Trong cuộc sống, có người tuổi trẻ đã giàu có, cũng có người đến tuổi trung niên, thậm chí là đến tuổi già mới được giàu có. Đó chẳng qua chỉ là nhân duyên trong cuộc đời khác nhau, tiền tài đến sớm hay muộn mà thôi. Vì vậy, hà tất phải ngưỡng mộ kẻ khác, càng không nên lo sợ một phút bần cùng, bởi vì hết thảy đều là trong u minh tự có định số.
Tiền tài đến muộn
Câu chuyện này được ghi chép trong “Diệu hương thất tùng thoại”, kể về một người tên là Lưu Đan Giai, người huyện Đồng Thành, tỉnh An Huy, sống dưới triều đại nhà Thanh. Lưu Đan Giai ngoài 40 tuổi rồi nhưng gia cảnh vẫn nghèo rớt mồng tơi. Một hôm, ông quyết định đến Quảng Đông tìm thân thích đang làm việc tại Chế quân thự (Xưởng chế tạo quân dụng) để nhờ giúp đỡ. Ngờ đâu người thân thích này lại xem thường ông, càng không muốn giúp ông tìm việc. Không còn cách nào khác, ông đành ở nhờ tại chùa Quang Hiếu.
Kì lạ là, lão phương trượng trong chùa vừa nhìn thấy ông liền cảm thấy rất thích. Lúc đó, có một vị chế quân rất sùng kính và tín ngưỡng Phật pháp. Mỗi tháng, ông ấy đều đến chùa quỳ lạy đảnh lễ, và cùng lão hòa thượng trò chuyện trút bầu tâm sự tại vườn trúc. Một hôm, vị chế quân này lại đến, kết quả một trận mưa như trút nước bất ngờ ập đến. Cơn mưa kéo dài suốt một ngày vẫn không ngớt, chế quân và tùy tùng của ông đều bị mắc kẹt lại ở trong chùa.
Lão hòa thượng chuẩn bị một ít cơm chay để chiêu đãi mọi người. Chế quân ngồi trong nhà ăn cảm thấy có chút buồn chán, bèn hỏi lão hòa thượng rằng: “Ở đây có ai có thể nói chuyện cùng được chăng?” Lão hòa thượng đáp rằng có Lưu tiên sinh đang sống trong tự viện. Chế quân lập tức sai người thỉnh mời Lưu tiên sinh.
Một lúc sau, người hầu trở lại báo cáo rằng: “Lưu tiên sinh cho rằng bản thân là một thư sinh nghèo ngoại tỉnh, không tiện ngồi cùng quan gia. Do đó, ông ấy từ chối không dám đến gặp mặt”. Chế quân nói: “Lễ mạo đối đãi hiền sỹ là điều nên làm. Một người đọc sách tự tại như vậy sao có thể gọi là đến được, ta phải đích thân đến tìm gặp mới đúng”. Nói rồi, chế quân thỉnh lão hòa thượng dẫn đường, đích thân tìm đến Lưu tiên sinh. Hai người vừa gặp mặt đã như quen biết từ lâu, vừa uống rượu vừa trò chuyện hết sức vui vẻ.
Ngày hôm sau, chế quân thỉnh mời Lưu Đan Giai đến quan thự, đối đãi với ông vô cùng lễ mạo. Lúc đó các quan lớn tại Quảng Đông như đốc phủ, tướng quân, các quan sai phòng thuế, mỗi năm theo thông lệ đều phải tiến cống ngọc khí. Người phụ trách chuẩn bị ngọc khí trước kia đều làm không tốt, Hoàng thượng đều không vừa lòng. Chế quân bèn giao việc này cho Lưu Đan Giai phụ trách.
Lưu Đan Giai tư chất thông minh, lại có nhiều kinh nghiệm sống, do đó làm việc gì cũng rất điêu luyện. Sau khi nhận lãnh kinh phí, một đồng ông cũng không tham lam chiếm dụng mà dành toàn bộ để mua ngọc tốt, tuyển thợ lành nghề, và hết lòng đặt tâm vào kiểu dáng. Do đó vật phẩm làm ra không những rẻ mà còn rất đẹp.
Ngọc khí sau khi được tiến cống thì Hoàng thượng rất hài lòng, lập tức trọng thưởng cho chế quân. Về phần chế quân, ông cảm thấy bản thân thật có huệ nhãn nhìn người, nên càng thêm coi trọng Lưu Đan Giai. Tướng quân và các quan sai phòng thuế sau khi biết sự việc thì đều đem việc tiến cống của mình nhờ Lưu Đan Giai giúp đỡ. Lưu Đan Giai dựa vào kinh nghiệm trước đây, càng muốn làm tốt hơn nữa. Những năm về sau, phàm là ngọc khí qua tay của ông tiến cống đều khiến Hoàng thượng rất hài lòng.
Các đại quan đều cho rằng ông là một nhân tài, nên muốn quyên nạp cho ông một chức quan. Nhưng Lưu Đan Giai lại cật lực từ chối và nói rằng: “Tôi chỉ là một thư sinh nghèo, sao dám làm quan chứ. Tôi chỉ là dựa vào hiểu biết chút ít về ngành buôn bán. Nếu các vị đại nhân có ý đề bạt tôi, vậy hiện nay có một hiệu buôn Tây vì lỗ vốn nên ngừng kinh doanh, tôi nguyện ý kinh doanh cửa hiệu này, để chăm lo cho gia đình.
Các quan viên đều đồng ý. Từ đó, Lưu Đan Giai bắt đầu công việc kinh doanh cửa hiệu Tây. Các cửa hiệu Tây khác thấy tiền vốn của ông có hạn, đều cười thầm, đoán rằng ông sẽ không duy trì được lâu. Chẳng ngờ không lâu sau, việc buôn bán kinh doanh của Lưu Đan Giai có một bước ngoặt lớn.
Một vị thương nhân người Tây từng hợp tác với chủ cũ của cửa hiệu này qua đời tại nước mình. Trước khi qua đời, ông ấy đã để lại di ngôn cho con trai rằng: “Cha còn nợ một cửa hiệu Tây tại Quảng Đông hơn 500 vạn lượng bạc cả vốn lẫn lời. Con không thể để ta trở thành người có nợ tiền không trả, nhất định phải đem tiền trả lại cho họ, đừng để người đời xem thường”.
Con trai người thương nhân làm theo di chúc của phụ thân. Anh vượt biển đến Quảng Đông, trả đầy đủ cho Lưu Đan Giai cả vốn lẫn lời. Người thương nhân đó trở về nước từ hơn 10 năm trước, một đi không trở lại. Cửa hiệu nhiều lần thay đổi chuyển nhượng, sổ sách ghi chép không thể kiểm tra rõ ràng được. Nhưng tên của cửa hiệu thì vẫn không thay đổi, do đó người cuối cùng tiếp quản Là Lưu Đan Giai mới có thể có được số tiền bất ngờ này.
Từ đó về sau, công việc buôn bán của Lưu Đan Giai đều suôn sẻ thuận lợi. Cứ như vậy, ông làm việc không tham lam, lúc đầu tuy bị thân thích xem thường nhưng về sau lại có được phúc lớn.
Hai câu chuyện trên nói đến việc có được tài phú “bất ngờ”, nói là bất ngờ nhưng thật ra đều là có định số. Mọi kết quả trên đời này đều cho chúng ta thấy một quy luật rằng: đức sâu dày mới che chở được muôn vật, có đức có tài, vô đức vô tài. Tài nhỏ dựa vào sức, tài lớn dựa vào đức.
Khi chúng ta muốn có được tiền muôn bạc vạn, thì trước tiên cần xem chúng ta có đủ phúc đức tương ứng hay không. Khi tài phú không ngừng tăng thì mọi người càng nên chú trọng nâng cao đức hạnh của mình, chỉ có như vậy mới có thể kiểm soát được tài phú cũng như phúc khí của mình.
Có thể có người nói rằng đạo lý ấy chúng tôi đều hiểu, nhưng tại sao có những người đức hạnh của họ tầm thường, thậm chí còn rất tệ, nhưng họ lại làm quan lớn, phát đại tài? Thật ra, trong đó đều có căn nguyên cả.
Nguồn: Epoch Times Tiếng Việt
- Xem thêm:
- Câu chuyện lịch sử: Tấn Hiếu Vũ Đế uống rượu khinh nhờn Thần nên qua đời
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!