Trong văn hóa truyền thống Á Đông có khái niệm “Quân quyền Thần thụ”, nghĩa là quyền lực của quân vương là do Thần ban cho. Hoàng Đế được gọi Thiên tử, nghĩa là con của Trời. Thiên tử ở vị trí cao nhất trên thế gian, nhưng phải đảm nhận sự giao phó của Trời, cần tuân theo ý mệnh của Trời để hành sự, dùng đức để trị vì thiên hạ.
Các vị hoàng đế nổi tiếng thời cổ đại như Nghiêu, Thuấn, Chu Văn Vương, Hán Văn Đế, Đường Thái Tông, Khang Hy đều là những bậc quân vương chân chính, họ xem cuộc sống của nhân dân bách tính là trách nhiệm của mình, vì vậy ở trên thuận theo Thiên ý, ở dưới hợp với lòng dân. Những vị hoàng đế này vừa tu dưỡng bản thân trong sự cần kiệm, cung kính, một mặt họ vừa lấy mình làm gương cho người khác, tức là dùng lễ nghĩa và đạo đức cao thượng để giáo hóa dân chúng, khiến nhân dân được sung túc, an cư lạc nghiệp.
Thời Ngũ Đế dùng đức trị vì thiên hạ
Ở thời đại Ngũ Đế, các vị hoàng đế đã dùng nhân đức để trị vì thiên hạ. Ngũ Đế đã tạo thành tấm gương cho những bậc quân vương đời sau.
Hoàng Đế được xưng là “Nhân văn thủy tổ” của dân tộc Hoa Hạ. Ông bái Quảng Thành Tổ học Đạo, thuận theo Đạo Trời để trị quốc, thi hành Đạo khắp thiên hạ, nhân dân bách tính hòa thuận khiêm nhường, mưa thuận gió hòa, không có trộm cướp đánh nhau.
Chuyên Húc Đế dựa theo Thiên lý để chế định ra lễ nghĩa, thuận theo khí của bốn mùa và Ngũ hành để giáo hóa dân chúng.
Đế Khốc ban phát ân lộc cho dân chúng, biết những chỗ cần thiết cho bách tính, yêu mến cảm hóa vạn dân, thi hành nhân đức nhưng không mất đi sự uy nghiêm, ôn hòa mà giữ chữ tín, khắp thiên hạ đều quy phục.
Thời kỳ trị vì của Nghiêu Đế có thể được xem là thời đại tốt đẹp nhất. Sử sách ghi lại một chuyện về Nghiêu Đế.
Một hôm đang đi trên đường, Nghiêu Đế gặp hai người bị bắt vì ăn trộm lương thực. Nghiêu Đế hỏi hai người vì sao mà phạm tội. Phạm nhân nói: “Bởi vì năm nào cũng có thiên tai, chúng thảo dân đói quá chịu không được, bất đắc dĩ mới đành phải đi trộm đồ của người khác”.
Nghiêu Đế sau nghe xong, ông nói với những binh sĩ áp giải phạm nhân rằng: “Hãy thả hai người họ, hãy trói ta lại đi”.
Phạm nhân và binh sĩ đều không hiểu gì, lúc đó Nghiêu Đế giải thích: “Ta có hai khuyết điểm: thứ nhất, ta không giáo hóa tốt dân chúng của ta, vì vậy họ mới đi trộm đồ; thứ hai là do ta vô đức, Trời mới hạn hán lâu như vậy mà không mưa. Cho nên người nên bị bắt vào ngục là ta”.
Lời nói và việc làm của Nghiêu Đế đã cảm động Trời xanh. Nghiêu Đế vừa nói xong, Trời đã cho mưa xuống.
Còn Thuấn Đế có tấm lòng hiếu thảo nổi tiếng trong thiên hạ. Mặc dù sống trong gia đình có người mẹ kế hoành hành ngang ngược, nhưng Thuấn Đế vẫn rất hiếu thuận với cha mẹ, đối xử tốt với em, dùng đức báo oán. Cho dù là ở đâu, nhân đức cao thượng của ông cũng có thể cảm hóa những người xung quanh.
Sửa văn đức để người ta đến với mình
Khổng Tử nói: “Cố viễn nhân bất phục, tắc tu văn đức dĩ lai chi “. Ý nghĩa chính là: người ở xa không phục thì hãy sửa văn đức để người ta đến với mình.
Những vị minh quân trong lịch sử Á Đông đều noi theo các vị tiên đế nhân đức, tôn trọng thiên lý, dùng đức trị quốc, thi hành nền chính trị nhân từ, để lại rất nhiều câu chuyện làm mọi người cảm động, được con cháu muôn đời sau truyền tụng.
Có một lần, vua Thành Thang đi thị sát và thấy ở vùng thôn quê có vài người đang giăng lưới khắp nơi để bắt chim. Vua Thành Thang nhìn thấy, cảm thấy không nỡ lòng, liền hạ lệnh cho những người trong đoàn tùy tùng mở lưới ở ba phía, chỉ giữ lại một phía, đồng thời cầu nguyện rằng: “Những con chim muốn bay sang trái thì bay bên trái, muốn bay bên phải thì bay bên phải, muốn bay cao thì bay cao, muốn bay xuống thì có thể bay xuống, tùy các ngươi tự do bay lượn! Chỉ có những con không nghe theo lời chỉ dẫn mới rơi vào lưới”.
Vua các nước chư hầu khi biết được câu chuyện này, đều nói rằng: “Vua Thành Thang là một vị vua nhân đức, sự nhân đức của Ngài thật rộng lớn, đến cầm thú chim muông cũng nhận được ân đức như vậy!”.
Nhờ ảnh hưởng của câu chuyện này, một thời gian đã có hơn 36 nước chư hầu quy thuận vua Thành Thanh.
Chu Văn Vương Cơ Xương, được người đời gọi là “Tây bá”, ông tuân theo di huấn của tổ tiên, lấy nhân đức để trị quốc, đối xử rất tốt với bách tính. Chu Văn Vương yêu dân như con, thần dân của ông cũng đều tôn kính trời đất, tuân theo pháp luật, đều tin vào: “Thiện hữu thiện báo”. Rất ít người cố ý phạm tội, phần lớn những người phạm tội đều là do nhầm lẫn, trật tự xã hội được duy trì một cách dễ dàng.
Dân chúng của Chu Văn Vương đều tuân theo thiên lý, làm theo lương tâm, sau khi phạm tội họ đều sẽ cảm thấy hổ thẹn mà suy nghĩ lại, muốn tự trừng phạt mình. Vì vậy vào thời đó chỉ cần vẽ một cái vòng trên đất, để nhốt phạm nhân, phạm nhân cũng sẽ không vượt ngục bỏ trốn, họ đều thành tâm muốn chuộc tội. Trong tâm mỗi người đều có “tâm pháp”, có thể tự ước thúc bản thân.
Chu Văn Vương không chỉ yêu dân như con, mà còn khiêm nhường kính trọng đối với những vị hiền giả. Rất nhiều nhân sĩ hiền đức đều tới quy phục ông. Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như Bá Di, Thúc Tề, nghe nói Chu Văn Vương rất trọng hiền đãi sĩ, nên cũng đến quy thuận.
Bậc đế vương lấy đức để trị quốc được Trời cao bảo hộ
Trong “Đạo đức kinh”, Lão tử nói: “Thánh nhân hằng vô tâm, dĩ bách tính tâm vi tâm”. Tạm dịch là: Thánh nhân không có tâm cá nhân, mà lấy các tâm của thiên hạ làm tâm mình.
Khổng Tử viết: “Người lấy đức trị quốc, mới có thể an bang.”
Trong kinh điển của nho gia, có câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Những câu trên đều thể hiện đạo lý rằng bậc quân chủ phải lấy đức để giáo hóa dân chúng, dùng đức để trị quốc.
Thời đại trị vì của Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế được xưng là “Văn Cảnh chi trị”. Vào thời kỳ này nền đức trị đã đạt đến cực thịnh. Hán Văn Đế nhân đức khoan hậu. Những phẩm chất tốt đẹp của ông đã mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho dân chúng trong thiên hạ, giúp triều Tây Hán dần dần cường thịnh.
Văn Đế bãi bỏ quy định chịu hình phạt liên đới. Ông cho rằng, pháp luật là để trừng trị hành vi bạo ngược, là công cụ để hướng con người đến với cái thiện, nếu đã trị tội phạm nhân, thì không nên liên lụy đến những người như cha mẹ, anh em, vợ, con vô tội của họ. Hơn nữa, chính sách pháp luật của Văn Đế công bằng khiến dân chúng trung hậu, việc luận tội thỏa đáng khiến mọi người tin phục.
Sau này, viên quan Thái Thương lệnh đất Tề là Thuần Vu Công phạm tội, nên phải chịu hình phạt. Con gái út của viên quan Thái Thương lệnh là Đề Oanh dâng tấu thư xin tình nguyện làm nô tỳ nhà quan, để miễn cho cha phải chịu tội hình. Văn Đế thương xót tấm lòng hiếu thảo của Đề Oanh, đồng thời cho rằng bản thân mình thiếu đức, nên sự giáo hóa không sáng suốt. Vì vậy, Văn Đế liền ban chiếu bãi bỏ những nhục hình như thích chữ lên mặt, cắt mũi, chặt chân… và thay thế bằng hình phạt đánh roi.
Vào thời kỳ “Trinh Quán chi trị” của Hoàng đế Đường Thái Tông, Đại Đường rất hùng mạnh, khiến các nước xung quanh thần phục. Biên giới của Đại Đường yên định, dân chúng an cư lạc nghiệp, trọng đức tu thiện.
Tháng 12 năm Trinh Quán thứ 6 (năm 632), Đường Thái Tông cho phép 390 tử tù về nhà, hẹn mùa thu năm sau trở lại chịu tử hình. Bởi vì cảm hóa trước ân đức của Hoàng đế Đại Đường, tất cả các tử tù đều trở lại đúng hạn. Đường Thái Tông thấy được sự trung tín của những tử tù này, liền hạ lệnh ân xá cho tất cả bọn họ.
Bạch Cư Dị từng làm thơ khen ngợi Đường Thái Tông: “Oán nữ tam thiên phóng xuất cung, Tử tù tứ bách lai quy ngục”. Tạm dịch là: Cho 3000 cung nữ được tự do, 400 tử tù tạm tha, tự giác quay lại nhà tù.
Nhờ đó, Đường Thái Tông được người dân trong thiên hạ ca tụng, lòng người hướng thiện, tạo nên thời kỳ Đại Đường thịnh thế.
Hoàng Đế Khang Hy thời nhà Thanh là người khai sáng nên thời kỳ “Khang Càn thịnh thế”. “Thanh Sử Cảo” đánh giá về ông như sau: “Làm bậc quân vương, thi hành nền chính trị nhân từ”; “thịnh đức chí thiện, dân chúng không bao giờ quên”.
Ông được mô tả là một vị quân vương thịnh đức chí thiện.
Một ngày nọ, Hoàng Đế Khang Hy nhận được tấu chương cầu cứu của Tây Vực, bẩm tấu rằng Oát La Tư Bộ Cát Nhĩ Đan cấu kết với Sa Hoàng của Nga tấn công Bố Lỗ Đặc. Hoàng Đế Khang Hy đã đích thân ngự giá thân chinh.
Hôm đó, đội quân của Khang Hy đến vùng núi phía tây, bất chợt gặp phải một cơn bão tuyết, hơn một vạn người ngựa bị mắc kẹt trong núi. Nhưng lúc này đoàn lương thảo chưa đến, đội quân của ông đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khang Hy lòng như lửa đốt, cho triệu đại tướng quân Đồ Hải đến thương nghị. Đồ Hải kiến nghị rằng nên trưng thu lương thảo của dân chúng địa phương, để giải quyết nguy cơ trước mắt.
Khi đó Hoàng đế Khang Hy đã trả lời chắc như đinh đóng cột rằng: “Thà thắt chặt đai lưng nhịn đói vài ngày, cũng không được trưng thu lương thảo của dân chúng. Hãy truyền lệnh của ta: Ai dám cướp lương thảo của bách tính, nhất định chém không tha!”.
Đồng thời, ông lệnh cho binh sĩ chia làm hai đội, một đội ngày đêm phá tuyết mở đường, một đội vào núi săn thú.
Để cảm tạ ân đức của Hoàng đế trong lúc khó khăn không cướp lương thảo của dân, những người chăn nuôi gia sức xa gần lần lượt mang lương thảo đến, họ dâng lên dê núi và những món ăn thôn quê. Nhờ vậy, vấn đề quân lương được giải quyết nhanh chóng, sĩ khí của quân đội cũng được khôi phục lại.
Quan lại bạo ngược tàn ác, hại người tự hại chính mình
Khi một bậc minh quân có thể thu phục được lòng dân thì những vấn đề khác đều có thể được giải quyết, các phương diện đều sẽ thuận lợi. Ngược lại, nếu không hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của dân chúng, dùng biện pháp cưỡng chế để ép buộc, cho dù dựa trên danh nghĩa vì lợi ích của quốc gia, cũng vẫn mang sẽ lại tổn hại cho nhân dân bách tính. Nếu bậc quân vương cứ cố chấp làm theo ý mình, thậm chí đàn áp lời kêu than của dân chúng, cuối cùng sẽ phải tự mình chuốc lấy trái đắng.
Thương Ưởng nhận chức Tể tướng ở nước Tần 10 năm, dùng hình pháp nghiêm khắc với bách tính. Sau khi Tần Hiếu Công qua đời, Tần Huệ Công hạ lệnh bắt Thương Ưởng. Thương Ưởng là người nước Ngụy, khi chạy trốn đến biên giới với nước Ngụy thì trời đã tối, bèn muốn vào quán trọ nghỉ ngơi. Ông chủ quán trọ từ chối nói: “Xin thứ lỗi cho, Thương Ưởng đã định ra pháp lệnh, nếu có khách không có giấy chứng minh thân phận, thì chủ quán cũng bị xử tội”.
Lúc này Thương Ưởng mới than rằng: “Trời ơi, hậu quả của pháp lệnh hà khắc là như thế này đây!”.
Ông cũng không dám ở lại quán trọ, chạy suốt đêm đến nước Ngụy. Sau đó Ngụy Vương cho rằng, ông ta từng thất tín, lại là tội phạm truy nã của nước Tần, nên không tiếp nhận ông ta. Thương Ưởng cuối cùng phải chịu hình phạt ngũ mã phanh thây, tru di cửu tộc.
Từ xưa đã có một câu danh ngôn: “Mạnh yếu nhất thời dựa vào sức mạnh, thắng bại lâu dài dựa vào đạo lý”.
Trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, đức chính hay bạo chính, thiện ác tốt xấu đều đã rõ ràng, chính là dành cho con người hiện đại tham khảo để lựa chọn.
Tác giả: Chu Huệ Tâm – Epochtimes
Đức Nhân biên dịch
Nguồn: NTD Việt Nam
Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.
- Xem thêm:
- Tấm lòng nhân hậu đằng sau câu chuyện tình lãng mạn
- Truyền thuyết dân gian: Thần Thổ Địa đứng dậy
Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.
Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.
Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).
Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!
Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!