10 câu tinh hoa nhất của Thái Căn Đàm: Trí tuệ đối nhân xử thế tránh họa tạo phúc

10 câu tinh hoa nhất của Thái Căn Đàm
Trong lúc yên tĩnh thì ý niệm trong sạch, có thể nhìn thấy bản nguyên chân chính của tâm tính. (Tranh Winnie Wang)

Tác giả Thái Căn Đàm là Hồng Ứng Minh từng nói rằng: “Trời khiến ta lao khổ hình hài, ta an nhàn cái tâm ta để bồi bổ. Trời khiến ta gặp nhiều tai ách, ta vui hưởng cái Đạo của ta để thông đạt”.

Tác giả của Thái Căn Đàm là Hồng Ứng Minh, tuổi trẻ ham mê sự phồn hoa của thế gian và công danh chốn quan trường, những năm cuối đời quy ẩn trong núi rừng.

Thái Căn Đàm thành sách vào những năm Vạn Lịch đời Minh (1573-1619), tác giả Hồng Ứng Minh, tự Tự Thành, hiệu Hoàn Sơ Đạo nhân. Ông là nhà tư tưởng và học giả đời Minh. Tuổi trẻ, ông ham mê sự phồn hoa của thế gian và công danh chốn quan trường, những năm cuối đời quy ẩn trong núi rừng, tẩy tâm lễ Phật, chuyên tâm trước tác.

Về Thái Căn Đàm

Tên sách Thái Căn Đàm được đặt theo câu của vị Tống Nho Uông Cách: “Nhân năng giảo đắc thái căn, tắc bách sự khả thành” (Người mà có thể ăn được rễ rau, thì trăm việc đều có thể thành công).

Vu Khổng Khiêm khi viết đề từ cho Thái Căn Đàm, đã luận thuật rằng: “Đàm lấy tên là Thái Căn, cho nên trải nghiệm tu luyện từ thanh bần gian khổ mà ra, cũng là đắc được từ việc tự bồi dưỡng tưới mát, có thể thấy được sự điên đảo phong ba, trải đầy gian nan hiểm trở của tác giả”.

Ông cũng dẫn một câu nói của Hồng Ứng Minh rằng: “Trời khiến ta lao khổ hình hài, ta an nhàn cái tâm ta để bồi bổ. Trời khiến ta gặp nhiều tai ách, ta vui hưởng cái Đạo của ta để thông đạt”.

Tác giả lấy vị của rau để ví với vị cuộc đời, người trồng rau chỉ có thể vun trồng bồi đắp cho gốc rễ cây rau thì mới có vị ngon lành.

Thời Hồng Ứng Minh sống, kỷ cương triều đình lỏng lẻo, chế độ quan lại đen tối, văn hóa xã hội cũng ngày một sa sút, một số trí thức trải qua những cơn phong ba trên quan trường, tới tấp quy ẩn núi rừng. Thái Căn Đàm sinh ra trong bối cảnh như thế, nó phản ánh tư tưởng Tam giáo Phật, Đạo, Nho hợp nhất của trí thức thời nhà Minh, và hòa nhập vào thể nghiệm tự thân của tác giả, để lại cho hậu nhân những phép tắc xuất thế và nhập thế.

Sau khi Thái Căn Đàm thành sách, nó được lưu truyền trong dân gian mấy trăm năm nay, không chỉ văn nhân tán thưởng, mà có được đông đảo người dân yêu thích, trở thành bộ sách được yêu thích rộng rãi. Thái Căn Đàm văn tự ngắn gọn súc tích, câu từ tinh tế trang nhã, đọc lên vần điệu thuận miệng, ngôn từ ưu mỹ mà ý chỉ sâu xa. Nội dung sách đề cập đến rất nhiều phương diện như vạn tượng nhân thế, khuyến thiện, lập chí, xử thế, tu dưỡng, là bài học giáo huấn quý giá hiếm có xưa nay.

Sách Thái Căn Đàm bán trên Tiki
Sách Thái Căn Đàm bán trên Tiki

1. Lùi chính là tiến, cho chính là được

Xử thế nhường một bước là cao, lùi bước là vốn để tiến bước;

Khoan dung với người là phúc, lợi người là nền tảng để lợi mình

Đại ý: Làm người đối nhân xử thế, có thể làm được nhẫn nhường thì đó chính là phương pháp cao minh, vì lùi, nhường một bước chính là bậc thang để tiến một bước. Đối đãi với người khác khoan dung rộng rãi, thì đó là người có phúc, vì đồng thời với việc tạo thuận tiện cho người, cũng chính là đặt nền móng để thuận tiện cho mình.

2. Thuận cảnh không đáng mừng, nghịch cảnh chẳng đáng lo

Sống trong nghịch cảnh, khắp người đều kim tiêm thuốc đắp;

Mài dũa mà không biết;

Sống trong thuận cảnh, trước mắt toàn giáo mác binh đao;

Chìm đắm cũng chẳng hay.

Đại ý: Ở trong hoàn cảnh không thuận lợi, giống như toàn thân châm kim, đắp thuốc, bất tri bất giác tôi luyện ý chí, bồi dưỡng phẩm hạnh cao thượng. Ở trong hoàn cảnh ưu việt, giống như bị các loại binh khí bao vây, bất tri bất giác bị móc hết thân thể, bị tiêu tán ý chí.

3. Thuốc tốt đắng miệng, lời trung nghịch tai

Tai thường nghe những lời trái tai, tâm thường có những việc trái ý.

Mới là hòn đá mài tu dưỡng đức hạnh.

Nếu lời nào cũng vui tai, việc gì cũng vui lòng, thì cuộc đời bị dìm trong rượu độc.

Đại ý: Thường nghe được những lời không thuận tai, thường gặp những việc không thuận ý, như thế mới là phương pháp rèn giũa tu thân dưỡng tính, nâng cao đạo hạnh. Nếu những lời nghe được đều thuận tai, những việc gặp phải đều thuận ý, thế thì cuộc đời này giống như bị ngâm trong rượu độc.

4. Khiêm, đệ nhất phúc khí, sửa, đệ nhất chí khí

Cái thế công lao, không địch nổi kiêu căng;

Tội lỗi tày trời, không địch nổi hối cải.

Đại ý: Dù có công lao cái thế, nếu vì thế mà kiêu căng tự mãn, thì ắt sẽ ngã nhào. Phạm tội tày trời, chỉ cần hối cải làm mới bản thân, thì vẫn có thể trở lại làm người.

5. Họa phúc chỉ trong một niệm

Niệm đầu vừa nổi,

Thấy trên con đường ham dục, thì kéo về con đường lý trí,

Hễ nổi liền thấy, hễ thấy liền chuyển,

Đó là bước ngoặt chuyển họa thành phúc, cải tử hoàn sinh,

Chớ coi nhẹ bỏ qua.

Đại ý: Khi niềm đầu (ý nghĩ) vừa sinh ra, hễ phát hiện ra niệm đầu này là khuếch trương dục vọng tà ác của con người, thì lập tức dùng lý trí kéo niệm đầu này trở lại con đường chân chính. Tà niệm hễ sinh ra liền phát hiện ra, hễ phát hiện ra liền thay đổi phương hướng, lúc này chính là bước ngoặt then chốt chuyển họa hại thành phúc lành, chuyển tử vong thành sinh cơ, nhất thiết không được coi nhẹ bỏ qua.

6. Yên tĩnh đạm bạc, nhìn tâm là Đạo

Trong yên tĩnh, ý nghĩ trong, thấy được chân thể của tâm; 

Trong an nhàn, sống thong dong, thấy được chân cơ của tâm;

Trong đạm bạc, ý càng vui, đắc được chân vị của tâm.

Nhìn tâm chứng Đạo, không gì bằng 3 việc này.

Đại ý: Trong lúc yên tĩnh thì ý niệm trong sạch, có thể nhìn thấy bản nguyên chân chính của tâm tính. Trong lúc nhàn nhã thì phong thái thong dong, có thể thấy được huyền cơ chân chính trong tâm. Trong đạm bạc thì tính tình yên tĩnh, khiêm tốn, bình hòa, có thể thể hội được những thú vị chân chính trong tâm, xem xét nội tâm để giác ngộ chân lý của thiên địa nhân sinh, thì không có cái gì tốt hơn 3 phương pháp này.

Thái Căn Đàm
Trong lúc yên tĩnh thì ý niệm trong sạch, có thể nhìn thấy bản nguyên chân chính của tâm tính. (Tranh Winnie Wang)

7. Đa nghi chiêu họa, ít việc là phúc

Phúc không gì bằng ít việc, họa không gì bằng đa nghi.

Chỉ người khổ vì việc mới biết ít việc là phúc;

Chỉ người tâm bình hòa, mới biết đa nghi là họa.

Đại ý: Hạnh phúc lớn nhất của con người, không gì bằng không có việc lo nghĩ trong tâm, tai họa lớn nhất của con người, không gì đáng sợ bằng nghi ngờ mọi thứ. Chỉ có người cả ngày bôn ba lao khổ nhiều việc, thì mới biết được vô sự thân nhẹ nhàng là hạnh phúc lớn nhất. Chỉ có người tâm luôn yên tĩnh an hòa lặng như nước, thì mới biết được đa nghi là tai họa lớn nhất.

8. Giữ đức chỉ tịch mịch nhất thời, xu nịnh quyền thế thê lương muôn thuở

Người giữ đạo đức, tịch mịch nhất thời

Kẻ a dua quyền thế, thê lương muôn thuở.

Người thông đạt quan sát vật ngoài vật, suy nghĩ thân sau thân;

Chịu tịch mịch nhất thời, chớ để thê lương vạn cổ.

Đại ý: Một người giữ vững đạo đức, có thể sẽ bị ghẻ lạnh nhất thời, còn những người a dua xu nịnh quyền quý, thì chịu cảnh thê lương mãi mãi. Một người hiểu rõ chân tướng vũ trụ, nhân sinh, không coi trọng những thứ bên ngoài tiền tài, mỹ sắc, danh vọng, ăn uống, suy nghĩ về chân ngã bên ngoài thân thể. Do đó, họ thà chịu tịch mịch nhất thời, cũng không muốn để linh hồn mình chịu thê lương mãi mãi.

9. Đường cần nhường một bước, vị cần giảm 3 phần

Đường qua chỗ hẹp, để một bước cho người đi;

Vị ngon nồng, giảm 3 phần cho người thưởng thức;

Đây là phương pháp xử thế an lạc nhất.

Đại ý: Khi đi qua chỗ đường hẹp, cần để lại một bước cho người khác được qua. Khi hưởng thụ đồ thơm ngon, cần chia cho người khác thưởng thức. Đây chính là phương pháp đối nhân xử thế an lạc nhất.

10. Không trái lương tâm, bình đạm lâu dài

Không trái lòng mình, không cạn tình người, không hết vật lực,

Ba điều này có thể lập tâm cho trời đất,

Lập mệnh cho muôn dân, tạo phúc cho con cháu.

Đại ý: Không che lấp lương tâm bản thân, không làm việc tuyệt tình tuyệt nghĩa, không lãng phí vật lực, nếu có thể làm được 3 việc này, thì có thể gây dựng tâm tính thiện lương cho trời đất, có thể sáng tạo mạch sống không ngừng cho muôn dân, có thể tạo phúc mãi mãi cho con cháu.

Trung Hòa

Nguồn: NTD Việt Nam


Mời quý độc giả ghé thăm trang NTD Việt Nam để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích hơn.

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x