Thư sinh rơi xuống động Tiên, sau nửa tháng đã 60 năm trần gian trôi qua

tu dao minh chan tuong

Vào thời Đường, có một thư sinh tên là Hứa Tê Nham, người Kỳ Dương, vì tham gia kỳ thi tiến sĩ mà trọ trong quán Hạo Thiên để đọc sách. Mỗi ngày từ sáng sớm đến đêm muộn, anh đều rất mực cung kính trước tượng Thần Tiên trong quán, kính cẩn bái lạy, cầu nguyện được phúc báo trường sinh. 

Trong lòng anh còn có một nguyện vọng, muốn đi đến Tứ Xuyên một lần. Bởi vì lúc ấy Vi Cao đang quản lý Kiếm Nam, trấn thủ Tứ Xuyên, nhiệt tình mời gọi chiêu đãi tân khách, cho nên có rất nhiều người ngưỡng mộ chính khí của ông ta, đều đến Tứ Xuyên du lãm. Hứa Tê Nham cũng chịu ảnh hưởng của bầu không khí lúc đó, muốn đi một chuyến.

Muốn đi thì cần có ngựa để lên đường, nhưng trong túi làm sao có đủ tiền. Hứa Tê Nham trước tiên đến chợ Tây đi một vòng, nhìn thử xem có gặp được cơ hội tốt không. Trong chợ, thấy có người dắt một con ngựa, con ngựa kia nhìn gầy gò, ốm yếu, giá tiền lại rẻ, nên Tê Nham bèn mua dắt về. 

Hứa Tê Nham phải lặn lội đường xa mới đến được Tứ Xuyên, mỗi ngày đều cho ngựa ăn thêm nhiều cỏ non, nhưng thân nó không béo lên nổi, thậm chí càng gầy đi. Tê Nham nghi ngờ con ngựa không thể đi đến được Tứ Xuyên, bèn đưa nó đi xem bói một quẻ. Bói được quẻ càn cửu ngũ, là quẻ tốt, người thầy bói tính quẻ nói: “Trên quẻ viết là tốt, tức là rồng bay trên trời, được gặp bậc đại nhân. Ngựa này là con ngựa rồng, nên phải trân quý nó”.

Đang đi trên con đường đến Tứ Xuyên, con ngựa bị giật mình. Trong lúc hoảng sợ, Hứa Tê Nham và ngựa bị ngã xuống một vách núi. Sau khi định thần xoay người, anh bị ngã trên đống lá già tích tụ nhiều năm, may mắn không bị thương. Nhưng anh ngước nhìn lên thì không còn thấy đỉnh núi, bốn phía cũng không tìm được đường ra, trong chốc lát mất đi lý trí.

Nhìn thấy con ngựa gầy còm còn nằm bên cạnh, Hứa Tê Nham cởi bỏ dây cương và yên ngựa, để ngựa tùy ý đi lại. Anh tìm thấy một ít hạt dẻ trong đống lá khô to bằng nắm tay, sau khi ăn xong thì không thấy đói nữa.

Thư sinh
Có tiên duyên vào được tiên phủ. (Ảnh minh họa: Tài sản công).

Hứa Tê Nham đi lại trong vách núi, thử tìm lối ra. Bỗng anh phát hiện một huyệt động, vui mừng như đã phát hiện được cơ hội sống sót. Anh tiến vào động đi qua đi lại, thấy trong động rất sâu, giống như đường hầm dưới đất không biết thông đến nơi nào, đường đi cũng không bằng phẳng, có lúc xuống, có lúc lên. Anh nhẩm đếm trên dưới khoảng hơn mười dặm, đột nhiên động dẫn đến bên cạnh một con suối bằng phẳng, ở đây hoa cỏ, cây cối dị thường lại tốt tươi, nước trong hồ trong xanh như gương.

Lúc này Tê Nham nhìn thấy một đạo sĩ nằm trên một tảng đá cạnh dòng nước, bên cạnh có hai ngọc nữ theo hầu. Sau khi rơi xuống vách núi, anh chưa gặp người nào khác, lúc này Hứa Tê Nham vui mừng vì mình đã được cứu. Anh tiến lên cầu kiến, gặng hỏi hai ngọc nữ rằng đạo sĩ là ai, ngọc nữ nói đó là Thái Ất Chân Quân. Hứa Tê Nham liền đem chuyện mình vừa trải qua nói với ngọc nữ, ngọc nữ cảm thương nên đem chuyện này nói với Thái Ất Chân Quân. 

Thái Ất Chân Quân gặp Hứa Tê Nham, hỏi anh rằng: “Cậu lúc ở nhân thế cũng rất yêu thích đạo thuật phải không?”. 

Hứa Tê Nham trả lời: “Không dám nói là yêu thích, tôi đã đọc qua ‘Trang Tử’, ‘Lão Tử’ và ‘Hoàng đình kinh’ hết rồi”.

Thái Ất Chân Quân lại hỏi: “Trong ba cuốn sách ấy, cậu tâm đắc những câu nào?”.

Hứa Tê Nham trả lời: Lão Tử nói, tinh hoa của Đạo rất chân thực; ‘Trang Tử’ nói, hô hấp dùng gót chân, ‘Hoàng đình kinh’ nói, dùng khí dưỡng tinh thần sẽ trường sinh mãi”.

Thái Ất Chân Quân cười nói: “Cậu rất gần với đạo rồi, có thể dạy dỗ được”.

Thái Ất Chân Quân bảo Hứa Tê Nham ngồi xuống, sau đó vừa rót cho anh ly rượu nhỏ, vừa nói: “Đây là tủy đá, Kê Khang không có cơ duyên có được, cậu lại có được rồi”. Nói rồi mời Tê Nham vào trong một gian phòng khác, bên trong còn có một đạo sĩ là Dĩnh Dương tôn sư. Ông xếp bày quẻ số cho Thái Ất Chân Quân, tiến hành tính toán, nói đêm nay đi mười vạn dặm về hướng đông. Hứa Tê Nham nhìn kĩ Dĩnh Dương tôn sư, nhận ra chính là người đạo sĩ bói quẻ cho ngựa, lòng thầm nghĩ, “ông ấy khả năng sớm biết ta gặp phải chuyện này rồi”.

Tối hôm ấy, Hứa Tê Nham và Dĩnh Dương tôn sư đi cùng Thái Ất Chân Quân, đến cầu đá núi Tây Long ở Đông Hải, tham gia gặp gỡ các vị chân quân. Trong số tiên khách ngồi ở đó có Đông Hoàng Quân, nhìn thấy Hứa Tê Nham liền vui vẻ nói: “Cháu của Hứa Trường Sử quả thực có tướng tiên!”

Đến lúc trời sáng, Tê Nham lại theo Thái Ất Chân Quân hồi về trong động Thái Bạch. Nửa tháng sống trong động này, Hứa Tê Nham không cảm thấy nhớ nhà muốn quay về.

Thái Ất Chân Quân nói: “Cậu đã uống tủy đá có thể trường sinh ngàn năm, không được tiết lộ, không được hoang dâm, thì có thể lại đến nơi này gặp gỡ”.

Sau đó, ông dẫn con ngựa Hứa Tê Nham cưỡi đến đưa cho anh. Lúc chuẩn bị xuất phát, Thái Ất Chân Quân nói: “Con ngựa này là rồng trong động của ta, bởi vì giận nó làm hại mùa màng, cho nên ta phạt nó phải gánh vác đồ nặng. Cậu có cốt tiên, nên mới gặp được nó. Nếu không, nơi đây là hang Thái Bạch, Dao Hoa thượng cung, cậu sao có thể đến được đây? Sau khi trở về nhân gian, cậu đem nó đến bên sông Vị Thủy, tùy nó đi, không cần giữ nó lại”.

Hai ngọc nữ nói: “Lúc rồng quay lại, hãy mang về một số châm sao của Điền Bà ở huyện Quắc”.

Sau khi Hứa Tê Nham cáo biệt họ, cưỡi lên ngựa rồng, chớp mắt dùng công phu liền đến nhà cũ ở huyện Quắc, nhưng nhà đã không còn, nghe người trong làng kể lại, mới biết được từ lúc anh rời đi đã là qua 60 năm rồi. Anh tìm đến Điền Bà hỏi thăm, Điền Bà nói: “Chị em Tử Tiêu của nhà Thái Ất thường gửi thư mua châm”. Vậy nên, Hứa Tê Nham mang một ít châm, buộc vào yên ngựa, mang ngựa thả ở bên sông Vị Thủy, ngựa liền biến thành rồng rồi bay đi.  

Lúc nhỏ Hứa Tê Nham ở trong làng từng gặp được Điền Bà, đến nay người trong làng chỉ có một Điền Bà mà thân hình dung mạo lại cùng một người, có lẽ  là tiên nhân. Vào năm cuối niên hiệu Đại Trung thời Đường Tuyên Tông , Hứa Tê Nham lại đến núi Thái Bạch ẩn cư.

  • Nguồn tư liệu: “Truyền kỳ”

Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo 
bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Link bài dịch: Epoch Times Tiếng Việt

Minh Chân Tướng là trang cung cấp những bài viết về Văn hóa Truyền thống, quý đọc giả sẽ tìm thấy bài viết hữu ích nhằm khơi gợi những quy phạm, tiêu chuẩn Đạo đức, Văn hóa chính thống cũng như toàn bộ nền Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5000 năm lịch sử.

Minh Chân Tướng sử dụng nguyên tắc Chân Thành và Thiện Lương làm kim chỉ nam trong suốt hành trình của mình. Chúng tôi chú trọng tính nhân văn, những bài học lịch sử và văn hóa truyền thống nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho mỗi người, mỗi nhà và cho xã hội.

Minh Chân Tướng là kênh thông tin phi lợi nhuận, chúng tôi cam kết không quảng cáo (từng bài viết quý vị đọc trên Minh Chân Tướng sẽ không bao giờ hiển thị bất kỳ một quảng cáo nào).

Cảm ơn Quí độc giả đã thường xuyên theo dõi và ghé thăm Minh Chân Tướng!


Email: [email protected] đã sẵn sàng nhận những phản hồi từ bạn!

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Bình luậnx
()
x